Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?
Bỗng dưng bị đánh đến chấn thương sọ não
Mới đây, clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh Trường THCS Phú Cường, quận Hà Đông, Hà Nội đánh hội đồng hai bạn nữ lớp 9 và lớp 8 sau giờ tan trường gây sốt cộng đồng mạng.
Clip ghi lại cảnh 3 nữ sinh đánh, đá liên tiếp vào phần bụng, đầu nạn nhân bằng chân và mũ bảo hiểm. Nhóm bạn đứng ngoài quay video clip, cổ vũ, mắng chửi bằng những từ ngữ thô tục, mà không hề can ngăn. Điều đáng nói là 1 trong hai nữ sinh bị đánh lại là người vào can nhưng bị các đối tượng hành hung đến mức bị chấn thương sọ não, phải nhập viện điều trị. Công an quận Hà Đông sau đó đã vào cuộc điều tra.
Nữ sinh dùng mũ bảo hiểm đánh bạn ở Thanh hóa (ảnh cắt từ clip). |
Phóng viên đã tìm đến Bệnh viện Thiên Đức (quận Hà Đông) nơi nữ sinh Đào Thủy Tiên (nữ sinh vào can bị đánh chấn thương sọ não) điều trị. Thời gian nữ sinh Thuỷ Tiên nhập viện, chỉ có anh Đào Cư Tuấn, bố cháu Tiên, cùng bà nội (cùng trú tại phường Phú Lãm, Hà Đông) thay nhau chăm sóc.
Theo lời kể của anh Tuấn, thì chiều ngày 26-12, sau khi đi làm về nhà, thấy con xoã tóc bù xù, anh Tuấn lấy làm lạ. "Bình thường con tôi lúc nào cũng cặp tóc gọn gàng, hôm đó nó xoã tóc, tôi đã hỏi là sao hôm nay lạ thế. Thấy tôi có vẻ xét nét thì nó vén tóc lên để lộ ra vết bầm tím rồi nói hôm nay ở trường con bất cẩn nên bị ngã. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì lời con nói. Chỉ đến trưa 29-12, sau khi xem được clip con và bạn bị đánh được tung lên mạng, tôi mới hỏi cháu thì cháu mới dám kể lại toàn bộ sự thật", anh Tuấn chia sẻ
Cháu Tiên kể với bố rằng sau khi thi xong học kỳ, cháu cùng với một người em là Nguyễn Kim Ngân (học sinh lớp 8) ra công viên thuộc phường Phú Lương chơi. Bỗng dưng có một nhóm nữ sinh gồm 3 người xông vào đánh Ngân. Thấy em bị đánh, Tiên nhảy vào can ngăn và hỏi: "Sao các chị lại đánh em của em". Ngay lập tức nhóm nữ sinh này đã lao vào đấm, đá Tiên tới tấp. Thậm chí một nữ sinh còn dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu em khiến chiếc mũ bị vỡ làm đôi. Sau khi đánh Tiên, nhóm này còn đe dọa em nếu dám về nhà kể với bố mẹ thì sẽ tiếp tục ăn đòn.
Sau khi biết toàn bộ sự việc, anh Tuấn đã tìm đến gặp 3 nữ sinh đánh con mình. Trong buổi làm việc đó, 3 nữ sinh là B.T.H.T (15 tuổi), B.T.G (16 tuổi) và N.T.T.M (16 tuổi) đã nhận lỗi và hứa sẽ không tái phạm. Sau đó phụ huynh của các nữ sinh này cũng có lời xin lỗi tới anh Tuấn và con gái, đồng thời cam kết sẽ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, gia đình anh Tuấn đợi đến ngày 2-1-2021, không thấy 3 gia đình của nữ sinh đánh con mình có động tĩnh gì. Cũng vào ngày hôm đó Tiên có biểu hiện buồn nôn, đau đầu. "Tôi đưa con mình vào bệnh viện chụp chiếu thì họ nói con tôi bị chấn thương sọ não, rạn xương hàm. Thấy tình trạng sức khoẻ con nguy hiểm nên sau khi đưa con nhập viện cấp cứu, tôi đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an", anh Tuấn cho biết.
Bác sĩ Phan Văn Hội, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Thiên Đức, cho biết: "Cháu Tiên nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não. Sau 7 ngày điều trị, bệnh của cháu đã tiến triển rất tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại chính là vấn đề sang chấn tâm lý. Rõ ràng đây là một cú sốc, hơn nữa hình ảnh cháu bị đánh lại tràn ngập trên mạng, chắc chắn sẽ khiến cháu có tâm lý e ngại, mặc cảm. Nếu cháu là người có bản lĩnh đồng thời gia đình và nhà trường luôn bên cạnh động viên thì sự sang chấn này sẽ sớm chấm dứt. Ngược lại, nếu không được quan tâm kịp thời, không có sự chia sẻ, cảm thông sẽ khiến sự sang chấn tâm lý này kéo dài. Nếu để lâu nó sẽ gây ra bệnh trầm cảm, thậm chí là tự kỷ".
Anh Tuấn lo sợ con mình sẽ bị ảnh hưởng tâm lý sau này. |
Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường cho hay, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã xuống gia đình thăm hỏi, động viên.
Sau khi cháu Tiên phải vào viện cấp cứu do chấn thương sọ não, anh Tuấn cũng đã gửi đơn đến cơ quan Công an. Thời điểm đó gia đình của 3 nữ sinh đánh hội đồng cháu Tiên đã nhanh chóng đến nhà anh Tuấn và hứa sẽ cùng gia đình chữa trị cho Tiên. Đến ngày 6-1, giữa gia đình anh Tuấn và gia đình 3 nữ sinh đã đồng ý phương án hoà giải.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng nữ sinh đánh hội đồng bạn học. Đầu tháng 11-2020, một nhóm nữ sinh lớp 9 ở Thanh Hoá cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu bạn, khiến nạn nhân phải nhập viện. Phẫn nộ hơn, khi sự việc xảy ra, rất đông học sinh khác đứng xung quanh chứng kiến, cổ vũ hành động đánh hội đồng của bạn mình. Trong khi đó, nguyên nhân của sự việc chỉ là mâu thuẫn về lời nói.
Ngày 9-10, mạng xã hội chia sẻ clip một nữ sinh bị bạn nữ khác đánh đập tàn bạo giữa đường khiến ai nấy phải rùng mình, phẫn nộ về tình trạng bạo lực học đường. Theo nội dung đăng tải, nạn nhân là nữ sinh học lớp 8 trường THCS Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nữ sinh đeo ba lô, mặc đồng phục chỉ biết ôm đầu nằm lăn lộn dưới đất trong khi bị một bạn nữ khác mặc áo màu xanh túm tóc, liên tiếp đấm đá vào người. Điều đáng nói, khi sự việc xảy ra, rất đông học sinh khác có mặt đã hô hào nhau đến xem cổ vũ nữ sinh kia đánh mạnh hơn và cùng quay clip. Không có ai có động thái can ngăn lại hành động bạo lực này.
Hoà giải, khuyên can là chưa đủ
Những vụ bạo lực học đường này thường có rất nhiều học sinh, thậm chí cả người dân chứng kiến, nhưng vì nhiều lý do, không ai dám ra can ngăn. Sau mỗi vụ việc, thường các bên gia đình chọn giải pháp hoà giải nên hầu như không có hình phạt thích đáng nào để răn đe. Vì thế các vụ bạo hành dường như vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, giáo dục tích cực, khuyên bảo, can ngăn là chưa đủ. Hành vi bạo hành, làm nhục người khác trước mặt nhiều người là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ. Để xem xét xử lý hình sự các trường hợp này hay không thì cơ quan điều tra cần làm rõ độ tuổi của các đối tượng vi phạm. Với những đối tượng chưa đủ 16 tuổi thì sẽ bị xử lý hình sự, nếu như hành vi này có dấu hiệu của tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Còn với những đối tượng đã đủ 16 tuổi thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, bạo hành, làm nhục người khác và tội truyền đưa dữ liệu trái phép trên mạng Internet.
Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương cho biết: "Để xảy ra tình trạng này là do chúng ta đã bỏ qua vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ em. Đặc biệt là chúng ta đã bỏ qua những tác động của nhà trường, của thầy cô đến học sinh. Hiện giờ có thể nói nhiều học sinh không còn tâm lý e sợ thầy cô giáo nữa. Chính vì vậy chúng ta mất đi hẳn một lực lượng giáo dục trẻ em.
Các phụ huynh thì lúc nào cũng lo con mình bị thiệt trước mặt các thầy cô, nhiều khi họ đã "gây sự" với các thầy cô để bảo vệ con mình. Và mỗi khi trẻ bị thầy cô và nhà trường kỷ luật thì nhiều phụ huynh lại có những phản ứng rất dữ dội dẫn đến nhiều học sinh có tâm lý không việc gì phải sợ các thầy cô. Khi mà các cháu không cảm thấy mình có nhiều tầng lớp để bảo vệ thì dẫn đến các cháu sẽ xử với nhau bằng "luật rừng".
Sức khoẻ cháu Tiên đã dần ổn định. |
Nếu như ngày xưa bọn trẻ con xích mích, ngoài việc mách bố mẹ, chúng sẽ báo cáo lên cô giáo và nhà trường. Như vậy chúng sẽ có thêm một vòng bảo vệ. Nghĩa là trẻ đi đánh nhau thì sẽ sợ thầy cô, sợ nhà trường, còn trẻ bị đánh thì tin rằng mình có nhà trường bảo vệ. Chính vì chúng ta không quan tâm nhiều tới vấn đề giáo dục đạo đức trẻ em nên chúng không nhận thấy việc chúng đánh bạn là đang vi phạm pháp luật. Chúng ta cần trao cho thầy cô và nhà trường nhiều quyền hơn để xử lý những vấn đề của học sinh.
Để làm được điều này thì phụ huynh cần phải hiểu được rằng những kỷ luật của nhà trường là để tốt hơn cho học sinh; đừng coi đó là thứ để hành hạ con em mình. Miễn làm sao những kỷ luật đó nó không ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ thì nó cực kỳ có giá trị. Học sinh cần phải biết tới một thứ giống như pháp luật, đó chính là nội quy nhà trường. Nội quy đó phải đủ nghiêm, đủ sức răn đe để cho tất cả học sinh phải tuân thủ. Cái đó sẽ đảm bảo được sự phát triển một cách bình thường cũng như rèn luyện về đạo đức cho học sinh và tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra".