Lần theo dấu vết tiền bẩn từ buôn lậu động vật hoang dã

Thứ Ba, 06/11/2018, 16:31
Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã lan tràn đã gây tác động hết sức nguy hiểm và thậm chí đe dọa tiêu diệt sự sinh tồn nhiều loài động vật quý hiếm. Do đó, giới chuyên gia kỳ vọng vào cách tiếp cận mới - đó là lần theo dấu vết bọn tội phạm để thu hồi lợi nhuận kếch xù mà chúng kiếm được từ hoạt động buôn lậu động vật hoang dã.

Nhưng, liệu biện pháp mới tấn công vào túi tiền của bọn buôn lậu có thể giúp bảo tồn các quần thể động vật đe dọa bị tuyệt chủng hay không?

Theo giới chuyên gia bảo tồn, động vật hoang dã được mua và bán trên thị trường đen ở mức độ công nghiệp để chế biến thực phẩm, dược phẩm, làm vật nuôi hay thậm chí tạo tác thành đồ trang trí. Quần thể 2 loài gặp nguy cơ cao như tê giác và voi hiện đã giảm sút đáng kể ở nhiều nước trên thế giới.

Chẳng hạn như ở Tanzania, số lượng voi đã giảm đến 60% - từ 109.000 con năm 2009, xuống còn 43.000 năm 2014, theo số liệu của chính quyền nước này. Tuy nhiên, còn nhiều loài khác - từ loài vượn lớn đến chim mỏ sừng và tê tê - cũng có mặt với số lượng lớn trên thị trường đen. Nhiều quốc gia rất ưa chuộng tiêu thụ thịt và vẩy tê tê dẫn đến tình trạng loài này trở thành động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.

Động cơ phía sau hoạt động buôn bán này rất dễ hiểu - đó là khoản lợi nhuận kếch xù. Tiền bẩn có được từ mạng lưới buôn bán động vật hoang dã chảy từ túi quan chức tham nhũng tới tay những kẻ buôn lậu hoặc trực tiếp hoặc qua Internet. Tuy nhiên, dòng tiền này thường bị “bỏ qua” trong cuộc chiến khốc liệt kiềm chế nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tràn lan hiện nay.

Thay vì theo dõi dòng tiền bẩn, cách tiếp cận phổ biến hiện nay vẫn là theo dõi đường đi của con vật bị rao bán. Mặc dù khó có thể tính toán chính xác, lợi nhuận từ buôn bán trái phép động vật hoang dã ước tính khoảng 23 tỷ USD/năm. Phần lớn trong số tiền khổng lồ này chảy thẳng vào túi bọn buôn lậu nhưng cũng có một khoản kếch xù khác được chuyển qua hệ thống ngân hàng một cách hợp pháp.

Trong thời gian gần đây, một số nỗ lực được triển khai nhằm ngăn chặn dòng tiền này. Ví dụ, ở Uganda vào năm 2017, 3 người bị bắt giữ và trừng phạt sau khi giới chức chính quyền tịch thu từ chúng 1,3 tấn ngà voi buôn lậu. Cuối cùng, cả 3 tên bị buộc tội không chỉ vì sở hữu trái phép các loài được bảo vệ mà còn vì tội rửa tiền - cụ thể là liên quan đến hành vi chuyển 190.000 USD giữa các tài khoản từ Lào và Uganda.

Một vụ tịch thu ngà voi buôn lậu tại Thái Lan.

Trong năm 2014, Cơ quan Chống rửa tiền Thái Lan (AMLO) mở cuộc điều tra quy mô về chiến dịch buôn bán động vật hoang dã từ Thái Lan đến Trung Quốc. Kết quả là tịch thu được khối tài sản trị giá hơn 36 triệu USD từ bọn tội phạm. Các nhà điều tra lần theo đường đi của dòng lợi nhuận bất hợp pháp này từ một vụ khác bị truy tố ở Indonesia.

Trong vụ này, một sĩ quan cảnh sát người Indonesia bị Tòa án Tối cao nước này tuyên án tù 15 năm vì tội rửa tiền, khai thác thiên nhiên bất hợp pháp và buôn lậu nhiên liệu. Bằng chứng điều tra cho thấy khoảng 127 triệu USD được chuyển qua tài khoản ngân hàng của viên cảnh sát biến chất.

Theo Steve Galster, người sáng lập Quỹ Chống buôn lậu Freeland (Thái Lan), các quốc gia đang có chiều hướng thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã toàn cầu với ý tưởng nhằm thẳng vào túi tiền của bọn tội phạm. Đồng thời, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới thông qua luật cho phép điều tra tội phạm động vật hoang dã giống như tội phạm rửa tiền để từ đó cho phép cơ quan thực thi pháp luật sử dụng những biện pháp mạnh như tịch thu tài sản, giám sát giao dịch tài chính, cảnh báo những tài khoản hoặc cá nhân khả nghi.

Viện Nghiên cứu RUSI (Anh) nhận định các cơ quan chống loại tội phạm này cũng cần tiến hành điều tra tài chính sau mỗi lần phá án để nhanh chóng phát hiện những mạng lưới rộng lớn hơn cũng như những khoản tiền bất chính cần phải đóng băng hoặc tịch thu.

Năm 2014, chính quyền Thái Lan đã đóng băng số tài sản trị giá 37 triệu USD liên quan đến một đường dây buôn lậu hổ ở miền Đông Bắc nước này sau một chiến dịch điều tra mở rộng với hỗ trợ từ Freeland. Ngoài ra, hoạt động điều tra tài chính cũng đòi hỏi sự hợp tác hỗ trợ chặt chẽ từ nhiều bên khác nhau. Nói cách khác, các bên liên quan có thể bao gồm các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, cơ quan điều tra tài chính và các tổ chức thu hồi tài sản.

Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ khủng hoảng mà động vật hoang dã đang phải đối mặt, việc thu thập thông tin tài chính được đánh giá là công cụ hiệu quả để bảo vệ các loài nguy cấp.

Nói tóm lại, biện pháp mạnh tay đóng băng và tịch thu tài sản bọn tội phạm có thể ngăn chặn kịp thời việc chúng sử dụng đồng tiền bẩn để tái đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp trong tương lai. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Viện Rusi, biện pháp này thường bị một số chính quyền không mấy đặc biệt quan tâm triển khai.

Trong hầu hết các trường hợp liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, các hành vi phạm tội chỉ dẫn đến hình phạt tối thiểu - phạt số tiền không lớn và án tù ngắn hạn. Cho đến nay, thành công trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã thường được đo đếm bằng số liệu hằng năm về số lượng động vật hoang dã buôn lậu tịch thu được. Điều này trái ngược với các tội phạm quốc tế khác, chẳng hạn như buôn bán ma túy, việc điều tra tài chính và tịch thu tiền bẩn cùng các tài sản khác được coi là ưu tiên hàng đầu.

Tại một hội nghị tổ chức ở London vào tháng 10-2018, một chủ đề chính được đưa ra là xem xét đưa việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp như một tội phạm quốc tế, có tổ chức. Trong sự kiện này, các biện pháp tài chính nhằm vào các mạng lưới tội phạm được đưa ra thảo luận.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.