Libya – mảnh đất màu mỡ cho khủng bố

Thứ Sáu, 10/07/2015, 15:01
Hơn một tuần sau vụ khủng bố tại khách sạn Riu Imperial Marhaba ở cảng El Kantaoui làm chết 38 du khách, ngày 4/7 Tổng thống Tunisia Béji Caid Essebsi đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp sẽ tạo thuận tiện cho sự di chuyển và triển khai quân đội trong nước.

Trước đây, vào tháng 1/2011, tình trạng khẩn cấp từng được ban hành và kéo dài đến ngày 6/3/2014, khi được cựu Tổng thống Moncef Marzouki bãi bỏ. Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp là sắc lệnh mở rộng quyền hành đặc biệt cho cảnh sát và quân đội. Những đơn vị quân sự canh giữ các tòa nhà quan trọng, những địa điểm công cộng như chợ, trung tâm thương mại… Tunisia phải đối mặt với sự phát triển của phong trào thánh chiến, đã hứng chịu 2 vụ khủng bố trong vòng 3 tháng.

Vụ khủng bố tại Bảo tàng Bardo vào tháng 3 làm chết 21 người, còn vụ khủng bố khách sạn ở cảng El Kantaoui ngày 26/6 làm 38 du khách thiệt mạng. Nhiều viên chức chính phủ và cảnh sát Tunisia, trong đó có Thống đốc Sousse, đã bị cách chức. "Có những sai sót trong hệ thống an ninh và có cả những sai sót về chính trị" - cố vấn báo chí Dhafer Néji của Tổng thống cho biết. 

Khách sạn Rin Imperlal Marhaba sau vụ khủng bố.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã đặt ra nhiều câu hỏi. "Vì sao phải mất 8 ngày mới áp dụng tình trạng khẩn cấp? Phải chăng có thông tin về một vụ khủng bố mới? Và tình trạng khẩn cấp sẽ được thi hành như thế nào? Bởi vì đây có thể là một công cụ đàn áp rất tốt. Điều này tùy thuộc vào các mưu toan chính trị" - nhà phân tích độc lập Selim Kharrat nhận xét. Phát ngôn viên văn phòng Tổng thống trấn an rằng đất nước Tunisia đã trải qua tình trạng khẩn cấp trong hơn 3 năm. "Với tình huống đặc biệt, cần phải có những biện pháp đặc biệt".  

Trong khi đó đất nước Libya láng giềng đang chìm trong hỗn loạn và trở thành điểm thu hút các nhóm khủng bố đến đấy để trải qua các khóa huấn luyện quân sự trước khi mở những cuộc tấn công ở nước ngoài, chẳng hạn như tại Tunisia vào tuần trước. Quốc gia này chia cách với Tunisia bởi một biên giới lỏng lẻo, có 2 quốc hội và 2 chính phủ kình địch cùng nhiều nhóm vũ trang, chúng ra đời và lớn mạnh sau khi nhà độc tài Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Tình trạng hỗn mang tại Libya "có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khu vực về lâu dài trên bình diện an ninh. Libya đã chứng kiến một dòng chảy tuy không nhiều nhưng liên tục các chiến binh trở về từ Syria" - chuyên gia phân tích Michael Nayebi-Oskoui làm việc tại Công ty Tư vấn Stratfor ở Texas giải thích. Hiện nay Tunisia là nguồn cung cấp chính các chiến binh thánh chiến tại Syria, Iraq và Libya, ước tính từ 2.000 đến 3.000 tên trong các khu vực xung đột đó. Trong số này có 500 tên đã trở về nước và là mối đe dọa cho an ninh đối với chính quyền.

Ngày 12/6, một nhóm vũ trang đã tấn công lãnh sự quán Tunisia ở thủ đô Tripoli của Libya và bắt cóc 10 nhân viên.

Theo chính quyền Tunis, gã khủng bố người Tunisia tấn công khủng bố khách sạn ở cảng El Kantaoui đã được đào tạo về vũ khí tại Libya giống như những tên khủng bố đã tấn công Bảo tàng Bardo ở Tunis vào tháng 3. Cả 2 vụ khủng bố đều được IS nhận trách nhiệm. Chính quyền Tunisia cho biết các tên khủng bố đã ngụ tại Sabratha vào cuối năm 2014, trong một doanh trại của nhóm khủng bố Ansar Al-Charia. Thành phố Sabratha nằm cách Tripoli 60km về phía tây và cách Ras Jdir 100km, điểm lưu chuyển giữa Libya và Tunisia.

"Sabratha nằm kề một khu vực gọi là Jefara, vắt ngang biên giới Tunisia-Libya, có rất nhiều bộ tộc du mục xưa sống bằng nghề buôn lậu. Sabratha được mô tả như là trại huấn luyện. Có nhiều khả năng mục tiêu chính ở đấy là tuyên truyền cực đoan hóa" - nhà phân tích Philip Stack cho biết.

Theo giới an ninh ở Tripoli, nơi đặt trụ sở của chính quyền Libya không được cộng đồng quốc tế công nhận, có hàng trăm chiến binh nước ngoài, trong đó có người Tunisia trở về từ Iraq và Syria, đã thâm nhập vào Libya những tháng gần đây, lợi dụng tình trạng hỗn loạn. Mới đây, IS đã kiểm soát thành phố Syrte cách Sabratha 500km. Nhóm này đã tìm được mảnh đất màu mỡ sau khi liên kết với nhóm vũ trang thân Gaddafi. "Thành phố có thể trở thành một Fallouja mới và là hang ổ đào tạo khủng bố của nhiều nước" - một viên chức ở Syrte nhận định, ám chỉ đến một thành phố gần Baghdad do IS kiểm soát.

Hôm 3/7, tờ New York Times đưa tin: một tên thánh chiến cao cấp người Tunisia, thành viên Al-Qaeda, đã bị thiệt mạng tại Libya trong một vụ oanh kích của quân đội Mỹ. Seifallah Ben Hassine, tự là Abu Iyadh, đã triển khai một kế hoạch ám sát và khủng bố, hắn ngụ tại Libya từ năm 2013.

"Tình hình tại Libya là mối nguy cho nền an ninh Tunisia. Bất chấp các biện pháp an ninh, có 2 mạng lưới có thể vượt biên để đưa những thanh niên đến các trại huấn luyện ở Libya, đào tạo cách sử dụng vũ khí mà chúng sẽ dùng trong những cuộc tấn công rồi đưa chúng trở về Tunisia. Đến khi cần chúng sẽ được gọi đến. Tunisia chỉ trở lại bình thường một khi giải quyết xong tình hình tại Libya" - nhà phân tích chính trị Slaheddine Jourchi đưa ra nhận định.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.