Libya trước trận chiến lớn với IS

Thứ Năm, 19/10/2017, 09:36
Quốc hội Libya ngày 10-10 đã thông qua sửa đổi thỏa thuận chia sẻ quyền lực và chuyển tiếp chính trị ở nước này. Đây là bước đi đầu tiên được cho là gỡ rối cho “mớ bòng bong” chính trị cũng như tập trung quyền lực để đối phó với sự lớn mạnh của IS tại vùng đất này, sau những thất bại ở Syria.

Hội đồng Tổng thống và cuộc tập quyền mong manh

Hiện Libya đang bị tàn phá bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa hàng chục nhóm vũ trang khác nhau sau khi lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) đã được thành lập và hoạt động tại Tripoli từ tháng 3-2016, tuy nhiên, đến nay GNA vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước.

Theo thỏa thuận được sửa đổi, Hội đồng Tổng thống (trụ sở ở Tripoli) sẽ có đặc quyền lựa chọn các lãnh đạo cấp cao quân đội và an ninh. Hội đồng Tổng thống có thể sẽ được cơ cấu lại với 3 thành viên, thay vì 9 người như hiện nay (bao gồm 1 tổng thống, 5 phó tổng thống và 3 bộ trưởng).

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực và chuyển tiếp chính trị tại Libya do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ được xem là giải pháp duy nhất hiện nay giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm qua ở quốc gia Bắc Phi này.

Lực lượng an ninh Libya truy kích IS ở Sirte. Ảnh: alaraby.co.uk.

Thỏa thuận này kết thúc bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử trong khoảng một năm tới. Điều 8 của thỏa thuận được xem là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các phe phái liên quan. Điều khoản này quy định tất cả lãnh đạo quân đội và an ninh cấp cao phải do Hội đồng Tổng thống bổ nhiệm và người đứng đầu Hội đồng Tổng thống phải đồng thời là Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang.

Trong khi đó, cơ quan lập pháp ở miền Đông và Tư lệnh, Tướng Khalifa Haftar yêu cầu vị trí Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang cùng các lãnh đạo quân đội phải do Quốc hội bầu chọn. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Agila Saleh Issa cũng cho rằng bộ máy Hội đồng Tổng thống hiện nay quá cồng kềnh và cần phải cắt giảm nhân sự.

Libya đã chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Đất nước bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, người đứng đầu GNA được LHQ công nhận Fayez Sarraj đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp lãnh đạo quân đội miền Đông Khalifa Haftar tại Paris. Tại đây, hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội cũng như tìm giải pháp bảo vệ quốc gia này khỏi khủng bố và nạn buôn lậu.

Trước đó, vào ngày 1-10, các đại diện Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng Nhà nước Libya (Thượng viện) đã nhất trí tổ chức lại cơ cấu hoạt động của Hội đồng Tổng thống thuộc Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA). Để có hiệu lực, quyết định này phải được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước chính thức thông qua.

Theo ông Mohamed Lino, thành viên Quốc hội Libya, các đại diện Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã nhất trí tách Hội đồng Tổng thống ra khỏi GNA và giảm số thành viên xuống còn 3 người, trong đó có một chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Mặc dù vậy, ông Mohamed Lino cho biết hiện vẫn còn 2 điểm bất đồng chưa được giải quyết, đó là việc bổ nhiệm chủ tịch và 2 phó chủ tịch Hội đồng Tổng thống cũng như vị trí tư lệnh quân đội tối cao.

Lo “hậu sự”, IS chọn Libya

Libya phải gấp rút tiến hành tập quyền trong bối cảnh IS nhanh chóng thành lập đội quân tại sa mạc Libya. Một quan chức Libya cho hay, sau khi căn cứ Sirte bên bờ biển Địa Trung Hải thất thủ hồi năm ngoái, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Libya đã chạy trốn vào sa mạc và thành lập một đạo quân tại đây.

Quan chức trên cho hay đạo quân mới của IS gồm ít nhất 3 lữ đoàn, dưới sự lãnh đạo của chỉ huy người Libya là Al-Mahdi Salem Dangou, hay còn gọi là Abu Barakat. Nhóm quân mới này còn có các tay súng đến từ Sudan, Ai Cập, Tunisia và Algeria.

Theo quan chức trên, hàng trăm chiến binh thánh chiến được cho là đã chạy trốn khỏi Sirte trước hoặc trong suốt 7 tháng diễn ra chiến dịch truy quét lực lượng này khỏi thành phố ven biển mà IS tại Libya đã giành được quyền kiểm soát hồi năm 2015. Vốn ẩn nấp tại các trại trong sa mạc, các tay súng IS đã trở nên manh động hơn thời gian gần đây, khi lập một số điểm kiểm soát trên các con đường dẫn kết nối với khu vực miền Nam và Đông Sirte cũng như tuyên bố thực hiện hai vụ tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng địa phương.

Lực lượng an ninh Libya trong một cuộc tấn công IS. Ảnh: BBC.

Hãng tin Tân Hoa Xã mới đây có bài phân tích cho thấy, mặc dù lực lượng Chính phủ Libya, được sự hậu thuẫn của LHQ, đã đánh đuổi IS ra khỏi thành phố Sirte ở phía bắc của quốc gia Bắc Phi này vào năm ngoái, và quân đội miền Đông đã đánh bại các tay súng phe đối lập 3 tháng trước, song người Libya vẫn không tin rằng cuộc chiến chống lại IS đã kết thúc.

Cách đây ít ngày, 3 kẻ đánh bom liều chết của IS đã tấn công một khu tổ hợp tòa án ở thành phố Misrata, cách thủ đô Tripoli 200 km về phía đông, khiến 40 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương. Suleiman Al-Faqih, một thành viên của Quốc hội Libya cho rằng hành động của IS là "tội ác cực đoan" và là một biểu hiện rõ ràng về sự khát máu khủng bố thường dân và giết người vô tội.

Ông Al-Faqih cho biết cuộc tấn công của IS vào khu liên hợp Misrata là "một phản ứng bình thường, đặc biệt là sau khi IS thất bại tại thành phố Sirte, trong đó có sự tham gia của lực lượng quân sự của thành phố Misrata. Vì vậy, nhóm này đang cố gắng trả thù người thành phố Misrata do đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh đuổi IS ra khỏi căn cứ quan trọng cũ của chúng".

Mohammed Al-Khoja, một nhà nghiên cứu các vấn đề của các tổ chức khủng bố nói rằng cuộc tấn công của IS vào Misrata đã giúp các lực lượng an ninh nghiêm túc và thận trọng hơn trong việc đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng và khó giải quyết được sau chiến thắng đã đạt được ở Sirte và Benghazi.

Ông Al-Khoja chỉ ra rằng cuộc tấn công gần đây phải được quan tâm, điều tra để tăng cường các nỗ lực tình báo, theo dõi những thành viên IS đang hoạt động ngầm ở Misrata và các thành phố lân cận. Đây là một bằng chứng khác cho thấy sự hiện diện của IS sẽ không chấm dứt trong thành phố, và tương lai nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ và bạo lực hơn có thể sẽ diễn ra để trả đũa cho những hoạt động quân sự do Misrata dẫn đầu chống lại IS tại Sirte", Al-Khoja nói.

Cuộc tấn công gần đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trước đó, nhiều tay súng IS đã bị phát hiện ở vùng ngoại ô thành phố Sirte. Lực lượng không quân Mỹ gần đây đã thực hiện các vụ không kích nhằm vào các căn cứ, thành viên IS ở các thung lũng và khu vực sa mạc ở Libya.

IS không biến mất

Việc các lực lượng thân chính phủ giành lại được thành phố Sirte từ tay IS đã đánh dấu một thất bại quan trọng của tổ chức cực đoan này tại Libya, song giới chuyên gia nhận định rằng điều đó không báo hiệu sự kết thúc của chủ nghĩa thánh chiến tại quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.

Cho đến nay, việc để mất thành phố cảng Sirte là đòn nặng nề nhất đối với những nỗ lực của tổ chức cực đoan này nhằm chiếm giữ và kiểm soát vùng lãnh thổ Libya dọc theo chuỗi các vùng lãnh thổ mà chúng tự gọi là “đế chế Hồi giáo” tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, có khả năng nhóm này sẽ tiếp tục ẩn náu tại đây và tìm cách làm suy yếu tính thống nhất vốn đã rất mong manh của quốc gia Bắc Phi này.

Claudia Gazzini, chuyên gia phân tích về Lybia của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, nhận định: “Việc các lực lượng chính phủ chiếm lại được thành phố Sirte chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào các nhánh liên kết của IS tại Libya bởi chúng sẽ không còn một thành trì nào trên lãnh thổ của quốc gia này nữa”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng IS có thể sẽ duy trì các nhánh nhỏ của chúng tại những khu vực khác của đất nước. Trong bối cảnh các phe thù địch đang chiến đấu với nhau nhằm giành quyền kiểm soát, IS ngẫu nhiên có quyền tự do xâm nhập sâu vào nhiều thành phố của Libya.

Binh lính các nước phương Tây tham gia gìn giữ hòa bình ở Libya. Ảnh: Middle East Eye.

Mattia Toaldo, chuyên gia về Libya tại Hội đồng châu Âu về các vấn đề đối ngoại, nhận xét: “Thành công của IS khi chiếm được Sirte và thiết lập một wilayat (một tỉnh thuộc đế chế Hồi giáo) từng là một sự kiện lớn có tính lan truyền mạnh mẽ, thu hút các phần tử thánh chiến từ khắp Bắc Phi và khu vực Sahel

Theo các nguồn tin từ Pháp và Mỹ, khoảng 5.000 đến 7.000 phần tử Hồi giáo cực đoan đang có mặt trên khắp Libya. Chuyên gia Gazzini cho biết, các phần tử IS có thể vẫn duy trì một sự hiện diện xung quanh thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai là Benghazi ở phía đông đất nước.

Những tên đã trốn thoát khỏi Sirte dường như đã di chuyển xuống thành phố Sebha ở phía nam, gần biên giới của Libya với các nước Algeria và Niger. Khu vực miền Nam thiếu kiểm soát này là một căn cứ quan trọng của những kẻ buôn người và vũ khí trái phép dọc khu vực Sahel.

Dầu mỏ, lý do để IS ở lại

Frederic Wehrey, một chuyên gia về Libya tại Quỹ vì hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định lý do IS “nhòm ngó” Libya chính là các nguồn dầu mỏ. Vị trí địa lý gần châu Âu và tình trạng vô chính phủ do các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ khiến Libya trở thành mục tiêu lý tưởng cho IS. IS đang mở rộng sự kiểm soát đối với những vùng đất rộng lớn của Libya.

Khi IS gặp nhiều khó khăn tại các cơ sở ở Syria và Iraq thì chúng lại càng mở rộng những mối liên hệ với các nhóm chiến binh liên kết tại Libya. IS kỳ vọng rằng bằng cách khai thác các giếng dầu tại Libya, tổ chức này có thể có nguồn thu nhập mới để thay thế các nguồn thu bị mất ở Syria và Iraq.

Những diễn biến như vậy đặc biệt gây lo ngại cho các nước châu Âu, vì mối lo về sự gia tăng nhập cư từ Bắc Phi tới châu Âu cũng như nỗi sợ về việc miền Bắc Libya có thể trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu từ miền Nam Italy. Gần đây, hàng chục thành viên kỳ cựu của IS trong các cuộc chiến ở Syria và Iraq đã được cử tới Libya để giúp cải thiện khả năng chiến đấu của các nhóm chiến binh địa phương liên kết với tổ chức này. Những nhóm này được bố trí xung quanh các thành phố có những nguồn dự trữ dầu mỏ lớn.

Tình báo Mỹ ước tính rằng các nhóm chiến binh địa phương có liên hệ với IS có khoảng 6.000 thành viên, tập trung chủ yếu xung quanh thành phố Sirte, và đang tranh thủ tình trạng vô chính phủ ở Libya do cuộc đấu đá quyền lực giữa các liên minh bộ lạc và nhóm chiến binh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào khu vực trọng yếu về dầu khí (vùng có hình lưỡi liềm dọc bờ biển Địa Trung Hải từ Sirte tới Benghazi). Đây là khu vực có nhiều dầu mỏ nhất của Lybia. Libya sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi, khoảng 48 tỷ thùng. Dù sản lượng dầu mỏ của Libya đã giảm từ 1,6 triệu thùng/ngày ở thời điểm 5 năm trước xuống còn khoảng 400.000 thùng/ngày hiện nay, song Libya vẫn còn là một nước khai thác dầu mỏ lớn trên thế giới (hiện đứng thứ 20).

Vùng lưỡi liềm dầu khí của Libya tập trung tới 2/3 trữ lượng dầu mỏ của nước này. Vì vậy, IS rất muốn kiểm soát vùng này. Trận chiến giành dầu mỏ tại Libya được đánh giá là rất quan trọng đối với IS bởi lực lượng khủng bố này đang bị thiệt hại nặng nề cả về quân sự và tài chính trên các chiến trường Syria và Iraq. Libya vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực (nhất là giữa hai phe cánh lớn đối nghịch) nên được coi là một địa bàn mới rất "thuận lợi" của IS.

Giới phân tích nhận định, đánh đuổi IS khỏi Libya không dễ. Hiện các quốc gia phương Tây đều cho rằng một hành động quân sự phải sớm được tiến hành để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của IS ở Libya. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây không phải là lựa chọn dễ dàng.

Chuyên gia Malcolm Chalmers tại Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia (RUSI) có trụ sở ở London nói: “IS rõ ràng đã thiết lập cứ điểm vững chắc ở Libya và đây là mối quan ngại ngày càng tăng đối với các nước NATO, bởi vậy một cuộc can thiệp quân sự là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Hoa Huyền
.
.