Liên minh châu Âu và cuộc chống tiền giả

Thứ Năm, 21/01/2010, 15:40
Kể từ khi loài người sử dụng tiền để trao đổi, mua bán đến nay, vấn đề tiền giả đã trở thành căn bệnh trầm kha trong hệ thống tiền tệ các nước. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài hơn một năm qua, “nguyên khí” của đồng đôla đã bị giảm sút, đồng bảng Anh cũng bị chao đảo... Vị thế đồng euro đã trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.

Trụ sở Câu lạc bộ thợ thuyền mang tên "Nanakton" là một ngôi nhà 2 tầng bình thường tọa lạc tại ngoại ô thành phố London, Anh. Từ năm 1873 đến nay, căn nhà vẫn im lìm, lặng lẽ nằm đó. Tuy nhiên, năm 2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Anh nhận được tin báo, đó là "hang ổ" chuyên sản xuất và tiêu thụ tiền giả. Ngay lập tức, cảnh sát đã vào cuộc.

Qua khám xét tịch thu được những tập tiền euro giả mệnh giá 50 đồng, tổng trị giá số tiền giả tới 2 triệu bảng Anh. Những kẻ phạm pháp đã bị bắt và đưa ra xét xử. Trước khi vụ án bị phanh phui, theo lời khai của tên đầu sỏ, bọn chúng đã sản xuất và tung ra thị trường châu Âu số tiền giả trị giá tới 5 triệu euro.

Hiện có 16 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, tổng mức tiền tệ lưu thông trên toàn cầu chỉ đứng sau đồng đôla Mỹ. Là ngoại tệ mạnh, đồng euro trở thành mục tiêu của những kẻ sản xuất tiền giả. Căn cứ vào số liệu điều tra thu thập được từ các tổ chức tội phạm ở Italia và khu vực Bancăng sản xuất, Cơ quan Cảnh sát Pháp cho rằng: những đồng euro giả lưu hành trên đất Pháp là do bọn buôn lậu đến từ Ba Lan, EstoniaBulgaria.

Tháng 8-2009, qua hơn 2 năm dày công mật phục theo dõi, Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu đã triệt phá được một nhóm chuyên làm tiền giả tại thị trấn Polovti, Bulgaria. Từ năm 2005 đến nay, nhóm tội phạm này đã sản xuất và tung ra thị trường 1,6 triệu eruo giả.

Cơ quan Cảnh sát Tây Ban Nha cũng tuyên bố đã triệt phá được một đường dây tội phạm làm tiền giả. Mấy năm qua, đường dây này hàng tháng lại bí mật đưa vào Tây Ban Nha 50 ngàn euro giả. Kể từ ngày sử dụng đồng tiền chung châu Âu, số tiền giả cơ quan cảnh sát nước này tịch thu được đã lên tới con số 6 triệu euro.

Chuyên gia giám định tiền của Ngân hàng Trung ương châu Âu Mcklan cho biết: "Thời kỳ đầu phần lớn những đồng euro giả đều in ra với trình độ kỹ thuật kém, các loại máy soi tiền thông thường đều có thể phát hiện được. Tuy nhiên, ngay cả những kẻ in tiền giả chuyên nghiệp cũng không mấy quan tâm đến việc in những đồng tiền giả như thật để lừa hệ thống giám định của cơ quan ngân hàng, chúng cho rằng chỉ cần "qua mắt" được người dân bình thường là được". "Phương thức trao đổi" cũng rất đơn giản và hấp dẫn, người mua tiền giả mang đi tiêu thụ chỉ phải thanh toán 10% mệnh giá của đồng tiền.

 Theo các chuyên gia tiền tệ của Hà Lan, giá thành sản xuất 1 tờ 50 euro giả chưa tới 1% mệnh giá của đồng tiền.

Mặc dù hiện nay, châu Âu chưa rơi vào một cuộc khủng hoảng về tiền giả, nhưng theo đà tiến bộ của khoa học công nghệ, kỹ thuật làm tiền giả của bọn tội phạm ngày tinh vi, hoàn thiện, rất khó phát hiện, số tiền giả bí mật tung ra thị trường ngày càng nhiều... đó là một thách thức rất lớn. Theo số liệu thống kê, năm 2007, số euro giả tịch thu được tăng 12% so với năm trước, năm 2008 lại tăng thêm hơn 10% nữa, đạt mức kỷ lục tính từ 5 năm gần đây.

Bọn tội phạm rất "quan tâm" tới đồng 20 euro,  đồng 500 euro giả thì Cơ quan Cảnh sát châu Âu chưa một lần bắt được. Điều này cũng dễ hiểu bởi mọi người dân đều có ý thức cảnh giác cao với đồng euro có mệnh giá cao.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia tiền tệ, đồng euro giả có mệnh giá lớn được bọn buôn bán vũ khí trái phép, bọn buôn ma túy và bọn tội phạm rửa tiền rất “thích”, bởi chúng có thể cất giữ trong cặp và mang đi một cách dễ dàng hàng triệu euro giả.

Cảnh sát Madrid thu giữ tiền Euro giả, năm 2005.

Lịch sử sử dụng tiền tệ của loài người cũng là lịch sử đấu tranh với nạn tiền giả. Thời kỳ cổ xưa con người trao đổi với nhau bằng những hạt côca, ở Nga thời kỳ đó đã có kẻ dùng hạt đậu để làm giả côca.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, để phá hoại nền kinh tế và hệ thống tiền tệ của Anh, phát xít Đức đã cưỡng bức một chuyên gia sản xuất 30 tỉ đồng bảng Anh giả. Điều đặc biệt là đầu năm 2009, cụ Adof (năm nay đã ngoài 90 tuổi) đã sang thăm Anh theo lời mời của Cơ quan Ngân hàng nước này để xem lại những "kiệt tác" của mình.

Điều đau đầu cho những chuyên gia tiền tệ và cơ quan cảnh sát các nước trong liên minh là hiện nay, bọn tội phạm làm tiền giả sử dụng những thiết bị công nghệ ngày càng tiên tiến để làm tiền giả với giá thành rất rẻ. Số liệu tiền giả của Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra chỉ là số tiền giả cảnh sát đã bắt được, còn số liệu chính xác đồng euro giả lưu thông trên thị trường toàn cầu  là bao nhiêu hiện vẫn không thể xác định được.

Có chuyên gia cho rằng: số euro giả chỉ là "một góc của tảng băng" chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đang tập trung nghiên cứu, áp dụng các biện pháp công nghệ mới nhất, tạo ra những đồng euro có nhiều điểm đặc biệt  để chống việc làm giả

Phạm Xuân Tiến (tổng hợp)
.
.