Lộ chuyện tình ngang trái của ông chủ WikiLeaks
- Người sáng lập WikiLeaks xuất hiện tại tòa án ở London
- Trùm WikiLeaks gửi "tâm thư viết tay" cho báo giới từ trong tù
- Nhà sáng lập WikiLeaks bị Mỹ kết tội, đối mặt với nhiều chục năm tù
Cuộc gặp khó khăn
Ngày 25/8 vừa qua, Stella Morris và 2 cậu con trai được đến thăm Julian Assange. Chuyến thăm quý giá kéo dài 20 phút là lần đầu tiên sau gần 6 tháng gia đình này không gặp nhau vì dịch COVID-19. Ngay khi bước vào khu vực gặp người thân, các lính canh tại nhà tù Belmarsh cảnh báo luật sư Stella Morris rằng, nếu cô để bọn trẻ lại gần và tiếp xúc với Julian Assange, mẹ con cô sẽ phải rời khỏi đây, còn Julian Assange sẽ bị biệt giam trong hai tuần.
Điều này quả thật khó với bà mẹ Stella Morris, 37 tuổi, để giải thích cho Gabriel, 3 tuổi và Max, 18 tháng, hiểu rằng vì sao ông bố không thể ôm hôn bọn trẻ.
“Tôi nghĩ anh ấy đã không rời phòng giam trong 3 ngày”, Stella Morris nói. Cô mô tả, Julian Assange đang trong tình trạng khủng hoảng cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong nhà tù được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt số 1 ở xứ sở sương mù, Julian Assange gần như sống biệt giam. Phải mất hơn một năm kể từ khi bị bắt giam tại nhà tù Belmarsh vì vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại, Julian Assange mới nhận được chiếc máy tính để có thể truy cập vào hòm thư điện tử. Tuy nhiên, ông chỉ có thể đọc tài liệu bằng bản PDF do các cổng USB đều bị bịt, bàn phím bị dán keo và phần mềm xử lý văn bản bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, Julian vẫn có thể viết trên giấy. “Nhưng anh ấy cũng không làm điều đó”, Stella Morris nói.
Julian Assange và Stella Morris bắt đầu hẹn hò từ năm 2015. Ảnh: dailymail.co.uk. |
Đối với Stella, Julian vẫn là người đàn ông "đến từ thế giới khác", là "người tiên phong". Stella quyết định đến với Julian dù biết rằng người yêu không có ngày tự do. Ban đầu hai người giữ bí mật để bảo vệ tình yêu.
Nhưng mối tình này đã bị thẩm phán Vanessa Baraitser tiết lộ khi bà này công bố bức thư của Stella kêu gọi trả tự do cho Assange dù trước đó cô đã yêu cầu thẩm phán không tiết lộ danh tính của mình.
“Tôi đã sống một cách yên lặng và kín đáo, một mình nuôi nấng Gabriel và Max khi mong mỏi một ngày chúng tôi có thể đoàn tụ như một gia đình. Nhưng hiện giờ mạng sống của anh ấy đang gặp nguy, tôi không có lý do gì để im lặng. Tôi muốn gia đình của chúng tôi được đối xử công bằng", nữ luật sư nói.
Tình yêu nảy nở
Stella Morris sinh ra và lớn lên ở Nam Phi. Năm lên 8 tuổi, Stella theo cha mẹ tới sinh sống ở Botswana, Lesotho và Thụy Điển. Thời gian sau, gia đình cô lại chuyển tới Tây Ban Nha, trước khi định cư ở Vương quốc Anh.
Cha của Stella là một kiến trúc sư, và mẹ cô là giám đốc một nhà hát đã nuôi nấng hai anh em trong một thế giới ngập tràn nghệ thuật và cam kết chính trị. Một số bạn bè của họ, các nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các nhà hoạt động như họ, đã bị sát hại. “Tôi được giáo dục với ý thức công lý mạnh mẽ, và tôi sớm biết điều khủng khiếp nào có thể xảy ra với những người chiến đấu vì công lý", Stella nói.
Bức ảnh chụp Julian Assange và con trai Gabriel tại Đại sứ quán Ecuador ở London Ảnh: dailymail.co.uk. |
Stella ngưỡng mộ cuộc chiến vì công lý, hiểu rằng việc bảo vệ những giá trị này là điều kiện của tự do. Cô đã theo học Khoa học chính trị và Luật ở London (Anh), nghiên cứu về tình trạng của người tị nạn trước khi bắt đầu học thạc sĩ ngành ngoại giao ở Madrid (Tây Ban Nha). Vì đam mê, cô quyết định trở thành một luật sư về luật quốc tế.
Stella Morris lần đầu tiên nghe nói đến WikiLeaks vào năm 2008. Trang mạng này khi đó vừa công bố các tài liệu liên quan đến Đông Timor, đất nước cô từng sống 1 năm (từ 2005 đến 2006). Năm 2010, khi đang tham gia khóa huấn luyện ở Canada, Stella được xem một đoạn video có tiêu đề "Kẻ giết đồng nghiệp" do chính lính Mỹ quay vào năm 2007 và được công bố trên trang WikiLeaks.
Video cho thấy hình ảnh lính Mỹ tiến hành một cuộc không kích ở Baghdad giết chết một số dân thường, trong đó có 2 nhà báo của Reuters. Stella xem video với một cựu phi công chiến đấu. “Anh ấy nói với tôi điều đó không có gì lạ trong quân đội. Tôi rất sốc vì điều đó”.
Một năm sau, Jennifer Robinson, một luật sư nhân quyền bảo vệ cho WikiLeaks, đã liên lạc với Stella. Vào thời điểm đó, Julian Assange bị buộc tội tấn công tình dục ở Thụy Điển. Stella, người biết nói tiếng Thụy Điển và Tây Ban Nha, có mối liên hệ với các luật sư Thụy Điển. “Khi tôi đọc báo cáo của cảnh sát, ngay lập tức tôi hiểu rằng nó sẽ chẳng đi đến đâu cả”.
Lần đầu tiên Stella gặp Julian Assange ở London, trên tầng 1 của Câu lạc bộ Frontline. Ban đầu, nghe giọng nói của Stella, Julian Assange nghĩ cô là người Mỹ. Với sự cảnh giác, anh nhâm nhi ly trà và nói chuyện dè chừng. Anh hỏi cô về nguồn gốc, thăm dò quan điểm và khả năng bào chữa của cô. Còn với nữ luật sư, cô bị người đàn ông này hớp hồn ngay từ lần đầu gặp mặt.
Với sự trợ giúp của Stella, Assange đã thoát tội tấn công tình dục ở Thụy Điển. Tuy nhiên, người đàn ông quốc tịch Australia lại đối mặt với một loạt cáo buộc tiết lộ một loạt thông tin "tuyệt mật" về các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, chiểu theo luật về tình báo của Mỹ. Washington cho rằng, Assange đã giúp chuyên gia phân tích tình báo Chelsea Manning lấy trộm các tài liệu trên và công bố ra khắp thế giới năm 2010.
Năm 2012, lo sợ bị dẫn độ sang Mỹ, Assange đã trốn đến Đại sứ quán Ecuador ở London. Stella Morris là người kết nối giữa thẩm phán người Tây Ban Nha, Julia Assange, và các thành viên của Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Hầu như ngày nào cô cũng tới Đại sứ quán Ecuador ở London. Từ đó, Assange và Stella ngày càng hiểu nhau. "Chúng tôi có tình cảm với nhau. Tôi muốn gặp anh trong hoàn cảnh khác nhưng chúng tôi đã có cuộc sống của riêng mình. Anh ấy là bạn tâm giao của tôi”, Stella nhớ lại.
Julian Assange khi bị khống chế rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. |
Tình yêu giữa hai người nảy nở vào năm 2015 ngay trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Tòa đại sứ chỉ rộng 230m² và có khoảng 10 nhân viên, Julian Assange ở trong một căn phòng có giường ngủ và bếp. Ban đầu, Stella và Assange không muốn có con nhưng khi đã trải qua nhiều khó khăn, hai người đã quyết định hành động theo cách của mình.
“Chúng ta sẽ có một gia đình, chúng ta sẽ phải chung sống với thế giới”, Assange từng nói. Còn với Stella, họ đã cố ý chọn việc có con là để "phá vỡ những bức tường xung quanh ông ấy" và để "hình dung về một cuộc sống bên ngoài nhà tù".
Dù Đại sứ quán được gắn camera giám sát mọi nơi, nhưng hai người vẫn tìm được chút không gian riêng tư. Khi biết mình có thai, Stella đã viết tin mừng vào tờ giấy nhỏ và lén gửi cho Assange. Để giữ bí mật tình yêu của hai người, Stella không đến đại sứ quán trong giờ hành chính. Cuộc sống xã hội của cô cũng bị thu hẹp lại từ đó.
Để giúp Assange theo dõi từng bước của cậu con trai Gabriel, hai người thường xuyên gọi video. Sau đó, để Assange có thể gặp mặt con, Steve-một người bạn của Stella-đồng ý nhận là giáo viên dạy tiếng Trung cho anh. Một lần, Steve dẫn theo Gabriel và nói với nhân viên Đại sứ quán Ecuador ở Anh rằng Gabriel là con trai của anh này.
Tuy nhiên, chính trường Ecuador năm 2018 có nhiều biến động, khiến mối quan hệ của Julian Assange với các nhân viên đại sứ quán Ecuador ở Anh xấu đi. Kể từ tháng 3/2018, Julian Assange bị tước quyền tuyên bố công khai, đường dây điện thoại, internet cũng bị cắt. Một ngày nọ, khi Stella đến thăm Assange, một thành viên của Hiệp hội An ninh Tây Ban Nha nhắc nhở: “Cô nên dừng việc mang đứa bé theo”. “Đứa bé nào? Tôi không biết ông muốn nói gì”, Stella hỏi lại.
Nhưng người đàn ông trên cảnh báo cô rằng họ đã được lệnh đánh cắp tã của Gabriel để thực hiện phân tích ADN... “Mọi thứ diễn ra một cách khó chịu. Tôi quyết định cắt đứt mọi liên lạc giữa Assange và con trai”, Stella nói.
Chính trong bầu không khí căng thẳng đó, vào tháng 11/2018, Stella Morris mang thai đứa con thứ hai với Assange. Để cứu mình và các con, cô quyết định sẽ không đến đại sứ quán nữa cho đến khi cậu bé Max chào đời vào tháng 2/2019.
Cuộc chiến pháp lý
Tháng 4/2019, Chính phủ của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno rút quyền tị nạn chính trị của Assange và sau đó ông đã bị cảnh sát Anh bắt giữ. Assange đã bị một tòa án ở London kết tội vi phạm các điều kiện tại ngoại và bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London để chờ tuyên án. Trong khi đó, các cơ quan tư pháp Mỹ đã đưa ra tới 18 tội danh chống lại Assange.
Stella Morris và hai con trai. Ảnh: dailymail.co.uk. |
Ngày 24/6 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã củng cố vụ kiện khi đưa thêm bằng chứng vào bản cáo trạng, theo đó chứng minh Assange đã tuyển dụng tin tặc và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ. Mỹ cũng cáo buộc Assange đã xâm nhập trái phép hệ thống máy tính của chính phủ một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phiên tòa xem xét việc dẫn độ Assange sang Mỹ đã diễn ra trong một tuần hồi tháng 2/2020, nhưng sau đó liên tiếp phải hoãn lại vì dịch COVID-19 kéo dài.
Ngày 10/9 vừa qua, phiên tòa này lại “quá tam ba bận” hoãn lại sau khi một trong các luật sư đại diện cho phía Mỹ có các triệu chứng mắc COVID-19. Hiện chưa rõ bao giờ phiên tòa sẽ được nối lại. Nếu bị dẫn độ và đưa về Mỹ xét xử, “cha đẻ” của Wikileaks có thể sẽ phải đối diện với tổng án phạt lên tới 175 năm tù. Đó là kịch bản mà Stella Morris không hề mong đợi.
“Trong 5 năm qua tôi đã nhận ra tình yêu biến những tình cảnh không thể chịu đựng nổi thành chấp nhận được, nhưng lần này thì khác, tôi rất sợ tôi sẽ không được nhìn thấy anh ấy nữa”, cô nói.
Trong cuộc chia sẻ với báo chí mới đây, Stella cũng bày tỏ niềm tin vào công lý, rằng người đàn ông của cô sẽ được trả tự do, được nhìn thấy các con khôn lớn và một đám cưới sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt, nhưng không phải trong nhà tù Belmarsh.