Loài đười ươi bị đe dọa vì nạn phá rừng

Thứ Bảy, 23/05/2020, 20:26
Tại Indonesia và Malaysia, có ba loài đười ươi đã được biết đến - gồm đười ươi Borneo, đười ươi Sumatra, và đười ươi Tapanuli, trong đó loài cuối cùng mới chỉ được xác định vào năm 2017.

Từ “orangutan” bắt nguồn từ chữ “orang” trong tiếng Malay để chỉ người, và chữ “hutan” để chỉ rừng. Dịch đầy đủ ra thì nó có nghĩa là “dã nhân” (người rừng), và đây là loài mà con người có chung tới 97% bộ ADN.

Có bàn chân giống như tay, đười ươi cực kỳ khéo léo và nhanh nhẹn, di chuyển dễ dàng từ cây này sang cây khác. Giống như toàn bộ các loài linh trưởng lớn khác, chúng có bộ não lớn. Kết hợp với những ngón tay khéo léo, đười ươi có những hành động ta có thể coi như là “con người”. 

Chúng biết sử dụng các công cụ như gậy để bắt các con mối, kiến và ong ra khỏi các lỗ, hốc trên cây. Người ta cũng đã quan sát thấy chúng tự làm cho mình một kiểu găng tay từ lá cây để bảo vệ tay khỏi các cành cây có nhiều gai hay những trái cây có vỏ xù xì. Đười ươi thậm chí còn biết lấy lá to che trên đầu làm ô khi trời mưa!

Đười ươi Borneo.

Tuy rất biết kiên cường tận dụng các tài nguyên xung quanh, nhưng số lượng đười ươi đang giảm đi do tình trạng phá rừng khiến chúng mất đi môi trường sống. Các ước tính cho thấy hiện có khoảng 57.000 - 100.000 con đười ươi Borneo, chưa tới 14.000 con đười ươi Sumatra, và còn chưa tới 800 con đười ươi Tapanuli. 

Chúng hiện đang đối diện với rất nhiều mối đe dọa mà nghiêm trọng nhất là tình trạng phá rừng, săn bắt bất hợp pháp làm thức ăn và để bán làm thú cảnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng trong khu vực - như nạn đốn gỗ lậu, khai thác sản xuất dầu cọ, khai mỏ và mở rộng hoạt động nông nghiệp, và những hoạt động này đang diễn ra trên quy mô lớn đến kinh hoàng.

Chỉ trong thời gian chưa đến 40 năm, đảo Borneo của Malaysia đã mất 10 triệu hecta, tức 39%, diện tích rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, tình trạng tàn phá môi trường sống của chúng không hẳn đều do con người gây ra. Do khí hậu thay đổi, các đám cháy rừng đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, và điều này đe dọa tới số lượng đười ươi. 

Ví dụ như các vụ cháy rừng hồi năm 1997-98 tại Kalimantan đã giết chết tới 8.000 con đười ươi. Tuy đã có các khu vực được quy hoạch thành khu bảo tồn đười ươi, nhưng điều này tỏ ra không hiệu quả.

Đười ươi là loài động vật có vú lớn nhất sống trên cây với 90% thời gian là ngồi trong các tán cây để tìm kiếm thức ăn và để ngủ. Môi trường sống ưa thích của chúng là rừng nhiệt đới mọc trên nền đất than bùn ở vùng trũng, và do phụ thuộc nguồn thức ăn ưa thích nên chúng hiếm khi sống ở nơi có độ cao trên 500 mét. 

Đười ươi Sumatra.

Chúng cần có những khu rừng rộng để tìm được đủ thức ăn và bạn tình. Khi di chuyển trong rừng, chúng có thể tóm bắt và bẻ gãy các cành cây, tạo ra những khoảng trống trong tán lá. Điều này khiến ánh sáng chiếu được xuống nền đất bên dưới, giúp cây cối phát triển và do đó rừng được tái tạo một cách tự nhiên.

Đây không phải là vai trò sinh thái tích cực duy nhất của đười ươi. Trong quá trình di chuyển, chúng phát tán các hạt cây dính trong lớp lông của chúng (và có thể cả trong phân - đười ươi cũng nhổ hạt ra khi ăn một số loại trái cây).

Điều này khiến chúng được đặt biệt danh là “người làm vườn của rừng”. Cuộc cạnh tranh giành thức ăn rất khắc nghiệt, dẫn tới sự tồn tại bán cô đơn ở loài này, vốn là điều đặc biệt ở các loài linh trưởng. Thức ăn của chúng có tới 60% là hoa quả, mà sầu riêng là thứ rất được ưa chuộng. Người ta biết rằng đười ươi ăn được trên 400 loại thực phẩm khác nhau, và khi hoa quả hiếm hoi thì chúng sẽ quay sang ăn vỏ cây, lá cây.

An An (tổng hợp)
.
.