Loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Brussels: Tại sao lại là Bỉ?

Thứ Tư, 30/03/2016, 15:30
Loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Brussels làm 31 người chết và hơn 300 người bị thương được lý giải nguyên nhân là do cuộc chiến tại Syria làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và hơn cả Bỉ là quốc gia có số công dân tham chiến ở Syria nhiều hơn bất cứ quốc gia nào tại “lục địa già” nếu tính theo quy mô dân số.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các vấn đề về thể chế chính là nguyên nhân gây khó khăn cho Bỉ trong nhiều năm qua – và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lợi dụng những điều này.

Giao thông thuận tiện

Trước đây, nói đến Brussels mọi người đều sẽ nghĩ đến những hồi ức đẹp như có quảng trường lớn to đẹp, bức tượng đồng hình “cậu bé tè”, nhà thờ St. Michael, hoặc bị lưu luyến bởi đường phố đông vui nhộn nhịp, được thưởng thức kem ly và socola với nhiều loại hương vị...

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn về thành phố này sẽ phát hiện nhiều vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây có mối liên kết chặt chẽ với Brussels: vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công khủng bố Tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) tháng 1/2015 đến từ chợ đen vũ khí ở Brussels; tay súng Ayoub El Khazzani có ý đồ thực hiện tấn công khủng bố trên chuyến tàu cao tốc Thalys từ Amsterdam đến Paris, trước đó sống ở Brussels; trung tâm lên kế hoạch, chỉ huy và lo công tác hậu cần của các vụ tấn công liên hoàn ở Paris khiến 138 người thiệt mạng được đặt tại Brussels.

Trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của EU được đặt tại Brussels, lẽ ra chỉ số an ninh ở đây phải rất cao, vì sao những kẻ khủng bố lại nhắm mục tiêu vào “thành phố trái tim” của EU, khiến cảnh báo chống khủng bố của thành phố này một lần nữa được nâng lên mức cao nhất?

Xét về vị trí địa lý, Bỉ là trung tâm của toàn bộ châu  Âu. Thủ đô Brussels của Bỉ được biết đến như là “thủ đô của châu  Âu”, là thành phố cổ có hàng nghìn năm lịch sử, cách các thành phố chủ yếu của Tây Âu khoảng 200-300 km, do có vị trí địa lý ưu việt, giao thông và thông tin phát triển, nên thành phố này trở thành điểm hội tụ của văn hóa và kinh tế Tây Âu.

Brussels cũng là cảng hàng không quốc tế quan trọng, nằm trên tuyến chính nối liền Paris và London của đường sắt cao tốc Eurostar, cộng thêm Bỉ và các nước EU khác đều là nước nằm trong khu vực Schengen, nên người dân có thể tự do đi lại. Thành phố này đã trở thành con đường nhất định phải đi qua và pháo đài chiến lược quan trọng để các phần tử khủng bố lẩn trốn. Do Brussels có vị trí quan trọng như vậy, phát động tấn công ở đây có ý nghĩa tượng trưng, nên các phần tử khủng bố đã chọn nơi này để hành động.

An ninh tăng cường tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Xung đột văn hóa

Các nước châu Âu luôn lo lắng xuất hiện phần tử cực đoan sinh ra và lớn lên trong lòng nước mình, và một số vụ tấn công xảy ra tại châu Âu trước đó cho thấy trong số những kẻ khủng bố chắc chắn có cả công dân châu Âu. Các phần tử khủng bố gây ra vụ tấn công tại Paris chủ yếu là dân nhập cư thế hệ thứ hai được tuyển mộ từ khu vực “làng thánh chiến” Molenbeek ở thủ đô Brussels.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong 100 năm qua Bỉ đã đón nhận nhiều đợt dân di cư, một lượng lớn trong số đó đến từ Bắc Phi, Trung Đông. Đây là những khu vực mà tầm ảnh hưởng của các tổ chức Hồi giáo cực đoan tương đối lớn.

Trong những năm 1960, để giải quyết các vấn đề như thiếu hụt sức lao động, chính phủ đã mở cửa cho lượng lớn dân nhập cư. Khu Molenbeek hiện nay có khoảng 100.000 dân nhập cư, trong đó 40% là người Hồi giáo. Sau khi đến Bỉ, những người dân di cư vẫn chưa thực sự hòa nhập được với xã hội bản địa, họ thường tập trung ở những khu vực kinh tế lạc hậu, hình thành nên cộng đồng của riêng mình.

Tờ “Washington Post” từng tiến hành thống kê nguồn gốc xuất thân của các thành viên tham gia IS, trong đó Bỉ có gần 300 người, chỉ đứng sau Anh và Pháp. Bỉ đã không thành công trong việc để 650.000 người Hồi giáo hòa nhập với văn hóa trong nước, trên thực tế văn hóa quốc gia của Bỉ đã bị chia làm hai.

Trung chuyển vũ khí đạn dược

Sự tràn lan vũ khí trái phép ở Bỉ cũng đã tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố. Vụ nổ súng trên chuyến tàu quốc tế Thalys ở châu Âu xảy ra vào tháng 8/2015, nghi phạm bị điều tra đã lên tàu ở Brussels, hơn nữa vũ khí mang theo khi chúng gây án “rất có thể” được mua ở Bỉ. Theo truyền thông Bỉ đưa tin “nhiều năm qua Bỉ chính là trạm trung chuyển vũ khí bất hợp pháp”.

Tháng 1 năm ngoái, vũ khí được sử dụng ở vụ xả súng tại trụ sở Tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp cũng có manh mối liên quan được tìm thấy ở Bỉ. Ở Bỉ, để có được vũ khí là một việc tương đối dễ dàng, đặc biệt ở các khu phố gần khu vực Midi và Molenbeek là kho súng ống trái phép mà các phần tử khủng bố tìm kiếm được.

Trước đó, Bỉ đã áp dụng luật súng đạn lỏng lẻo trong một thời gian dài, nhiều vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến tranh Balkans đều thông qua nhiều con đường để tiến vào chợ đen của Bỉ. Đồng thời, do chịu sự hạn chế của các biện pháp thắt chặt tài chính, Bộ Tư pháp Bỉ không thể điều tra rõ nguồn gốc gây ra vấn đề súng đạn trái phép.

Cho dù Cục quản lý vũ khí liên bang của Bỉ đã tiến hành thanh tra và thống kê đối với vũ khí vào tháng 6/2015, chỉ có 426.900 khẩu súng được đăng ký, ít hơn 463.000 khẩu so với 889.900 khẩu trước khi thực thi Luật vũ khí mới năm 2006”.

Cục diện chính trị hỗn loạn

Nếu coi việc chống khủng bố là một công việc có tính hệ thống và tính toàn cục thì Bỉ không thể đủ điều kiện làm được việc này. Về mặt an ninh đối ngoại, Bỉ rất ỷ lại vào NATO; đối với trong nước, hệ thống hành chính quan liêu của nhà cầm quyền Bỉ vận hành chậm chạp, không có kinh nghiệm ứng phó với nguy cơ an ninh kiểu này, giám sát và ngăn chặn không mạnh tay đối với các thế lực cực đoan trong nước, các chính sách tấn công có liên quan không đủ mạnh. Những nhân tố này đều là nguyên nhân quan trọng sinh ra các thế lực khủng bố.

Tuy yêu cầu nâng cao cảnh giác đã được đề cập nhiều năm nay, nhưng do các hạn chế như hai phe thuộc cộng đồng nói tiếng Hà Lan và cộng đồng nói tiếng Pháp mạnh ai nấy làm không ngừng tranh cãi và việc cắt giảm các khoản chi, khiến cho tiến trình chống chủ nghĩa khủng bố của nước này luôn bị chậm chạp. Rào cản ngôn ngữ giữa các cơ quan pháp luật cũng trở thành vấn đề. Hai phe trong chính phủ đều không tin cậy lẫn nhau và do vậy đã lập ra hệ thống tư pháp và an ninh rườm rà, phức tạp.

Quá nhiều chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp của Bỉ cũng khiến cho việc “rốt cuộc ai chịu trách nhiệm về an ninh” trở thành vấn đề. Brussels với dân số 1,2 triệu người, có 19 khu hành chính khác nhau nhưng chỉ có 6 cụm cảnh sát quản lý theo khu vực, giữa họ không có sự phối hợp lẫn nhau, không thể tập trung một cách hữu hiệu lực lượng cảnh sát để đối phó với các phần tử cực đoan, cộng thêm sự phớt lờ của phía cảnh sát để cho chủ nghĩa cực đoan tùy ý sinh sôi, những việc này đều gián tiếp dẫn đến việc thực thi pháp luật không hiệu quả.

Trách nhiệm của các cơ quan quyền lực không rõ ràng cũng khiến cho cảnh sát không thể hành động vượt ngoài khu vực phụ trách. Các cơ quan tư pháp do thiếu sự trao đổi hợp tác điều tra phá án với các nước láng giềng nên số lượng những kẻ phạm tội lợi dụng chính sách mở cửa biên giới của châu Âu để bỏ trốn tăng lên đáng kể. Và đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho Bỉ được các phần tử khủng bố chú trọng như vậy. Cục diện chính trị hỗn loạn, cơ cấu chính quyền nhà nước phức tạp và không ăn khớp với nhau đã lộ rõ kẽ hở về mặt hệ thống an ninh và tình báo, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống này và thực lực chống chủ nghĩa khủng bố của Bỉ.

Từ sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris tới Brussels, những người châu Âu lạc quan nhất cũng sẽ nhận thấy an ninh chắc chắn sẽ trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu ảnh hưởng tới chính sách đối nội và đối ngoại của châu lục này. Bởi vì chính sách đối nội, đối ngoại khiến châu Âu cảm thấy tự hào, giàu chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần chủ nghĩa quốc tế, sự đa dạng hóa văn hóa và sắc tộc cũng như quan niệm giá trị khoan dung tôn giáo đều đang vấp phải những thách thức hơn bao giờ hết.

Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận ra rằng chủ nghĩa khủng bố đang xuất hiện những đặc điểm mới, điều này khiến châu Âu không khỏi đối mặt với thách thức an ninh hoàn toàn mới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.