Lợi dụng World Cup để buôn lậu ma túy
- Gọi điện báo tin cho gia đình thua độ World Cup rồi nhẩy cầu tự tử
- Cảnh báo nguy cơ đột tử khi xem World Cup không đúng cách
- Cá độ bóng đá mùa World Cup
Vừa qua, Lực lượng An ninh Liên bang Nga (FSB) kịp thời phát hiện vụ buôn lậu cocaine táo bạo trị giá khoảng 53 triệu USD được cho là chuẩn bị tuồn vào thị trường Nga nhân dịp World Cup. Lượng ma túy khổng lồ bị bắt giữ sau khi có tin mật báo bên trong tòa nhà Đại sứ Nga ở thủ đô Buenos Aires của Argentina che giấu khoảng 16 kiện hành lý trong đó có hơn 385kg cocaine.
Trước đó, đại diện ngoại giao Nga Viktor Koronelli và 3 đặc vụ FSB mật báo với Patricia Bullrich – Bộ trưởng An ninh Argentina – về lượng hàng đáng ngờ giấu bên trong tòa nhà Đại sứ quán Nga ở Buenos Aires.
Những kiện hàng cocaine được phát hiện bên trong tòa nhà Đại sứ quán Nga ở Argentina. |
Tờ Vzglyad bình luận: “Bằng chứng rõ nhất trong vụ án là bản ghi âm những cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa các nghi phạm bàn bạc về các khả năng vận chuyển ma túy vào Nga, bao gồm cả con đường ngoại giao. Các nghi phạm còn để lộ chi tiết về những viên thuốc thơm đặc biệt đặt bên trên những túi cocaine làm vô hiệu hóa khả năng đánh hơi ma túy của khuyển cảnh”.
Đây là kết quả cuộc điều tra phức tạp kéo dài 16 tháng trước khi World Cup 2018 diễn ra giữa 2 nước Nga và Argentina với sự chỉ huy trực tiếp của ông Nikolai Patrushev – lãnh đạo FSB. Vào cuối tháng 6-2018, cảnh sát Argentina cũng phát hiện vài ki lô gam bột cocaine giấu bên trong những chiếc cúp vàng World Cup làm giả ở Buenos Aires. Theo cảnh sát, số lượng ma túy nhỏ này có lẽ dùng để bán lẻ ở địa phương. Ngày 22-6-2018, cảnh sát sân bay quốc tế El Dorado ở thủ đô Bogota của Colombia đã bắt giữ 70kg cocaine lỏng được ngâm tẩm một cách tinh vi vào mặt vải những chiếc áo cầu thủ bóng đá nước này.
Lượng cocaine ước trị giá khoảng 3,7 triệu USD trên đường phố. Khi kiểm tra các gói bưu kiện chuẩn bị rời khỏi sân bay hướng đến thành phố Groningen của Hà Lan, lực lượng cảnh sát chống ma túy Colombia phát hiện một kiện hàng gồm 14 áo thể thao Adidas ngâm tẩm hydrochloride cocaine. Trong một kỹ thuật mới được sử dụng bởi các băng nhóm buôn lậu để tránh bị phát hiện, cocain lỏng được đổ vào mặt vải quần áo - quá trình làm tăng trọng lượng của quần áo lên khoảng 15%.
Mặt khác, quá trình này được đảo ngược trong phòng thí nghiệm để trích xuất và chuyển thành dạng bột mà không làm mất một gram nào. Coronel Wilson Liza Ramirez, chỉ huy Đội Chống Ma tuý tại sân bay quốc tế El Dorado, cho biết những kẻ buôn lậu đang lợi dụng cơn sốt bóng đá World Cup.
Ông nói: “Những kẻ buôn bán ma túy không ngừng nỗ lực buôn lậu ma túy bằng cách sử dụng các phương pháp khác thường để chuyển hướng sự chú ý của chính quyền. Nhân khi cơn sốt bóng đá trên toàn thế giới lên đến mức cao trào nhất, bọn tội phạm tận dụng niềm đam mê của người hâm mộ đối với đội tuyển quốc gia của chúng tôi. Những chiếc áo đó đánh thức rất nhiều niềm vui đến một đất nước sống và cảm nhận World Cup. Nhưng, thật buồn là chúng đã bị nhiễm cocaine”.
Âm mưu lợi dụng lễ hội bóng đá thế giới World Cup để buôn lậu cocaine vòng quanh thế giới từ lâu đã được biết đến và giới chức chính quyền khẳng định có sự câu kết giữa bọn tội phạm ma túy và các cầu thủ bóng đá. Bọn tội phạm buôn lậu ma túy thường có những “sáng kiến” hết sức độc đáo đến mức không thể ngờ cho nên không có gì ngạc nhiên khi bọn chúng lợi dụng cơn sốt World Cup trên toàn thế giới để kiếm tiền! Bởi vì, đó là cơ hội cực kỳ thuận lợi cho bọn chúng che giấu ma túy giữa luồng hàng hóa vận chuyển cùng với đám đông khổng lồ du khách đổ về nước đăng cai tổ chức World Cup.
Những chiếc áo cầu thủ bóng đá tẩm cocaine lỏng. |
Ngoài ra, một số cầu thủ bóng đá cũng lợi dụng vị trí của mình mà quan hệ với bọn tội phạm. Mối quan hệ giữa tội phạm ma túy Colombia với cầu thủ bóng đá xuất hiện từ thập niên 1980 – thời được coi là cực thịnh của 2 tập đoàn tội phạm Medellin và Cali Cartel. Cả 2 băng nhóm này tài trợ cho rất nhiều câu lạc bộ bóng đá ở Colombia cho nên dễ dàng sử dụng các tổ chức này để rửa tiền bẩn có được từ buôn lậu cocaine.
Các fan bóng đá nổi tiếng nhất của Argentina (gọi là “barras bravas”) từ lâu đã có mối quan hệ thân thiết với bọn tội phạm ma túy. Một số fan này từng bị buộc tội tham gia giao dịch ma túy cũng như có quan hệ với các băng nhóm buôn lậu chất cấm.
Ngoài việc lợi dụng những mặt hàng phục vụ thể thao, một số tên trùm buôn lậu còn sử dụng cả cầu thủ bóng đá để làm bình phong cho phép chúng thành lập những mạng lưới buôn lậu quốc tế. Các giới chức chính quyền cũng tin rằng những cuộc thi đấu thể thao cũng là nơi bọn chúng gặp nhau bàn bạc giao dịch.