Lời kể của những nạn nhân vụ khủng bố trên cầu London

Thứ Hai, 12/06/2017, 15:05
10 giờ tối ngày 3-6-2017, sau khi xem xong trận chung kết Champions League, Andrew Morrison, một thợ điện đến từ thành phố Darwin, Australia đi qua cây cầu London để vào quán rượu “Barrowboy and Banker” thì bất ngờ nhìn thấy 3 người đàn ông tay cầm dao, chạy ngang mặt anh. Một kẻ trong số đó đâm anh một nhát vào vai rồi tiếp tục chạy theo đồng bọn.

Morrison kể với tờ Daily Telegraph: “Tôi gần như muốn quỵ xuống khi lưỡi dao cắm sâu vào vùng vai gần gáy bên trái. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ mình là nạn nhân của bạo lực đường phố. Tôi hét lên: “Tôi bị đâm! Có ai giúp tôi với!”.

Candice Hedge, 34 tuổi, cùng với người bạn trai ngồi trong quán rượu mà anh thợ điện Morrison đang định vào cũng là nạn nhân. Cô kể: “Chúng xông vào, đâm loạn xạ. Tôi trốn dưới gầm bàn, nghe tiếng chân chạy, tiếng người la hét vì đau đớn lẫn trong tiếng tung hô đức Allah (đấng tối cao của Hồi giáo) và tiếng ly, tách rơi loảng xoảng.

Vài phút sau đó, bọn khủng bố chạy ra ngoài nhưng một tên đã nhìn thấy tôi. Hắn lôi tôi ra rồi dùng dao cắt cổ tôi nhưng may mắn là lưỡi dao đi lệch xuống dưới, ngay xương đòn nên tôi thoát chết”.

Chiếc xe tải mà bọn khủng bố dùng để lao vào người đi đường trên cầu London.

Morrison và Hedge chỉ là 2 trong số những nạn nhân (có thể gọi là may mắn) của 3 tên khủng bố gây ra vào tối ngày 3-6 tại trung tâm London, Anh quốc, khiến 7 người chết, 48 bị thương, trong đó 18 người đang rất nguy kịch.

Daniel O'Neill, 23 tuổi, cũng là nạn nhân của vụ khủng bố kể lại với phóng viên của tờ Daily Telegraph: “Tôi đang  bước ra khỏi quầy bar thì một gã đàn ông chạy đến. Vừa vung dao lên, gã vừa hét lớn: “Đây là cho gia đình tao, còn đây là cho đạo Hồi. Tiếp theo, gã đâm vào lưng tôi. Vết dao kéo dài từ bụng đến lưng nhưng may mắn là tôi còn sống. Tới lúc này, tôi vẫn thấy sốc vì tôi không tin điều tồi tệ ấy lại có thể xảy ra”.

Một trong những người bị thương khác là Geoff Ho, biên tập viên của tờ Sunday Express, Anh. Ông bị đâm vào cổ khi cố gắng ngăn cản một tên khủng bố định đâm một người khác, đang cố lùi vào trốn sau quầy bar.

Theo nhân chứng Robbie, ngồi trong chiếc taxi đối diện với quán rượu Barrowboy and Banker ở cầu London thời điểm xảy ra vụ việc: “Tôi thấy khoảng 20 người hốt hoảng chạy vào trong quán rượu rồi chừng 5 giây sau, một chiếc xe tải màu trắng lao lên vỉa hè. 2 hoặc 3 người gì đó từ trong xe nhảy ra. Ban đầu tôi nghĩ đó là một vụ tai nạn giao thông, và họ nhảy ra xem có ai bị thương không nhưng chỉ trong tích tắc, tôi thấy tay họ cầm dao, mặt họ rất hung hãn”.

Còn với nhân chứng Josh, bạn của Robbie thì nghe tiếng huyên náo, ông từ quán rượu bước ra: “Tôi thấy rất nhiều người với dáng vẻ sợ hãi, chạy dọc theo cây cầu từ phía chợ Borough. Một thanh niên vừa lướt ngang mặt tôi, vừa hét: “Chúng nó có dao! Chúng đang đâm mọi người!”.

Với Arthur Hooper, nhân viên phục vụ quán rượu “Barrowboy and Banker”, khi thấy nhiều người bị đâm, ông đã cố gắng đóng cửa quán để ngăn không cho bọn khủng bố tràn vào thêm vì ông nghĩ vẫn còn những tên ở ngoài, trong lúc quản lý Sergio Farina lật những bộ bàn ghế thành những vật chèn vào cửa với hy vọng có thể làm chậm chân bọn sát nhân để những người khác có thêm thời gian chạy thoát.

David Osborn, một người đi đường thoát chết sau cú đâm xe tải kể: “Rất nhiều người bị thương. Tôi thấy một phụ nữ không nề hà nguy hiểm, cố gắng chăm sóc cho một người khác, máu chảy đầy mặt nhưng một tên khủng bố đã đâm một dao vào cổ cô”. Sau này mới biết đó là Kirsty Boden, nữ y tá người Australia, 28 tuổi, tử vong tại chỗ vì vết đâm.

Bên cạnh đó, cái chết của Ignacio Echeverria, 39 tuổi, người Tây Ban Nha, là nhân viên ngân hàng được bạn bè kể lại: “Khi anh ấy đang giúp một phụ nữ bị thương thì cũng là lúc 3 tên khủng bố từ xe tải nhảy xuống. Một tên cầm dao cắt ngang cổ anh ấy. Hình ảnh cuối cùng mà chúng tôi nhìn thấy là anh ấy nằm trên mặt đường, đầu ngoẹo sang một bên, máu chảy thành vũng”.

8 phút sau vụ tấn công khủng bố, cảnh sát bắt đầu phản công. Tuy nhiên, một thường dân lại là nạn nhân khi cảnh sát nổ súng tiêu diệt bọn khủng bố. Fabio Lamas, 20 tuổi nhân viên quán rượu Barrowboy and Banker nói: “Ngoài 1 tên khủng bố bị bắn chết bên ngoài quán rượu, tôi còn thấy một người bị đạn lạc vào đầu. Máu chảy đầy mặt anh ta. Với bộ sơ cứu, tôi băng bó và cố gắng trấn an anh ta, chờ xe cứu thương đến”.

William Gendo, đầu bếp làm việc tại Bệnh viện Guy's, gần nơi xảy ra vụ khủng bố cho biết cảnh sát đã phong tỏa hiện trường nên ông “không có cách nào để đến bệnh viện mặc dù đã cố gắng tìm cách”, còn Estefany Alcivar, phụ bếp tại bệnh viện nói nhân viên nhà bếp đang làm thêm giờ để cung cấp thức ăn cho các nạn nhân bị thương vừa được đưa vào: “Tôi hơi sợ vì chỗ tôi làm ở gần cầu London. Từ trước tới nay, tôi luôn ở đó suốt cả ngày”.

Theo một sĩ quan MI-5, áp lực đối với cảnh sát và MI5 trong việc phải ngăn chặn được những vụ khủng bố sẽ xảy ra trong tương lai đang đè nặng lên đôi vai họ. Một trong những nguyên nhân là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng mất dần địa bàn tại Trung Đông, châu Phi nên kêu gọi các chiến binh tổ chức tấn công vào dân thường ở Anh quốc và các nước phương Tây khác bằng các phương tiện như xe cộ, súng và dao mà không cần phải báo cáo kế hoạch cho các cấp chỉ huy IS để tránh bị phát hiện.

Các vụ tấn công gần đây ở Anh diễn ra sau một loạt các vụ khủng bố tại Pháp, Đức và Bỉ trong thời gian 18 tháng qua, đã cho thấy thủ phạm chỉ là một nhóm nhỏ IS, thậm chí có vụ chỉ do 1 tên hành động.

Khuram Shazad Butt, Rachid Redouane và Youssef Zaghba, 3 kẻ gây ra vụ khủng bố ở London.

Ngày 5-6, cảnh sát Anh đã công bố danh tính 2 trong 3 nghi phạm gây ra vụ tấn công gần cầu London làm 7 người chết và 48 người khác bị thương. Đến ngày 7, nhân thân kẻ khủng bố thứ 3 cũng được công bố. Một trong 3 kẻ tấn công là Khuram Shazad Butt 27 tuổi, công dân Anh nhưng được sinh ra tại Pakistan. Trước đó cảnh sát và Cơ quan An ninh nội địa Anh MI5 đã có hồ sơ của tên này. Tuy nhiên, theo MI5, không có thông tin tình báo nào cho thấy vụ tấn công đã được lên kế hoạch từ trước.

Trong bài báo đăng trên ANTG số 1678, chúng tôi đã đưa tin về 2 tên khủng bố Khuram Shazad Butt và Rachid Redouane. Thủ phạm thứ ba trong vụ tấn công khủng bố cầu London là Youssef Zaghba, 22 tuổi, người Italia gốc Morocco, làm việc trong một nhà hàng ở London. Ngày 15-3-2016, khi quá cảnh ở sân bay Marconi, tỉnh Bologna, Italia,  trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria, Zaghba đã tuyên bố với một số hành khách rằng anh ta “muốn trở thành một kẻ khủng bố”.

Lúc cảnh sát được gọi đến, Zaghba nhanh chóng cải chính là mình chỉ nói đùa vì chuyến bay bị trễ nhiều tiếng đồng hồ đã khiến anh ta căng thẳng. Tuy không có đủ bằng chứng để bắt giữ Zaghba nhưng Zaghba đã bị câu lưu vài giờ để thẩm vấn. Sau đó, cảnh sát Italia đã đã gửi đến cảnh sát Anh một cảnh báo, rằng họ tình nghi Zaghba có thể là kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Tối Thứ năm, nghĩa là 2 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, Zaghba điện thoại chào từ biệt mẹ là bà Valeria Collina, sống trong một ngôi làng nhỏ gần thành phố Castello di Serravalle, Italia. Theo bà này, nhiều lần Zaghba cho bà xem các đoạn video về cuộc “thánh chiến” ở Syria đồng thời tỏ ý mong muốn đến đó vì chỉ ở đó, con trai bà mới “được sống như một tín đồ đạo Hồi thuần túy”.

Bà Collina nói: “Tôi đã cố gắng khuyên nó tránh xa đám bạn bè của nó nhưng mạng Internet và các trang web Hồi giáo cực đoan còn mạnh hơn lời khuyên của tôi. Tôi đã đặt vé bay tới London để kỷ niệm ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan với nó nhưng sáng Thứ ba, cảnh sát Italia báo với tôi rằng nó đã bị bắn chết vì tấn công khủng bố giết người”.

V.C. (theo Daily Telegraph)
.
.