Lời khẩn cầu của một bị can và tình người trong buồng cung

Thứ Bảy, 27/06/2015, 07:20
Số phận những đứa trẻ không nơi nương tựa khi cả bố và mẹ đều vào tù vì ma túy luôn là nỗi trăn trở, day dứt của các điều tra viên. Cứu vớt cuộc đời, tương lai cho các cháu - nạn nhân của chính những người sinh thành, không phải ai cũng biết đến những chiến công thầm lặng này…

Lá thư trong trại giam

… "Dung con gái yêu của mẹ! Hôm nay mẹ được các bác ở Cơ quan điều tra thông báo là con đã được vào trường để đi học, mẹ rất mừng con ạ. Mẹ mừng vì con mẹ lại tiếp tục được đi học, có như vậy mẹ mới yên tâm cải tạo. Con gái yêu của mẹ, con phải cố gắng chăm chỉ học hành và nghe lời mọi người con nhé. Mẹ ở trong này vẫn khỏe và chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để được về với con thôi. Mẹ nhớ và thương con nhiều lắm.

Cho mẹ  xin lỗi con yêu nhiều nhé vì mẹ đã không ở bên con lúc này, lúc mà con cần mẹ nhất. Mẹ mong con gái yêu vào trường phải nghe lời các thầy cô, chấp hành đúng nội quy của nhà trường con nhé. Con thương mẹ và muốn mẹ con mình sớm được bên nhau, con phải nhớ nghe lời mẹ dặn để mẹ yên tâm cải tạo nhé…".

Sáng 22/6,  trước khi cô bé Hồ Xuân Dung nhập gia tại Làng trẻ em Birla Hà Nội,  Thượng tá Lương Việt Hà, Đội trưởng Đội Điều tra hướng dẫn án ma túy (Đội 5) Phòng PC47 Công an Hà Nội đã trao lá thư trên cho cô bé. 13 tuổi, cô bé còn quá non nớt để hiểu rằng vì sao lại  được đưa vào làng trẻ này sinh sống. Còn đối với các điều tra viên Đội 5, Phòng PC47, hành trình để đưa được cô bé vào làng trẻ cũng không phải việc đơn giản.

Cháu Hồ Xuân Dung được các điều tra viên đưa tới gia đình mới  tại Làng trẻ em Birla.

Thượng tá Lương Việt Hà cho biết, cháu Dung là con gái của bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1975), đang bị tạm giam trong một vụ án mua bán trái phép chất ma túy sắp được đưa ra xét xử.  Đầu tháng 7 -2014, Thủy bị Cơ quan Công an bắt giữ cùng "chồng hờ" là Nguyễn Bá Sơn (SN 1965) tại một ngôi nhà trọ ở phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội khi cả hai đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Với số lượng 195,60 gr ma túy "đá" tang vật thu giữ, Sơn và Thủy bị Cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị truy tố  theo điểm e, khoản 3, Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Trước khi bị bắt giữ, cuộc đời của bị can Nguyễn Thị Thu Thủy khá truân chuyên, phiêu bạt. Quê gốc của Thủy ở tổ 5 phường Tân Hà, TP Tuyên Quang. Bố mẹ mất từ khi còn nhỏ, Thủy được bà ngoại nuôi dưỡng. Học xong lớp 9 thì bà ngoại mất, không còn ai thân thích, Thủy lang thang xuống Hà Nội và được một người bác họ xa ở phố Hoàng Hoa Thám cưu mang. Năm 2000, thương hoàn cảnh của Thủy, một người đàn ông hơn Thủy tới 30 tuổi, là giảng viên một trường đại học đã lấy Thủy làm lẽ. Người đàn ông này đã có gia đình, vợ con ở  miền Trung nên chuyện  chung sống với Thủy được giữ kín. Hai người thuê nhà tại quận Cầu Giấy chung sống.

Năm 2003, Thủy sinh con gái. Cháu Hồ Xuân Dung được đặt tên khai sinh theo họ của người chồng lớn tuổi. Phận làm lẽ, Thủy phải chấp nhận thiệt thòi khi không được danh chính ngôn thuận, không được một lần ra mắt họ hàng, gia đình nhà chồng. Cũng vì thế nên năm 2007, người chồng xấu số đột ngột ra đi không kịp dặn dò, trăng trối, Thủy và con gái rơi vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Cháu Dung cũng không được phía nhà nội chấp nhận.

Không nhà cửa, không người thân, hai mẹ con Thủy lang thang hết khu trọ này sang khu trọ khác. Buồn chán cho số phận, Thủy dính vào ma túy rồi trở thành một "đại lý" chuyên cung cấp hàng "đá" cho con nghiện. Ban đầu, Thủy với Nguyễn Bá Sơn chỉ là bạn nghiện. Sau thấy hoàn cảnh của Thủy một mình nuôi con, Sơn rủ Thủy thuê nhà ở Nghi Tàm chung sống như vợ chồng, vừa là địa điểm "giao dịch" bán ma túy. Khi Thủy và Sơn bị bắt giữ, cháu Hồ Xuân Dung tạm thời được một người chị gái của Sơn nuôi dưỡng.

Đầu tháng 5/2015, trong buổi làm việc với điều tra viên Đặng Văn Thu, biết hành vi phạm tội của mình sẽ phải chịu mức án tù khá lâu, Nguyễn Thị Thu Thủy mới tâm sự về đứa con gái đang nhờ chị ruột của người tình chăm sóc. Thủy đề nghị CQĐT giúp đỡ để đưa con gái vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ không nơi nương tựa, chờ ngày cô ta được ra trại. "Không còn ai thân thích có thể gửi gắm chăm sóc cháu. Tôi chỉ biết cầu khẩn, nhờ sự giúp đỡ của Cơ quan Công an để cứu vớt con gái tôi. Cháu đang tuổi lớn. Để sơ sảy điều gì đối với cháu, tôi ân hận cả đời…".

Tâm sự của bị can Nguyễn Thị Thu Thủy đã được điều tra viên Đặng Văn Thu báo cáo với cấp trên để bàn cách giải quyết, giúp đỡ nguyện vọng chính đáng của bị can. Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Phó trưởng Phòng PC47 nói rằng, đề nghị của bị can Thủy không  thuộc chức năng giải quyết của điều tra viên. Nhưng là những người làm cha làm mẹ, các anh cũng thấy xót xa và lo lắng cho cháu Hồ Xuân Dung, con gái của bị can Thủy. Một cô bé bước sang tuổi 13, cái tuổi "dở dở ương ương" rất cần bàn tay chăm sóc, uốn nắn của cha mẹ.  Mẹ đi tù, cháu không được đi học đã là một thiệt thòi. Ai mà biết được tương lai cháu sẽ ra sao khi bên ngoài xã hội quá nhiều cạm bẫy với một cô bé mới lớn, lại không có cha mẹ, người thân ở bên.

Pháp luật và tình người

Trong các vụ án ma túy,  điều khiến các điều tra viên trăn trở, day dứt nhất luôn là số phận mờ mịt của những đứa trẻ ở lại khi cha mẹ cùng vào tù vì ma túy. Mỗi đứa trẻ chịu một bi kịch khác nhau, song đều có điểm chung là chúng bị thiệt thòi bởi lỗi lầm của chính những người sinh thành, những kẻ làm cha làm mẹ đã cướp đi tuổi thơ của con cái họ.

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy viết thư cảm ơn sự giúp đỡ của lãnh đạo và các điều tra viên Phòng PC47 Công an Hà Nội.

Có vụ án, điều tra viên bỗng trở thành những bảo mẫu bất đắc dĩ. Nhất là thời gian gần đây, khi tình trạng một số đối tượng nữ lợi dụng chính cách nhân đạo của Nhà nước đối với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đã sử dụng những đứa con như một công cụ để đối phó với CQĐT. Mặc dù có thể gửi con cho người thân chăm sóc nhưng họ cố tình mang con nhỏ đi theo để gây sức ép với CQĐT. Công việc của các điều tra viên cũng thêm phần vất vả hơn.

Đối với những đối tượng ở tỉnh ngoài, điều tra viên phải lọ mọ đến từng gia đình thân nhân của đối tượng để vận động họ nhận nuôi dưỡng  các cháu nhỏ nếu có điều kiện. Cũng có không ít trường hợp, hoặc do hoàn cảnh khó khăn, hoặc cố tình từ chối vì không muốn phiền phức. Khi ấy, các điều tra viên vô tình lại trở thành người thân của các cháu nhỏ. Xót xa cho những đứa trẻ khi chúng trở thành nạn nhân của sự toan tính của người lớn, các điều tra viên đã làm tất cả những gì có thể, vì tương lai của một đứa trẻ. Hoàn cảnh của các bị can ra sao, số phận của những đứa trẻ khi bố mẹ cùng vào tù về ma túy thế nào? Chỉ có các điều tra viên là những người đi tới tận cùng, làm rõ "ngóc ngách" của từng bị can, từng vụ án…  mới thật sự thấu hiểu.

Trong vụ án Nguyễn Thị Hường (SN 1986) ở Lê Chân, Hải Phòng can tội vận chuyển trái phép chất ma túy, các điều tra viên Đội 5 Phòng PC47 Công an Hà Nội từng nhiều tháng góp tiền mua sữa nuôi con cho bị can này. Hường bị Cơ quan Công an bắt giữ khi vận chuyển thuê trên 100gr ma túy "đá" và "ketamin" từ Hải  Phòng lên Hà Nội tiêu thụ. Khi bị bắt, Hường đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Chồng Hường nghiện ma túy nên khi vợ bị bắt, anh ta bỏ mặc cả vợ con. Gia đình Hường ở xa, bố mẹ già không có điều kiện nuôi cháu. Trong thời gian Hường bị tạm giam, những lúc đi thẩm vấn, các cán bộ chiến sĩ trong đội lại góp tiền gửi cho mẹ con Hường. Sau một thời gian, nhà ngoại đã thu xếp đón cháu bé về nuôi dưỡng.

Đối với trường hợp cháu Hồ Xuân Dung,  điều tra viên có thể trao đổi tình hình với chính quyền địa phương để giải quyết việc đưa cháu vào trung tâm nuôi dưỡng. Không có quy định nào buộc điều tra viên phải có trách nhiệm. Nhưng tương lai của một đứa trẻ đã thôi thúc các anh làm thế nào để cháu bé có được cuộc sống tốt nhất, được chăm sóc, được học hành như một công dân bình thường. Thủ tục chậm trễ ngày nào, cháu sẽ thiệt thòi ngày đó, nhất là việc học hành của cháu đang bị ngắt đoạn. Một khi CQĐT trực tiếp vào cuộc, chắc chắn sẽ giảm thiểu được nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên việc đưa một cháu bé vào trung tâm nuôi dưỡng theo đúng quy định cũng không đơn giản. Theo đề nghị của bị can, CQĐT đã tiến hành xác minh như một vụ án. Điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian để xác minh thân nhân hai bên nội, ngoại của cháu bé. Ngay cả một số người họ hàng xa của cháu, điều tra viên cũng phải gặp gỡ để hỏi ý kiến xem họ có muốn nhận chăm sóc cháu không?

Sau khi xác định cháu Hồ Xuân Dung  không có nơi nương tựa, lãnh đạo Phòng PC47 đã thảo công văn gửi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội, kèm theo hồ sơ, lý lịch của cháu Dung, đề nghị xem xét đưa cháu vào trường nuôi dưỡng trẻ em. Với sự phối hợp tích cực của các cơ quan, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã chấp thuận, ra quyết định tiếp nhận, đưa cháu Dung vào Làng trẻ em Birla. Theo quy định, cháu Dung sẽ được gửi đi học ở các trường phổ thông trong tuyến, và được nuôi dưỡng cho đến khi cháu đủ điều kiện trở về cộng đồng.

Được điều tra viên thông báo con gái đã được nhận vào Làng trẻ Birla, được đi học trở lại, Nguyễn Thị Thu Thủy ôm mặt khóc nức nở. Cô khóc vì cảm động trước sự giúp đỡ đầy tình người của các điều tra viên, khóc vì từ nay đã hoàn toàn yên tâm về đứa con đã có nơi ăn chốn ở như một gia đình. "Tôi xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về với cộng đồng xã hội, không phụ lòng các bác điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã giúp đỡ tôi và con gái…" - bị can Thủy bày tỏ.

Có thể khi giúp đỡ lời cầu khẩn của bị can Nguyễn Thị Thu Thủy, các điều tra viên không nghĩ được việc làm của các anh không chỉ giúp một tương lai tươi sáng cho cháu Dung, mà còn cứu vớt  tâm hồn cho người mẹ tội lỗi. "Cứu một người phúc đẳng hà sa", công việc thầm lặng của những điều tra viên, không phải ai cũng biết đến.

H.Vũ
.
.