Lừa đảo dự án - Phức tạp cả về quy mô và tính chất
Giả mạo là cán bộ một số cơ quan có chức năng thẩm định, phê duyệt các dự án; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo... Đây là thủ đoạn không mới song đang được một số đối tượng lừa đảo áp dụng trong thời điểm suy thoái kinh tế, nhằm đánh trúng vào tâm lý các đơn vị, cá nhân đang gặp "bế tắc" về vốn. Đáng chú ý, tội phạm lừa đảo dạng này không phải là những kẻ chuyên nghiệp nhưng nhiều người lại mắc bẫy dễ dàng...
Chủ hiệu photocopy chuyên... giải ngân dự án
Trong những đối tượng thuộc dạng "siêu lừa" mà tôi từng có dịp tiếp xúc, Trương Công Thành (SN 1960, ở thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình) khiến mọi người bất ngờ bởi bề ngoài cục mịch, cách nói chuyện có phần thật thà, ngờ nghệch. Chính vì vậy, khi vụ giả danh cán bộ Bộ Tài chính để lừa đảo được khám phá, không ai nghĩ một tay thợ photocopy như Thành lại nghĩ ra một âm mưu hoàn hảo như vậy.
Việc làm ăn ở hiệu photocopy của Thành ở Kiến Xương, Thái Bình khá ổn định. Nhưng ý đồ bất chính bỗng dưng xuất hiện khi Thành nhận photo một số tài liệu liên quan đến việc phê duyệt, giải ngân cho các dự án của Bộ Tài chính. Trong đầu gã thợ photo nảy ra kế hoạch "làm tiền" các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất.
Tháng 7/2010, qua thông tin trên mạng Internet, biết Công ty Tân Thành Phú ở Quảng Ngãi đang có một khoản nợ xấu lên tới 20 tỉ đồng do thiệt hại nguồn nguyên liệu rừng sau bão, Thành "mò" số điện thoại của Công ty Tân Thành Phú rồi trực tiếp gọi điện thoại gặp ông Phan Trung Trường, Giám đốc. Căn cứ vào các giấy tờ đã nhận photo cho khách, Thành tự nhận mình là ông Phan Đăng Điều, Trưởng ban quản lý các dự án của Bộ Tài chính. Thành thông báo cho ông Trường biết đã duyệt cho Công ty Tân Thành Phú vay 20 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu giấy xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Do Công ty Tân Thành Phú vừa trình Bộ Tài chính dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu nên ông Trường tin "sái cổ" vào người đã gọi điện thoại ấy.
Qua điện thoại, “ông Phan Đăng Điều" có nhã ý mời ra Bộ Tài chính để lấy hợp đồng vay vốn, còn nếu bận thì nhân dịp công tác phía Nam sắp tới, ông "Điều" sẽ trực tiếp cầm hợp đồng vào giúp doanh nghiệp. Đang lúc làm ăn khó khăn nên nhận được cú điện thoại trên, ông Trường khấp khởi mừng, hồi hộp chờ đón vị khách quý mang cơ may đến cho doanh nghiệp.
Tháng 8/2010, ông Trường đã được "diện kiến" vị “Trưởng ban quản lý dự án” của Bộ Tài chính. Bản thân ông Trường chưa từng được gặp ông Phan Đăng Điều nên khi Trương Công Thành chìa ra tờ giấy giới thiệu có đóng dấu giả Bộ Tài chính, ông Trường rất vui, tổ chức đón tiếp linh đình. Sau một hồi thăm thú cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, Thành kéo riêng ông Trường ra một góc, mở cặp lấy ra bản Hợp đồng vay vốn bảo lãnh của Ban quản lý dự án - Bộ Tài chính với công ty Tân Thành Phú. Lướt qua hợp đồng, ông Trường nhận thấy mặc dù chưa ghi ngày tháng cụ thể nhưng đã có chữ ký của một vị thứ trưởng và con dấu đỏ chót của Bộ Tài chính. Ông Trường mừng húm, ngỏ ý xin một bản hợp đồng.
Thấy "cá" đã cắn câu, Thành ra bộ quan trọng bảo hợp đồng này mới chỉ có một bản, phải mang về trình lại "sếp" để ký quyết định giải ngân. Bữa đó, ông Trường ra sức mời mọc "ông Trưởng ban quản lý dự án" ở lại để doanh nghiệp chiêu đãi nhưng Thành lắc đầu từ chối, nói đi theo đoàn công tác nên phải về cùng. Thành không quên than phiền lần này đi công tác, thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm nên anh em trong đoàn công tác phải bỏ tiền túi ra mua vé máy bay. Ông Trường hiểu ý vội vàng làm phong bì 3 triệu đồng giúi vào tay "Trưởng ban quản lý dự án" để làm lộ phí.
Trương Công Thành và các văn bản, giấy tờ giả mạo bị thu giữ. |
Cuối tháng 10/2010, Thành điện thoại cho ông Trường thông báo: Bộ Tài chính đã ra quyết định giải ngân số tiền 20 tỉ đồng cho Công ty Tân Thành Phú và đề nghị ông Trường ra Hà Nội nhận quyết định. Ngày 24/10, ông Trường ra Hà Nội. Thành hẹn ông Trường gặp nhau ở quán cà phê số 7 Phan Huy Chú, gần cổng Bộ Tài chính.
"Cao thủ" hơn, cũng tại quán cà phê này, Thành còn hẹn ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Tuấn Tú (địa chỉ huyện Mường Ảng, Điện Biên). Ông Tú mới quen Thành từ đầu tháng 10/2010. Thành tự giới thiệu làm việc tại Ban quản lý các dự án của Bộ Tài chính, có học trò đang làm lãnh đạo Bộ nên có thể xin cho công ty của ông Tú nhận thầu thi công các công trình làm đường. Sau vài lần trao đổi điện thoại, Thành hẹn ông Tú đến quán cà phê tại phố Phan Huy Chú, đối diện Bộ Tài chính để bàn việc.
Để ông Tú tin tưởng, mỗi lần hẹn gặp, Thành đến trước, vào Bộ Tài chính vờ liên hệ công việc. Sau khi ông Tú đến quán cà phê và gọi điện thoại, Thành mới lững thững đi từ trụ sở Bộ Tài chính ra nên ông Tú tin Thành là người của Bộ.
Lần gặp gỡ này cũng vậy. Sau khi biết chắc cả hai ông Trường và Tú đã có mặt ở quán cà phê, Thành lại từ trong sân Bộ Tài chính đi ra cho hai vị khách nhìn thấy. Tại đây, đóng giả ông Phan Đăng Điều, Thành đưa cho ông Trường xem quyết định giải ngân số tiền 20 tỉ đồng, có chữ ký của một thứ trưởng và dấu đỏ của Bộ Tài chính. Sau đó, Thành thu lại nói hẹn hôm sau mang đến Kho bạc Nhà nước quận Hoàn Kiếm làm thủ tục giải ngân nhận ủy nhiệm chi, khi đó sẽ giao quyết định cho ông Trường. Thành gợi ý cho ông Trường đưa 10 triệu đồng để mời lãnh đạo Bộ đi ăn trưa. Ông Trường không nghi ngờ gì, đưa cho Thành 500 USD. Thành vờ gọi điện thoại di động cho một vị “Thứ trưởng”. Sau một hồi "vâng, dạ", Thành thông báo lãnh đạo Bộ bận việc nên hẹn ông Trường vào một dịp khác.
Giải quyết xong việc của ông Trường, Thành quay sang việc của ông Tú. Thành vui vẻ thông báo việc của công ty ông Tú đã xong và đưa ra một tờ quyết định của Bộ Tài chính về việc phê chuẩn ủy thác cho UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư hạn mức kinh phí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự án "đường giao thông quốc phòng Giao Tiến - Quất Lâm" gồm 3 gói thầu, giao cho 3 công ty do Thành yêu cầu ông Tú cung cấp để nhận thầu. Tuy nhiên, quyết định này mới chỉ có chữ ký của một đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính. Thành yêu cầu ông Tú đưa 9 triệu đồng để mua 3 bộ hồ sơ của 3 gói thầu, hẹn hôm sau sẽ lấy quyết định và hồ sơ. Ông Tú yên tâm đưa tiền cho Thành, vì nghĩ rằng đã có ông Phan Trung Trường làm chứng. Thành hẹn ông Tú hôm sau đến quán cà phê nhận giấy tờ.
Đúng hẹn, ông Tú đến quán cà phê ngồi uống no nước chờ đợi vẫn không thấy Thành đâu. Ông Tú liền điện thoại cho ông Phan Trung Trường hỏi thăm. Lúc này, cả hai người bị hại ngã ngửa vì bị mắc bẫy kẻ lừa đảo nên đã làm đơn tố cáo tới Cơ quan Công an.
Về phía "siêu lừa" Trương Công Thành, anh ta tiếp tục điện thoại cho ông Phan Trung Trường thông báo nhận quyết định giải ngân. Theo hẹn của Thành, sáng 2/11/2010, ông Ngô Văn Quỹ, Phó Giám đốc Công ty Tân Thành Phú đến cửa hàng Thủy Tạ, bờ hồ Hoàn Kiếm. Thành dặn ông Quỹ chuẩn bị phong bì 500 USD để “cảm ơn” kho bạc. Tại điểm gặp gỡ, Thành đưa cho ông Quỹ xem quyết định giải ngân (thực chất là giả mạo) và nhận 5 triệu đồng thì bị Cơ quan Công an bắt giữ.
Khám xét nhà Thành, thu giữ 4 con dấu của Bộ Tài chính, 3 con dấu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được in sẵn phía dưới bên phải của các tờ giấy trắng khổ A4. Theo "công nghệ" làm giấy tờ giả của Thành, sau khi tìm được "con mồi", Thành mới làm giả nội dung trên tờ giấy có đóng sẵn dấu đỏ và tự tay ký giả các chữ ký của lãnh đạo đơn vị có tên tại con dấu. Tuy số tiền mà Thành chiếm đoạt được không lớn nhưng hành vi giả danh cán bộ, làm giả giấy tờ của Trương Công Thành trong việc cấp vốn đầu tư, nhận thi công công trình… là hết sức nghiêm trọng.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn thành kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP đề nghị truy tố Trương Công Thành về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử một ngày gần đây.
Làm ăn thua lỗ, chuyển nghề "chạy" dự án
"Siêu lừa" có tên Phạm Nguyên Quốc Hải (SN 1967, ở xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thì có những chiêu thức lừa bài bản hơn. Hải cùng vợ thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng Anh quốc, thuê trụ sở tại TP Vinh, chuyên nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, việc làm ăn thua lỗ, Hải tay không ra Hà Nội "hành nghề" lừa đảo.
Lân la gặp những người đồng hương, trong các buổi nhậu mà Hải chỉ là kẻ ăn theo, anh ta ngồi chăm chú lắng nghe thông tin của mọi người để phục vụ cho kế hoạch lừa đảo của mình. Hải dùng chứng minh nhân dân nhặt được của người khác, thay ảnh rồi thuê phòng ở tại một khách sạn trên phố Bà Triệu. Để lòe thiên hạ, anh ta sắm một chiếc ca táp, bên trong nhét một xấp phong bì "không nhân" nhưng ngoài vỏ, tự tay anh ta viết tên các cơ quan, đơn vị, UBND các tỉnh, quận huyện đề "Kính gửi ông Phạm Nguyên Quốc Hải - đặc phái viên chính phủ". Mỗi lần tiếp xúc với "đối tác", anh ta vờ đánh rơi phong bì bay tá lả nhằm khoe khoang vị thế.
Hải còn dùng các mẫu văn bản, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, văn bản của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng… rồi soạn thảo lại nội dung rồi ghép hình con dấu, chữ ký thật trong các văn bản đã được phát hành, mang đi photo lại một lượt, thành văn bản giả mạo để lừa các đơn vị, cá nhân có nhu cầu xin phê duyệt dự án.
Số vỏ phong bì được Phạm Nguyên Quốc Hải dùng để lừa mọi người. |
Một trong những người bị hại của Hải là ông Phan Trí Đỉnh cho biết, thông qua một số người bạn, ông được giới thiệu gặp Phạm Nguyên Quốc Hải, tự nhận là “cán bộ Ban quản lý dự án của Văn phòng Chính phủ”. Nghe ông Đỉnh nói chuyện chính quyền 2 xã Gio Châu và Trung Hải, Quảng Bình (là quê hương của vợ ông Đỉnh) có nguyện vọng xây dựng trường học với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, Phạm Nguyên Quốc Hải hứa sẽ giúp việc "chạy" dự án với điều kiện phải chi phí 5% trên tổng số nguồn vốn nhận được từ các dự án và tiền công 60 triệu đồng/dự án để lo các thủ tục. Sau khi ông Đỉnh đồng ý, Hải hướng dẫn các địa phương làm tờ trình đưa cho Hải.
Để ông Đỉnh tin tưởng Hải là cán bộ Văn phòng Chính phủ, mỗi lần cần trao đổi công việc, Hải điện thoại yêu cầu ông Đỉnh cho người đến số 1 Hoàng Hoa Thám đón. Hải đứng chờ từ trước trên vỉa hè, tay xách cặp ra dáng vừa từ trụ sở làm việc ra. Ngoài việc đưa Hải đi ăn nhậu, mỗi lần gặp như vậy, Hải lại đòi ông Đỉnh chi tiền để lo lót thủ tục.
Hai tháng sau, vị cán bộ "rởm" này thông báo dự án đã được Chính phủ phê duyệt và đưa cho ông Đỉnh 2 bản photo Quyết định cấp kinh phí đầu tư xây dựng trường học tại 2 xã Gio Châu, Trung Hải với tổng số tiền là 31.507.000.000 đồng. Cả 2 văn bản photo này đều bị gạch xóa phần số công văn, ngày phát hành và số tài khoản sẽ được nhận vốn. Khi ông Đỉnh thắc mắc thì Hải trả lời phải tạm thời xóa những thông tin trên để... giữ bí mật đến khi đưa cho ông Đỉnh văn bản gốc.
Những ngày sau đó, Hải liên tiếp gọi điện thoại yêu cầu ông Đỉnh phải chi 116 triệu đồng tiền lo lót để có được 2 văn bản photo trên, đồng thời ra điều kiện khi có văn bản gốc, phải đưa cho Hải 5% của tổng số kinh phí 2 dự án tương đương 1.675.000.000 đồng. Quá "khát" tiền, Hải liên tục điện thoại ép ông Đỉnh phải chi tiền "chạy" dự án. Khi Hải đang nhận 3.000 USD của ông Đỉnh thì bị cơ quan công an bắt quả tang...
Cảnh báo tội phạm
Lừa đảo dự án đang có dấu hiệu phức tạp cả về quy mô và tính chất tội phạm, nhất là trong thời điểm suy thoái kinh tế, tội phạm lừa đảo ngày càng gia tăng. Đây là đánh giá của Cảnh sát kinh tế Hà Nội thông qua các vụ án đã được khám phá trong thời gian từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo chuyển hướng sang làm giấy tờ, văn bản giả mạo cơ quan Nhà nước trong phê duyệt dự án để lừa đảo những người còn chưa hiểu biết hết về lĩnh vực này; hoặc không có điều kiện thẩm tra…
Trung tá Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội cho biết, qua phân tích, giám định tang vật các vụ án liên quan đến giấy tờ giả cho thấy việc làm giả tài liệu của các đối tượng phạm tội rất đa dạng, phương thức tạo ra tài liệu giả cũng rất khác nhau. Mức độ tinh xảo của tài liệu giả phụ thuộc vào phương thức và phương tiện làm giả của tội phạm.
Thực tế, đối tượng làm giả tài liệu thường thực hiện theo 2 phương thức: Làm giả toàn phần và làm giả từng phần. Cách làm giả tài liệu phổ biến nhất thường gặp là các đối tượng thường sử dụng chữ ký và hình dấu thật trong một văn bản có thật, dùng phương pháp scan lại, đưa vào văn bản giả, sử dụng in phun màu khiến nhiều người nhầm tưởng là văn bản thật khi thấy "dấu đỏ". Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ phát hiện các chi tiết in không sắc nét, các đối tượng thường ép plastic để che giấu dấu vết cắt ghép trong quá trình làm giả. Để nghiêng sẽ không thấy hình nổi và vết hằn của lực tì ấn khi ký và đóng dấu. Cơ quan Công an cảnh báo, khi có nghi ngờ về những loại giấy tờ chưa được thẩm định, các tổ chức và cá nhân nên trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để nhờ kiểm tra