Lừa đảo vay vốn dự án phi chính phủ: Mắc bẫy vì khát vốn

Thứ Sáu, 30/12/2011, 05:35

Đánh trúng vào tâm lý "khát vốn" của các doanh nghiệp trong thời buổi suy thoái kinh tế, kẻ lừa đảo đã tung ra màn kịch chương trình tài trợ nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ để dụ doanh nghiệp "chạy" dự án. Chiêu lừa này không phải là mới song vẫn có nhiều người mắc bẫy. Dự án liệu có phải là "miếng bánh ngọt" nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng chấp nhận chi phí ban đầu "chạy" dự án, để sau này nếu được giải ngân sẽ "thu hồi vốn"?

Nữ giám đốc lừa dán mác từ thiện nhân đạo

"Siêu lừa" vay vốn dự án của các tổ chức phi chính phủ vừa bị Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội bắt giữ là Nguyễn Thị Hiền (56 tuổi), quê Bắc Giang, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Minh Nam. Gọi là "siêu lừa", bởi năm 1998, Hiền đã từng bị Công an Bắc Giang bắt giữ, xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó bị Tòa án nhân dân Tối cao xử phạt 6 năm tù giam. Thụ án tại Trại giam Ngọc Lý, tháng 7/2004, Nguyễn Thị Hiền được tha tù.

Với quá khứ như vậy, nếu ở lại Bắc Giang sẽ dễ bị lộ chân tướng nên sau khi ra tù một thời gian, Nguyễn Thị Hiền quyết định ra Hà Nội làm ăn. Để thực hiện kế hoạch lừa dự án, Hiền thành lập Công ty CP đầu tư phát triển Minh Nam, thuê trụ sở tại ngõ 81 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình. Sau này, khi việc lừa đảo bị lộ, Hiền thuê một ngôi nhà ở ngõ 12 Đào Tấn, phường Cống Vị để ở và chuyển trụ sở Công ty Minh Nam về đây.

Trong số hàng chục doanh nghiệp đã sập bẫy lừa của Nguyễn Thị Hiền, người gửi gắm nhiều dự án vay vốn nhất  là ông Kiều Quang K., Giám đốc Công ty CP SXTM Việt Quang (trụ sở tại Gia Lâm, Hà Nội) với 41 dự án các loại. Ông K. cho biết giữa năm 2010, Công ty Việt Quang được giao quản lý 37ha đất lâm nghiệp tại xã Cộng Hòa, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh để xây dựng vườn thuốc và khu du lịch tâm linh.

Thời điểm kinh tế khó khăn, việc triển khai dự án này không phải là điều dễ dàng. Đang lúc loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn vốn thì ông K. được một sư thầy trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng ở Sơn Tây giới thiệu gặp Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Minh Nam. Sư thầy cho biết bản thân mình cũng đang nhờ bà Hiền giúp đỡ xin vốn từ các tổ chức phi chính phủ để xây dựng một ngôi chùa tại tỉnh Bắc Ninh. Bà Hiền nói chỉ lấy 60 triệu đồng là chi phí viết dự án, còn tiền "chạy" dự án hết mấy chục triệu, bà Hiền không nhận, coi như công đức cho nhà chùa.

Nghe sư thầy kể về nữ giám đốc có tấm lòng từ thiện như vậy nên ông K. vội vàng tìm đến Công ty Minh Nam, đặt vấn đề nhờ Hiền giúp đỡ vay vốn cho dự án của Công ty Việt Quang. Lần đầu tiên gặp nữ giám đốc, ông K. đã choáng bởi "tài năng" xin vốn do Hiền tự quảng cáo. Bà ta nói bản thân có quan hệ đặc biệt nên tiếp cận được với nguồn vốn vay không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ dành cho chương trình tài trợ nhân đạo gồm dự án trường học dành cho trẻ khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam; trường tiểu học, mầm non ở vùng sâu vùng xa; dự án trồng cây dược liệu; dự án tu bổ, xây dựng đình, chùa… Mỗi tỉnh sẽ được tài trợ từ 30-50 tỉ đồng, đặc biệt ưu đãi cho các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do chiến tranh. Mỗi tỉnh sẽ được duyệt từ 3-5 dự án và chỉ rót vốn khi đã thu thập đủ số lượng dự án trên toàn quốc.

Bà Hiền cũng nhấn mạnh rằng, tổ chức phi chính phủ chỉ duyệt và rót vốn với điều kiện các dự án do Công ty Minh Nam viết. Nữ giám đốc ra điều kiện nếu muốn nhờ bà ta viết dự án vay vốn giúp thì phải chi tiền thuê viết dự án là 60 triệu đồng/hồ sơ, cộng thêm tiền "loby" các tổ chức cho vay vốn từ 20-30 triệu đồng, tiền thẩm tra dự án từ 5-10 triệu đồng. Có như vậy, việc giải ngân mới được thuận tiện và nhanh chóng. Nhẩm tính khoản chi phí phải nộp cho bà Hiền khoảng 100 triệu đồng/dự án, trong khi khoản vay được sẽ là hàng tỉ đồng, ông K đồng ý nộp tiền ngay.

Chừng một tuần sau, nữ giám đốc gọi điện thoại cho ông K thông báo bà ta sẽ trực tiếp đi Quảng Ninh để thẩm định dự án của Công ty Việt Quang. Ông K mừng lắm, đưa xe ôtô con của công ty đến đón rước bà giám đốc. Tuy nhiên, bà Hiền từ chối, nói không thiếu gì ôtô và đề nghị ông K đi cùng xe của Công ty Minh Nam. Đến Quảng Ninh, bà Hiền vờ đi dạo quanh khu đất dự định triển khai dự án, ra vẻ gật gù ưng ý. Để thúc đẩy việc phê duyệt dự án, trưa đó ông K. đã thết đãi bà giám đốc cùng những người trong đoàn thẩm định một bữa đặc sản hoành tráng.

Khi ra về, ông K. còn "lót tay" cho bà giám đốc 20 triệu đồng. Chi đẹp như vậy nhưng bà giám đốc vẫn đòi ông K. phải trả thêm 3 triệu đồng tiền thuê ôtô. Bà Hiền khẳng định như đinh đóng cột rằng chỉ sau một tháng, dự án vườn thuốc và khu tâm linh của Công ty Việt Quang sẽ được giải ngân. Tuy nhiên, đến hẹn vẫn không thấy có tổ chức nào rót tiền cho công ty, ông K. hỏi thì Hiền trả lời hiện số lượng dự án còn thiếu, phía nước ngoài yêu cầu phải tìm thêm dự án cho đủ mới chuyển tiền chứ không tài trợ lắt nhắt.

Bà Hiền gợi ý ông K. nếu có mối quan hệ nào ở các tỉnh thì giới thiệu, hoặc chính doanh nghiệp Việt Quang nên đứng ra đầu tư chi phí xin dự án ban đầu, coi như một hướng đầu tư lâu dài. Sau này khi dự án được giải ngân sẽ lấy lại tiền đầu tư của các địa phương.

Thấy gợi ý của bà Hiền quá hợp lý, tự nhiên tạo công ăn việc làm ngon lành cho doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn, ông K. liền đi các đến một loạt các tỉnh phía Bắc và miền Trung  để thu thập thông tin, hồ sơ pháp lý các công trình trường học, trạm y tế, đình chùa… mang về nhờ Nguyễn Thị Hiền viết dự án xin vốn tài trợ. Sau đó, Hiền cùng ông K. đi tới các địa phương đó để thẩm định dự án. Hay tin có bà giám đốc tới thẩm định dự án, nhiều nơi đã tổ chức tiếp đón long trọng, tiệc tùng, quà cáp đầy đặn nhằm làm đẹp lòng bà giám đốc, hy vọng sẽ được giải ngân nhanh. Tuy nhiên cũng có địa phương do điều kiện khó khăn, có chút phong bì gọi là tiền xăng xe, nước nôi bồi dưỡng bà giám đốc đi đường, bà Hiền tỏ vẻ tức giận, nhắn tin cho lãnh đạo địa phương chê ki bo, tự nhiên được đầu tư hàng tỉ  đồng mà không biết ứng xử.

Tuy nhiên, khi đống hồ sơ dự án mà ông K thu thập về từ các địa phương lên tới hơn 40 bộ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu được giải ngân, quá lo lắng, ông K. tìm gặp bà Hiền liên tục để hỏi tên tổ chức phi chính phủ tài trợ nguồn vốn. Bà Hiền lấy lý do đây là tổ chức phi chính phủ nên theo nguyên tắc phải giữ bí mật, đồng thời gia hạn thêm nhiều lần mốc giải ngân.

Sau đó, bà Hiền tìm cách tránh mặt rồi… lặn mất. Lúc này ông K mới biết mình bị lừa. Thực ra, Công ty Minh Nam chẳng có quan hệ nào với các tổ chức phi chính phủ. Những  bộ dự án thuê Công ty Minh Nam viết với giá 60 triệu đồng/dự án thực chất được Nguyễn Thị Hiền copy theo mẫu có sẵn, chỉ thay đổi tên và địa chỉ dự án. Ngoài ông Kiều Quang K., rất nhiều giám đốc các doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh cũng bị Nguyễn Thị Hiền lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Không tìm được Hiền để đòi tiền, các bị hại đã đến Cơ quan Công an trình báo. Qua điều tra, ngày 20.12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hiền.

Giấy thu tiền lệ phí viết dự án và đơn tố cáo của nạn nhân.

Thận trọng trước những nguồn vốn vay quá dễ dãi

Trung tá Cao Văn Lộc, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao Phòng PC46 Công an Hà Nội cho biết, ngoài các nguồn vốn vay từ ngân sách Nhà nước, vay vốn ưu đãi theo các chương trình của Chính phủ hay vốn vay của các tổ chức quốc tế, trên thực tế có một số tổ chức phi Chính phủ thường thông qua các cá nhân hoặc đơn vị, doanh nghiệp trong nước thực hiện các hoạt động hỗ trợ mang tính từ thiện, nhân đạo. Do đó một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng hoạt động nhân đạo này để phạm tội.

Năm 2007, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã từng triệt phá một đường dây liên tỉnh chuyên lừa đảo "chạy" dự án, vay vốn ưu đãi của các tổ chức phi chính phủ, bắt giữ 2 đối tượng chính là Nguyễn Công Đoàn (54 tuổi)  Giám đốc Công ty FIC ở Bắc Ninh và Nguyễn Xuân Long (67 tuổi), Chánh văn phòng số 1 Công ty FIC.

Thủ đoạn của hai tên này khá tinh vi, chúng mạo danh là cán bộ Văn phòng Chính phủ hoặc chuyên viên Bộ Tài chính, tiếp xúc với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Doanh nghiệp nào muốn được vay nguồn vốn ưu đãi này phải chi phí từ 10-20 triệu đồng/ hồ sơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai tên này đã nhận 60 dự án của các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố xin vay vốn thông qua đường dây lừa đảo này với tổng số tiền vay là 10.141 tỉ đồng và 1,163 tỉ USD.

Lừa đảo vay vốn dự án, rõ ràng là thủ đoạn không mới, nhưng vì sao vẫn nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn  mắc bẫy? Qua tìm hiểu được biết các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước… phải trải qua rất nhiều thủ tục và qua nhiều cấp chính quyền, cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định.

Quy trình vay vốn "vất vả" như vậy, chưa kể thực tế cũng có chuyện tiêu cực phải chi tiền "bôi trơn" nên hầu hết doanh nghiệp nào cũng ngại. Do đó, các đối tượng lừa đảo thường bám vào sự e ngại này để đưa ra các chương trình vay vốn "ảo" nhưng hết sức hấp dẫn, trong đó chúng nhận khâu khó nhất là "chạy" hộ doanh nghiệp và chỉ lấy một khoản tiền công vừa phải. Chi phí bỏ ra không nhiều nhưng bù lại sẽ được nguồn vốn đầu tư lớn, trong hoàn cảnh thiếu vốn, nhất là suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã mắc bẫy.

Doanh nghiệp, cá nhân nào đã bị Nguyễn Thị Hiền lừa đảo, đề nghị cung cấp thông tin cho Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng PC46 Công an Hà Nội. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Điện thoại: 043.9396145, gặp đồng chí Nguyễn Đăng Minh.

Thạc sĩ, Kiến trúc sư Đoàn Bá Cử, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích và tu bổ văn hóa Trung ương (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) cho biết, trong lĩnh vực đầu tư tâm linh, nếu người dân, doanh nghiệp tưởng rằng có rất nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ muốn giúp đỡ cho vay vốn thì đã nhầm. Bởi ngay như một tổ chức văn hóa có quan điểm lành mạnh, khoa học nhất là UNESCO, họ cũng chỉ giúp ta về khung pháp lý, về đào tạo cán bộ là chính.

Thực tế có một số Việt kiều hảo tâm, khi có điều kiện thường trực tiếp về địa phương quê hương của mình để giúp đỡ, còn việc các tổ chức quốc tế, phi chính phủ giúp đỡ cho vay vốn đối với các dự án tu bổ, xây dựng di tích, di sản văn hóa, công trình tâm linh cũng không nhiều. Mặt khác các tổ chức quốc tế lớn, chính thức bao giờ cũng thông qua ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn về lĩnh vực, địa điểm dự định giúp đỡ; đồng thời lựa chọn những cá nhân, doanh nghiệp có uy tín, có quan hệ cộng tác lâu năm để ủy nhiệm. Do đó đứng trước những lời mời chào vay vốn quá dễ dãi, người dân cũng như các đơn vị, tổ chức cần thận trọng, xác minh về tính xác thực của nguồn vốn ấy, đơn vị cấp vốn… để phòng ngừa hiện tượng lừa đảo.

H.Vũ
.
.