Luật im lặng của mafia qua lời khai của một "bố già"

Thứ Tư, 03/01/2018, 17:29
Lần đầu tiên một "bố già" đã phá luật "Omertà" (Sự im lặng) của mafia, rồi lần lượt tường trình đầy đủ về cơ cấu tổ chức của mạng lưới tội phạm ở Palermo - "cái nôi" của mafia Italia.

Đó là những lời khai của Tommasso Buscetta (1928-2000), một boss (sếp sòng) sừng sỏ của mafia sau 45 ngày bị bắt. "Cú đột phá" mở đầu của T. Buscetta đã lan ra một loạt các vụ scandal liên quan tới các nhân vật thế lực ở Italia như với Hội kín P-2, hoặc trong Cơ quan Tình báo đối nội Italia (AISI)…

Dưới đây là các trích đoạn những lời khai của T. Buscetta thuộc hồ sơ lưu trữ của Bộ Nội vụ Italia, dày 366 trang, được công bố rộng rãi cho báo giới sau khi đã hết hạn "bảo mật đặc biệt" kéo dài đúng 33 năm (1984-2017), về cấu trúc của cái tổ chức tội ác cộm cán này, thường được giới hình sự học quốc tế so sánh giống như "một con bạch tuộc khổng lồ" thò vòi ra khắp nơi.

Bố già T. Buscetta thuở còn hoàng kim.

"Từ mafia là do hư cấu của văn học, từ này không tồn tại, không bao giờ được nói tới trong tổ chức. Đó là khẳng định của boss T. Buscetta, kẻ từng liên quan trực tiếp tới 120 vụ án đẫm máu trong thập niên 80 thế kỷ trước, điển hình là vụ sát hại 8 thành viên của một dòng họ mafia đối nghịch truyền kiếp với hắn, do tên Filippo Marchese (1938-1983) đứng đầu vào giữa tháng 9-1983 ở một địa điểm thuộc ngoại vi Palermo, thủ phủ đảo Sicilia. T. Buscetta chịu khai dưới lời bảo đảm của nhà chức trách sẽ bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho cá nhân hắn, cũng như các thành viên trong gia đình tên cựu bố già sừng sỏ này.

"Mỗi một thành viên sống trong một khu phố ở Palermo và thuộc một dòng họ mafia nào đó - T. Buscetta tiếp tục - Đứng đầu là một viên sếp được bầu ra bởi các thành viên khác. Chỉ kẻ ấy có quyền chỉ định phó tướng của mình, cũng như các cố vấn riêng được lựa chọn kỹ trong một nhóm tinh nhuệ chừng 10 tên. Bên trên nữa là Hội đồng Tối cao, thường được gọi theo nghĩa đen là "Cupola" (Mái vòm - chóp tháp), được thành lập gồm các viên boss của những dòng họ quan trọng nhất.

Các thành viên thuộc "Cupola" được quyền giữ ghế của mình tới 3 năm. Nhưng trong bối cảnh phát triển của các tổ chức hiện nay, nhiều khi các boss cứ tại vị mãi hoặc bị thay trước thời hạn… Cả mạng lưới tổ chức bao trùm được gọi là Cosa Nostra, hay mafia nói chung như thiên hạ vẫn gọi".

Vậy tổ chức tội phạm Cosa Nostra thu nạp thành viên như thế nào? Boss T. Buscetta kể tiếp: "Để trở thành thành viên, cần phải làm lễ ăn thề trước độ 5-6 thành viên thuộc dòng họ chứng kiến. Sau đó phải thực hiện đúng mọi quy định cho đến hết đời, nghĩa là bạn phải tận tâm mãi mãi với tổ chức. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt, tổ chức sẽ xét "đơn xin rút lui" vì những lý do không thể khác được…

Boss T. Buscetta (đeo kính) ra tòa trong vai trò nhân chứng đặc biệt được miễn truy tố.

Ngoài ra, các thành viên thuộc những dòng họ khác nhau trong cùng Cosa Nostra không hề được biết mặt nhau. Khi có sự vi phạm thì đương sự sẽ bị kết án, hay bị cách li tạm thời, hoặc khai trừ vĩnh viễn khỏi tổ chức". Thậm chí T. Buscetta còn cho biết rõ hơn: "Tổ chức Cosa Nostra tại Sicilia khác hẳn với Cosa Nostra ở Mỹ, đó là 2 tổ chức "tự trị" riêng biệt, chỉ liên quan đến nhau qua một vài phi vụ thuốc phiện lậu hoặc tẩy rửa tiền... Người của tổ chức ở Sicilia không được coi trọng tương xứng tại các dòng họ bên Mỹ.

Nếu như một người ở Sicilia bắt buộc phải trốn sang Mỹ "ở ẩn", điều đầu tiên là người ta sẽ thẩm tra tư cách cá nhân cùng các thông tin hữu ích về kẻ ấy; rồi sau có thể được nhận vào một dòng họ nào đó để sống và tồn tại… Nhưng không có nghĩa là sẽ nghiễm nhiên trở thành một người của mafia Mỹ".

Khi gặp khó khăn, một thành viên mafia phải làm gì? Báo động cho ai? Với viên sếp sòng T. Buscetta thì quá đơn giản: "Giữa chúng tôi chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ là đã quá đủ rồi. Một cái nháy mắt cũng đủ để chúng tôi hiểu rõ sự việc và ứng phó với giới điều tra viên chuyên nghiệp như thế nào. Ví dụ như 2 kẻ vừa phạm tội bị bắt quả tang cùng với khẩu súng tang vật trong xe hơi. Chỉ cần nhìn thoáng qua là đủ hiểu: một tên sẽ nhận hết mọi tội lỗi về mình, còn tên kia hầu như… vô can không biết gì sất. Hay như vài người thuộc một dòng họ cùng bị bắt, một tên nào đó nói "Chúng ta thua rồi!"… Hiện tượng này có nghĩa là kẻ ấy sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về mọi tội, với khả năng tự biện hộ được".

Còn khi một tên thuộc hàng sếp sòng bị bắt sẽ có tác động ra sao? Trong trường hợp đó sẽ có thay đổi gì không với tổ chức rối rắm này của mafia? T. Buscetta giải thích: "Việc bắt một boss hay một thành viên bình thường không ảnh hưởng gì mấy tới cả dòng họ. Bởi các mối dây liên hệ thường được thực hiện bằng nhiều phương cách khác nhau. Ngay cả những phạm nhân trong tù cũng có những cách liên hệ của mình với bên ngoài. Khi một viên sếp bị bắt, chỗ của hắn sẽ được thay ngay bởi tên phó nhóm - kẻ sẽ báo cáo lại mọi hoạt động của cá nhân mình, cũng như của cả dòng họ khi tên sếp kia được trả tự do. 

Tôi muốn nói rằng tuy ở trong tù boss không thể chỉ thị những mệnh lệnh cụ thể, mà sẽ chỉ đưa ra các phương hướng chỉ đạo chung của mình, từ đó tên phó ở bên ngoài sẽ đánh giá và thực hiện cho sát với điều kiện thực tế, nhưng căn bản dựa theo phương châm của tên sếp đang nằm ấp kia. Trong trường hợp kẻ phó thay thế không chịu thực hiện các phương án mà boss đã dự kiến, như thực hiện một "cú" tội ác nào đó, thì Hội đồng Cupola cũng không kết tội, nếu hắn đưa ra được những lý lẽ thỏa đáng giải thích cho các hành động của mình".

Hiện trường một vụ thanh toán nội bộ giữa các thành viên Cosa Nostra.

Cuối cùng về bản thân cái "bộ luật Omertà" hay luật của sự im lặng - câm như hến, một trong những điều luật căn bản của thứ luật lệ vô hình bất thành văn, nhưng rất hữu hiệu của tổ chức Cosa Nostra bạo tàn, T. Buscetta giải trình: "Một thành viên chỉ có việc phục tùng, không có quyền nêu ra các câu hỏi - đó là cách im lặng thứ nhất. Mặt khác sếp chỉ thông tin cho những kẻ thân cận nhất mà ông ta tin được, với nguồn tin giới hạn nào đó… Những kẻ nghe chỉ biết im lặng, bởi bản thân các câu hỏi đã ẩn chứa sự tò mò cùng sự bất quy phục. Do vậy họ chỉ lắng nghe một cách hài lòng những điều mà người khác nói - đủ mức cho họ rõ. Omertà được áp dụng tuyệt đối ở mọi nơi mọi lúc. Ai hỏi lại có thể có những hệ lụy khôn lường, thậm chí sẽ bị thủ tiêu…".

Xuân Hiếu (theo La Stampa)
.
.