Lực lượng Cảnh sát kinh tế khám phá những vụ “đại án”

Thứ Tư, 28/01/2015, 16:05
Năm 2014, hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được lực lượng Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an điều tra, khám phá và đưa ra xét xử nghiêm trước pháp luật. Ðiều này thể hiện quyết tâm của Ðảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Không có “vùng cấm”, không có ai là ngoại lệ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng chống tham nhũng nói riêng.

Việc khám phá các vụ “đại án” kinh tế cũng đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần chủ động của lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở lĩnh vực được coi là đặc biệt nhạy cảm, khi các đối tượng phạm tội  được đúc kết với thuật ngữ “tội phạm cổ cồn trắng”.

BÀI I: KHÔNG CÓ VÙNG CẤM

"Né" Cơ quan điều tra, đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga vẫn không thoát lưới pháp luật

Ngày 7/1/2015, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc bắt giữ một đại biểu Quốc hội có hành vi vi phạm pháp luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan pháp luật Việt Nam: Không có vùng cấm trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. Đây là lần đầu tiên, Cục CSKT (C46) Bộ Công an khởi tố, bắt giam  đối tượng có nhân thân đặc biệt như bà Nga.

Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất Hà Nội (Housing Group) và đồng phạm tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để bán. Cụ thể, Housing Group đã ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377.287.934.482 đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.

Điều tra viên Cục C46 cho biết, tháng 10/2013, điều tra mở rộng vụ án Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) về hành vi “Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, CQĐT xác định bà Châu Thị Thu Nga là đồng chủ đầu tư dự án B5 Cầu Diễn. Kết hợp đơn thư tố cáo của khách hàng, cuối năm 2013, CQĐT chính thức làm việc với Công ty Housing Group của bà Nga để thu thập tài liệu. Tuy nhiên, "cậy" mình là đại biểu Quốc hội nên bà Nga tìm cách né tránh, cung cấp tài liệu nhỏ giọt, lấy các lý do như ốm, đi họp Quốc hội… để không làm việc, không cung cấp tài liệu cho CQĐT.

Việc bắt giam bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã khẳng định quan điểm xử lý nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Quá trình điều tra, dường như bà Nga tin rằng với "mác" đại biểu Quốc hội thì không có cơ quan pháp luật nào xử lý được.  Những buổi triệu tập được bà Nga tới CQĐT làm việc không nhiều do bà Nga lấy các lý do như họp Quốc hội, làm việc với các địa phương và cố tình lờ việc giải trình về khoản tiền đã chiếm đoạt. Sau kỳ họp Quốc hội tháng 11/2014, bà Nga cắt liên lạc, tắt điện thoại. Khi xuống địa phương xác minh, bà Nga vắng nhà.

Mỗi lần nghe ngóng thấy tình hình có vẻ "căng", khách hàng gây sức ép đòi tiền, bà Nga lại dùng chiêu bài gửi đơn đến CQĐT xin khắc phục hậu quả để kéo dài thời gian. Tháng 8/2014, thấy khó có thể "né" việc giải trình nguồn tiền đã thu của khách hàng, bà Nga chủ động gửi đơn tới CQĐT xin khắc phục. Khi điều tra viên hỏi bà lấy nguồn tiền ở đâu để trả cho khách hàng, bà Nga nói sẽ vay được nguồn vốn của một ngân hàng nước ngoài với số tiền vay là 150 triệu USD. Nhưng hỏi cụ thể là bao giờ có tiền trả cho khách hàng thì bà Nga không trả lời được.

Trước khi bị bắt giam 2 ngày,  ngày 5/1/2015, bà Nga tiếp tục có đơn gửi CQĐT xin giải quyết trả tiền cho khách hàng, nhưng thực tế, ngoài lá đơn thì bà Nga chẳng có đồng nào mang đến CQĐT để chứng minh việc khắc phục hậu quả ngoài điệp khúc "sẽ vay ngân hàng nước ngoài". Việc gửi đơn là chuyện của cá nhân  bà Nga. Đối với Cơ quan Công an, qua điều tra đã xác định  tại thời điểm trước khi bị bắt giữ, bà Nga đã rơi vào tình trạng phá sản: Ngôi nhà gia đình bà Nga đang ở tại phố Hồng Mai đã thế chấp ngân hàng, ôtô bà Nga đang đi cũng là  xe thuê. Công ty Housing Group do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT với bề ngoài hoành tráng nhưng đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2013. 

Với đối tượng có nhân thân đặc biệt như bà Nga, việc đấu tranh phải tính toán và đảm bảo yêu cầu pháp luật, đảm bảo đúng quy trình xử lý đối với một đại biểu Quốc hội. Chiều 7/1/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSNDTC) đối với bà Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của bà Nga.

Tối 7/1, bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định bà Nga đang có mặt tại nhà, CQĐT phối hợp Viện KSNDTC, Công an và chính quyền địa phương thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Điều tra viên C46 kể, khi đến nhà bà Nga tại phố Hồng Mai, một phụ nữ trung tuổi ra mở cửa và cho biết bà Nga không có nhà. Thực tế thì lúc đó bà Nga đang ở tầng trên. Sau ít phút phân tích, thuyết phục cho người phụ nữ kia hiểu việc thi hành của cơ quan pháp luật, người phụ nữ đã hợp tác, mời bà Nga xuống tầng 1 nghe CQĐT đọc lệnh. Dường như xác định việc bị bắt nên trong suốt quá trình đọc lệnh và khám xét, bà Nga tỏ thái độ bình tĩnh chấp hành.

Là doanh nhân, đại biểu Quốc hội, tiếp xúc nhiều với các cơ quan truyền thông nên bà Nga là người rất chú ý chăm sóc hình ảnh trước công chúng. Ngay cả khi bị bắt, trong lúc thu xếp đồ dùng cá nhân để vào trại giam, bà Nga không quên chọn đồ trang điểm mang theo. Khi các điều tra viên cho biết những đồ đó theo quy định không được mang vào buồng giam, bà Nga tranh thủ tô vội son phấn trước khi bị dẫn giải vào trại. Giá như  bà Nga ý thức được việc giữ gìn hình ảnh của một đại biểu Quốc hội trước nhân dân, ngoài chăm chút hình thức bên ngoài phải đi liền với giữ gìn phẩm chất, tư cách đạo đức, thì đâu có thể dẫn đến hậu quả đáng buồn như vậy.

3 ngày điều tra vụ hối lộ 16 tỉ đồng tại dự án ODA

Không manh động, nguy hiểm như tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm kinh tế là những đối tượng có trình độ, hiểu biết, có quan hệ xã hội và cả tiềm lực kinh tế. Do đó, cuộc đấu tranh với tội phạm "cổ cồn trắng" thực sự là những cuộc đấu trí quyết liệt của cán bộ chiến sĩ (CBCS) lực lượng CSKT.

Trong thành tích đấu tranh, khám phá các vụ "đại án" kinh tế của Cục CSKT, không thể không nhắc đến việc khám phá nhanh vụ án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 16 tỉ đồng cho các cán bộ ngành đường sắt Việt Nam để được trúng thầu dự án ODA. Chỉ trong vòng 3 ngày, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, CBCS Cục CSKT đã nhanh chóng làm rõ vụ án.

Đại tá Lê Hồng Nam, Trưởng phòng 11 C46 kể lại, khoảng 23 giờ ngày 29/4/2014, Bộ Ngoại giao Nhật có Công hàm gửi Chính phủ Việt Nam, nội dung đề nghị điều tra làm rõ vụ việc nghi vấn đưa hối lộ của Công ty JTC cho một số cán bộ trong Ban quản lý Dự án Đường sắt Việt Nam.

Sáng 30/4, mặc dù là ngày nghỉ lễ nhưng trực tiếp đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục Phòng chống tội phạm đã họp, chỉ đạo Cục C46 thực hiện các công tác điều tra. Do đã chủ động nắm tình hình địa bàn từ trước nên ngay sau khi nhận chỉ đạo, Cục C46 đã nhanh chóng thành lập một tổ công tác gồm 10 điều tra viên dày dạn kinh nghiệm trong đấu tranh, xét hỏi các đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản để triển khai xác minh thu thập tài liệu và làm việc trực tiếp với những đối tượng có nghi vấn.

Chưa bao giờ, CBCS Cục C46 gặp áp lực lớn về thời gian điều tra như ở vụ án này khi trong công hàm,  phía Nhật đề nghị Chính phủ Việt Nam phải làm rõ nghi vấn đưa hối lộ của Công ty JTC  vào ngày 2/5/2014, và chậm nhất đến ngày 7/5/2014 phải có kết quả, để kịp báo cáo trong phiên họp chất vấn của Quốc hội Nhật Bản. Nếu không giải quyết tốt vụ án và kịp thời trong khoảng thời gian 7 ngày như nội dung nêu tại công hàm thì phía Nhật sẽ cắt chương trình ODA đối với Việt Nam.

Đây là vấn đề áp lực lớn đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói chung và các điều tra viên trực tiếp được giao nhiệm vụ thụ lý nói riêng bởi vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông. Mặt khác, trong công cuộc chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra yêu cầu chính trị rất cao, cần phải cương quyết đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội để xử lý nghiêm trước pháp luật đồng thời giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Yêu cầu này đòi hỏi công tác điều tra, xử lý của lực lượng Công an phải nhanh chóng, kịp thời để phía Nhật thấy được sự tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với tội phạm tham nhũng.

Áp lực thì như vậy, trong khi đây là một vụ án cực kỳ khó khăn do  tài liệu chứng cứ ban đầu về vụ việc đưa nhận hối lộ mới dừng lại mức độ thông tin, không có bất kỳ tài liệu chứng cứ gì, chưa rõ ràng về đối tượng nhận hối lộ người Việt Nam là ai, nhận bao nhiêu tiền, nhận ở đâu... Hơn nữa, sự việc xảy ra đã lâu, từ tháng 9/2009; các đối tượng thuộc Công ty JTC đã về Nhật Bản; những cơ quan liên quan thuộc 2 quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nên việc xác minh rất khó khăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục và Cục C46, các điều tra viên đã tập trung đấu tranh trực diện với các đối tượng nghi vấn. Đến 18 giờ ngày 1/5, 3 đối tượng gồm Giám đốc, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt cùng Trưởng phòng Quản lý dự án đã khai nhận hành vi phạm tội.

Khẩn trương mở rộng, đến 15 giờ ngày 2/5, C46 đã làm rõ sai phạm của các đối tượng liên quan trong vụ  nhận hối lộ 16 tỉ đồng của Công ty JTC Nhật Bản. Căn cứ vào kết quả điều tra này, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can là cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về các tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đến nay, CQĐT đã thu hồi gần 5 tỉ đồng liên quan đến vụ án.

Ngay trong ngày 3/5, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Chính phủ để Chính phủ có công hàm ngoại giao chính thức thông báo cho phía Nhật. Ngày 5/5, Đại sứ Nhật tại Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để nắm tình hình chi tiết xung quanh vụ việc.

Ngày 6/5, Đoàn Công tố Nhật Bản làm việc với Bộ Công an, Bộ GTVT. Trước kết quả điều tra của Bộ Công an Việt Nam, Viện Công tố Nhật và Đại sứ quán Nhật cam kết sẽ kịp thời báo cáo Chính phủ Nhật về sự cộng tác tích cực, khẩn trương của các cơ quan pháp luật Việt Nam, cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan  đến việc sử dụng nguồn vốn ODA để Chính phủ Nhật báo cáo, giải trình trước Quốc hội Nhật vào ngày 10-5, trong đó khẳng định đề xuất Nhật Bản tiếp tục nối lại các chương trình ODA với Việt Nam mà trước đó đã bị tạm dừng lại.

Ngày 20/5, Chính phủ Nhật có công hàm chính thức nối lại chương trình ODA với Việt Nam. Cùng thời điểm này, tại Indonesia, Uzberkistan có việc Công ty JTC đưa tiền hối lộ trong các dự án đường sắt, tuy nhiên do các quốc gia này chưa có động thái điều tra nên Quốc hội Nhật đã không phê chuẩn và cho dừng dự án ODA tại các quốc gia này.

Việc nhanh chóng, kịp thời khám phá vụ án có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - đối ngoại, giúp cho Chính phủ đàm phán nối lại viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam để đầu tư, phát triển đất nước. Đồng thời, kết quả điều tra vụ án đã khẳng định Chính phủ Việt Nam rất cương quyết về việc xử lý sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn vay đối với các dự án có nguồn vốn ODA của Nhật Bản, cũng như khẳng định chủ trương xử lý nghiêm minh với tội phạm tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Hương Vũ
.
.