Lực lượng chống khủng bố Iraq được Mỹ huấn luyện bị tố phạm tội ác chiến tranh

Thứ Hai, 30/03/2015, 16:25
Các đơn vị quân đội Iraq được Mỹ huấn luyện và vũ trang, đội quân quan trọng đối với chiến lược của Washington chống IS đang bị điều tra vì phạm tội ác giống như tổ chức khủng bố. Trong khi nhiều tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu lên án chính quyền Obama mắc sai lầm nghiêm trọng đồng thời thừa nhận đó là một sự thất bại nặng nề về mặt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Chính phủ Iraq đang tiến hành điều tra vụ bê bối này,  căn cứ vào hàng chục video và hình ảnh rùng rợn cho thấy binh sĩ từ các đơn vị tinh nhuệ nhất của Iraq tàn sát dân thường, tra tấn, tử hình và bêu đầu tù nhân.

Trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ, một quan chức Lầu Năm Góc đã ví hành vi của quân đội Iraq chẳng khác nào IS. "Nếu những cáo buộc này được xác minh, thì những người này (sĩ quan quân đội Iraq) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cùng với các tổ chức nhân quyền quốc tế và chuyên gia quân sự gọi những bức ảnh này là bằng chứng "tội ác chiến tranh".

Theo Luật Leahy, Mỹ buộc phải cắt đứt viện trợ đối với đơn vị vũ trang nước ngoài khi có "bằng chứng xác thực về vi phạm nhân quyền".

Một tù nhân bị dân quân Shiite Iraq thả rơi xuống đất hoặc treo xác trên một tháp canh. Ảnh: Instagram.

Trong một tuyên bố gần đây với Hãng tin ABC, sĩ quan chỉ huy liên quân tiết lộ, đã biết đến bê bối trong những tháng kể từ khi Mỹ bắt đầu các cuộc không kích và viện trợ quân sự cho Iraq hồi tháng 8/2014. "Chúng tôi đã rút lại viện trợ từ các đơn vị  Iraq dựa vào thông tin đáng tin cậy trong quá khứ”.

Một người phát ngôn của Chính phủ Iraq cho biết, vì có hàng chục bức ảnh có thể là công cụ tuyên truyền của IS, nên cần phải tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ.

Quân đội Iraq là một lực lượng đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến lược chống IS. Mỹ đang gửi viện trợ vũ khí trị giá gần 1 tỉ USD cũng như cung cấp chuyên gia để huấn luyện tân binh.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch-HRW) và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã xem xét tập ảnh và cho biết, họ hiếm khi thấy bằng chứng trực quan về vi phạm nhân quyền như vậy.

"Thông thường, khi lực lượng quân đội phạm những tội ác như thế này, thì họ sẽ cố gắng ém nhẹm chúng.  Sự việc mà chúng tôi đang điều tra cho thấy những hành vi tội ác này rất man rợ” -  Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành của HRW khu vực Trung Đông cho biết trong một cuộc phỏng vấn khi điều tra vụ bê bối ở Iraq.

ABC đã biết đến những bức ảnh tương tự lần đầu tiên vào tháng 9/2014, khi một phóng viên sử dụng tài khoản Instagram của lực lượng chống khủng bố Iraq phát tán đoạn video quay cảnh một tù nhân bị còng tay, sau đó bị một binh sĩ mặc quân phục rằn ri bắn chết.

Chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Arập của một người tự xưng là thành viên lực lượng vũ trang Iraq ghi rõ: "Chúng tôi bắt được tên khủng bố này hôm qua và chúng tôi đã tiêu diệt hắn sau khi thẩm vấn xong".

Một bức ảnh được đăng lên Internet vào tháng 9/2014 cho thấy thủ cấp của một người đàn ông tóc dài và râu rậm được cho là chiến binh IS bị kéo lê trên mặt đất bằng chiếc xe Humvee mang biển số quân đội Iraq được Mỹ tài trợ.

Đây là hành vi vi phạm Công ước Quốc tế Geneva. Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu James Gavrilis khẳng định, hành động của quân đội Iraq phạm tội ác chiến tranh.

Hình ảnh được cho là lực lượng chống khủng bố Iraq đang chụp ảnh lưu niệm sau khi hành quyết một người bị cáo buộc có quan hệ hoặc là thành viên IS. Ảnh: Instagram.

"Tôi thừa nhận điều đó thật khủng khiếp. Điều này cho thấy chính sách của chúng tôi (Mỹ) đối với Iraq hoàn toàn thất bại",  ông Gavrilis tin rằng những hình ảnh rùng rợn hoàn toàn có thật. Ông nhấn mạnh thêm: "Cả 2 phía (Iraq và Mỹ) đều đang phạm tội ác chiến tranh”.

Các binh sĩ dường như là một đội dân quân và quân đội cùng xuất hiện trong đoạn video dài 78 giây được phát tán rộng rãi vào tháng 1 vừa qua - trong số những người đó có người mặc quân phục quân đội Iraq chụp ảnh một cậu bé, mặt xám ngoét vì sợ hãi.

"Mày vừa bắn đúng không?", một sĩ quan gằn giọng hỏi. Cậu bé bị còng tay và đạp ngã dúi ngã dụi xuống đất, khóc nức nở, khẳng định: "Không! Không! cháu không bắn, cháu không bắn".

Các sĩ quan Iraq tranh luận với nhau liệu có nên "giết nhầm còn hơn bỏ sót", một số người yêu cầu chiến hữu bình tĩnh, nhưng cuối cùng cậu bé vẫn phải chết.

"Tôi đã chứng kiến tất cả những chuyện gây kinh hoàng trong suốt nhiều năm qua… Nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ chuyện gì gây kinh hoàng như thế này trong cuộc đời mình", ông Ali Khedery, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Baghdad kiêm cố vấn Lầu Năm Góc về Trung Đông cho biết.

Tướng Saad Maan, người phát ngôn Chính phủ Iraq cho rằng những hình ảnh đó có thể là mưu đồ tuyên truyền thâm độc của IS. Tuy nhiên, quan điểm của người phát ngôn chính quyền Iraq đã bị tướng Mỹ Gavrilis bác bỏ.

"Hoàn toàn không giống như hình thức tuyên truyền của IS. Tôi không biết làm thế nào mà chúng ta (nước Mỹ) có thể ủng hộ họ (quân đội Iraq), nếu họ đang phạm phải những tội ác tàn bạo như thế này…lực lượng dân quân Shiite Iraq cũng man rợ giống như bọn IS".

Người phát ngôn Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Iraq về tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức và trách nhiệm bảo vệ dân thường. "Hành động mà một nhóm thiểu số gây ra, nếu không được ngăn chặn, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực của Chính phủ Iraq”.

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.