Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ chống khủng bố Spetsnaz của Nga

Thứ Ba, 04/02/2014, 15:45

Sau 2 vụ đánh bom khủng bố liều chết hồi cuối tháng 12/2013 ở thành phố Volgograd (tên cũ là Stalingrad) - giết chết 34 người và làm bị thương 62 người khác, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước Nga sẽ "tiếp tục cuộc chiến đấu mạnh mẽ và kiên định chống lại bọn khủng bố cho đến khi chúng bị tiêu diệt hoàn toàn".

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Tổng thống Putin là ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố để bảo vệ an toàn cho các vận động viên và khán giả từ khắp nơi trên thế giới tham gia Thế vận hội mùa Đông sẽ diễn ra vào tháng 2 sắp tới tại thành phố Sochi.

Đại tá Alexander Mikhailov, sĩ quan đơn vị ưu tú "Alpha" của Đội đặc nhiệm tinh nhuệ Spetsnaz nổi tiếng của Nga, cũng nhấn mạnh khủng bố sẽ không xảy ra nữa ở Moskva hay tại Thế vận hội mùa Đông sắp tới ở Sochi.

Nhưng Mikhailov cũng bày tỏ mối lo ngại: "Sochi là mục tiêu cuối cùng của bọn Hồi giáo cực đoan. Cuộc tấn công khủng bố ở Volgograd có lẽ chỉ là bước khởi đầu của bọn chúng".

Nhiệm vụ mới của Spetsnaz

Trong suốt nhiều năm, sự căng thẳng luôn âm ỉ trong khu vực Caucasus và những cuộc bạo động liên tiếp nổ ra giữa người Nga và người Caucasus. Cả 3 chủ thể liên bang Nga Kabardino-Balkaria, Chechnya và Dagestan - chỉ cách Sochi chừng 300km - được coi là vùng đất nóng của các tổ chức khủng bố. Năm 2012, 33 cuộc tấn công làm rung chuyển vùng Bắc Caucasus. Chỉ riêng từ tháng 10/2013, 139 người bị sát hại.

Trở lại tháng 9/2013 tại cuộc họp Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Putin kêu gọi huy động toàn bộ các lực lượng an ninh để bảo đảm an toàn cho Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014, diễn ra vào tháng 2 tới. Sau đó, Kremlin đã cho triển khai 50.000 cảnh sát, sĩ quan tình báo và binh sĩ. Các tàu ngầm tuần tra vùng Biển Đen, máy bay không người lái (drone) giám sát bầu trời Sochi. Những hệ thống tên lửa phòng không cũng được bố trí và có khả năng bắn hạ máy bay của bọn không tặc trong tình huống khẩn cấp.

Các lực lượng của Bộ Nội vụ Nga, bao gồm 170.000 người, chịu trách nhiệm bảo vệ các con đường trong thành phố nghỉ dưỡng Sochi, với 400.000 dân nằm dọc theo vùng bờ biển trải dài hơn 100km. Sân vận động Thế vận hội, trung tâm báo chí và các khu vực thi đấu ngoài trời khác cũng nằm dọc theo bờ biển.

Hiện nay, cơn ác mộng của các chuyên gia an ninh Nga là tuyến đường sắt tốc hành mới dài 71km chạy từ khu vực này xuyên qua vùng núi đến 1 trong 2 ngôi làng Olympic, khu vực trượt tuyết và các khách sạn sang trọng. Bộ Nội vụ Nga đánh giá có khoảng 600 tên khủng bố hoạt động ngầm trong khu vực và được tổ chức thành 40 nhóm trải dài suốt vùng đất Bắc Caucasus.

Tháng 9/2013, Cơ quan Tình báo nội địa Nga FSB đánh giá có đến 400 tên khủng bố vùng Caucasus hiện đang chiến đấu ở Syria cùng với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Hiện các sĩ quan tình báo đang giám sát chặt chẽ mọi chuyến bay và sự đi lại nhằm ngăn chặn những phần tử chiến binh Hồi giáo này sắp tới sẽ quay về Nga để tiến hành những cuộc tấn công vào sự kiện Thế vận hội mùa Đông Sochi. Các chiến binh ưu tú Spetsnaz đang chuẩn bị như thế nào cho sự kiện thể thao thì vẫn còn nằm trong bí mật, nhưng có thông tin cho rằng họ đã được triển khai đến Sochi cách đây vài tháng.

Một thành viên Spetsnaz tự xưng là "Victor" (không phải tên thật) tiết lộ đồng đội của anh có nhiệm vụ ngăn chặn bọn khủng bố vượt qua các dãy núi để xâm nhập vào Sochi. Victor bị mất con mắt phải trong một cuộc chạm trán nhỏ ở thủ đô Grozny của Chechnya hồi tháng 9/2000. Sau vụ này, xạ thủ bắn tỉa Victor xin phép cấp trên cho phép tiếp tục ở lại Spetsnaz và đã được chấp thuận. 

Sergey Illariovov, thành viên ưu tú của chi đội "Rossich" thuộc Spetsnaz.

Bất chấp có được một số thành công, nước Nga vẫn chưa chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ cuộc tấn công lớn đầu tiên năm 1995, khi những người ly khai Chechnya chiếm đóng một bệnh viện ở tỉnh Budyonnovsk miền Nam nước Nga và bắt các bác sĩ cũng như bệnh nhân làm con tin, những cuộc tấn công khủng bố sau đó đã giết chết 2.240 người trên khắp nước này và làm bị thương khoảng 5.880 người khác.

Trước thềm năm mới, lãnh đạo Cơ quan An ninh Nga FSB Alexander Bortnikov cho biết, trong tổng cộng 70 chiến dịch chống khủng bố được triển khai vào năm 2013, "hơn 260 phần tử xấu bị tiêu diệt", bao gồm 42 tên thủ lĩnh cấp cao. Một sĩ quan Spetsnaz thừa nhận: "Trong những chiến dịch như thế này, chúng tôi không bắt giữ tù binh mà chỉ bắn chết tại chỗ".

Ở Makhachkala, trung tâm hành chính của nước Cộng hòa Dagestan - nơi xuất phát của các phần tử khủng bố - một chi đội Spetsnaz đã bắn chết tên Murad Kasumov vào giữa tháng 11/2013. Kasumov là 1 trong 3 chiến binh Hồi giáo bị nghi ngờ tham gia vụ tấn công khủng bố ở Volgograd.

Alexander Mikhailov, chỉ huy chi đội "Alpha" tinh nhuệ của Spetsnaz.

Những chiến binh Spetsnaz huyền thoại

Vai trò mấu chốt trong công tác bảo vệ Thế vận hội mùa Đông Sochi được giao cho Spetsnaz, lực lượng đặc nhiệm huyền thoại gồm các sĩ quan ưu tú từ quân đội, các cơ quan tình báo và Bộ Nội vụ. Lực lượng tinh nhuệ Spetsnaz của Nga có thể so sánh với các lực lượng đặc nhiệm lẫy lừng tên tuổi SAS của Anh hay SEALS của hải quân Mỹ - đơn vị được giao trọng trách săn lùng và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Paskistan.

Theo một nguồn tin, nhóm "Alpha" của Đại tá Alexander Mikhailov - chi đội nổi tiếng nhất của Spetsnaz - đã được triển khai ở Sochi từ hơn 6 tháng qua để sục sạo cả thành phố, các ngôi làng Olympic và các khu thi đấu thể thao tìm kiếm chất nổ. Họ cũng có những bước chuẩn bị cho những chiến dịch khẩn cấp và giải cứu con tin.

Một sĩ quan "Alpha" cho biết: "Chúng tôi triển khai mọi biện pháp an ninh được sử dụng trước đây ở Hội nghị G-8, khi đó chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ các nguyên thủ như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel. Mục tiêu chính của các chiến binh Spetsnaz là đối phó với nhóm khủng bố Hồi giáo xuất phát từ các địa phương ở Caucasus. Được chỉ huy bởi thủ lĩnh phiến quân Chechnya là Dokka Umarov, bọn khủng bố muốn giành độc lập từ Moskva. Mục tiêu của Umarov là thành lập một tiểu quốc Hồi giáo ở Bắc Caucasus, nơi sử dụng luật Sharia hà khắc của tôn giáo này.--PageBreak--

Các thành viên Spetsnaz được trả lương tương đương từ 1.000 euro đến 2.500 euro/tháng. Sau khi về hưu, các cựu thành viên Spetsnaz thường làm việc cho các công ty an ninh tư nhân do đồng lưu hưu trí ít ỏi dành cho họ không đủ trang trải cuộc sống. Nhưng cũng có một số cựu chiến binh huyền thoại trở nên nghiện rượu và bị chứng trầm cảm hành hạ.

Đại tá Andrei Pelikov, cựu thành viên chi đội "Rossich" của Spetsnaz, là một trường hợp như thế. Ông từng được Tổng thống Putin trao tặng “Huy chương vì lòng can đảm” sau khi bị mất một phần cẳng chân do vướng mìn khi truy đuổi phiến quân tháo chạy ở Chechnya hồi tháng 3/2006. Pelikov phải tự tiêm thuốc giảm đau và bọc chân lại trước khi chỉ huy chi đội rút lui và tổ chức một đội rà quét mìn.

Để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Thế vận hội mùa Đông Sochi, Tổng thống Putin đặt hết niềm tin vào một nhân vật trung thành với với ông là tướng Viktor Zolotov - lãnh đạo Ban an ninh Tổng thống. Tháng 7/2013, Tổng thống Putin biệt phái Zolotov đến Bộ Nội vụ và giao cho ông trọng trách cung cấp an ninh cho thành phố nghỉ dưỡng Sochi.

Bước đầu tiên của tướng Zolotov là tối ưu hóa lực lượng Spetsnaz và tăng lương cho các thành viên. Cách đây 5 năm, Sergey Illarionov chiến đấu chống bọn khủng bố cực đoan ở Caucasus và bây giờ anh chỉ nhận được khoản lương hưu 5.500 ruble (khoảng 125 euro hay 170 USD)/tháng. Illarionov, 38 tuổi, hiện đang sống trong căn nhà gạch nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố Novocherkask miền Nam nước Nga.

Sau khi về hưu, Sergey Illarionov tiếp tục làm công việc vệ sĩ cho một công ty an ninh tư nhân để kiếm thêm tiền nuôi vợ và đứa con trai 2 tuổi. Illarionov được coi là nhân vật kiệt xuất trong chi đội "Rossich" và rất được đồng đội Spetsnaz tôn trọng do vai trò của anh trong cuộc chiến chống một thủ lĩnh phiến quân cùng với hàng trăm chiến binh ở tỉnh Komsomolskoye của Chechnya hồi tháng 3/2000.

Chi đội "Rossich" bị lọt vào một ổ phục kích và 22 binh sĩ bị mất mạng chỉ trong vòng 2 phút! Illarionov lúc đó ra mặt thương lượng với phiến quân để thu hồi thi thể của các binh sĩ tử trận. Nhờ sự khôn khéo mà Illarionov đã sống sót và quay về cùng với thi thể của các đồng đội đã chết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Dmitry Medvedev ở gần Sochi, ngày 3/1/2014.

Tổ chức lực lượng Spetsnaz

Theo sắc lệnh Tổng thống, từ năm 2006, ngày 24/10 hàng năm được chọn làm ngày kỷ niệm của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz - tức ngày thành lập lực lượng vào năm 1950 theo quyết định của Nguyên soái Aleksandr Vasilievsky, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Đến tháng 5/1951, quân số của Spetsnaz là hơn 5.500 người, bao gồm 46 đại đội đặt dưới sự chỉ huy của Cơ quan Tình báo quân đội GRU.

Spetsnaz được đánh giá là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ và bí mật nhất của Liên Xô trong thập niên 70 và 80 thế kỷ trước. Spetsnaz là viết tắt của "Spetsialnoye nazranie", trong tiếng Nga có nghĩa là "tác chiến ở bất cứ địa hình nào và trong mọi điều kiện".

Các chiến binh huyền thoại của Spetsnaz.

Ngày nay, Spetsnaz được trang bị các loại vũ khí cực kỳ hiện đại cùng với các phương tiện chiến đấu công nghệ cao để đáp ứng tình hình mới trong thời đại kỹ thuật số. Binh sĩ của Spetsnaz có chế độ tập luyện rất khắc nghiệt; với các bài tập về thể lực, tâm lý, ngụy trang, cứu thương v.v… cũng như khả năng cơ động và phản xạ.

Ngoài ra, các thành viên của Spetsnaz cũng được yêu cầu thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ. Hiện nay, Spetsnaz được chia thành 15 chi đội hoạt động riêng biệt, song có thể liên kết hành động trong những chiến dịch lớn.

Sau khi Liên Xô tan rã, Spetsnaz không được quan tâm đến nhiều nhưng đến sự kiện thể thao Thế vận hội tại Moskva thì lực lượng được tổ chức lại với hai chi đội là "Alpha" và "Vympel". Chi đội "Alpha" được thành lập ngày 28/5/1974 với nhiệm vụ chủ yếu là chống khủng bố và giải cứu con tin. Còn "Vympel" hay "Vega" được thành lập ngày 19/8/1981 để thực hiện nhiệm vụ bí mật như tình báo, trinh sát, ám sát…

Độ tuổi tối đa của các thành viên Spetsnaz là 40. Trong cuộc chiến tranh Afghanistan năm 1991, Spetsnaz cũng tham gia chiến đấu. Spetsnaz luôn có mặt tại các điểm nóng như thủ đô Tbilisi của Gruzia, Baku của Azerbaijan, thành phố Kishinyov của Moldova v.v…

Năm 1993, Spetsnaz đã lập chiến công hiển hách khi ngăn chặn thành công một vụ vận chuyển lớn nguyên liệu hạt nhân bất hợp pháp qua biên giới. Hiện nay, Spetsnaz được coi là lực lượng đặc nhiệm mạnh nhất của Nga, luôn có mặt trong những giờ phút nguy cấp nhất của đất nước

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.