Lực lượng khủng bố mới nổi do chính sách “nuôi ong tay áo” ở Nigeria

Thứ Sáu, 10/06/2016, 10:25
Với tên gọi nghe giống như nhân vật siêu anh hùng trong truyện tranh, Niger Delta Avengers (NDA) là nhóm chiến binh cực đoan mới nổi ở Nigeria chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở dầu mỏ, đe dọa nền kinh tế của đất nước đông dân nhất châu Phi.

NDA tuyên bố trên trang web của chúng hồi tháng 4-2016 rằng, NDA tiến hành những chiến dịch quân sự nhằm làm tê liệt nền kinh tế dầu mỏ của Nigeria và "chúng tôi có các nguồn nhân lực được trang bị tốt nhất để hoàn thành mục đích này".

Đây không phải là lời đe dọa suông. NDA đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ trong khu vực châu thổ sông Niger, gây tổn thất lớn cho hoạt động sản xuất dầu vốn là chỗ dựa chính cho nền kinh tế nhà nước Tây Phi này. Bộ trưởng Tài chính Nigeria, Kemi Adeosun đã thừa nhận điều này trên đài truyền hình quốc gia NTA.

Công ty Shell là mục tiêu tấn công của NDA.

NDA là nhóm khủng bố vũ trang đầu tiên nổi lên trong khu vực kể từ khi lệnh ân xá cho các chiến binh cực đoan được cố tổng thống Umar Musa Yar'Adua ban hành cách đây 7 năm. Lệnh ân xá được tổng thống Yar'Adua tuyên bố ngày 25-6-2009, có hiệu lực từ ngày 6-8 cùng năm và hết hạn lúc 0 giờ (địa phương) ngày 4-10.

Vào lúc đó, các chiến binh được khuyến khích buông vũ khí để được nhận một số tiền mặt và được học nghề để tái hội nhập xã hội. Tổng thống kế vị Goodluck Jonathan sau đó tiếp tục chương trình ân xá của người tiền nhiệm Yar'Adua - theo đó hàng chục ngàn cựu chiến binh được chính quyền chu cấp tiền lương hàng tháng tùy theo… mức độ bạo lực mà họ đã gây ra.

Nhưng trong ngân sách mới nhất, đương kim tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari phải cắt giảm tài trợ đến 70% và tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình này vào năm 2018. Tuy rất khó nhận diện các thành viên của NDA, nhưng người dân địa phương trong khu vực cho rằng, phần đông thành viên của NDA là phần tử của các nhóm chiến binh trước đó - như nhóm Phong trào Giải phóng Châu thổ Niger (Mend) với thủ lĩnh tối cao Henry Okah (đang bị giam giữ ở Nam Phi) hay nhóm Mặt trận Bảo vệ Nhân dân Châu thổ Niger (Ndpsf) do Asari Dokubo làm thủ lĩnh tối cao.

Hiện nay, thành viên các nhóm phiến quân này đã rời khỏi chương trình ân xá của chính quyền và hoạt động vũ trang trở lại. Nhiều người cho rằng chiến binh NDA là những người ủng hộ các thủ lĩnh phiến quân nổi tiếng như Government Ekpemupolo, cũng gọi là Tompolo.

Những thảm họa tràn dầu do NDA gây ra.

Không ai biết rõ thủ lĩnh chính thức của NDA là ai mặc dù nhiều người tin rằng đó là Mudoch Agbinibo và "Mudoch" chỉ là biệt danh giống như "Jomo Gbomo" - người phát ngôn chính thức của Mend. Các hoạt động của NDA trong vùng châu thổ Niger được phối hợp rất hiệu quả với trình độ kỹ thuật cao. Sau khi tuyên bố mở đợt tấn công "Chiến dịch Kinh tế Đỏ" hồi tháng 2-2016, NDA đã cho thợ lặn làm nổ tung một đường ống dẫn dầu ngầm dưới biển Forcados, buộc Công ty Royal Dutch Shell phải đóng cửa một cơ sở vốn sản xuất đến 250.000 thùng dầu/ngày.

Chỉ vài ngày sau đó, công ty Mỹ Chevron cũng cho đóng cửa giàn khoan Okan trên biển sau khi hứng chịu cuộc tấn công của NDA. Gần đây nhất, NDA tiếp tục tấn công 2 cơ sở sản xuất dầu mỏ khác của Chevron. NDA cũng đánh bom phá hoại cơ sở hạ tầng của Công ty dầu khí đa quốc gia Italia ENI và những đường ống dẫn dầu của Tập đoàn dầu mỏ Quốc gia Nigeria (NNPC) - đơn vị cung cấp gas cho thủ đô Lagos để sản xuất điện tiêu dùng.

Những cuộc tấn công khủng bố đã gây thiệt hại rất lớn cho chính quyền Nigeria. Các số liệu cho thấy sản lượng dầu mỏ của Nigeria đã sụt giảm từ 2,2 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 1,65 triệu thùng dầu/ngày trong năm. Ý đồ của NDA khá mơ hồ nhưng nhiều người nhận định rằng nhóm phiến quân có lẽ muốn có một nhà nước độc lập và các công ty dầu mỏ quốc tế phải rời khỏi Nigeria. Dirk Steffen, lãnh đạo Công ty an ninh Risk Intelligence ở Đan Mạch, đánh giá: "Thậm chí, các cơ quan an ninh Nigeria cũng không biết chắc chắn họ đang chống lại cái gì". Quân số của NDA cũng đang trong vòng tranh cãi và Steffen đưa ra con số từ 100 đến 150 người.

NDA phát đi cảnh báo nghiêm khắc rằng nhóm sẽ bắt tay hợp tác với bất cứ nhóm nào khác đồng lòng gây rối loạn kinh tế Nigeria, bao gồm cả những nhóm được mô tả là "thành phần tội phạm ở châu thổ Niger".

Đối với Tổng thống Buhari, NDA hiện là thách thức an ninh nghiêm trọng cho chính quyền hiện tại vốn đang đau đầu với sự nổi dậy của người Hồi giáo ở khu vực đông bắc Nigeria. Về mặt quốc tế, sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ của Nigeria - cùng với sự bất ổn ở Libya và cháy rừng lan rộng ở Canada - đã làm tăng giá hàng hóa trên thế giới.

Diên San (tổng hợp)
.
.