Mafia Italia buôn lậu vũ khí cho các nhóm Hồi giáo cực đoan

Thứ Hai, 01/08/2016, 21:00
Hoạt động buôn lậu vũ khí do mafia đảo Sicily đạo diễn được cho là liên quan đến "hoạt động khủng bố ở khắp châu Âu và bên ngoài lục địa" đang nằm dưới sự điều tra của chính quyền Italia.

Các công tố viên chống mafia ở thành phố Catania, nằm bên bờ biển phía đông Sicily cho rằng, có khả năng tổ  chức Cosa Nostra vùng này đang cung cấp vũ khí tấn công cho tội phạm có tổ chức ở miền bắc châu Phi và số vũ khí từ đó rơi vào tay bọn khủng bố ở Tây Âu.

Những khẩu AK-47 buôn lậu bị cảnh sát Albania bắt giữ.

Những khẩu súng không còn sử dụng được công ty AFG Security Corp. của Slovakia thu mua hợp pháp, sau đó bán cho mafia Italia trước khi rơi vào tay bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan sử dụng. Các công tố viên chống mafia ở Catania cho biết, nhiều khẩu súng trường tấn công vận chuyển từ thành phố này đến đảo quốc Malta hồi tháng 6-2015 có lẽ được đặt hàng bởi một tay trùm buôn người ở thành phố Alexandria của Ai Cập.

Những cuộc nghe lén điện thoại giữa các thành viên Cosa Nostra với nhau tiết lộ kế hoạch chuyển tiền từ Ai Cập đến Sicily để mua vũ khí. Mối lo ngại lớn nhất của những nhà điều tra Italia là vũ khí cũ mua từ AFG Security rơi vào tay bọn khủng bố cực đoan và họ tin rằng một số trong 160 khẩu Ak-47 của mafia Catania có lẽ được chuyển đến mạng lưới thị trường đen châu Âu cung cấp cho thế giới tội phạm có tổ chức.

Giới chuyên gia đạn đạo học cảnh báo bọn tội phạm và buôn lậu ma túy thường có nhu cầu mua súng ngắn để dễ che giấu, trong khi những phần tử khủng bố nguy hiểm chuộng vũ khí tấn công để giết được nhiều người nhất. Giới chức chống khủng bố Anh lo ngại về những dấu hiệu mới đây cho thấy có một mối quan hệ thân thiết chưa từng có giữa bọn tội phạm và phần tử cực đoan Hồi giáo gây phức tạp thêm cho cuộc chiến chống khủng bố. Có ít nhất một nhóm khủng bố ở thành phố London nước Anh sở hữu kho vũ khí thông qua mạng lưới tội phạm.

Vũ khí cũ được AFG Security bán hợp pháp.

Robert Crepinki, lãnh đạo Trung tâm chống buôn người (EMSC) của Europol - được thành lập nhằm mục đích triệt phá các mạng lưới buôn người đang có chiều hướng gia tăng, nhận định có khả năng tội phạm nước Anh cũng như châu Âu đang hợp tác với bọn cực đoan ở Libya và Ai Cập. Ước tính, ở Libya có khoảng từ 400.000 đến 1 triệu người đang chờ dịp vượt biển đến châu Âu và điểm dừng chân thường là Sicily.

Việc thu thập thông tin tình báo tại Libya rất khó khăn do chiến tranh dữ dội, song giới chuyên gia phân tích cho rằng có ít nhất 5 nhóm thánh chiến Hồi giáo - bao gồm nhánh Ansar al-Sharia của Al Qaeda và IS, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng mới đây mất kiểm soát thành phố cảng Sirte của Libya - chia nhau chiếm đóng lãnh thổ Libya. TimMorris, giám đốc điều hành chiến dịch ở cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, cho biết mặc dù họ chưa có bằng chứng cụ thể về việc IS liên quan đến mạng lưới buôn người di cư vào châu Âu song vẫn không loại trừ khả năng đó.

Di An (tổng hợp)
.
.