Mafia Nga rúng động khi “Bố già Hassan” bị khử

Thứ Năm, 31/01/2013, 15:40

Ông trùm một trong những băng đảng tội phạm khét tiếng nhất nước Nga - Aslan Usoyan, 75 tuổi, mang biệt danh “Bố già Hassan”, vừa được xác nhận là đã bị bắn chết ngay giữa thủ đô Moskva hôm 16-1. Tin tức này đang làm rúng động mafia Nga bởi đây được xem là kết cục gây sốc nhất sau hàng loạt những cuộc thanh trừng khốc liệt giữa các băng đảng tội phạm nước này.

Giang hồ ân oán

Theo tin từ các phương tiện truyền thông nước Nga và phương Tây, kẻ được biết đến với biệt danh "Bố già Hassan" khét tiếng ở Moskva, đã bị trúng một phát đạn vào đầu từ một khẩu súng trường của một sát thủ bắn tỉa khi y đang đi ra từ nhà hàng Karetny Dvor, cách điện Kremlin chỉ chừng 1,5 km.

Nguồn tin từ AFP dẫn lời Ủy ban điều tra của Bộ Nội vụ Nga cho hay, các vệ sĩ của bố già lần này đã thất bại. Tay súng bắn tỉa chỉ nã đạn có một lần đã làm nạn nhân ngã gục và tử vong vì mất máu quá nhiều khi đang trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Không may, phát súng nhắm vào Usoyan đã làm bị thương một phụ nữ đi đường và người này đang được tích cực điều trị.

Ngay lập tức giới chức Nga đã tiến hành cuộc điều tra về vụ việc trên. Ủy ban Điều tra tội phạm của Nga mở hồ sơ về vụ nổ súng này với tội danh giết người và sở hữu vũ khí trái phép, trong đó, các nhân viên điều tra sẽ lật lại hồ sơ của nhiều vụ án trước đây, bao gồm dày đặc cả các tội ác của Usoyan.

Hiện tại, Usoyan đang bị buộc tội kiểm soát các tổ chức tội phạm lớn như cờ bạc trái phép, buôn bán vũ khí, ma túy và khai thác lén lút các tài nguyên thiên nhiên. Và chắc chắn những hoạt động tội phạm của Usoyan đang được cho là căn nguyên dẫn đến vụ nổ súng, cũng như vụ thanh toán trên là một phần trong cuộc chiến giữa hai băng đảng về những dự án xây dựng béo bở, trong đó có một số dự án phục vụ cho Thế vận hội Mùa đông 2014 ở Sochi.

Tại hiện trường, 6 vỏ đạn 9mm đã được tìm thấy trên cầu thang giữa tầng 5 và tầng 6 của tòa nhà trên con phố mà Usoyan bị trúng đạn. Báo chí Nga cho hay, cảnh sát đã bao vây nhà xác nơi bảo quản thi thể của Usoyan do lo ngại các "hành động quá khích" nào đó có thể xảy ra.

Xuất thân từ Gruzia, Alan Usoyan là một "Vory v Zakone" nổi tiếng ("Vory v Zakone" nghĩa là tên tội phạm biết tuân thủ theo luật chơi của giới giang hồ, giống như một tay trùm trong giới mafia Italia) và y được đánh giá là một trong những bố già cao niên sừng sỏ từ thời Liên Xô vẫn đang có ảnh hưởng.

Mới 19 tuổi, Usoyan đã là tay hảo hán với bản án lần đầu tiên trong đời, và tiếp theo đó là hàng loạt các án với tội danh liên quan đến vũ khí và tàng trữ ma túy. Chả mấy chốc y đã đứng đầu một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lớn mạnh đóng tại Moskva nhưng cũng thường xuyên có mặt ở vùng Bắc Kavkaz. Năm 1984, "bố già" nhận án 15 năm tù vì tội bán vàng giả và tới năm 1991, y được thả trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ.

Suốt một thời gian dài, băng đảng của Usoyan điều hành một số sòng bạc ở Moskva đồng thời kiểm soát tội phạm khu vực miền Nam nước Nga. Băng đảng của y được xem là một trong những băng đảng mafia khét tiếng nhất khu vực vào giữa những năm 1990. Tiếng tăm và thanh thế của Usoyan trong giang hồ khi ấy nổi như cồn và tờ nhật báo Komsomolskaya Pravda từng đặt biệt hiệu cho y là "Ông trùm mafia Nga".

Cái chết của Usoyan làm người ta nhớ ngay đến những lần từng chết hụt của y. Trước đây, Usoyan đã từng ít nhất 2 lần bị ám sát, một lần tại Sochi năm 1998 và sau đó tại Moskva năm 2010. Trong đó, đặc biệt vụ nổ súng năm 2010 đã khiến Usoyan và các vệ sĩ của “bố già” bị thương nghiêm trọng. Lúc đó, Usoyan cũng bị bắn vào bụng ngay giữa trung tâm Moskva và kẻ gây ra vụ ám sát hụt trên, cũng là một tay súng bắn tỉa nấp trên tầng ba của một tòa chung cư gần đó, nhưng tên này chưa từng bị bắt vì cảnh sát không tìm đủ chứng cứ.

Được biết, "Bố già Hassan" khi đó đang sống cố thủ trong một biệt thự sang trọng ở ngoại ô Moskva và được 12 cận vệ luôn túc trực bên mình. Khi bị trọng thương, y phải tạm thời bàn giao công việc kinh doanh cho hai người cháu - 2 cận vệ trung thành mà Hassan từ lâu đào tạo để trở thành các "Vory v Zakone" thực thụ, sau này sẽ cân nhắc lựa chọn thay thế y nắm quyền. Đó là Youri Usoyan, biệt danh "Jura Lazarovsky", được giao phụ trách việc quản lý địa bàn vùng Krasnovodsk và Dimitri Chanturia, biệt danh "Miron", người đại diện cho Hassan trong tất cả các cuộc thương thuyết mà Hassan không thể tham dự.

Theo một nguồn tin an ninh tiết lộ với Interfax, chắc chắn cuộc thanh trừng này có mối liên hệ với vụ ám sát hụt năm 2010. Dấu vết hiện trường và tính chất, cách thức vụ ám sát đều cùng một kiểu và dường như có chung một kịch bản. Và động cơ gây án có lẽ cũng là một. Ngay trước đó, nguồn tin cảnh sát đã nghi ngờ Usoyan là mục tiêu của trùm xã hội đen thù địch Tariel Oniani vì  cả hai đã từ lâu có một quá khứ triền miên tranh giành nhau về đất đai, bất động sản và quyền lãnh đạo trong giới tội phạm.

Bởi từ năm 2007, Usoyan công khai mở cuộc chiến với băng đảng của Tariel Oniani, cũng là một tay "Vory v Zakone" có tiếng không những tại Moskva mà còn "quốc tế hóa" các hoạt động tội phạm của y. Từ thập niên 90, lãnh địa của Tariel đã được mở rộng đầu tiên tới Paris, sau đó là Madrid, nơi y tiến hành các phi vụ làm ăn bất hợp pháp trong lĩnh vực xây dựng và vận chuyển hàng không.

Tới năm 2005, một chiến dịch truy quét lớn của Cảnh sát Tây Ban Nha đã chấm dứt những ngày tháng oanh liệt của y ở đây khiến y trở về Moskva để giành lại danh tiếng của mình bằng cách quyết tử với băng đảng của "Bố già Hassan".

Năm 2009, Tariel  bị Cảnh sát Nga bắt và năm 2010 bị kết án 10 tù giam vì tội bắt cóc tống tiền một doanh nhân. Sau vụ này, "Bố già Hassan" triệu tập một "hội nghị Vory v Zakone" để trục xuất Tariel khỏi nhóm các "Vory v Zakone". Hành động này của "Bố già Hassan" chẳng khác nào sự xúc phạm lớn nhất đến Tariel và bị coi như lời tuyên chiến với y.

Cảnh sát được huy động tới hiện trường vụ ám sát Usoyan. Ảnh: AFP.

Từ trong tù, Tariel vẫn điều hành mọi việc thông qua điều khiển một OCT (tên gọi của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lớn mạnh đóng tại Moskva) có nguồn gốc Gruzia nhằm thò chân vào địa bàn thủ đô Moskva, đồng thời lên kế hoạch để tiêu diệt kẻ thù. Bởi vậy, liên tiếp các cuộc đụng độ giữa hai nhóm đã làm nhiều người chết và cuộc chiến âm thầm có nguy cơ ngày một gia tăng theo mức độ tranh giành quyền lực và lãnh địa giữa hai ông trùm.

Cuộc chiến mới cho phân chia quyền lực

Vụ thanh toán Usoyan  đang dấy nên một làn sóng lo ngại trong dư luận đến mức Nghị sĩ Quốc hội Nga Alexander Khinshtein vừa phải lên tiếng trên Twitter bày tỏ sự lo ngại rằng, cái chết của Usoyan rất nhiều khả năng sẽ kích động một cuộc chiến tranh tàn bạo chưa từng có trong giới tội phạm Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ông viết: "Tôi chắc chắn một sự tái phân phối tội phạm mới sẽ bắt đầu ngay bây giờ".

Quả thực, ngay từ cuộc ám sát hụt “Bố già Hassan” hồi năm 2010, người ta đã nhận định những lý do của cuộc chiến giữa 2 OCT của 2 Hassan và Tariel không chỉ liên quan tới địa bàn hoạt động mà còn tới các thị trường cá độ đang được khởi động nhân dịp Thế vận hội Mùa đông sẽ diễn ra tại Sochi năm 2014.

Thực tế là các OCT ở những nước Đông Âu thường xuyên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, khách sạn nhà hàng, giải trí (cờ bạc, mại dâm, thuốc phiện...), bởi thế những khoản tiền được các OCT thu về hàng năm là vô cùng lớn. Thế vận hội hiển nhiên sẽ là miếng mồi béo bở mà tất cả các OCT đều muốn giành lấy. Vậy nên các cuộc đụng độ trở nên đẫm máu hơn và lan tỏa rộng hơn. “Bố già Hassan” cho rằng, Tariel đã xâm phạm lãnh địa và hậu quả là nhiều thuộc cấp của Tariel bị sát hại.

Những vụ gần đây nhất là Vladimir Janashia, bị giết tại Pháp, Malhas Kitai bị bắn tại Hy Lạp. Ngược lại, Tariel cũng không chỉ nhắm đến “bố già Hassan” mà còn cả những nhân vật tai tiếng khác liên quan đến kẻ thù của y. Chẳng hạn Shabtai Kalmanovitch, một tay cự phú trong lĩnh vực thể thao và truyền thông Nga bị ám sát ngày 21/11/2009 vì lý do đã quá thân thiết với băng đảng của "Bố già Hassan". Hay Alek Minalyan, một trong những cộng sự thân cận khác của "Bố già Hassan" từng tham gia nhiều phi vụ rửa tiền bẩn thông qua các công ty xây dựng ở Sochi, cũng bị ám sát tại Moskva  năm 2009…

Song, tất cả vẫn chưa thể phân thắng bại cho tới cái chết của "Bố già Hassan" hôm 16/1 vừa qua. Nếu đúng là cái chết đó được quy trách nhiệm cho kẻ thù không đội trời chung của y - bố già Tariel, thì có lẽ Tariel đã có một chiến thắng đầy ý nghĩa.

Một mặt Tariel sẽ giành được lợi thế vượt trội trong việc cạnh tranh lãnh địa trong các hoạt động còn tranh chấp giữa hai băng đảng lâu nay, đặc biệt là món hời thao túng Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại Sochi sắp tới. Mặt khác, vụ thanh toán này còn khẳng định được sức mạnh và quyền lực của Tariel trong thế giới ngầm tại Nga và Đông Âu. Đó mới là cái đích dài hơi của Tariel.

Song mọi việc sẽ chẳng hề đơn giản đến thế. Phe cánh của Hassan chắc chắn sẽ không thể ôm hận chịu nhục mà chắc chắn tìm cách trả thù. Những thuộc hạ thân tín, đặc biệt là 2 người cháu là "Jura Lazarovsky" và "Miron" được coi là người kế tục của Hassan sẽ quyết liệt tìm cách rửa nhục. Không thể lường được sẽ có bao nhiêu đòn thù ân oán giữa hai bên sẽ tiếp diễn nhưng chắc chắn cuộc chiến chưa thể dừng và máu sẽ còn đổ.

Đó là chưa kể, cái chết của một tên trùm OCT này luôn là nỗi mừng vui của những OCT khác, chứ không chỉ là niềm hân hoan với chỉ băng đảng của Tariel. Chắc chắn, đây là thời cơ hiếm hoi để thế giới tội phạm ngầm nước Nga và khu vực Đông Âu tranh thủ giành phần lợi thế trong việc phân chia lãnh địa quyền lực của mình.

Các trùm mafia thập niên 90 thế kỷ trước thống trị thế giới tội phạm ngầm  bằng luật lệ riêng của họ và phất lên nhanh chóng nhờ đục nước béo cò thời kỳ tư nhân hóa hỗn loạn hậu Xôviết. Kể từ đó đến nay, tội phạm có tổ chức đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực chủ chốt và khuấy đảo của nền kinh tế Nga. Nếu giới mafia Italia được cấu trúc trong những “gia đình” thì tội phạm Nga tổ chức thành các “tập đoàn”  điều hành về cả chính trị, quân sự, kinh tế, ma túy, vũ khí, mại dâm… và có quy mô quốc tế.

Theo giới chức Nga thì hiện tại nước này có khoảng trên 100 nhóm tội phạm với hàng trăm ngàn thành viên đang hoạt động và có quan hệ chặt chẽ với các băng đảng tội phạm xuyên vùng và quốc tế. Các thế lực này thao túng một số lượng rất lớn các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp thuộc quyền quản lý nhà nước và các công ty tư nhân cùng hệ thống công ty liên doanh và ngân hàng.

Khoảng 70-80% các doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Nga cũng đều phải chung chi tiền bảo kê cho bọn chúng, khoản tiền chiếm khoảng 15 đến 30% doanh thu của các doanh nghiệp. Nếu từ chối hợp tác, các công ty nước ngoài sẽ phải nhận hình phạt nặng nề, thậm chí là bị đánh bom văn phòng đại diện.

Theo một số đánh giá thì tội phạm có tổ chức ở Nga có truyền thống hoạt động tại bản địa và những quốc gia Đông Âu. Còn sự thâm nhập vào các nước khác ngoài khu vực trên gần như chỉ nhằm mục đích rửa tiền bẩn. Song người Mỹ cho rằng, mafia Nga mới là đáng gờm nhất, là “mafia của tất cả các loại mafia”. Và các tên tuổi mafia lừng lẫy như là Cosa Nostra (mafia Italia) và Yakuza (mafia Nhật) sẽ trở nên lu mờ trước những băng đảng “mafia có ăn học” đầy quy mô và tổ chức chặt chẽ của Nga.

Còn năm 2010, tờ Daily News của Anh cũng đánh giá rằng, mafia Nga không chỉ kiểm soát 70% nền kinh tế Nga, mà còn thao túng phần lớn các hoạt động kinh doanh mại dâm tại Macau, Trung Quốc và Đức. Theo họ, mafia Nga còn vươn ra kiểm soát hoạt động buôn lậu ma túy tại Tajikistan và Uzbekistan, rửa tiền tại đảo Síp, Israel, Bỉ và cả ở Anh. Phạm vi hoạt động của mafia Nga là rất đa dạng, từ buôn lậu xe ôtô ăn cắp tới cả… nguyên liệu hạt nhân.

P.L.

Phúc Linh (tổng hợp)
.
.