“Mafia thủy sản” tàn phá các quốc đảo

Thứ Hai, 22/10/2018, 17:25
Bộ trưởng các quốc gia có hải đảo tại Lục địa đen đang kêu gọi kiểm soát giới tội phạm có tổ chức trong ngành công nghiệp đánh bắt cá, khi các băng đảng giang hồ cát cứ không những cướp khống nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn tàn phá môi trường và gây bức xúc đối với vấn đề quyền con người.

Trong tuần này, tại một hội nghị công nghiệp được tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch), giới chức các quốc đảo đã tố cáo: "Ngư dân không thể sinh nhai vì các đàn cá ngày càng thưa dần, số phận các đàn cá có nguy cơ rơi hẳn vào tay các băng đảng tội phạm có tổ chức mà "chuyên môn" chính là buôn súng và buôn lậu ma túy, và nay lấn sân sang cá."

Hoạt động bắt cá lậu ở quốc đảo Palau. Ảnh: FFA'TUNA Pacific.

Ước tính rằng quy mô của vấn đề rất khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) thì chỉ riêng "thị trường chợ đen" trong động vật hoang dã đại dương (bao gồm cả san hô và các loài thủy sản sống ở vỉa san hô) ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã cán mốc 850 triệu USD (tương đương 625 triệu bảng Anh). Nhưng cái giá của tội phạm trong ngành công nghiệp (bao gồm tội phạm thuế, buôn bán người và các loại tội phạm khác) thực tế còn lớn hơn nhiều.

Hãng tin Guardian (Anh) dẫn lời một Bộ trưởng Palau tố cáo rằng nạn khủng hoảng ma túy đá trầm kha ở đất nước ông hiện nay chính là bắt nguồn từ các tàu đánh cá xa bờ. Ở vùng vịnh Caribe, nơi giá trị thủy sản đang sụt giảm bởi nạn khai thác cá quá mức, thì một lính tuần duyên bờ biển đã tiết lộ rằng "những chiếc xuồng cá rời bờ biển Jamaica với cần sa và trong vòng 24 tiếng sau đã quay lại cập cảng với đầy ắp vũ khí trên xuồng". Theo tiết lộ của một chuyên gia môi trường tại Ghana, thì trẻ em bị dụ hoặc và bị lạm dụng "lao động khổ sai" để làm việc trên các xuồng và tàu đánh cá.

"Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong ngành đánh bắt cá là dạng tội phạm nguy hiểm đang thể hiện sự coi thường luật pháp, nhờn mặt chủ quyền lãnh hải và làm cạn kiệt tài nguyên biển cả. Dạng tội phạm này là một trong những mối hiểm họa lớn nhất trực tiếp đe dọa các tài nguyên đại dương, gây hại môi trường và nhân quyền", dẫn lời tuyên bố của ông Mas Achmad Santosa, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm Indonesia chuyên chống nạn đánh cá phi pháp. Ông này là người phát ngôn thay mặt cho ông Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng nghề cá Indonesia.

Hội nghị chuyên đề ở Copenhagan được hỗ trợ bởi Bộ thương mại, công nghiệp và nghề cá Na Uy, cũng như Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc và UNODC, đã đề cập về sự phát triển các quốc đảo như là "những quốc gia biển lớn" - đây được xem là một sự khác biệt quan trọng. Ông Gunnar Stølsvik, giám đốc chính sách của Bộ ngoại giao Na Uy, phát biểu rằng định nghĩa "những quốc gia biển lớn" là một "sự dịch chuyển quan trọng" trong cuộc tranh luận.

Minh chứng như sau, trong khi bản thân quốc đảo Kiribati rất nhỏ bé (là sự hợp thành của 33 hòn đảo san hô vòng với tổng dân số chỉ 110.000 người) nhưng diện tích lãnh hải của quốc đảo này đã được quốc tế công nhận là bằng diện tích của cả tiểu lục địa Ấn Độ. Quốc đảo Palau có khu vực biển (hay Khu kinh tế đặc biệt, EEZ) ước tính rộng đến 500.000 km2 (bằng diện tích của nước Pháp). Quần đảo Faroe có khu vực biển bằng cả diện tích của lục địa Ý.

Ông Fleming Umlich Sengebau, Bộ trưởng nghề cá quốc đảo Palau, phát biểu tại Hội nghị Copenhagen rằng: "Đối với phần đông quý vị đang ngồi ở đây, Palau chỉ là một đốm nhỏ trong lòng đại dương, một đốm sáng lấp lánh, với các vùng biển nguyên sơ và nhiều vỉa san hô giàu có. Đất nước của chúng tôi trải dài vượt xa diện tích trên cạn".

Quốc đảo Tây Thái Bình Dương (Palau) đã đưa ra nhiều biện pháp để xử lý nạn khai thác cá quá mức, đánh cá lậu, săn bắn động vật hoang dã và tội phạm có tổ chức bao gồm việc tuyên bố hình thành một khu bảo tồn cá mập (chiếm tới 80% diện tích mặt biển của EEZ, nơi cấm mọi hoạt động đánh bắt cá). Biển cả rộng lớn, ngư trường khổng lồ, song thực tế là Palau chỉ có 2 tàu tuần tra khu vực EEZ, và 3 tàu để tuần tra các vùng biển của quốc đảo. Bộ trưởng Fleming Umlich Sengebau than thở: "Chúng tôi đang thiếu hụt cả công nghệ và tài chính để hoàn thành trọng trách bảo vệ tài nguyên cho đất nước mình".

Ông Sengebau phân trần: "Chúng tôi phát hiện ra ma túy đến từ các tàu đánh cá… Chúng tôi hoài nghi những con tàu này đi ra từ Palau để gặp gỡ những tàu đánh cá hoạt động trong vùng biển mở. Quốc gia nhỏ xíu như chúng tôi thật tình không thể xử lý tốt thực trạng nhức nhối này, vì vậy chúng tôi khẩn thiết nhờ cộng đồng quốc tế giúp đỡ". Kiribati, quốc đảo đang sắp chìm xuống biển bởi mực nước biển dâng lên, và xứ này cũng nằm trong vựa cá ngừ tốt nhất thế giới.

Doanh thu từ việc cấp giấy phép đánh bắt thủy sản chiếm từ 70% đến 80% GDP của Kiribati. Ông Tetabo Nakara, Bộ trưởng nghề cá Kiribati phát biểu: "Năm ngoái 2017, chúng tôi đón 20 tàu đánh cá đến và đi vào vùng biển của chúng tôi. Hiện tại chúng tôi đang giới hạn khả năng đón tàu cá vì muốn giám sát tốt hơn các vùng biển của mình".

Ông Harald Nesvik, Bộ trưởng nghề cá Na Uy, phát biểu rằng 9 quốc gia gồm Na Uy, Sri Lanka, Palau, quốc đảo Faroe, Kiribati, quốc đảo Solomon, Indonesia, Namibia và Ghana đã ký một tuyên bố về nhu cầu thừa nhận quốc tế đối với thực trạng đang xảy ra.

Ông Nesvik nói thêm rằng "đang có một tác động nguy hiểm đối với nền kinh tế, bóp méo thị trường, gây hại cho môi trường, làm suy yếu nhân quyền".

Cuối cùng, Na Uy muốn Liên Hiệp Quốc phải thừa nhận rằng tội phạm có tổ chức đang hoạt động trong ngành công nghiệp đánh bắt cá. Ông Nesvik nhấn mạnh: "Đây là bước khởi đầu. Đối với Liên Hiệp Quốc thì bước khởi đầu là để nhận ra những điều tồi tệ đang xảy ra. Đây là chiến trường mà chúng ta không được thua trận".

Hải Thanh (tổng hợp)
.
.