"Mafia trên biển" thu lợi không kém mafia buôn ma túy

Chủ Nhật, 30/04/2017, 15:45
Giới chức châu Âu từng đau đầu khi phải đối phó với nạn buôn người từ những kẻ lái buôn lợi dụng dòng người tị nạn. Đặc biệt, những tên "mafia trên biển" ngày càng tinh vi khi đưa hàng nghìn người tị nạn lên tàu cũ và tàu lái tự động đến bờ biển các nước nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát tuần tra.

Với mỗi người di cư phải nộp trung bình 3.000 - 6.000 USD. Số lời này ngang ngửa với giới "đồng nghiệp" buôn ma túy. Cảnh sát châu Âu đã thành lập lực lượng chuyên trách đối phó với các hoạt động buôn bán người trái phép. Lực lượng này có nhiệm vụ giúp các nước thành viên hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin nhằm chống lại vấn nạn buôn người đang ngày càng nghiêm trọng.

Cảnh sát Italy bắt giữ Mered Yehdego Medhane, một trong những trùm buôn người nguy hiểm nhất tại Sudan theo lệnh truy nã quốc tế.

Giám đốc cảnh sát châu Âu, ông Rob Wainright cho biết, loại tội phạm trong hoạt động này đang phát triển nhanh nhất tại châu Âu. Trước những khoản thu nhập "chỉ có trong mơ", mạng lưới băng nhóm tội phạm buôn người đã lôi kéo được hàng chục nghìn đối tượng "đầu quân" cho chúng. Chỉ riêng năm 2015, cảnh sát châu Âu đã phát hiện gần 11.000 kẻ tình nghi có tham gia vào hoạt động bất hợp pháp trên. Theo ước tính của liên minh châu Âu, có ít nhất "10.000 trẻ em tị nạn đã biến mất" sau khi đến châu Âu.

Bà Sarah Crowe, người phát ngôn toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF về người tị nạn và nhập cư tại châu Âu cho biết: "Trong 2 năm 2015-2016, do chiến tranh, bạo lực sắc tộc và nghèo đói, nhiều trẻ em đơn phương bị tách khỏi gia đình và người lớn đã tìm cách xin tị nạn tại châu Âu. Một số trẻ em không có giấy tờ hoặc không còn gia đình quản lý có thể đã không đăng ký do lo sợ sẽ bị bắt giữ hoặc các em không biết ngoại ngữ để giao tiếp hay tiếp cận được thông tin cần thiết.

Do đó, số lượng trẻ em này có nguy cơ trở thành "miếng mồi ngon" cho bọn tội phạm buôn người. Một nhóm các tổ chức hoạt động xã hội và nhân đạo các nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo chính phủ rằng, trẻ em tị nạn mất tích có thể bị băng nhóm tội phạm buôn người lợi dụng bắt hành nghề mại dâm, làm nô lệ, tham gia buôn bán ma tuý hoặc bị lấy nội tạng.

Italy là một điểm nóng của tình trạng buôn người di cư. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã có gần 70.000 người di cư đặt chân tới Italy. Đầu tháng 7-2016, cảnh sát Italy tiến hành đột kích tại 10 thành phố trên toàn quốc, bắt giữ 38 đối tượng trong một tổ chức buôn lậu hàng ngàn người di cư từ châu Phi vào châu Âu. 38 đối tượng bị bắt giữ gồm 25 người Eritrea, 12 người Etiopia và 1 người Italy.

Đến tháng 9, cảnh sát Italy tiếp tục phá vỡ một đường dây đưa người di cư trái phép từ khu vực Balkan đến Italy, sau đó đến Pháp, Đức và Áo. Tổ chức tội phạm này sử dụng hơn 90 xe khác nhau để chuyên chở người di cư. Hành trình của đường dây này là tiếp nhận người di cư đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tiếp tục đưa họ vào sâu trong châu Âu, chi phí cho mỗi trường hợp là 500 Euro.

Vào ngày 19-10, cảnh sát cơ động Cagliari, thủ phủ đảo Sardinia, miền tây Italy, đã bắt giữ 4 người gốc Phi tình nghi buôn người khi những đối tượng này đang tìm cách lẩn trốn trong số 664 người di cư được một con tàu của Na Uy cứu trên biển Địa Trung Hải và đưa tới thành phố này. Những người di cư đã nhận diện những kẻ buôn người này và báo cho cảnh sát. Theo các nhân chứng, 4 đối tượng trên đã điều khiển 2 chiếc thuyền chở người di cư cho tới khi họ được cứu ở ngoài khơi Libya không lâu sau khi rời bến.

Q.H. (tổng hợp)
.
.