Malta: Cây bút hàng đầu điều tra tham nhũng bị sát hại

Thứ Hai, 23/10/2017, 16:27
Vụ nổ bom xe vào rạng sáng 16-10 vừa qua gây chấn động đảo quốc nhỏ bé nhất châu Âu - Malta, đồng thời gây chú ý trong dư luận thế giới bởi tính chất nghiêm trọng của vụ việc và cũng bởi nạn nhân là người chống tiêu cực nổi bật, đặc biệt là việc phanh phui giới chính trị nước này dính líu đến Hồ sơ Panama Papers.

Ông Adrian Delia, thủ lĩnh phe đối lập Malta, gọi cái chết của bà Galizia là một vụ sát hại chính trị. Ông chia sẻ trên Twitter của mình: “Đây là sự sụp đổ của nền dân chủ và tự do ngôn luận. Chúng ta không thể im lặng nữa”.

Tiếng nói mạnh mẽ và cây bút hàng đầu của Malta

Vụ nổ bom xe xảy ra vào lúc 3 giờ 15 phút sáng ngày 16-10 đã cướp đi sinh mạng nữ nhà báo kiêm blogger Daphne Caruana Galizia ở gần nhà riêng của bà ở miền Bắc đảo quốc Malta. Theo cảnh sát địa phương, sức công phá của thiết bị nổ mạnh đến nỗi chiếc xe hiệu Peugeot 108 của nạn nhân bị xé thành nhiều mảnh và văng xa vài chục mét, phần thân chiếc xe nằm trên bãi cỏ cách đường lộ hơn 20 mét. Thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn.

Ngay sáng 16-10, nữ Tổng thống Malta Marie-Louse Coleiro Preca đã lên truyền thông phát đi lời kêu gọi mọi người bình tĩnh. “Trong những giờ phút này, khi đất nước chấn động bởi một vụ tấn công độc ác này, tôi kêu gọi mọi người hãy thận trọng lời nói, không đưa ra phán xét mà hãy thể hiện tình đoàn kết” - Tổng thống Preca nhấn mạnh.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani phát biểu rằng, sự ra đi của bà Caruana Galizia là “minh chứng bi kịch về một nhà báo đã hy sinh cuộc sống để tìm ra sự thật. Bà sẽ không bao giờ bị lãng quên”.

Cảnh sát, nhân viên điều tra và nhiều phóng viên đến hiện trường.

Adrian Delia, lãnh đạo đảng dân tộc chủ nghĩa Nationalist, cũng lên tiếng cho rằng vụ đánh bom này có liên quan đến việc viết báo của bà Galizia. “Hôm nay đã xảy ra một vụ giết người vì động cơ chính trị. Bà Galizia hé lộ vụ bê bối Hồ sơ Panama và là nhà phê bình chính phủ với ngôn từ mạnh mẽ nhất” - ông Delia nói và yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Delia cho biết thêm, vụ việc sát hại bà Galizia không phải là một vụ giết người bình thường, mà là hệ lụy của tình trạng luật pháp mất hiệu lực đã diễn ra từ 4 năm qua. Và cái chết của Caruana Galizia là vụ đánh bom xe thứ năm tại Malta trong vòng 2 năm trở lại đây. Chỉ chưa đầy 1 giờ trước khi bị sát hại, Caruana Galizia đã kịp đăng tải bài viết cuối cùng nói về vụ kiện mà trong đó, chánh văn phòng của Thủ tướng Malta bị cáo buộc thiết lập một công ty bí mật ở Panama.

Một câu cảm thán trong bài viết của bà khiến ai đọc cũng rùng mình: “Những tên tội phạm có mặt khắp nơi. Tình hình này thật bi đát”.

Lời nhận xét của ông Delia có vẻ trùng khớp với những lời cáo buộc từ phía gia đình nạn nhân, trong đó chồng và con trai lớn của nạn nhân chỉ trích Chính phủ Malta đã để cho tình trạng tội ác lộng hành mà không có sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp.

Matthew Caruana Galizia, con trai lớn của bà Galizia viết trên Facebook rằng, từ lâu mẹ của anh đã trở thành mục tiêu của các thế lực đã bị bà “truy đuổi” gắt gao vì tham nhũng, tiêu cực. Theo Matthew, thời gian vài tháng gần đây, mẹ anh đã từng nhận được những lời dọa giết qua tin nhắn điện thoại di động và trên mạng xã hội.

15 ngày trước khi bị ám sát, bà Galizia đã báo cáo với cảnh sát Malta việc bà bị đe dọa giết, nhưng hầu như cơ quan chức năng Malta không có động thái gì để bảo đảm an toàn cho bà.

Nữ nhà báo Caruana Galizia (tên thời con gái là Daphne Anne Vella) sinh ngày 26-8-1964 tại thị trấn Sliema. Thuở nhỏ, Anne Vella theo học tại tu viện St. Dorothy và trường Cao đẳng St. Aloysius ở Birkirkara, trước khi theo học Đại học Malta và tốt nghiệp cử nhân khảo cổ năm 1997, nhưng đã theo nghiệp báo chí từ năm 1987.

Vào đầu những năm 1990, Caruana Galizia là cây bút bình luận chính trị - xã hội của tờ The Sunday Times of Malta và là biên tập viên của The Malta Independent. Sau đó, Caruana Galizia trở thành biên tập viên của tạp chí Taste & Flair, nhưng vẫn là một nhà bình luận cho The Malta Independent và The Malta Independent vào Chủ nhật.

Nữ nhà báo kiêm blogger Daphne Caruana Galizia.

Ngoài ra, bà còn có một blog mang tên Running Commentary, thường đăng các báo cáo điều tra và bài bình luận về một số nhân vật trong chính giới, vì vậy đây là một trong những trang web phổ biến nhất ở đảo quốc Malta. Ngày 8-3-2013, Caruana Galizia bị bắt vì “không giữ im lặng” trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, sau khi cho đăng những đoạn phim nhạo báng lãnh đạo đảng cầm quyền khi đó là Joseph Muscat. Bà bị cảnh sát thẩm vấn và một vài giờ sau được trả tự do.

Caruana Galiza được giới báo chí quốc tế, nhất là tổ chức Tổ hợp Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ), nơi Matthew, con trai bà Galizia đang làm việc, xem là nữ nhà báo can trường nhất thế giới, là cây bút hàng đầu của Malta trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực tại đất nước này.

Còn trang blog cá nhân Running Commentary của bà được mệnh danh là “trang WikiLeaks một phụ nữ”, tức là trang WikiLeaks với chỉ một mình bà Galizia thực hiện việc đưa ra ánh sáng những sự thật mà các thế lực “nhúng chàm” không muốn bị phanh phui.

Trong nhiều bài báo viết đăng trên các trang tin của BBC, trên báo New York Times, và trên blog cá nhân, Galizia đã điều tra, đưa ra ánh sáng những tiêu cực của giới ngân hàng làm ăn phi pháp, tiếp tay cho tội phạm rửa tiền; phơi bày sự dính líu của giới lãnh đạo Malta trong Hồ sơ Panama; các mối dây liên hệ giữa ngành công nghiệp cờ bạc trên mạng ở Malta với các tổ chức mafia.

Hàng nghìn người đã tham gia lễ thắp nến cầu nguyện cho nữ nhà báo dũng cảm.

Thế lực đen tứ phía

Từ tháng 2-2016, Caruana Galizia đã biết Bộ trưởng Konrad Mizzi và Tổng chưởng lý Keith Schembri có dính líu với các công ty ở Panama. Trong 11,5 triệu trang tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ Công ty Mossack Fonseca, hãng luật lớn thứ tư thế giới, nhiều chứng cứ xác nhận rằng, Konrad Mizzi sở hữu Công ty Hearnville ở Panama, ông ta cùng Schembri cũng mở một công ty khác tên là Tillgate Inc.

Các công ty này thuộc nhánh của công ty bình phong Orion Trust New Zealand Limited. Sau quá trình điều tra và phân loại của 400 phóng viên đến từ 107 tổ chức truyền thông của hơn 80 quốc gia, ICIJ đã công bố một phần Hồ sơ Panama vào đầu tháng 4-2016 và được xem là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Đợt công bố lần hai bao gồm thông tin về hơn 200.000 công ty bình phong ở nước ngoài do giới nhà giàu thiết lập.

Trong vụ rò rỉ tài liệu chấn động thế giới này, 143 chính trị gia, trong đó có 12 nguyên thủ cùng gia đình và phụ tá thân cận của họ, hàng chục tỷ phú và nhiều nhân vật nổi tiếng bị cáo buộc dùng các công ty vỏ bọc để trốn thuế, che giấu số tài sản khổng lồ. Là người đầu tiên đưa tin về sự liên quan của Mizzi và Schembri ở Panama, Caruana Galizia được tạp chí Politico gọi là “một trong 28 người đang định hình, lay chuyển và khuấy động châu Âu”.

Ý kiến công luận ở Malta sau khi vụ nổ bom xe phản ánh một bầu không khí chính trị hiện tại ở đất nước nhỏ bé này đang khá căng thẳng. Sau cuộc bầu cử quốc hội không êm ả vào ngày 3-6-2017, tình hình chính trị luôn trong tình trạng như sắp vỡ tung khiến giới quan sát lo ngại nước này có thể quay trở lại thời kỳ đen tối, với bạo lực chính trị xảy ra liên miên trong thập niên 80 thế kỷ XX.

Ngày 19-5-2017, 13 đơn vị truyền thông châu Âu đồng loạt công khai Hồ sơ Malta (Malta Files), cáo giác thiên đường thuế ở đây và bằng chứng là danh sách đầy đủ các cá nhân và thực thể thuộc 53.247 công ty đăng ký hoạt động tại Malta. Tờ Mediapart gọi đây là “cả một đội quân di cư hạng sang trốn thuế, bao gồm các chính trị gia, nhà quản lý, kỹ nghệ gia, giới kinh doanh nghệ thuật... và những kẻ dính dáng đến mafia”.

Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Malta là Edward Scicluna đã phản bác: “Kể từ khi các công ty hoạt động ở Malta chuyển thành của nước ngoài, chúng tôi không giấu giếm gì. Tố cáo Malta là thiên đường thuế là chiến dịch do Đức và Luxembourg khởi xướng, chẳng qua để tranh giành các công ty Anh tìm kiếm địa điểm ở Malta, thời kỳ hậu Brexit khi Anh rút khỏi EU.

Cho đến nay chưa có cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom này, nhưng dư luận cả nước Malta đang chĩa mũi dùi vào Thủ tướng Joseph Muscat. Ngay sau vụ nổ bom, ông Muscat đã vội vã tổ chức một cuộc họp báo để đưa ra chính kiến xung quanh vụ việc.

Trong phát biểu tại cuộc họp báo, ông Muscat đã lên án “vụ tấn công dã man”, và cho biết ông đã yêu cầu cảnh sát, an ninh Malta nhanh chóng truy tìm hung thủ gây ra vụ tấn công. Chính phủ Malta cũng đã phát đi lời kêu gọi quốc tế hỗ trợ điều tra nhằm sớm xác định hung thủ gây án.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat lên án vụ đánh bom.

Nhận thấy mọi người đang chĩa mũi dùi nghi ngờ về phía mình, nên ông Muscat đã nhanh chóng thanh minh: “Mọi người đều biết bà Caruana Galizia là một người chỉ trích tôi gay gắt, cả về phương diện chính trị lẫn cá nhân, nhưng không ai có thể chứng minh được gì qua hành động dã man này”. Sau cuộc họp báo, ông Muscat thông báo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cử người lên đường sau lời kêu gọi hỗ trợ từ phía Malta.

Một câu hỏi lớn đang được giới quan sát quốc tế đặt ra: Ai thật sự đứng sau vụ nổ bom xe sát hại bà Galizia? Thật khó tìm ra câu trả lời ngay vào lúc này, bởi đúng như nhận xét của con trai bà Galizia, xung quanh bà có quá nhiều “kẻ thù”, từ các thế lực chính trị cho đến thế giới ngầm, mafia, hầu như đối tượng nào cũng muốn thủ tiêu bà để trả thù cho những gì bà đã viết trong các bài báo và trên blog cá nhân vì chúng động chạm không chỉ những quan chức chính quyền Malta, mà cả những nhân vật sừng sỏ trong thế giới ngầm với những thế lực có khả năng làm khuynh đảo quốc gia thành viên nhỏ bé nhất tại châu Âu.

Trong 2 năm gần đây, Galizia dấn thân vào cuộc chiến chống tham nhũng trong giới chính trị, đặc biệt là chính phủ của Thủ tướng Muscat, vì thế đã trở thành “cái gai bên cạnh sườn” của chính phủ và Thủ tướng Muscat. Bà không ngừng kêu gọi Thủ tướng đương nhiệm từ chức cũng như sa thải Cảnh sát trưởng và Tổng chưởng lý.

Galizia đã tập trung khai thác những thông tin, dữ liệu trong hồ sơ Panama Papers do ICIJ chia sẻ trong cộng đồng báo chí điều tra quốc tế, qua đó bà đã phanh phui sự dính líu của phu nhân Thủ tướng Muscat trong Hồ sơ Panama, cũng như 2 trợ lý của ông có tên trong danh sách các chủ tài khoản ngân hàng bí mật ở các thiên đường thuế dùng để nhận tiền bán visa Malta và tiền “lại quả” từ Chính phủ Azerbaijan.

Chính vì sự phanh phui này mà năm 2016 Thủ tướng Muscat đã phải tổ chức bầu cử sớm để chứng minh mình “trong sạch” (và ông đã tái đắc cử), đồng thời tuyên bố sẽ từ chức nếu có bằng chứng ông làm sai.

Vụ tấn công khiến cho 400.000 dân cư sinh sống trên đảo quốc vô cùng phẫn nộ. Chiều ngày 16-10, 3.000 người dân bản xứ cùng nhau thắp nến tưởng niệm nữ nhà báo trong bầu không khí im lặng tại thị trấn Sliema. Sau màn thắp nến, người dân đã đi bộ 1 dặm đường tới tượng đài Love Monument ở thành phố Saint Julian’s.

Ngày 19-10, một nhóm các chuyên gia pháp y Hà Lan và điều tra viên của FBI đã đến hiện trường vụ đánh bom xe để tiến hành điều tra. Heather Nauert, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định vụ ám sát nữ nhà báo phanh phui Hồ sơ Panama sẽ được FBI điều tra “toàn diện, minh bạch và hỗ trợ chính quyền Malta ở mức cao nhất”.

Bộ Ngoại giao Mỹ coi đây là cuộc tấn công “quá tàn ác và gây sốc” nhắm đến một phụ nữ, một nhà báo và một người mẹ của ba người con.

Quốc Vương - Quang Học (tổng hợp)
.
.