Malta: Có tiền là có... quốc tịch

Thứ Hai, 12/05/2014, 17:35

Đảo quốc Malta nằm trong Địa Trung Hải vốn là một trong những quốc gia trung lập, có các chính sách xã hội thoải mái nhất châu Âu. Một trong những chính sách mà Malta đang triển khai là Chương trình Có tiền là có quốc tịch (Citizenship for cash) đang gây chú ý cho những người nuôi giấc mơ nhập cư vào châu Âu để "đổi đời". Nhưng đồng thời, chương trình này hiện cũng đang gây lo ngại về mặt an ninh không chỉ cho châu Âu mà cả Mỹ.

Chương trình đã được Malta triển khai từ tháng 2/2014 và đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm người thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Nga, Arập Xêút, Iraq, Libya,…

Theo tờ New York Times, chương trình “Có tiền là có quốc tịch” tạo ra cơ hội hấp dẫn đối với những người có ý định sở hữu một tấm giấy thông hành (passport) Liên minh châu Âu, có thể đi lại và làm việc bất cứ nơi đâu trong 28 nước thành viên EU mà không cần visa, ngoài ra còn có thể đi lại miễn visa nhập cảnh đến 69 quốc gia khác ngoài EU, trong đó có Mỹ, Canada,… Tuy nhiên, cái giá cho tấm thông hành hấp dẫn này không hề rẻ: phí bằng tiền mặt để "mua" passport là 891.000 USD, kèm theo điều kiện phải có tài sản hoặc mức đầu tư làm ăn ở Malta trị giá đến 685.000 USD.

Theo các quan chức Chính phủ Malta, chương trình “Có tiền là có quốc tịch” sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Malta và giúp thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động Malta.

Thế nhưng, cách giải thích của Chính phủ Malta không làm hài lòng những người phản đối chương trình này trong đảng đối lập ở Malta cũng như giới chức EU. Những người này lập luận rằng, chương trình tạo ra một kẽ hở nguy hiểm về mặt an ninh cho toàn khối EU. Malta là đảo quốc gồm 7 hòn đảo trong Địa Trung Hải, nằm cách đảo Sicily của Italia khoảng 80 km về phía nam và cách Tunisia hơn 280 km về phía bắc. Người ta lo ngại, việc chạy theo vấn đề thu tiền mặt và vốn đầu tư sẽ khiến cho Chính phủ Malta dễ mắc sai sót trong việc sàng lọc đối tượng đăng ký mua quốc tịch.

Những người chống đối chương trình cho rằng, việc Chính phủ Malta ký hợp đồng giao khoán cho Công ty Henley & Partners, một công ty tư vấn luật đóng tại cụm các hòn đảo trong Kênh đào Anh, sẽ tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về "xung độ lợi ích" trong quá trình thực hiện công tác sàng lọc đối tượng. Người ta nghi ngờ nguy cơ nằm ở chỗ Henley & Partners vừa thực hiện khâu nhận đơn đăng ký rồi sau đó làm luôn khâu sàng lọc, phân loại đối tượng để loại ra các thành phần tội phạm, khủng bố,…

Điều mà đảng đối lập ở Malta và các quan chức EU, Mỹ lo lắng nhất chính là sự lạm dụng giấy thông hành giả sẽ tạo cơ hội cho bọn tội phạm, khủng bố tự do đi lại đến những nơi chúng cần đến và gây ra những sự cố tai hại về mặt an ninh.

Những tấm thông hành Malta sẽ tạo điều kiện cho người nhập cư đi lại và làm việc khắp châu Âu.

Theo hợp đồng ký với Chính phủ Malta, Công ty Henley & Partners sẽ được nhận mức hoa hồng 4% trên số tiền phí nộp hồ sơ 891.000 USD. Ngoài ra, công ty này còn được phép thu thêm của khách hàng 96.000 USD cho mỗi hồ sơ xin nhập quốc tịch. Sau khi Công ty Henley & Partners thực hiện xong công đoạn sàng lọc đối tượng, các hồ sơ được chuyển cho Identity Malta, một cơ quan của Chính phủ Malta, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên lời nhận xét của Công ty Henley & Partners ghi trên hồ sơ.

Công ty Henley & Partners chỉ được nhận tiền hoa hồng sau khi hồ sơ được Identity Malta phê duyệt. Trong khi đó, các quy định pháp lý của Chính phủ Malta liên quan đến chương trình còn quá thoáng, sẵn sàng chấp nhận đối tượng có hồ sơ tiền án, tiền sự được "mua" quốc tịch nếu cơ quan chức năng phụ trách chương trình nhập tịch "cảm thấy hài lòng rằng đối tượng vẫn còn giá trị để được chấp thuận trong những trường hợp đặc biệt". Và điều này chính là kẽ hở để bọn tội phạm thừa tiền mặt có thể khai thác một cách dễ dàng.

Trước những lo ngại và phản đối từ đảng phái đối lập và EU, Mỹ, Chính phủ Malta cũng như Công ty Henley & Partners đã cố gắng đưa ra lời giải thích cùng các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết. Chẳng hạn, trong điều khoản quy định điều kiện để có được quốc tịch, Chính phủ Malta đã đưa thêm điều kiện là ngoài khoản tiền lệ phí, số vốn đầu tư, tài sản nhà cửa, người xin nhập quốc tịch Malta còn phải cư trú dài hạn từ 1 năm trở lên. Ngoài ra, các bước điều tra, xác minh nhân thân cũng được tiến hành kỹ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn, thủ tục hành chính trải qua nhiều bước hơn nhằm tránh để lọt các thành phần tội phạm, khủng bố.

Trên thế giới, chương trình nhập quốc tịch để thu hút nhân tài đã từng được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada,… Kể cả một số quốc gia khủng hoảng kinh tế như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng đang muốn triển khai chương trình tương tự như Malta với hy vọng tạo ra "luồng sinh khí mới" cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề là việc gì cũng luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Điển hình là nước Mỹ, đưa ra hình thức cấp thẻ thường trú (residency, không phải quốc tịch) cho doanh nhân có vốn đầu tư làm ăn kinh doanh ở Mỹ từ 1 triệu USD trở lên. Chương trình này hiện đang gặp phải sự tranh cãi từ những chuyên gia về di dân, cho rằng nó có thể bị bọn tội phạm nhiều tiền của  lợi dụng để rửa tiền.

Cũng vì lý do tương tự mà Canada đã tuyên bố vào tháng 3 vừa qua rằng nước này sẽ chấm dứt chương trình cấp thẻ thường trú dài hạn cho những ai cho chính phủ vay không lãi suất số tiền 730.000 USD trong 5 năm

Quốc Vương (theo New York Times)
.
.