Mạng lưới rửa tiền đằng sau chuỗi doanh nghiệp hợp pháp

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:46
Bộ Tài chính Mỹ nói cartel ma túy Sinaloa sử dụng nhà hàng sang trọng Numero Uno ở Mexico City cùng một mạng lưới nhiều công ty khác nhau từ trại chăn nuôi gia súc cho đến cửa hiệu cung cấp văn phòng phẩm; hoặc thu mua và xuất khẩu trái cây, vải vóc, đồ chơi, cuối cùng hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ để biến tiền bẩn ma túy thành tiền sạch một cách hợp pháp.

Đó là phương pháp rửa tiền nhanh nhất và chắc chắn nhất được các cartel ma túy chọn, thay vì những chiếc xe tải chở tiền mặt dễ bị phát hiện.

Rửa tiền bẩn bằng kinh doanh hợp pháp...

Bất chấp việc bị Mỹ xếp vào danh sách tổ chức rửa tiền bẩn, nhà hàng cao cấp Numero Uno vẫn mở cửa kinh doanh hằng ngày như không có chuyện gì xảy ra. Một trong những nhân viên phục vụ nhà hàng nói: “Chúng tôi thà bị tấn công ngoài đường phố hơn là phải làm việc ở đây”. Thực ra, nhiều bình phong của hoạt động buôn lậu ma túy vẫn mở cửa bình thường quanh Mexico, bất chấp mọi nỗ lực từ phía Mỹ và giới chức Mexcico nhằm đóng cửa chúng.

26 triệu USD tiền bẩn của bọn tội phạm ma túy Mexico bị bắt giữ ở bang Sinaloa nước này trong năm 2008.

Theo phân tích của chuyên gia, việc cắt đứt con đường tuồn tiền bất hợp pháp vào hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp hợp pháp khác là yếu tố then chốt để chiến thắng trong cuộc chiến tranh đẫm máu chống mạng lưới cartel ma túy ở Mexico. Nhưng chính quyền Mexico bị ngăn trở bởi luật pháp không hiệu quả và một số nhà điều tra thiếu năng lực - chỉ bắt giữ được chưa đến 1% trong tổng số tiền lợi nhuận ma túy hằng năm vào khoảng từ 10 đến 29 tỷ USD luân chuyển khắp đất nước Mexico - bất chấp một số biện pháp cứng rắn mới đây như là giới hạn tối đa sự sử dụng USD tiền mặt.

Từ năm 2008 đến giữa năm 2010, chính quyền Mexico chỉ bắt giữ được 65,1 triệu từ hoạt động rửa tiền, chủ yếu là USD nhưng có một số nhỏ hơn là tiền peso, euro và vàng - theo số liệu của hãng thông tấn Associated Press có được nhờ luật tự do thông tin. Đồng thời Mexico cũng chỉ đưa ra 37 bản án trong những vụ án rửa tiền, trong số 150 nghi can bị bắt giữ hay đưa ra xét xử trước tòa án, theo số liệu của văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ.

Kể từ khi Mexico ban hành luật cho phép tịch thu tài sản của bọn buôn lậu ma túy và các thành viên cartel cách đây gần 4 năm, không có một tài sản nào bị tịch thu theo luật này. Mexico cũng không mấy thành công trong việc bắt giữ những chiến dịch chuyển tiền quy mô của bọn tội phạm. Khoảng 100 triệu USD đáng ngờ bị lực lượng thanh tra bắt giữ hằng năm tại vùng biên giới và sân bay cũng như qua những cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà bọn buôn lậu - theo báo cáo an ninh chính quyền Mexico trong giai đoạn từ năm 2006 đến giữa năm 2009.

Hiện trường tội phạm ở Monterey (Mexico). Bạo lực liên quan đến ma túy cướp đi hơn 40.000 mạng người từ cuối năm 2006 đến nay.

Tuy nhiên, theo lời giới chuyên gia, những vụ bắt giữ tiền mặt với số lượng lớn này chẳng qua chỉ nhờ sự tình cờ hay may mắn, dựa theo thông tin mật báo hay sự kiểm tra hành lý. Những vụ bắt giữ như thế ít khi dựa vào thông tin tình báo và hiếm khi nào phá vỡ được mạng lưới rửa tiền bẩn của bọn cartel ma túy mà thường là nhờ mách bảo của những kẻ chỉ điểm bình thường.

Mỹ cũng có luật cấm doanh nghiệp nước này làm ăn với 300 cá nhân và 180 công ty mà Cơ quan Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đánh giá là có sự liên kết với cartel ma túy Mexico. Trong khi đó, trong năm 2009, Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ phạt những công ty vi phạm luật cấm nói trên khoảng 20.000 USD. Và kể từ năm 2000, chỉ khoảng 15,7 triệu USD trong các tài khoản cá nhân hay doanh nghiệp bị chính quyền Mỹ tịch thu.

Chính quyền Mỹ cho biết họ được báo cáo về 700 trường hợp trong đó những vụ chuyển tiền đáng ngờ cố lách những quy định của Mexcio, bao gồm cố gắng chẻ lượng tiền lớn thành hàng loạt vụ chuyển tiền nhỏ lẻ. Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhiều vụ chuyển tiền thực hiện tại số ngân hàng vùng biên giới phía Mỹ đang gia tăng, ở nơi đó USD dễ dàng được đổi sang tiền peso với số lượng lớn.

Trước tình hình đó, cựu Tổng thống Felipe Calderon của Mexico đã đề nghị có những quy định tương tự hạn chế cả những vụ chuyển tiền mặt bằng đồng peso, cấm chuyển trên 100.000 peso (khoảng 8.500 USD) hay mua bất động sản bằng tiền mặt. Tuy nhiên Quốc hội Mexico vẫn đang bàn cãi về đề nghị này. Trong một đất nước mà việc mua bán chủ yếu thông qua tiền mặt như Mexico thì việc cấm sử dụng tiền mặt để giao dịch là vấn đề hết sức nan giải.

Luis Robles Miaja, Chủ tịch Hiệp hội Các chủ ngân hàng Mexcio, nói: “Anh có thể mua một căn nhà, một chiếc xe, một món hàng có giá trị cao bằng tiền mặt. Ở Mexico, nhiều đồng tiền bẩn của cartel ma túy được rửa sạch chỉ đơn giản thông qua những giao dịch mua bán bằng tiền mặt mà không thông qua ngân hàng”.

...cho đến thu mua, xuất khẩu vải vóc, trái cây...

Để đối phó với lệnh hạn chế sử dụng đồng tiền Mỹ trên lãnh thổ Mexico, các cartel ma túy chọn con đường kinh doanh hàng hóa hợp pháp xuyên biên giới để rửa sạch những đồng tiền bẩn. Chính quyền Mỹ và Mexico nhận định cách rửa tiền thông qua kinh doanh của bọn tội phạm ma túy là thông minh nhất, khó phát hiện và đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho chúng.

Bằng cách chuyển đổi một lượng lớn tiền mặt thành hàng hóa như cà chua hay những súc vải Trung Quốc để bán lại ở Mexico hay xuất khẩu sang Mỹ và Colombia, cartel ma túy cùng lúc đạt được 2 mục tiêu - chuyển số tiền kiếm được trở về nhà để thanh toán các hóa đơn rồi sau đó mua ma túy, đồng thời chuyển đổi USD thành đồng peso thông qua giao dịch tương đối dễ giải thích với chính quyền.

Blanca Cazares, nữ hoàng rửa tiền của cartel Sinaloa.

Từ lâu được các cartel Colombia sử dụng, phương pháp rửa tiền này phổ biến rộng sang bọn tội phạm ma túy Mexico sau khi chính quyền nước này quy định hạn chế sử dụng USD (để mua những sản phẩm đắt tiền như là bất động sản hay tàu thuyền) trong nỗ lực chống rửa tiền. Đi tiên phong trong phương pháp rửa tiền bằng kinh doanh hàng hóa hợp pháp có lẽ là Blanca Cazares, người được cho là nữ hoàng rửa tiền làm sạch hàng tỷ USD cho cartel Sinaloa.

Các nhà điều tra liên bang Mỹ cho rằng Cazares tổ chức kinh doanh nhập khẩu mặt hàng tơ lụa từ châu Á để rửa tiền Mỹ và chuyển đổi chúng sang đồng peso. Thời gian sống ở vùng ngoại ô Bell phía nam Los Angeles, Cazares đã nhập khẩu hàng tấn vải châu Á về khu vực Los Angeles rồi sau đó xuất khẩu chúng đến Mexico. Khi trở lại Mexico, Cazares bán vải với giá cao bằng tiền peso thông qua chuỗi cửa hàng của bà ta ở bang Sinaloa, trung tâm của bọn tội phạm ma túy, và 7 bang khác.

Chính quyền Mỹ và Mexico nhận định phương pháp rửa tiền thông qua kinh doanh hợp pháp của các cartel Mexico là chiến thuật hết sức hiệu quả, đồng thời gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố bọn chúng ra trước pháp luật. Năm 2010, công tố liên bang Mỹ buộc tội Angel Toy Corp., công ty ở Los Angeles nổi tiếng với mặt hàng thú nhồi bông, có hành vi kinh doanh rửa tiền. Sau đó 3 giám đốc điều hành của công ty và một người Colombia bán đồ chơi trẻ em đã bị bắt.

Số USD bị thu giữ hôm 22-11-2011 trong một chiếc ô tô tại vùng ngoại ô Tijuana (Mexico) được cho là của cartel Sinaloa.

Theo cáo trạng và nhóm điều tra viên của Cục Hải quan và Nhập cư Mỹ (ICE), trong nhiều năm 3 người đàn ông này đã mang về khu nhà xưởng của công ty rất nhiều túi vải trong đó đựng nhiều bó tiền mặt mệnh giá 5, 10 và 20 USD được cho là tiền bán cocaine. Trong khu nhà xưởng của công ty, nhân viên được lệnh phân chia tiền mặt thành những cụm dưới 10.000 USD. Sau đó một phần tiền được chuyển đến châu Á để mua đồ chơi trẻ em và chở đến thành phố Bogota ở miền trung Colombia bán lấy tiền peso. Số tiền này được sang tay cho người môi giới và cuối cùng rơi vào tay những ông trùm ma túy Colombia.

Sau chiến dịch theo dõi điều tra kéo dài với sự tham gia của nhiều người đưa tin bí mật và băng hình an ninh của ngân hàng, đặc vụ liên bang Mỹ bắt đầu đột kích Angel Toy năm 2009. Theo cáo trạng, 3 giám đốc điều hành có tội phân chia và gửi những khoản tiền chưa đến 10.000 USD vào ngân hàng (bởi vì khi số tiền gửi vượt quá 10.000 USD, ngân hàng phải có báo cáo với chính quyền liên bang). Tiền được gửi vào tài khoản của Angel Toy có khi đến vài lần trong một ngày. Cuộc điều tra dài 4 năm phát hiện số tiền mặt gửi ngân hàng của Angel Toy là hơn 8 triệu USD.

Trong những chiến dịch rửa tiền thông qua kinh doanh hợp pháp của cartel ma túy, thường có bóng dáng của quốc gia thứ 3 (như Đài Loan trong vụ Angel Toy, và Trung Quốc trong vụ Cazares) để che giấu tung tích của nguồn tiền bán ma túy. Trong một chiến dịch mới nhất, bọn rửa tiền cho cartel ma túy đã xuất khẩu từ Mỹ đến Mexico sản phẩm viên polypropylene được dùng để sản xuất đồ nhựa. Mặt hàng xuất khẩu này đã gây nghi ngờ cho cơ quan điều tra nên cuối cùng đã bị cấm hoạt động.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, chiến dịch xuất khẩu bị nghi ngờ rửa tiền khoảng 1 triệu USD vào mỗi 3 tuần. Hoạt động rửa tiền của cartel ma túy có được nhiều lợi thế khi hòa vào nền thương mại quốc tế, và khiến cho cơ quan chính quyền cực kỳ khó phát hiện nhất là khi mà giao dịch thương mại hợp pháp giữa Mỹ và Mexico đang ngày càng tăng - hiện nay gần 400 tỷ USD một năm, theo đánh giá của Shannon ONeil, chuyên gia về Mexico ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại đặt trụ sở ở Mỹ.

Cartel Sinaloa sử dụng nhà hàng sang trọng Numero Uno ở Mexico City để rửa tiền.

Chính quyền Mexico chậm hành động trước mưu đồ rửa tiền thông qua kinh doanh hợp pháp của cartel ma túy bởi tính chất quá mới mẻ và khó phát hiện của nó. Để đối phó với phương pháp rửa tiền này, Mỹ có ký kết hiệp ước chia sẻ dữ liệu hải quan với 7 quốc gia, trong đó bao gồm Mexico và đặc vụ Mỹ đã bắt đầu chương trình huấn luyện đặc biệt cho thanh tra hải quan Mexico.

Sự gia tăng đáng kể hoạt động rửa tiền thông qua kinh doanh hợp pháp của cartel ma túy hiện nay đã cho thấy các ông trùm ma túy - nằm trong số những doanh nhân xuyên quốc gia lão luyện nhất thế giới - đã phát triển thành công một hệ thống mới cho phép thu về lợi nhuận tối đa, đồng thời qua mặt dễ dàng đội quân đặc vụ liên bang được triển khai để chống lại chúng ở hai bên biên giới Mỹ và Mexico.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.