Mánh khóe lừa đảo việc làm online

Thứ Bảy, 09/05/2020, 09:22
Nếu như vài năm trước, trào lưu làm việc online vẫn chưa quá phổ biến thì khoảng một năm trở lại đây, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới thì trào lưu này được dịp phát triển rầm rộ. Được quảng cáo là “ngồi nhà kiếm ngàn đô mỗi tháng”, song thực chất đã có rất nhiều bẫy giăng ra để hút tiền của người dân thiếu cảnh giác.

Từ việc làm “ảo”...

Dịp nghỉ dịch COVID-19, Hoàng Trang, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Kinh tế quốc dân không về quê mà ở lại Hà Nội để tìm việc online, theo lời rủ rê của một số người bạn. Công việc này thoạt nghe khá là hấp dẫn. Mỗi ngày chỉ phải làm vài giờ đồng hồ, tháng có thể kiếm được 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, muốn có được công việc này, Trang sẽ phải đóng 1,5 triệu đồng để mua khóa học online.

Sau khi đã chuyển khoản số tiền đó, Trang nhận được một email miêu tả cụ thể công việc. Hóa ra, nó chỉ đơn giản là tạo các link liên kết sản phẩm trên các cửa hàng, siêu thị trực tuyến rồi up vào fanpage Facebook hoặc rải trên các group. Tiếp đó, chủ của các trang phải soạn content để “dụ” khách hàng kích vào các liên kết đó để mua hàng.

Nhiều sinh viên gặp trái đắng khi tham gia làm việc online.

Sau mỗi đơn hàng thành công, chủ trang sẽ được trả phần trăm. Càng nhiều người mua hàng, họ sẽ kiếm được càng nhiều tiền. “Giảng viên” của khóa học cũng liên tục “chém gió” rằng đã có nhiều học viên làm việc này mỗi ngày kiếm được từ 500 ngàn đến cả triệu đồng.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, Trang mới thấy không hề đơn giản. Bởi soạn nội dung để cho người khác kích chuột vào đã khó, để họ bỏ tiền ra mua thì còn khó hơn. Cả tuần trôi qua mà Trang mới thu được 2 đơn mua, giá trị rất thấp. Số tiền chảy vào tài khoản của Trang chỉ là vài đồng bạc lẻ.

Thêm nữa, những kiến thức mà “giảng viên” truyền thụ thực ra có đầy rẫy trên mạng Internet, chẳng cần mất xu nào vẫn có được đầy đủ. Và sau khi gửi cho Trang một bài thuyết trình, vị giảng viên” cũng biến mất luôn, không hẹn ngày gặp. Vậy là cô sinh viên non nớt đã mất toi một số tiền không nhỏ để mua một mớ kiến thức hổ lốn!

Nếu như công việc của Trang có vẻ nhiều “chất xám” thì Hoàng Văn M. sinh viên Đại học Văn hóa được giới thiệu làm cộng tác viên cho website tien...com. Công việc nghe chừng rất đơn giản là ngồi xem các video, tiền sẽ tự chảy vào tài khoản. Chủ website cam kết cứ xem 10 giây thì được 50 đồng; mỗi ngày được cung cấp hàng trăm videos để xem. Tuy nhiên, để sở hữu một tài khoản trên trang web này, M. phải chuyển 750 ngàn đồng để kích hoạt.

Cũng theo chủ website, bên cạnh việc xem video, người dùng còn có thể kiếm tiền bằng cách mời thêm người vào hệ thống. Theo đó, cứ giới thiệu được thêm 1 người mở tài khoản thì người mới sẽ được 10 ngàn đồng và người giới thiệu được 70 ngàn đồng. Nội dung các video theo chia sẻ thường là ca nhạc, tiểu phẩm hài hoặc phim truyện, thời lượng thường dăm bảy phút, có video lên tới hàng tiếng đồng hồ. Hầu hết người dùng như M. đều không quan tâm đến nội dung, họ chỉ mở trang web lên, để tự động chạy rồi chuyển sang việc khác.

Sau khoảng một tuần “cày” video thấy đủ 750 ngàn đồng tiền vốn, M. quyết định rút tiền. Tuy nhiên, lệnh rút mãi không thực hiện được. Cậu cố gắng liên hệ với số điện thoại trên website để chất vấn nhưng luôn trong tình trạng “thuê bao không liên lạc được”. Vài ngày sau, trang web cũng không còn hoạt động. Lên mạng tìm hiểu, M. phát hiện cả nghìn người cũng đang trong bị lừa như mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có website tienve...com mà còn khá nhiều trang web như videok...com, kiemtie...com đều có dấu hiệu lừa đảo người tham gia. Các website này sau một thời gian dụ người dùng tích cực nạp tiền mở tài khoản, cày view cho video thì đến nay hầu hết đã ở trong tình trạng không thể truy cập được.

Một bị hại khác là anh Tuấn Nam (trú tại phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh Nam cho biết: “Thời điểm tôi thành lập tài khoản thì ước chừng có đến hàng ngàn người khác đang bị lừa. Ban đầu, để lấy lòng tin của người dùng, họ tung ra chiêu thức có một vài người nhận được tiền từ quá trình xem video. Chỉ có khoảng 10% tài khoản sẽ nhận được tiền, còn lại là mất trắng. Những người nhận được tiền tạo lòng tin cho người khác ồ ạt tham gia. Người giới thiệu cho tôi đã từng làm “chuột bạch” và nhận được tiền duy nhất một lần”.

Chưa hết, trên website “viec...com” đăng tuyển cộng tác viên số lượng lớn với công việc khá lạ là gõ Captcha (đoạn mã ký tự và các dãy số ngẫu nhiên). Để được tuyển, ứng viên phải nộp 195 ngàn đồng (là phí duy trì phần mềm). Nếu sau 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, ứng viên hoàn thành công việc nhập đúng 4 ngàn mã captcha/tuần thì sẽ được hoàn lại 195 ngàn. Dĩ nhiên, không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được hoàn lại số tiền đó.

Nghe qua thì có vẻ rất hợp lý, song khi làm thực sự thì các cộng tác viên mới ngã ngửa. Khác hẳn với những captcha lúc mới test, captcha sau khi đã ký hợp đồng luôn là những ký tự và con số khá “loằng ngoằng” cực kỳ khó nhìn. Ngoài ra còn phải tuân theo luật, phải giải mã và đánh lại đúng các mã captcha ấy trong vòng 15 giây, nếu không sẽ bị đá ra và quá 20 lần như vậy trong 1 ngày thì tài khoản bị đóng vĩnh viễn. Dĩ nhiên, hầu như các cộng tác viên đều nhanh chóng bị “out” sau khi đã nộp phí!

...đến “mỡ nó rán nó”

Trong những ngày phải nghỉ làm mùa dịch, chị Trần Hồng Th. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) lướt Facebook và bắt gặp một tài khoản mĩ phẩm cao cấp đang tuyển cộng tác viên bán hàng online. Inbox cho chủ tài khoản, chị Th. được cô ta dụ tham gia với thu nhập rất hấp dẫn.

Theo đó, chỉ cần mỗi ngày chị Th. đăng một bài quảng cáo bán hàng sẽ được trả từ 80 đến 100 ngàn đồng/lần. Khi có khách hàng đặt, chị Th. có thể lấy hàng từ công ty với giá buôn và bán cho khách giá bán lẻ. Số tiền chênh lệch lên đến hơn 200 ngàn đồng/sản phẩm. Đối tượng còn chuyển cho chị Th. bộ hồ sơ chất lượng sản phẩm, bảng chính sách đổi trả rất rõ ràng lại không phải bỏ vốn trước, cộng tác viên được quyền đổi trả sản phẩm trong vòng 30 ngày nếu mua hàng online từ công ty và nhận lại 100% số tiền đã thanh toán... Thấy không mất một đồng phí, lại cũng chẳng mất vốn nhập hàng, chị Th. liền đồng ý tham gia.

Một bài viết lật tẩy thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Chỉ sau vài status quảng cáo, chị Th. đã thấy có mấy khách đặt. Chị liền gọi cho công ty chuyển hàng. Kết thúc tuần đầu làm việc, chị Th. được lời gần 1 triệu đồng. Mấy hôm sau, chị Th. tiếp tục nhận được đơn hàng thứ hai với giá trị mua hơn chục triệu đồng.

Chị Th. vội nhắn cho công ty, song lần này công ty bắt phải chuyển đủ 100% tiền hàng thì mới ship. Đầu kia khách giục liên tục khiến chị Th. rối trí, đành vay mượn bạn bè chuyển khoản đủ tiền để nhập hàng rồi chuyển cho khách. Tuy nhiên, hàng chuyển đi được 3 ngày thì bị trả về với lý do “không liên lạc được” với khách.

Liên hệ với “công ty” để trả hàng, chị Th. mới phát hiện mình bị lừa vì người bán hàng cũng lặn mất tăm. “Khách và công ty đều chặn hết Facebook và số điện thoại liên lạc. Ôm đống mĩ phẩm về tôi mới phát hiện toàn thứ rẻ tiền, chỉ đáng vài trăm ngàn” - chị Th kể.

Nhiều người cho biết cũng bị lừa đảo và mất tiền với cách thức tương tự. Ban đầu là tuyển cộng tác viên đăng bài, sau đó bán hàng online các sản phẩm gắn mác Hàn Quốc, Pháp, Ý... cho các trang Facebook này. Những trang này sau đó đã gài bẫy bằng cách giả làm người mua sản phẩm của cộng tác viên rồi “xù” đơn hàng khiến nạn nhân phải mất khá nhiều tiền.

...và, ngày “vuốt” một lần, tháng kiếm bạc triệu

Nếu như những vụ lừa đảo kể trên bị hại thường chỉ thiệt hại vài trăm ngàn đến vài triệu đồng thì bẫy đầu tư đa cấp sẽ khiến cho bị hại phải ôm hận sau từ 3-6 tháng. Toàn bộ tiền đầu tư từ vài chục, vài trăm đến cả tỷ đồng sẽ bất ngờ bốc hơi khiến cho “dân cày” không kịp trở tay.

Sau những cơn lốc Hex..., thì vài tháng trở lại đây lại nổi lên một hình thức đầu tư đa cấp mới mà, đó là tham gia vào mạng lưới MyAla... Trên rất nhiều trang Facebook, fanpage cũng như clip trên YouTube, các “boss” đua nhau quảng bá về một công việc “trên cả tuyệt vời”. Chỉ cần đầu tư khoảng 1.000 USD, ngày ngày chăm chỉ đăng nhập vào app và “vuốt”, sau một năm sẽ thu về gần 35 triệu đồng tiền mặt và 6.520 Gems (đơn vị tiền ảo trong app tương đương 153 triệu đồng). Và với cách tính “cua trong lỗ” này, những chủ mạng lưới đồng loạt tung hô MyAla... là doanh nghiệp của thế kỷ 21.

Theo chân một nhà đầu tư tham gia buổi offline của một group (nhóm), tôi được chứng kiến biết bao mỹ từ về một phương thức kiếm tiền online rất “thông minh”, “thời thượng” này. Diễn giả say sưa: “Thay vì ngồi trong nhà trốn dịch, hay ngồi trong văn phòng đầy chán ngắt với một đống hồ sơ, những việc làm không tên, những việc làm không định hướng và luôn thay đổi chóng mặt với tính tình bất thường của sếp, rồi ganh đua quyền lực, danh vọng địa vị với đồng nghiệp, ganh tị đố kị với người đời vì sự giàu có phồn vinh phú quý của họ, hoặc ngồi giật tóc, bứt tai trách móc số phận hẩm hiu, cuộc sống điêu tàn và bế tắc... thì phải tham gia cày tiền với MyAla...”.

Bài quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng thường thấy trên mạng xã hội.

Rồi một diễn giả khác hào hứng chia sẻ thứ gọi là... “Doanh nghiệp số của thế kỷ”: “Với thời cuộc công nghệ 4.0, thế giới sẽ tạo ra những cơn lốc xoáy, biến tất cả trở về thế giới phẳng, phẳng đến từng ngóc ngách của trái đất này. Thế giới thực được đưa vào thế giới số, tất cả được chia sẻ, đóng gói, gom gọn trên một nền tản chung là IoT (intenet kết nối vạn vật) chỉ nằm gọn trong mặt phẳng 5-7 inch. Và đó chính là màn hình chiếc điện thoại của chúng ta”.

“Sẽ đến lúc không còn văn phòng thực mà nhà của chúng ta chính là văn phòng làm việc của chúng ta. Nơi mà các hãng taxi vận tải rồi phải mất đi nhường chỗ cho phương tiện vận tải của dân tự kết nối phục vụ cho nhau Uber, Grab... Nơi mà nhân viên văn phòng sẽ dần biến mất bởi thay thế bằng robot tự động và lực lượng lao động của toàn xã hội được kết nối với nhau tạo nên sự cộng hưởng, tương hỗ và bổ trợ nhau xuyên lục địa...”.

Tuy nhiên, khi tôi thử cài phần mềm này thì hầu như không thấy bất kỳ một tính năng mua - bán hay hàng hóa nào được lên trang. Tất cả đều hướng vào việc vận động khách hàng đầu tư tiền, chăm chỉ “vuốt” để đợi tiền lãi chảy dần vào tài khoản. Trên các fanpage thì liên tục có những cú “bóc phốt” những vụ khách mua hàng nhưng không được chủ cửa hàng chiết khấu...

Theo một nhà đầu tư chuyên nghiệp thì “công việc” trên MyAlla... chỉ thoạt nghe đã thấy mùi lừa đảo. Không một doanh nghiệp nào có thể hoàn đến 80% giá trị mỗi sản phẩm bán ra. Và chiêu trò mỗi ngày trả nhỏ giọt 1-2 USD của công ty, chiêu dụ thêm những người mới cho thấy nó giống hệt các kênh huy động đầu tư đa cấp khác. Khi những boss ở tầng cao nhất cảm thấy đã “ăn đủ”, website lập tức sẽ bị sập. Tất cả nhà đầu tư ở thang sau đều mất trắng.

M.Tiến - M.Trí
.
.