Mất điện và mối đe dọa khủng bố

Chủ Nhật, 15/12/2019, 09:58
“Mặc dù cúp điện có thể khiến hàng xóm sát cạnh lại cùng chung sống hòa bình và thân thiện, song nó cũng châm ngòi cho khủng bố, tội ác hoặc hỗn loạn”, dẫn lời nhận xét của thầy David E. Nye, là giáo sư về lịch sử Mỹ, giảng dạy tại Đại học Nam Đan Mạch.

GS Nye là tác giả của vài cuốn sách nổi tiếng có thể kể đến ở đây là “Khai trí nước Mỹ”,“Điện khí hóa xứ Mỹ” và “Rực sáng”, bộ ba kiệt tác văn học này đã định dạng nên lịch sử ngành điện và chiếu sáng ở Hoa Kỳ.

Vụ cúp điện ở Đông Bắc nước Mỹ xảy ra vào năm 2003 đã khiến cho 50 triệu người sống ở Mỹ và Canada chịu cảnh tăm tối, bầu trời đêm chuyển sang màu kem ở một số thành phố. Còn ở New York, hàng trăm người tham gia giao thông bỗng nhiên bị mắc kẹt trong những toa tàu điện ngầm và thang máy chật ứ, dần dà nỗi sợ hãi ban đầu lắng xuống.

Sự cố mất điện năm 2003 khiến cả thành phố New York thiệt hại nhiều tỷ USD. Ảnh nguồn: Reuters UK.

Một phóng viên đứng ở Quảng trường Thời Đại thấy cảnh “đám đông hoang mang, dáo dác, sợ hãi trước hậu cảnh khủng bố”.

Giống như nhiều thị dân New York, sau vụ tấn công 11-9, FBI vẫn quay cuồng trong mớ bòng bong. Đến năm ngoái 2018, FBI kết luận rằng bọn khủng bố đã nghiên cứu kỹ về sự yếu kém của lưới điện. Trong khi đó, trên khắp cả nước, thiên hạ đoán già đoán non về kịch bản “Ngày Tận Thế”. Và cũng có ý kiến ngờ vực chuyện cầu chì bị nổ hay bị sét đánh? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kẻ địch tấn công vào hệ thống điện để kích động tấn công vật lý hoặc sinh hóa?

Thiệt hại nặng nề

Quân đội Mỹ từ lâu đã hiểu về tính quan trọng của điện đối với xã hội. Trong thời kỳ Đại chiến thế giới II (ĐCTGII), cả phe Đồng Minh và Trục phát xít đều để tâm tấn công các nhà máy điện.

Trong cuộc vây hãm năm 1992 ở Sarajevo, các nhà dân tộc chủ nghĩa người Serb đã kích nổ 4 đường dây truyền tải điện vào thành phố này, làm 400.000 người chịu cảnh mất điện. Trong khi đó quân đội Mỹ cũng thiết kế các loại vũ khí đặc biệt để vô hiệu hóa mạng lưới điện của đối phương, bao gồm loại “bom mềm” BLU-114/B mà một khi nổ sẽ làm phát tán một đám mây sợi than chì và những sợi dây nhỏ tác động đến các máy biến áp và công tắc ngắt mạch.

Khi sử dụng BLU-114/B chống lại người Serbia vào tháng 5 năm 1999, loại bom này đã phát nổ làm cúp 70% mạng lưới điện quốc gia; loại bom này cũng đã được triển khai thành công trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 chống lại Iraq.

Lưới điện, nhà máy điện hạt nhân và hệ thống máy tính đều là 3 mục tiêu tấn công lý tưởng của bọn khủng bố. “Mạng điện được xây dựng đều có khả năng phục hồi, song bọn khủng bố chỉ cần tấn công vào một số điểm nút nhất định thì sẽ gây kích hoạt tình trạng quá tải mạng điện khiến nó có thể bị cúp điện toàn bộ”, ý kiến của 2 chuyên gia mạng lưới điện đã cho biết như thế.

Các chỉ huy cao cấp của Quân đội cộng hòa Ireland (IPA) và Thủy quân lục chiến Mỹ đã nhận ra được mối họa này khi vào năm 1996, họ chuẩn bị tấn công hệ thống điện của London và Đông Nam nước Anh. Trong khi kế hoạch này đã bị Mật vụ Anh phá vỡ khi họ tìm thấy bản sơ đồ của 6 trạm biến áp nằm thành một chuỗi quanh London và có đủ cả kíp nổ và ngòi nổ liên kết với 37 quả bom; thì những nhóm khác đã có kết quả khả quan hơn.

Từ giữa năm 1975 và 1995, Mặt trận giải phóng quốc gia Corsica (NLFC) thường xuyên tấn công vào hệ thống điện của Corsica vào nhiều dịp khác nhau, theo một báo cáo được phát hành bởi Trung tâm nghiên cứu không phổ biến thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey (Mỹ).

Tại đảo quốc Philippines, các tổ chức Quân đội Nhân dân mới (NPA), Mặt trận giải phóng quốc gia Moro và Abu Sayyaf đều chăm chăm tấn công lưới điện. Hoặc tại Nam Phi, một cánh quân đội của Đại hội dân tộc Phi đã tiến hành nhiều vụ tấn công vào các trạm điện dưới chế độ Apartheid.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến thì động cơ của các tổ chức khủng bố là làm bối rối chính phủ mà không gây ra thương vong, có thể làm suy yếu các hỗ trợ phổ biến. Ngược lại, bọn khủng bố thường có ý định phá hủy các biểu tượng quốc gia và tối đa hóa thương vong, điều này giải thích tại sao lưới điện không phải là mục tiêu khủng bố chính. 

Các cuộc tấn công vào lưới điện toàn cầu đã tăng lên đáng kể từ thập niên 1960 đến năm 1990. Mục tiêu tấn công là các cơ sở dầu hỏa và khí đốt (50%), cơ sở hạ tầng điện (15%), các tòa nhà văn phòng (8%), đường sắt (5%) và các cơ sở khác (22%). Từ giữa năm 1980 đến năm 2004, các tổ chức Thánh chiến Hồi giáo đã tấn công vào cơ sở hạ tầng điện đến 84 lần. Hơn hết, các thành viên Al-Qaeda đã đặt mục tiêu tấn công cơ sở hạ tầng khi phát động tấn công các quốc gia công nghiệp.

Nhà máy hạt nhân lọt vào tầm ngắm

Cho đến nay, mối đe dọa nguy hiểm nhất của chủ nghĩa khủng bố vẫn là tấn công trực tiếp vào các nhà máy hạt nhân hoặc đánh cắp nhiên liệu hạt nhân. Giữa năm 1969 và 1971, các vật liệu nổ đã được tìm thấy tại một lò phản ứng nghiên cứu ở Viện công nghệ Illinois (IIT), và bom đã phát nổ tại Máy gia tốc tuyến tính của Đại học Stanford gây ra thiệt hại đáng kể. Đáng lo ngại hơn là việc bọn khủng bố dùng “bom bẩn” làm phát tán trực tiếp Plutonium chết người trên diện rộng.

Một vụ tấn công bằng vũ khí xung điện từ (EMP) có thể làm tê liệt phần lớn nước Mỹ, các chuyên gia cảnh báo. Ảnh nguồn: Slate.

Năm 1974, Ủy ban năng lượng nguyên tử (AEC) đã kết luận rằng: “Mối đe dọa tiềm tàng đối với công chúng là một vụ nổ được gây ra từ vũ khí hạt nhân hơn là một sự cố tại nhà máy điện”.

Vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) cũng khiến dư luận lo ngại. Nhà vật lý thiên văn Lowell Wood từ Sáng kiến quốc phòng chiến lược và là cựu chủ tịch của Ủy ban EMP, cảnh báo: “Một vụ tấn công bằng EMP có thể gây tê liệt phần lớn nước Mỹ, đóng cửa đài phát thanh, đài truyền hình và cả hệ thống điện thoại”.

Nếu xảy ra tấn công bằng EMP thì Mỹ sẽ không thể thu hoạch, lưu trữ, vận chuyển hay tiếp thị thực phẩm. Bệnh viện, trường học, nhà máy và văn phòng cũng bị đình trệ hoạt động. Về lý thuyết, một vụ phá hoại EMP bên trên lãnh thổ tiểu bang Kansas có thể làm đen cả bầu trời nước Mỹ.

Không có điện, xã hội sẽ mất phần lớn cơ sở hạ tầng quan trọng. Không chắc hệ thống điện Mỹ được bảo vệ vì mức độ tuyệt đối của nó, và mặc dù lưới điện của quốc gia này không bị tấn công nhưng không có nghĩa là nó “bất khả xâm phạm”. Trong nỗi sợ mơ hồ của công chúng, mất điện có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ, làm bất ổn và cả sụp đổ xã hội.

Ông Josef Konvitz, một chuyên gia về quản lý khủng hoảng đã nhắc đến cái gọi là “huyền thoại về sự tổn thương khủng khiếp” mô tả các thảm họa vuột khỏi tầm kiểm soát trong khi bỏ qua khả năng con người ứng biến các giải pháp và đối phó với khó khăn. Các bộ phim và tiểu thuyết nổi tiếng đã mô tả hệ thống điện là một mục tiêu khủng bố lý tưởng.

Sau sự cố mất điện ở New York vào năm 1977, tác giả Arthur Hailey đã phát hành cuốn tiểu thuyết ăn khách “Overload” mô tả cách mà bọn khủng bố tấn công hệ thống điện California trong một mùa hè nắng nóng nung người.

Cố vấn về điện Jason Makansi kết luận: hệ thống truyền tải điện Mỹ theo một số cách đã được tích hợp kém và giải thích: “Mạng lưới điện được liên kết có thể lợi ích khi đề cập đến vấn đề bảo mật. Tất cả các hệ thống mất kết nối đều cùng thất bại. Các tiện ích được liên kết nhưng từng cái cũng có thể tự cắt khỏi lưới điện”.

Bọn khủng bố có thể kích hoạt sự cố mất điện trên diện rộng bằng cách thổi bay các máy biến áp hoặc tắt các đường truyền gây ra sự quá tải và sự cố giảm tải tự động. Vụ mất điện năm 2003 đã ảnh hưởng từ Ohio đến Detroit, Cleveland, Toronto và New York. Và khi xảy ra sự cố mất điện, việc lan truyền sự kiện bằng hình thức truyền tải miệng thậm chí còn nhanh hơn điện thoại và cũng từ đó gây ra hoang mang.

Các chuyên gia phân tích các thành phần dễ bị tổn thương nhất trong mạng lưới điện là các máy biến áp cao áp – nhiều thiết bị này chỉ được đặt trong các trạm biến áp và được bảo vệ lỏng lẻo bởi các hàng rào dây xích và chúng dễ bị lấy ra ngoài thông qua các thiết bị nổ được cải tiến. Lưới điện cũng dễ bị tổn thương bởi các vụ tấn công mạng.

Năm 2000, một báo cáo được công bố bởi Quốc hội Mỹ cho thấy rằng những kẻ khủng bố chỉ cần từ 5 đến 10 năm để phát triển ra các khả năng kỹ thuật để gây ra các thiệt hại to lớn cho Mỹ.

Thật vậy, “một tin tặc lắm chiêu có thể vô hiệu hóa một mạng lưới vài nhà máy mà không cần phải đến nơi đó. Bọn này có thể can thiệp vào các hệ thống phần mềm giám sát hoặc kiểm soát, những nơi này “thường có cơ chế bảo mật thô sơ để lại các lỗ hổng kỹ thuật cho những kẻ tấn công tiềm năng”, nhà báo Johanna McGearychỉ rõ

Đe dọa tấn công mạng

Trên cơ sở dự đoán những cuộc tấn công cơ sở hạ tầng có thể xảy ra, các công ty tiện ích đã làm việc chặt chẽ với Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) để chuẩn bị những kế hoạch dự phòng. Họ dựng nhiều rào cản để chống kẻ xâm nhập.

Những biện pháp an ninh cũng tiếp tục tập trung vào các nhà máy hạt nhân và đập thủy điện trước viễn cảnh lụt lội tàn phá cũng như cúp điện diện rộng. Đối với những cuộc tấn công mạng, các máy tính tiện ích xem ra dễ bị tổn thương hơn. Cho đến giữa thập niên 1990, phần lớn các công ty tiện ích đều có những hệ thống độc lập được thiết kế đặc biệt để cắt khỏi máy tính.

Nhưng sự không tương tác và cách ly của chúng là điều không mong muốn đối với các hoạt động hàng ngày, vì lẽ đó mà nhiều công ty tăng cường tính minh bạch và tương tác, nhấn mạnh quyền tiếp cận của các nhà khai thác đối với thông tin trong các trường hợp khẩn cấp, và điều này vô hình trung cũng mở lưới điện cho tin tặc tấn công.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ) đã kết luận rằng con người có thể giảm thiểu tác động của một cuộc tấn công về hệ thống điện dễ dàng hơn là ngăn chặn nó.

Trên cơ sở này, thay vì coi lưới điện là một pháo đài cần được bảo vệ mọi nơi thì họ kêu gọi một hệ thống đàn hồi với nhiều phương diện để có thể cung ứng điện cho bất kỳ khu vực nào. Các nhà nghiên cứu của Carnegie Mellon đề xuất tập hợp các thiết kế hạ tầng nhà máy điện thành những trung tâm điện quy mô lớn.

Tuy nhiên một hệ thống phi tập trung với nhiều trạm phát điện và đường điện ngắn hơn sẽ ít bị tổn thương hơn.

Tai hại khủng khiếp của mất điện

Sau sự kiện 11-9, người Mỹ đã không còn xem nhẹ chuyện mất điện. Trở lại sự cố mất điện năm 2003, nó là một thảm họa thực sự. Vụ cúp điện xảy ra khi các thương nhân đang mải mê buôn bán, và hàng triệu người đang đổ về nhà. Tất cả các doanh nghiệp từ Detroit đến Long Island đều bị khốn đốn.

Tại sân bay John F. Kennedy, 50.000 túi hành lý không thể soi quét, định vị hay chuyển trả cho chủ chúng; hàng loạt chuyến bay bị hủy. Hơn 70 nhà máy xe hơi và linh kiện xe bị đóng cửa, buộc 100.000 công nhân phải về nhà. 8 nhà máy lọc dầu ngừng sản xuất, và đường ống dẫn dầu lớn mang dầu từ Canada đến Mỹ ngừng bơm.

Các nhà máy thép mất khả năng sản xuất khi thép nóng không thể chảy vào khuôn, và cần tới 4 ngày sau đó mới theo kịp sản xuất. Tại các nhà máy chế biến thực phẩm, hàng tấn thịt, trái cây và rau củ bị thối rữa. Thiệt hại trung bình của sự cố mất điện có thể ngốn 60.000 USD/ giờ/ doanh nghiệp, nhưng nhiều tập đoàn đã chịu thiệt hại tới 1 triệu USD/giờ.

Trong khi đó, những tổn thất khối văn phòng thường là tức thì và không khắc phục được khi nhiều dữ liệu chưa kịp lưu, nhiều thư điện tử bị mất. Sự cố mất điện diện rộng đã cho thấy xã hội Mỹ phụ thuộc vào nó nhiều đến thế nào.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.