Mặt tối thị trường đá quý Pakistan

Thứ Sáu, 08/12/2017, 17:37
“20.000 USD”. Đó là giá mà Jalil đưa ra cho viên đá ruby (hồng ngọc) có màu đỏ như máu. “Đây là viên ngọc quý nhất của tôi”. Người buôn đá quý 47 tuổi chào mời. “Những viên đá đẹp nhất của tôi chỉ bán cho những khách đem theo nhiều tiền mặt”.

Một nhóm nhỏ khách hàng đứng túm tụm dưới ánh sáng đèn bên trong cửa hàng không cửa sổ trông như hang chứa kho báu của Jalil. Viên đá ruby tuyệt mỹ 3 carat sáng lóa dưới ánh đèn. Những viên đá quý khác nằm rải rác trên những tấm giấy cứng màu trắng bao gồm: sapphire (ngọc bích) có xuất xứ từ Kashmir, emerald (ngọc lục bảo) từ Thung lũng Panjshir của Afghanistan, citrine (ngọc màu vàng lục) và aquamarine (ngọc màu xanh biển).

Viên ruby của Jalil được khai thác từ khu mỏ Sappar – hiện đang trong vòng kiểm soát của phiến quân Taliban - nằm trong dãy núi hẻo lánh của Afghanistan và được bọn buôn lậu vận chuyển qua đèo Khyber (nối Afghanistan với Pakistan) đến Namak Mandi – một trong những khu chợ đá quý lâu đời nhất thế giới - ở thành phố Peshawar miền bắc Pakistan. Những viên đá quý này có thể là công cụ để rửa tiền hay nguồn tài trợ cho khủng bố.

Đá quý là nguồn rửa tiền và tài trợ khủng bố

Những viên đá quý có thể biến người nghèo khổ thành ông hoàng. Nhưng, Jalil (không phải tên thật) không coi mình là ông hoàng mặc dù giới kinh doanh đá quý ở Namak Mandi cảm thấy bất ngờ khi một kẻ đang chạy ăn từng bữa như anh lại có trong tay những viên đá trị giá đến hàng chục ngàn USD! Một kẻ cạnh tranh nói: “Jalil buôn bán với bất cứ ai bước vào cửa hàng của mình”.

 Jalil không màng đến chuyện mọi người to nhỏ với nhau những gì về mình. “Tôi chỉ là người buôn bán. Tôi mua hàng rồi sau đó bán cho khách”, Jalil nói trong khi đếm xấp tiền USD mới có được. Jalil không hề hỏi han tên tuổi hay bất cứ giấy tờ nào của khách mua mà chỉ giao dịch một cách đơn giản nhất – tức là chỉ cần trao tiền là nhận đá quý. “Tôi chỉ cần tiền mặt”, Jalil cười.

Khu chợ đá quý Namak Mandi ở Pakistan.

Người ta khó mà biết được có bao nhiều lượng tiền mặt được dùng để mua đá quý ở Namak Mandi, song có lẽ đến hàng triệu USD. Trong những năm gần đây, khu chợ nhộn nhịp Namak Mandi bị ảnh hưởng nặng nề trước chiến tranh và tình hình an ninh bất ổn. Những khách hàng hợp pháp đã biến mất mà thay vào đó là đủ loại tội phạm – bọn rửa tiền, con buôn ma túy và những đối tượng tài trợ cho khủng bố.

Theo lời của công nhân khu mỏ Sappar, Taliban xén bớt 10% trọng lượng mỗi viên đá quý khai thác được và gọi đó là “tiền bảo vệ”. Nhờ đá quý mà Taliban có tiền mua vũ khí, đạn dược và mọi trang thiết bị quân sự khác cũng như nhu yếu phẩm.

Ở Peshawar, đá quý thường được tìm mua bởi bọn buôn ma túy bằng số lượng lớn tiền mặt mang theo bên mình. Những kẻ tài trợ cho khủng bố sử dụng đá quý để cung cấp tiền cho các nhóm khủng bố bên ngoài Pakistan. Do đó, những cửa hàng như của Jalil trong khu chợ Namak Mandi trở thành điểm giao dịch của thế giới tội phạm và khủng bố trên khắp thế giới.

Một sợi dây chuyền mặt ngọc ruby.

Peshawar là nơi được hưởng lợi trời ban từ đá quý. Nick Houghton, CEO công ty True North Gems Inc. đặt trụ sở tại thành phố Vancouver (Canada), nhận định: “Nhiều viên ngọc emerald được buôn lậu từ Pakistan vào Colombia. Sau đó, ngọc Pakistan được xuất khẩu như là ngọc Colombia để tăng giá trị trên thị trường thế giới”.

Không giống như kim cương (được định giá dựa vào chất lượng), đá quý có giá cả thay đổi khác nhau tùy theo nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như ruby của Myanmar nổi tiếng với chất lượng tuyệt vời hơn ngọc Afghanistan cho dù về mặt kỹ thuật thì chúng có chất lượng tương đương. Giới con buôn ở Namak Mandi cho biết họ thường gửi những viên đá tốt nhất đến những trung tâm buôn bán như Bangkok của Thái Lan và quảng cáo đó là ngọc của Myanmar! Đường đi của đá quý hết sức phức tạp.

Ví dụ như ngọc emerald được khai thác bởi Taliban ở miền bắc Afghanistan có thể được bán cho bọn buôn lậu ma túy và sau đó bán tiếp cho một con buôn ở Peshawar rồi từ đây chuyển đến Colombia – cuối cùng tại đây ngọc được trộn lẫn với ngọc Colombia để bán ra thị trường toàn cầu.

Một người ở Canada mua sợi dây chuyền mặt ngọc emerald từ một cửa hàng đồ kim hoàn không thể biết được chuyện đá quý được sử dụng để mua vũ khí hay rửa tiền ở Afghanistan. Trong khi đó, giới con buôn đá quý sẵn sàng bán hàng cho bất cứ ai miễn được trả giá cao và thu về tiền mặt.

Đá ruby được khai thác ở Afghanistan.

Jalil bình luận: “Anh có thể biết được ai đang sử dụng tiền bẩn. Bởi vì, hắn không biết nhiều về đá quý mà chỉ yêu cầu những viên có chất lượng cao nhất. Tôi bán một viên đá trị giá chỉ 20.000 USD nhưng có thể hét lên đến 30.000 USD. Hắn không hề biết được. Nếu hắn sử dụng tiền bẩn thì đó là giá để rửa tiền. Sau đó, hắn có thể bay đến châu Âu để bán viên đá. Không có thiết bị quét nào tại sân bay quan tâm đến một viên đá ruby”.

Một người bán đá quý khác tên là Khyber Jan (cũng không phải tên thật) nói thẳng: “Người mua yêu cầu chúng tôi ghi trên giấy giá trị của viên đá thấp xuống. Tôi dám chắc họ muốn tránh né thuế nhập khẩu. Do đó, tôi sẵn sàng hạ giá trị viên đá thấp xuống một phần mười”. Đó là mánh lới của bọn rửa tiền. Có lẽ nhân viên hải quan cũng chẳng có bao nhiêu kiến thức về đá quý.

“Nếu bị tra hỏi, anh có thể bảo viên ruby là đá spinel hay tourmaline hay thậm chí viên thủy tinh nhiều màu sắc”, Khyber Jan nói. Kamal ud Din, cựu chủ tịch Hiệp hội Khoáng vật và Đá quý Paksitan (PGMA), lập luận: “Ngành công nghiệp này của chúng tôi đang gặp khủng hoảng. Chiến tranh và làn sóng dân tỵ nạn đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường đá quý. Những con người tuyệt vọng sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để sống còn”.

Tổ chức kiểm soát theo kiểu Kimberley Process

Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) - tổ chức đặt trụ sở tại thủ đô Paris nước Pháp, được thành lập năm 1989 để chống lại những mối đe dọa cho hệ thống tài chính quốc tế - từng nhiều lần phát đi cảnh báo về vấn đề đáng quan ngại này đồng thời nhấn mạnh Pakistan chính là “điểm nóng”.

Theo số liệu chính thức từ Công ty Phát triển Đá quý và Trang sức Pakistan (PGJDC), lượng đá quý nước này xuất khẩu ra thế giới từ tháng 7-2013 đến tháng 1-2014 trị giá đến 3,4 triệu USD. Nhưng theo đánh giá từ giới chuyên gia ngành công nghiệp đá quý, con số thực tế có thể cao hơn hàng trăm lần bởi vì chưa kể đến thị trường giao dịch bất hợp pháp.

Bên trong một cửa hàng đá quý ở Namak Mandi.

Theo báo cáo năm 2014 về rửa tiền được công bố bởi Trung tâm Nathanson về Nhân quyền xuyên quốc gia, Tội phạm và An ninh thuộc Viện Luật Osgoode Hall Đại học York ở thành phố Toronto (Canada), đá quý “đáp ứng hiệu quả điều kiện tiên quyết nhất của hoạt động rửa tiền – tức là chuyển đổi một lượng lớn tiền mặt cồng kềnh thành hiện vật gọn ghẽ ít gây nghi ngờ nhưng lại có giá trị cực cao.

Đồ kim hoàn, đá quý, vàng nói chung không vướng rắc rối với luật pháp, được mua bán lẻ trong các cửa hàng và dễ dàng chuyển đổi trở lại thành tiền mặt tại bất cứ nơi nào trên thế giới”. Và trong những năm gần đây, đá quý được mua bán nhộn nhịp tại các khu chợ. Theo tờ Wall Street Journal, viên ruby loại hoàn mỹ nhất có có giá từ 2.500 USD/carat năm 1975 tăng đến 43.923 USD/carat năm 2012. Còn viên sapphire không tỳ vết tăng từ 1.000 USD đến 12.000 USD cũng trong khoảng thời gian này.

Ở Pakistan, dường như chính quyền không mấy quan tâm đến thị trường đá quý. Muneer Ahmad, nhà điều tra trong đơn vị giám sát tài chính của Pakistan, phát biểu với tờ Macleans của Canada: “Ngành kinh doanh đá quý rất nhỏ. Chúng tôi có những vấn đề khác lớn lao hơn nhiều”. Có lẽ ông ta nói đúng – ít nhất trên giấy tờ. Xuất khẩu đá quý từ Pakistan trị giá chưa đến 1% so với thị trường đá quý toàn cầu là 10 tỷ USD. Nhưng, thị trường không chính thức mới là vấn đề. Với nền kinh tế không chính thức quá lớn giống như Pakistan, đó là mảnh đất thiên đường cho bọn tội phạm.

Trong khi Pakistan làm ngơ trước những giao dịch mua bán đá quý không chính thức trong nước thì giới lãnh đạo ngành công nghiệp này trên thế giới bắt đầu quan tâm dò xét. Alexandra R. Harrington, Giáo sư Đại học McGill ở Montreal (Canada) và tác giả một nghiên cứu về đá quý, nhận xét: “Ngành công nghiệp kim cương ngày càng trở nên có tổ chức hơn nhiều cho nên khá dễ truy tìm dấu vết nguồn gốc xuất xứ. Còn đối với đá quý thì những quy định hiện thời vẫn còn rất manh mún”.

Đá ruby được tìm thấy trong khu mỏ ở Kashmir, Pakistan.

Khai thác và kinh doanh đá quý dẫn đến sự hình thành thị trường rộng lớn trải dài xuyên 47 quốc gia và 90% trong số đó là các nước đang phát triển. Một sợi dây chuyền mặt ngọc ruby được bán ở thành phố New York nước Mỹ có thể đã sang tay 5 hay 6 lần từ khi nó bước khỏi khu mỏ và xử lý mà không hề có giấy tờ hợp pháp nào.

Do đó, Harrington đánh giá: “Chúng ta rất khó xác định được nguồn gốc viên đá quý nhiều màu sắc”. Harrington đề nghị thiết lập chương trình hợp tác quốc tế để đưa ra những quy định về đá quý như trường hợp của kim cương với Kimberley Process - một tổ chức xác nhận tính hợp pháp cho kim cương được kinh doanh trên toàn cầu – ra đời năm 2003.

Tháng 4-2013, Hiệp hội Đá quý Quốc tế (ICA) thông báo đã bắt đầu tiến trình làm việc với Liên Hiệp Quốc để phát triển một khung pháp lý cho đá quý. Nick Houghton bình luận: “Bọn tội phạm luôn cố gắng tránh né những chướng ngại. Do đó, chúng tôi cần đặt thêm thật nhiều chướng ngại nữa để chống lại chúng”.

Về phần mình, chính quyền Afghanistan đã có nỗ lực chống lại mọi hoạt động phi pháp trong ngành khai thác khoáng sản trị giá ước khoảng 3 nghìn tỷ USD của nước này song có vẻ như không mấy thành công – theo đánh giá từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Afghanistan (AGS). Trong khi đó, chính quyền Afghanistan cũng tố cáo Pakistan làm ngơ trước hoạt động buôn lậu đá quý thô.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.