Mexico: Mạng xã hội chống tội phạm ma tuý

Thứ Ba, 18/10/2011, 09:35

Trang mạng xã hội Twitter đưa tin nóng về một cuộc đọ súng kinh hoàng ở thành phố Veracruz gây ra sự tắc nghẽn giao thông kéo dài. Một trang web liệt kê tên của các nạn nhân và chi tiết về cái chết của họ. Một blog cung cấp hình ảnh và video về nhiều cảnh tượng bắn giết rợn cả người và lời thú tội của các tay trùm ma túy. Bạo lực tăng cao khắp Mexico đồng thời thông tin trực tuyến về nó cũng bùng nổ theo.

Mới đây, trước khi cảnh sát hay phóng viên báo chí có mặt tại con đường hầm bên ngoài thành phố cảng Veracruz miền Đông Mexico, nơi mà cuộc đọ súng của bọn tội phạm ma túy gây tắc nghẽn giao thông và để lại 35 xác chết ngay trong giờ cao điểm, trang web Twitter đã xuất hiện thông tin này với những hình ảnh đầy ấn tượng.

Sự việc đưa tin trực tuyến về cuộc chiến ma túy phổ biến ở Mexico từ năm qua, nhất là tại những thành phố nổi tiếng bạo lực đến mức giới truyền thông phải im tiếng vì nạn tham nhũng hay giết người vô tội vạ. Nhưng thông điệp về những xác chết trên Twitter đã thật sự gây xôn xao dư luận đến mức chính quyền thành phố Veracruz phải xem việc sử dụng các trang mạng xã hội gây rối loạn trật tự công cộng là một loại tội phạm.

Hai người sống ở bang Veracruz bị buộc tội khủng bố trên Twitter. Tuy nhiên, vụ án đã gây nên làn sóng giận dữ từ các nhóm nhân quyền cũng như các thành phần chủ trương quyền tự do ngôn luận. Câu chuyện bắt đầu vào ngày 25/8 vừa qua khi Gilberto Martinez Vera và Maria Jesus Bravo Pagola được cho là tung thông tin về việc bọn tội phạm ma túy nổ súng và bắt cóc gần khu trường học ở Veracruz, bang lớn nhất Mexico.

Gilberto Martinez Vera (trái) và Maria Jesus Bravo Pagola (@maruchibravo) bị buộc tội "khủng bố trên Twitter".

Nhưng thật ra không có thông tin nào là đúng sự thật - không có bắt cóc hay nổ súng nhưng sau đó tình trạng hoảng loạn đã diễn ra trên đường phố Veracruz. Chính quyền tuyên bố hai người đưa tin trên trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Thông tin bịa đặt trắng trợn đã khiến ông Javier Duarte, Thống đốc bang Veracruz, tức giận và khẳng định phải quy tội khủng bố và phá hoại an ninh trật tự công cộng đối với hai cá nhân Martinez Vera và Bravo Pagola.

Thống đốc Duarte viết trên tài khoản Twitter của ông: "Sự trừng phạt đối với những người gây rối loạn trật tự không vì việc họ sử dụng Twitter mà vì hậu quả sinh ra do hành vi thiếu trách nhiệm của họ".

Hiện nay giới quan chức Mexico hết sức lo ngại về việc các trang mạng xã hội giúp lan truyền những tin đồn thất thiệt. Tổng thống Felipe Calderon gọi đây là hành vi khủng bố của "những tên khủng bố thực thụ". Lần đầu tiên Calderon sử dụng ngôn từ như thế trong cuộc chiến ma túy dai dẳng và kinh hoàng ở Mexico.

Mạng xã hội ngày nay ở Mexico được coi là vừa mang tính xây dựng vừa... phá hoại các cộng đồng. Mọi người đều sở hữu điện thoại di động và Twitter "thu phục" hơn 4 triệu người, hơn 30 triệu người thường xuyên vào mạng Internet và 95% trong số đó có tài khoản trên Facebook.

Thêm vào đó là sự sinh sôi ngày càng nhiều những trang web và blog bằng tiếng Tây Ban Nha về bạo lực ma túy ở Mexico, như Wikinarco, Blogdelnarco, Borderland Beat v.v… Kết quả cuối cùng là những trang mạng này tràn ngập một mớ hỗn độn những thông tin khủng khiếp, đôi khi bệnh hoạn, thường không có giá trị.

Andres Monroy-Hernandez, người chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) từ Mexico giải thích: "Mạng xã hội đang bù đắp vào khoảng trống thông tin báo chí. Tại nhiều vùng khác nhau ở Mexico, chính quyền và báo chí đều yếu ớt, trong khi tội phạm có tổ chức ngày càng trở nên mạnh hơn, thậm chí lấn lướt cả chính quyền". Nhiều người Mexico còn tuyên bố họ tin tưởng vào các thông tin được Twitter cung cấp hơn là phương tiện truyền thông địa phương.

Theo Anonieta Salazar Loftin, sinh viên Khoa Lịch sử Mexico, Đại học Texas (Mỹ), ở Mexico mọi người từ già đến trẻ đều sử dụng mạng xã hội và những tài khoản vô danh tập trung về tội phạm ma túy trên Twitter như @balaceramty có hơn 40.000 người ủng hộ đã cung cấp một dịch vụ công cộng cần thiết. Chúng đáp ứng nhu cầu thông tin tức thời và dễ tiếp cận. Luật pháp ở Veracruz đặc biệt nhắm vào những tin đồn sai lạc gây hoảng loạn trong dân chúng.

Gilberto Martinez Vera (@gilius_22) đưa lên Twitter thông tin về vụ bọn tội phạm ma túy bắt cóc học sinh.

Còn Diana, người thường xuyên theo dõi bạo lực ma túy ở Veracruz thông qua Twitter nói, sự chia sẻ thông tin trên trang mạng xã hội nên được nhìn nhận ở góc độ tích cực và cô "biết được nhiều sự việc" cũng nhờ mạng xã hội. Diana cũng cho biết "cảnh báo kỹ thuật số" trên Twitter về những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của bọn tội phạm ma túy hay những nơi diễn ra trận đọ súng đã "cứu mạng được nhiều người". 

Nhưng không phải mạng xã hội bao giờ cũng cứu mạng người. Khoảng giữa tháng 9/2011, người ta phát hiện xác hai thanh niên một nam một nữ trong độ tuổi 20 bị treo trên cây cầu trong thành phố biên giới Nuevo Laredo, với một thông điệp gần đó ghi: "Điều này sẽ xảy đến cho tất cả những ai nhiều chuyện trên Internet".

Sau đó thêm xác một người thứ ba cùng với thông điệp cho biết, phụ nữ này bị giết chết vì có những thông tin đưa lên trang mạng xã hội. Điều đó cho thấy những người trung thành với mạng xã hội đang là mục tiêu mới của bọn tội phạm ma túy. 

Mặc dù vậy, bọn tội phạm ma túy - vốn đã thành công trong việc gây áp lực lên cảnh sát và phóng viên báo chí - rõ ràng là đang lo sợ trước sự lan truyền thông tin phi tập trung hóa của web rất khó kiểm soát đối với bọn chúng. Nhưng bạo lực ma túy vẫn không ngừng gia tăng và Monroy-Hernandez đánh giá sự phổ biến hiện nay của trang mạng xã hội có lẽ "không thể đóng vai trò trọng yếu trong trận chiến chống ma túy".

Mới đây một trang web tung ra báo cáo từ tháng 9/2010 ở Mexico đã xảy ra 15.372 cái chết do bạo lực ma túy. Alicia Gonzalez, người phụ nữ điều hành trang web, tuyên bố những vụ giết người của bọn tội phạm ma túy vẫn không ngăn cản được quyết tâm chống lại chúng của chị

Trần Phong (tổng hợp)
.
.