Mexico: Mất hàng triệu USD mỗi ngày do nạn ăn cắp xăng dầu

Thứ Năm, 27/10/2016, 10:20
Mexico đang mở cửa cho các nhà bán lẻ xăng dầu và làn sóng mới nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ sẽ là bước tiếp theo. Nhưng ở Mexico có vấn đề không hề nhỏ - đó là các băng nhóm tội phạm ma túy có tổ chức đánh cắp một lượng lớn xăng dầu trong khi luật pháp lỏng lẻo và nạn tham nhũng lan tràn khiến cho tình hình an ninh càng thêm tồi tệ.

Trong vòng một thập niên qua ở Mexico, có rất nhiều báo cáo về sự việc các cartel ma túy đặt ống hút siphon vào mạng lưới đường ống dẫn xăng dầu nước này. Giới lãnh đạo Pemex, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Mexico, biết rõ tình trạng một số công nhân và nhà thầu của họ đã nhận tiền hối lộ khi bị đe dọa tính mạng cho nên đã ngấm ngầm tiếp tay cho bọn tội phạm ma túy ăn cắp xăng dầu với số lượng lớn mỗi ngày.

Những năm gần đây, Chính phủ Mexico đã cố gắng tăng cường an ninh dầu khí, trong đó có gia tăng ngân sách hằng năm cho lực lượng đặc nhiệm của quân đội phụ trách để diệt trừ nạn trộm cắp nhiên liệu nhưng mọi nỗ lực dường như chưa đem lại kết quả khả quan. Số vòi siphon “rút ruột” nguồn dầu khí của Nhà nước trên toàn Mexico đã tăng mạnh, tính đến năm 2015 đã tăng tới 35 lần so với năm 2000, theo số liệu từ Pemex và các cơ quan khác.

Những ống dẫn xăng tại nhà máy lọc dầu của Pemex ở Salamanca bang Guanajuato.

Con số những vụ mắc nối ống hút siphon bất hợp pháp vào hệ thống đường ống dẫn dầu của Pemex trên toàn quốc tăng rất mạnh đến hơn 3.500% từ năm 2000 - theo dữ liệu tổng hợp từ nhiều báo cáo của Pemex cũng như các cơ quan chính quyền khác. Mexico là một trong số những quốc gia trên thế giới bị ăn cắp xăng dầu nhiều nhất - với khoảng trung bình 20.000 thùng dầu bị ăn cắp mỗi ngày, tức khoảng gấp 3 lần mức tiêu thụ xăng hàng ngày ở Washington DC của Mỹ. Nạn ăn cắp xăng dầu lan tràn khiến cho Mexico mất trắng 4 triệu USD/ngày.

Hiện nay trong nỗ lực giảm bớt tình trạng mắc nối ống hút xăng dầu, giới chức Pemex đã cho ngưng truyền xăng thương phẩm qua hệ thống đường ống dẫn của mình mà thay vào đó là sản phẩm thô được chuyển từ nhà máy lọc dầu đến kho chứa để xử lý và từ đó mới bắt đầu phân phối ra toàn bộ các trạm xăng trên khắp cả nước thông qua những chiếc xe bồn. Nhưng sự thay đổi này chỉ khiến bọn tội phạm chuyển hướng mục tiêu. Hiện nay, bọn chúng tấn công trực tiếp những kho chứa của Pemex và lấy cắp xăng dầu ngay từ xe bồn! Tham nhũng trong chính quyền cũng giúp cho loại tội phạm này ngày càng lộng hành.

Theo giới chức Pemex, trong 15 năm qua chỉ có khoảng 8.800 nghi can bị bắt giam do liên quan đến nạn ăn cắp xăng dầu nhưng không phải tất cả đều bị buộc tội! Người ta không thể phân biệt được dầu đánh cắp với nhiên liệu hợp pháp và nó có thể được chuyển đến những nhà máy lọc dầu và những xe bồn của những công ty hợp pháp lăn bánh khắp Mexico, Mỹ và xa hơn nữa.

Các quan chức của Pemex cho biết, họ có thể phát hiện những vụ hút dầu bất hợp pháp khá dễ dàng, nhưng thừa nhận rất khó chặn đứng bọn ăn cắp dầu trong khi bộ phận an ninh công nghệ của Pemex có thể dò thấy bất cứ sự thay đổi áp suất nào xảy ra trong những đường ống dẫn dầu.

Duncan Wood, Giám đốc Viện Mexico thuộc Trung tâm Wilson đặt trụ sở tại Washington DC (Mỹ), nhận định: “Hệ thống tư pháp Mexico không hoạt động hiệu quả. Do đó, chỉ có rất ít tội phạm bị buộc tội”. Ngoài ra, các lực lượng cảnh sát địa phương thường trở thành “tòng phạm theo cách này hay cách khác”. Ông Robert Campbell,  lãnh đạo bộ phận nghiên cứu xăng dầu của Công ty Tư vấn Energy Aspects đặt trụ sở tại New York (Mỹ), cho rằng, Mexico không có được hệ thống theo dõi khí đốt chặt chẽ như các nước khác.

“Nhiên liệu chỉ được tính từ khi rời cơ sở lọc dầu, còn khi bơm tới thiết bị lưu trữ lại không được đo đếm, vì thế không thể quản lý được về mặt khối lượng”, ông Campbell nói. Campbell cũng thừa nhận mọi nỗ lực ngăn chặn tội phạm ăn cắp xăng dầu của Mexico đã thất bại thảm hại.

Tổ chức Quan sát Quốc gia của Công dân (NCO) ở Mexico, đánh giá thị trường đen xăng dầu nước này trị giá 2 đến 4 tỷ USD/năm. Xăng dầu buôn lậu từ Mexico cũng lan tỏa khắp khu vực Trung Mỹ. Các cartel ma túy hùng mạnh của Mexico cũng buôn lậu xăng dầu đến mạng lưới các công ty Mỹ. Có một thực tế là một số bang Mexico có nhiều đường ống dẫn dầu nhất lại là “đất dụng võ” của các băng nhóm ma túy, như là bang Tamaulipas giáp giới với bang Texas của Mỹ.

Một trạm xăng của Pemex tại Mexico City.

Khi mở cuộc điều tra tập trung ở bang Tamaulipas, các thám tử phát hiện một nhánh của tổ chức ma túy Zetas thường xuyên tổ chức ăn cắp và vận chuyển dầu thô vào bang Texas. Nạn ăn cắp xăng dầu lan tràn cùng với bạo lực liên quan đến ma túy ở Mexico cũng đe dọa những nhà bán lẻ nhiên liệu muốn gia nhập thị trường nước này. Thậm chí, một số trạm xăng ở Mexico còn tiếp tay cho bọn tội phạm.

Nhà báo nữ Ana Lilia Perez cho biết: “Những trạm xăng được cấp phép hoạt động mua xăng dầu ăn cắp với giá rẻ hơn một nửa giá trị thực - mặc dù trong đó có nhiều người biết rõ đây là nhiên liệu ăn cắp. Người ta chỉ biết rằng đôi khi có một xe tải chở đầy xăng vào chào hàng với giá cực hời, vậy thì ai có thể từ chối món lợi nhuận bày ra trước mắt như vậy?”.

Sự đa dạng hóa của các tập đoàn ma túy Mexico chính là hiện tượng cho thấy chúng đang ngày càng mạnh thêm và ngày càng lấn sâu hơn vào nhiều khu vực kinh tế của đất nước này. Tội phạm ăn cắp dầu không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho Pemex hay chính quyền liên bang mà còn gây ra những mối nguy hiểm đáng sợ khác.

Các quan chức Pemex nhận định chính tội phạm này đã gây ra sự rò rỉ dầu nghiêm trọng dẫn đến vụ nổ khủng khiếp ở thị trấn San Martin Texmelucan cách đây gần 6 năm. Vụ nổ gây hỏa hoạn lan rộng, lửa bốc cao gần 30m và hơi nóng lên đến 100oC tỏa ra khắp các đường phố, thiêu rụi hàng chục ngôi nhà và giết chết 30 người! Ngoài ra, sự cố tràn dầu còn hết sức nguy hiểm cho môi trường lẫn sức khỏe con người.

Những số liệu mới nhất về nạn ăn cắp xăng dầu được Pemex tiết lộ hồi tháng 92016 cho thấy loại tội phạm này không hề giảm bớt. Trong khi đó, Mexico đang cố gắng nắm giữ vai trò chiến lược trong nỗ lực hợp nhất với Bắc Mỹ về năng lượng. Mexico có kế hoạch hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Canada cũng như các đối tác láng giềng Trung Mỹ. Mexico cũng cố gắng đạt tiêu chuẩn quốc tế về năng lượng để trở thành đối tác đáng tin cậy trong khu vực nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Tương tự Mexico, hằng ngày có khoảng 200.000 thùng dầu thô bị ăn cắp tại Nigieria, tương đương với mức thiệt hại khoảng 1 tỉ USD/tháng cho nền kinh tế lớn nhất châu Phi này. Con số này cho thấy hiện trạng về sự bất lực của chính quyền Nigieria, cũng như các công ty dầu khí đa quốc gia, trong việc ngăn chặn hành vi trộm cắp dầu tràn lan này.

Hãng Shell từ năm 2013 đã cho rào xung quanh toàn bộ đường ống dẫn dầu dài hàng trăm dặm của mình trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn hành động lấy dầu một cách trái phép từ hệ thống ống dẫn dầu. Philip Mshelbila, Giám đốc Truyền thông của Shell ở Nigieria, đã chỉ ra một tổ chức tinh vi đã nhiều năm qua liên tục trộm dầu từ đường ống dẫn chính của Shell.

Tổ chức IMF đã chỉ ra rằng “dầu thô ăn cắp từ Nigieria được vận chuyển trên các con tàu đăng ký quốc tế, bán cho khách hàng quốc tế, được xử lí tại các nhà máy lọc dầu quốc tế và được thanh toán qua tài khoản ngân hàng quốc tế”.

Tình trạng ăn cắp dầu ở Indonesia có vẻ như không đáng kể gì khi so với Nigieria, chỉ ở mức 2.000-3.000 thùng/ngày. Tuy nhiên chính phủ chỉ thực sự chú ý đến vấn đề này sau vụ nổ đường ống dẫn dầu South Sumatra xảy ra vào tháng 10-2012 đã giết chết ít nhất 8 người và làm bị thương hàng trăm người.

Vụ nổ xảy ra là do hàng trăm vụ ăn trộm dầu sinh sôi nảy nở chỉ trong khu vực quận Bayung. Kể từ đó, Jakarta tuyên bố đã mở các chiến dịch trấn áp tuy nhiên các công ty dầu khí vẫn không thấy dấu hiệu suy giảm. PT Pertamina đã phải đóng cửa Tempino-Plaju, một trong những đường ống dẫn dầu chính của mình, hồi tháng 7-2013. Công ty này đã báo cáo bị mất 17.500 thùng dầu trong trong tuần lễ xảy ra vụ nổ.

Hãng Chervon cũng đã phải tự xử lý các vấn đề tương tự bằng cách rút toàn bộ hoạt động kinh doanh ra khỏi tỉnh Jambi. Trưởng ban Công tác đặc biệt cho hoạt động khai thác dầu khí South Sumatra đã lên tiếng chỉ trích chính phủ khi cho rằng chính sự thờ ơ của Jakarta đã cho phép nạn trộm dầu hoành hành tại nước này.
D.A. - Q.H. (tổng hợp)
.
.