Mexico vất vả với nạn trộm, cướp thuốc vì COVID-19

Chủ Nhật, 08/11/2020, 09:54
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nền kinh tế của Mexico nói riêng và các quốc gia Mỹ Latin nói chung đều rơi vào suy thoái. Bên cạnh những người thất nghiệp, các băng nhóm buôn bán ma túy, bắt cóc, tống tiền, bảo kê… cũng buộc phải giới hạn hoạt động do lệnh giãn cách xã hội.

Túng làm liều, một số tổ chức tội phạm ở Mexico chuyển qua hình thức kiếm tiền mới: Đó là cướp thuốc trị bệnh từ các nhà kho rồi tung ra thị trường chợ đen…

1. Ngày 7/10/2020, một nhà kho chứa thuốc thuộc quyền sở hữu của Công ty dược phẩm tư nhân Novag Infancia ở quận Iztapalapa, Mexico City bị cướp. Camera ghi lại hình ảnh một nhóm gồm 10 đến 15 tên, đi trên 5 chiếc ô tô bán tải, tiến hành khống chế, đánh đập nhân viên bảo vệ kho trước khi nhốt họ vào một căn phòng. Sau đó, bọn cướp lấy đi 38.000 loại thuốc trị ung thư dành cho trẻ em. Trên thị trường chợ đen, số thuốc này có giá 1,2 triệu USD.

10 ngày sau, cảnh sát Mexico City bắt giữ 2 nghi phạm khi chúng đang vứt bỏ 27 túi nilon trên một con phố vắng ở Azcapotzalco.

Những vỏ hộp thuốc trị ung thư bị cảnh sát Mexico City thu giữ sau vụ trộm ngày 7/10/2020.

Theo cảnh sát, trong những chiếc túi ấy có những thùng các tông chứa 8.000 vỏ hộp, gồm 5 loại thuốc trị ung thư khác nhau. Công ty dược phẩm tư nhân Novag Infancia xác nhận những vỏ hộp này nằm trong số thuốc đã bị cướp trước đó. Ủy ban liên bang về bảo vệ sức khỏe Mexico (COFEPRIS) cho biết trước khi vụ cướp xảy ra, tất cả những loại thuốc trên không thể tìm mua được tại các cửa hiệu dược phẩm tư nhân, bệnh viện tư hoặc các trang mua bán dược phẩm online; nhưng sau vụ cướp, nếu có sự “giới thiệu hoặc quen biết” và nhất là có tiền, thân nhân người bệnh sẽ có thuốc!

Tuy nhiên, COFEPRIS cũng khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng những loại thuốc này do tính hiệu quả của nó không còn đúng như công bố của nhà sản xuất vì khi vận chuyển, lưu trữ, chắc chắn bọn cướp chẳng thể nào có đủ các điều kiện an toàn để bảo vệ thuốc như nhiệt độ, ánh sáng… Trả lời phỏng vấn của báo chí, Tổng thống Mexico là ông Andres Manuel Lopez Obrador cho biết các loại thuốc bị đánh cắp được nhập khẩu từ Argentina trong những điều kiện rất nghiêm ngặt.

Vẫn theo COFEPRIS, Mexico ngày càng phụ thuộc vào nhiều loại thuốc trị ung thư nhập từ nước ngoài, một phần vì đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, phần nữa là do các biến chứng xảy ra khi người bệnh sử dụng thuốc sản xuất trong nước, bao gồm nhiễm trùng bởi vi khuẩn, nấm mốc, cũng như thực hành sản xuất kém, tác dụng của thuốc bị hạn chế. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc đặc trị, đắt tiền nên khi các vụ cướp thuốc liên tục xảy ra, thị trường mua bán dược phẩm chợ đen cũng theo đó mà phát triển.

Và không chỉ vụ cướp 38.000 loại thuốc trị ung thư dành cho trẻ em, gần đây Mexico cũng đã chứng kiến một loạt các vụ cướp hàng hóa y tế cao cấp, trong đó đáng kể nhất là một nhóm những tay súng đã chặn một chiếc xe đông lạnh trên đường cao tốc, lấy đi hơn 10.000 liều vắc xin ngừa cúm của ngành y tế công cộng. Những liều vắc xin này chắc chắn sẽ mất đi toàn bộ hoạt tính bởi lẽ phương tiện mà bọn cướp dùng để vận chuyển lô hàng vắc xin chỉ là những chiếc xe bán tải bình thường, hay như vụ cướp 20 máy chạy thận nhân tạo ngay tại Mexico City.

Phần lớn những vụ này đều do các thành viên của băng nhóm Union De Tepito và Jalisco New Generation Cartel, hùng cứ ở Mexico City thực hiện. Andres Castaneda Prado, điều phối viên về sức khỏe và phúc lợi thuộc Tổ chức chống tham nhũng Nosotrxs nói với trang tin Latin America Today - Mỹ Latin ngày nay: “Để giảm chi phí đầu vào, vắc xin, thuốc men và máy chạy thận sau đó sẽ được sử dụng trong các bệnh viện, phòng khám tư nhân đăng ký hợp pháp. Những bệnh viện, phòng khám này có những đường dây liên lạc với các băng nhóm trộm cắp. Bọn chúng sẽ cung cấp hóa đơn - dĩ nhiên là giả mạo - cho bên mua để chứng minh rằng nó được nhập khẩu chính ngạch”.

Vẫn theo Latin America Today, trước khi tiến hành đánh cướp, các băng nhóm tội ác ở Mexico biết rõ những loại dược phẩm mà chúng định cướp nằm ở đâu và ai sẽ là người mua. Điều này cho thấy nó đã hình thành một vòng tròn khép kín: Bên mua nêu ra chủng loại, số lượng, giá tiền. Bên cướp có những thông tin nội bộ về mục tiêu, lực lượng bảo vệ, hướng xâm nhập và đường tẩu thoát. 

Andreas Rodiguez, phóng viên của Latin America Today nhiều năm theo dõi về vấn đề này cho biết: “Trong nhiều trường hợp, bên mua phải xếp hàng chờ đến lượt mình nhận thuốc bởi lẽ nếu xảy ra dịch sốt xuất huyết chẳng hạn, hàng trăm bệnh viện, phòng khám tư nhân đều cần đến dung dịch tiêm truyền Lactate Ringer và dung dịch hạ sốt Efferalgan. Khi đó, phải có thời gian để các băng nhóm tìm mục tiêu rồi lên kế hoạch đánh cướp…”.

2. Trước tình hình này, Tổ chức chống tham nhũng Nosotrxs đã công bố một bản báo cáo về cách mà các cơ sở y tế trên khắp đất nước Mexico đã đấu tranh để tiếp cận với các loại dược phẩm quan trọng, dùng vào việc  điều trị các bệnh mãn tính, các bệnh miễn dịch. Bản báo cáo chỉ ra rằng ngay tại Mexico City, các bệnh viện, phòng khám công lập đã thiếu đến 1/4 những loại thuốc đặc trị, nhất là thuốc trị ung thư.

Chợ trời thuốc tây ở Mexico City, nơi không thiếu những loại thuốc đặc trị đắt tiền.

Theo Nosotrxs, đầu năm nay những kẻ vũ trang đã cướp đi 3.000 liều Daunorubicin - là loại thuốc hóa trị ung thư qua đường tiêm tĩnh mạch cùng hơn 4.000 gói Dacarbazine. Cả hai đều phải được quản lý và sử dụng bởi các bác sĩ chuyên ngành nhằm tránh tác dụng phụ độc hại.

Andres Castaneda Prado, điều phối viên về sức khỏe và phúc lợi thuộc tổ chức chống tham nhũng Nosotrxs nói: “Điều nguy hiểm là nếu bệnh nhân đến bệnh viện và mang theo một trong hai loại thuốc ấy, ngay cả khi nó có nguồn gốc từ thị trường chợ đen thì bác sĩ vẫn dùng nó trong điều trị mà không cần phải hỏi han bởi lẽ nó hoàn toàn tương đồng với thuốc được chỉ định trong y học. Sẽ chẳng có ai chất vấn hoặc truy tìm xuất xứ, lại càng không quan tâm đến những điều kiện bảo quản…”.

Không chỉ trộm cắp thuốc, Mexico còn phải đối mặt với nhiều vấn nạn liên quan đến thuốc chữa bệnh. Theo Hiệp hội các ngành công nghiệp nghiên cứu dược phẩm Mexico (AMIF), 60% thuốc bán trong nước là thuốc bị đánh cướp, thuốc hết hạn nhưng đã được thay đổi thời gian sử dụng, thuốc giả hoặc thuốc sản xuất mà không đáp ứng yêu cầu chất lượng tối thiểu.

Được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá là thị trường lớn thứ 6 trên toàn cầu về sản xuất thuốc ngoài luồng, thuốc cướp, thuốc giả, thuốc kém chất lượng…, đã gây thiệt hại hàng năm cho Mexico ước khoảng 150.000.000 USD, trong đó các bang Jalisco, Michoacan, Puebla, Mexico City và Nuevo Leon là nơi mà bệnh nhân có nguy cơ gặp phải thuốc giả hoặc thuốc bị đánh cướp. 

Một sĩ quan cảnh sát thuộc bộ phận chống hàng giả ở Mexico City cho biết các băng nhóm kinh doanh dược phẩm trong các chợ, trên đường phố hoặc trên mạng Internet thường bán rẻ hơn 6 lần so với thuốc hợp pháp và dĩ nhiên là số serial của những loại thuốc ấy đã bị tẩy xóa, bao bì bị lột bỏ và hạn sử dụng được tăng lên vài năm! Theo Tổ chức chống tham nhũng Nosotrxs, từ năm 2011 đến 2017, chính quyền liên bang đã thu giữ 537 tấn thuốc, trong đó có một vụ kỷ lục với 166 tấn thuốc ở Zapopan, bang Jalisco. Bên cạnh đó, COFEPRIS cũng đã xóa bỏ hơn 8.500 trang web tiếp thị thuốc bất hợp pháp.

Nhằm đối phó với tình trạng đánh cướp các loại dược phẩm thiết yếu, thượng nghị sĩ Ricardo Monreal đã đề xuất hình phạt cứng rắn cho việc sản xuất thuốc bất hợp pháp và trộm cướp thuốc, như là một phần của nỗ lực hạn chế thị trường chợ đen đang bùng nổ.

Theo đề xuất của thượng nghị sĩ Ricardo Monreal, những người bị kết tội làm sai lệch công thức chế tạo thuốc, không bảo đảm điều kiện vô trùng của thuốc hoặc thay đổi hàm lượng thuốc sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 30 năm cùng số tiền phạt 11 triệu peso (tương đương 573.000 USD).

Bên cạnh đó, những người bị kết tội trộm cướp thuốc sẽ phải ngồi ít nhất 10 năm sau song sắt. Nghị sĩ Lizette Clavel Sanchez cũng đề xuất ngành y tế Mexico nên chuẩn hóa quy trình mua hoặc chế tạo nguyên liệu, thiết kế bao bì độc quyền cho các sản phẩm thuốc chính hãng nhằm mục đích bảo đảm chất lượng thuốc, chống làm giả.

3. Trở lại với vụ cướp 38.000 loại thuốc trị ung thư cho trẻ em xảy ra ở quận Iztapalapa, Mexico City hôm 7-10, nhiều phụ huynh có con bị ung thư cho rằng không hề có chuyện cướp bóc.

Cảnh sát Mexico bao vây một địa điểm chứa thuốc trộm cướp.

Ông Israel Rivas, đại diện cho các phụ huynh này nói: “Chúng tôi không tin điều đó. Nhà kho của Công ty Novag Infancia không phải là nơi bỏ hoang mà là một căn phòng lạnh khổng lồ với rất nhiều những biện pháp an ninh, chẳng hạn như hệ thống camera tầm nhiệt, đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có mặt 24/24 giờ và nhất là muốn vào được bên trong phòng lạnh thì phải biết được mật mã mở cửa…”. Tại một cuộc họp báo ở Mexico City hôm 21-10 rồi sau đó biến thành một cuộc biểu tình chống lại tình trạng thiếu thuốc điều trị ung thư, ông Rivas cho biết: “Chúng tôi đã bị nói dối một cách có hệ thống”.

Vẫn theo ông Rivas: “Đầu tiên người ta cho rằng tình trạng thiếu thuốc là do độc quyền, sau đó là do tham nhũng, do sự thiếu hụt quốc tế vì CoViD-19 và bây giờ họ đưa ra câu chuyện rằng thuốc đã bị đánh cắp, mà tới những 38.000 liều. Có ai tin vào điều này không? Riêng chúng tôi, chúng tôi không tin những gì mà cảnh sát đã nói…”.

Cũng tại cuộc họp báo, các bậc phụ huynh có con mắc bệnh ung thư cho biết họ đang tiến tới việc thu thập 1,2 triệu chữ ký nhằm ủng hộ một bản kiến nghị kêu gọi cải cách hiến pháp để đảm bảo việc điều trị y tế đầy đủ cho bệnh nhân ung thư. Andrea Rocha, luật sư của các phụ huynh nói rằng đơn khiếu nại liên quan đến vụ cướp sẽ được đệ trình lên Văn phòng Tổng chưởng lý liên bang, bên bị cáo buộc là Ủy ban liên bang về bảo vệ sức khỏe Mexico (COFEPRIS), nơi đã thông báo vụ trộm ra trước công luận.

Theo luật sư Andrea Rocha, gần 1.700 trẻ em đã chết do thiếu thuốc điều trị ung thư và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn do hành vi trộm cắp có chủ đích. Rosa nói: “Không có một bằng chứng thực tế nào cho thấy vụ trộm đã thực sự xảy ra cũng như không hề có đơn tố cáo của Công ty Novag Infancia. Câu hỏi đặt ra là tại sao các loại thuốc do Argentina sản xuất lại thuộc sở hữu của Công ty tư nhân Novag Infancia trong khi Tổng thống Lopez Obrador tuyên bố chính phủ sẽ quản lý việc phân phối thuốc cho các cơ sở y tế công cộng.

Theo trang tin Latin America Today, chưa rõ những biện pháp trừng phạt xem ra rất nặng nề như vậy, nạn cướp thuốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thực sự sẽ bị đẩy lùi hay không khi mà băng nhóm Union De Tepito trước đây nổi tiếng với những hoạt động buôn bán ma túy, bắt cóc đòi tiền chuộc, bảo kê các câu lạc bộ, vũ trường, sòng bài ở Mexico City thì nay do lệnh giãn cách xã hội, Union De Tepito chuyển sang trộm cướp thuốc, thiết bị y tế để bán ra thị trường chợ đen. Hay như băng nhóm Jalisco New Generation Cartel (CJNG), có mặt tại 24 trong tổng số 32 bang ở Mexico.

Không những thế, CJNG còn có chân rết ở các thành phố New York, Los Angeles, Houston và Chicago, Mỹ. Bị Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol xếp vào hàng nguy hiểm thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hội Tam Hoàng và mafia, CJNG có lẽ khó mà ngồi yên khi miếng bánh “thuốc trị bệnh” ngày càng trở nên béo bở…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.