Miền Tây Nam Bộ: Nhiều kẻ mạo danh bị vạch mặt

Chủ Nhật, 10/08/2014, 09:45

Kẻ mạo danh để lừa đảo vừa bị “tóm” ngày 12/7 vừa qua là một “đại úy CSGT” rởm, 30 tuổi. Để lừa tình và tiền của nhiều người, người này “nổ” rằng mình là “cháu ruột của Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang”. Thấy vẫn chưa “ép phê”, anh ta giới thiệu thêm mình là con  của một “đồng chí trung tướng, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Công an”.

Tại Kiên Giang và Trà Vinh, cách đây chưa lâu, đã xuất hiện hai ông “đại tá quân đội”, một ông rao bán 300ha đất nơi sếu đầu đỏ đang sống; một ông còn hào phóng hứa sẽ tặng địa phương và người dân gần 700 tỉ đồng nếu mua được thiên thạch…

Tại Cần Thơ, một đối tượng bỗng nhiên được gần nửa tỉ đồng chỉ vì được người khác giới thiệu là “cảnh sát hình sự” và còn là “người nhà” của Giám đốc Công an một tỉnh lân cận Cần Thơ, có khả năng tác động nhờ “chạy án”…

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, Thượng tá Trương Văn Nam - Trưởng phòng CSĐT tội phạm hình sự (PC45) Công an TP Cần Thơ cho biết, đây là phương thức mới mà bọn tội phạm đã vận dụng, gây ra trên địa bàn Cần Thơ - lừa đảo bằng hình thức mạo danh chạy án.

Thượng tá Nam kể: "Nguyễn Văn Hải ở TP HCM. Khi biết một người quen bên vợ của anh ta - tên là Ch., đối mặt với bản án tù về tội đánh bạc, anh ta giới thiệu người bạn đi cùng (Nguyễn Đào Châu Long, 31 tuổi, dân Cần Thơ) là "cảnh sát hình sự", lại có người cậu đang là Giám đốc Công an một tỉnh giáp với TP Cần Thơ. Tên Long cứ huênh hoang nhắc đi nhắc lại là Long được ông cậu này thương lắm, do vậy Long sẽ nhờ ông cậu này can thiệp để ông Ch. được án treo. Điều kiện mà Hải cùng Long đưa ra đối với người nhà của ông Ch. là phải đưa cho chúng tiền trà nước 100 triệu đồng".

“Đại úy CSGT” rởm Bùi Anh Tuấn cùng trang phục CSGT bị cơ quan chức năng thu giữ; "đại tá" rởm Nguyễn Văn Bá (ảnh phải).

Kết quả điều tra cho thấy, thực chất, cả Hải và Long chẳng thân quen ai.  Sau khi lấy được 100 triệu đồng từ phía gia đình ông Ch., chúng chẳng làm gì cả. Trong khi đó, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, rồi phúc thẩm, ông Ch. vẫn lần lượt bị tuyên phạt 3 năm tù giam.

Khi gia đình ông Ch. thắc mắc, Hải và Long viện đủ lý do rồi tiếp tục lừa nạn nhân bằng cách yêu cầu đưa thêm cho chúng trên 340 triệu đồng để "lót tay" và "chạy" thủ tục làm giả hồ sơ bệnh bướu ác tính để ông Ch được tạm hoãn thi hành án. Có điều, khi phía gia đình ông Ch. đưa tiền xong, ông Ch. vẫn phải chấp hành bản ản hình sự tại trại giam.

Ấm ức về chuyện bị lừa mất gần nửa tỉ bạc mà chẳng được gì, gia đình ông Ch. đã có đơn tố giác đến Cơ quan Công an. Hải và Long sau đó đã bị PC45, Công an TP Cần Thơ bắt giữ vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ việc hết sức nhảm nhí xảy ra ở Trà Vinh, hôm chúng tôi tìm đến vùng sâu ấp Con Lọp, xã Tân Hiệp, thì Công an huyện Trà Cú đã xác định có tất cả 4 nhóm người, trong đó có đối tượng mạo danh "đại tá quân đội" tên là Nguyễn Hồng Hải (52 tuổi, ngụ 59/17A, Phan Chu Trinh, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trong nhóm mua thiên thạch.

Công an huyện Trà Cú cho biết đầu năm 2012, Giang Huỳnh Tâm (ngụ ấp Bảy Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú) và Thạch Ly Siêng (ngụ ấp Nhuệ Tứ, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) loan báo với một số người rằng mình đang sở hữu một viên đá quý có kích cỡ: dài 8cm, ngang 1cm, màu đen. Theo lời kể, cả hai có được viên đá quý này vào năm 1997 khi đang tu học tại chùa Bảy Xào Giữa (xã Kim Sơn). Lúc đó, "bề trên" (ý nói thần thánh - PV) chỉ dẫn cho Tâm qua Campuchia lấy về. Sau đó, cả hai thống nhất gửi tại tháp gần chùa Con Lọp.

Nghe được câu chuyện này, khoảng tháng 3/2014, khi chở một người tên Vũ là người đi tìm mua đồ cổ, Hồng Ngoan (ngụ ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, Trà Vinh) kể cho Vũ nghe rằng Tâm đang sở hữu một… báu vật. Nghe vậy, Vũ lộ ý muốn tìm mua.

Đến ngày 18/4, "đại tá" Hải là anh kết nghĩa của Vũ, cùng một người tên Dần tìm xuống để gặp Tâm thương lượng việc mua bán thiên thạch dù chưa hề nhìn thấy hiện vật.

Bốn ngày sau, "đại tá" Hải cùng Dần, Vũ quay lại ấp Con Lọp gặp Tâm, Siêng, Thạch Thanh - sư cả nhì chùa Con Lọp và ông Thạch Niêm (cùng ngụ ấp Con Lọp, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, Trà Vinh).

Trong lần tiếp xúc này, hai bên đã thương lượng làm hợp đồng mua bán với giá 30 tỉ đồng. Bên mua hào phóng cam kết nếu thực sự có thiên thạch, bên mua sẽ thưởng thêm với các mức như sau: Tâm sẽ được hưởng 420 tỉ đồng, Cảnh (người môi giới) được 150 tỉ đồng, sư Thanh được 20 tỉ đồng, chủ đất 6 người được 30 tỉ đồng. Bên mua cũng hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng để sửa chữa tháp, ủng hộ ấp Con Lọp 5 tỉ đồng, cho xã Tân Hiệp 10 tỉ đồng và huyện Trà Cú 20 tỉ đồng.

Sau khi ông Hải rút lui, gần nửa đêm hôm đó, Tâm, Siêng tiếp tục ra tháp cầu nguyện để viên đá quý… nổi lên. Sau đó, các đối tượng thêu dệt rằng lần cầu nguyện này, cục đá quý nổi lên nhưng họ không lấy được. Tới khi khiêng mấy cục đá thường quanh chân Tháp ra thì cục đá quý tự nhiên biến đâu mất (?).

Đến 24/4, ông Hải tiếp tục quay lại ấp Con Lọp để xúc tiến việc mua bán viên đá quý. Lần này, cùng đi với ông Hải còn có chục người khác, trong đó có 5 tu sĩ ở một chùa tại TP HCM. Các tu sĩ đến đây với mục đích cầu nguyện để sớm lấy được viên thiên thạch ra khỏi chân tháp.

Khi ông Hải cùng đoàn đang chuẩn bị làm thủ tục cầu nguyện thì bị người dân phát hiện, ngăn chặn không cho thực hiện.

Công an huyện Trà Cú xác định Tâm và Siêng là hai đối tượng đưa ra thông tin giả, không có thật, mang tính chất tâm linh, hư cấu, nhất là chuyện nói rằng có "bề trên" giúp đỡ, ban cho viên đá quý giống như thiên thạch. Còn Nguyễn Hồng Hải là dân mua bán đồ cổ, từng lập Công ty CP Xây dựng Tấn Hải đặt tại Vũng Tàu.

Ông Hải tường trình rằng mình có tìm hiểu thông tin qua mạng và bạn bè biết cấu tạo và giá trị của thiên thạch là rất lớn (từ 20 - 30 triệu USD/kg) nên khi nghe nói có viên đá quý giống như thiên thạch, đã không ngại đường xa, tìm đến đây để thương lượng, môi giới bán để hưởng huê hồng. Ông Hải còn thú thật nếu có thiên thạch và mua được thì ông ta sẽ niêm phong, sau đó sẽ nhờ một người đi cùng liên hệ với tổ chức NASA đến để bán, lấy tiền… tỉ thanh toán lại tiền cho những người có liên quan.

Quanh chuyện ông Hải tự xưng là "đại tá quân đội, hiện đang là Cục phó Cục 2, Bộ Quốc phòng…", khi được Công an huyện Trà Cú hỏi nguyên nhân, ông Hải thừa nhận mạo danh như thế để tạo uy tín trong việc môi giới mua bán thiên thạch.

Trung tá Huỳnh Văn Khởi - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: Do hậu quả thiệt hại về vật chất chưa xảy ra, chỉ ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương nên Công an huyện Trà Cú chỉ xử lý hành chính, nhắc nhở, giáo dục một số đối tượng, trong đó có Nguyễn Hồng Hải.

Đối với vị "đại tá quân đội" tên là Nguyễn Văn Bá (64 tuổi, thường trú Khu phố 1, P. Tô Châu, TX Hà Tiên, Kiên Giang), sau khi bị Phòng CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang vạch mặt, bắt tạm giam vì tội lừa đảo, hành tung của ông ta đã được làm rõ.

Tháp cạnh chùa Con Lọp - nơi các đối tượng nói rằng có viên đá thiên thạch.

Từ tháng 8/2013 đến tháng 1/2014, Bá tự xưng là đại tá quân đội, từng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7, hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Hùng Tấn, trụ sở chính tại tổ 2, P. Nghĩa Tân, TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Bá nói đang có 300ha đất tại 2 ấp Tà Phô và Tà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) cần bán, dân địa phương quen gọi là đồng cỏ bàng - nơi sếu đầu đỏ thường bay về kiếm ăn.

"Đại tá" này luôn khoe khoang rằng mình có "tâm phật", "muốn làm phước" giúp đỡ những người nghèo và đồng đội" do vậy đối tượng mà ông ta ưu tiên cho mua đất là những người từng tham gia kháng chiến, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, cựu thanh niên xung phong, hộ nghèo…

Tin lời, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tìm đến “đại tá” Bá xin đăng ký mua đất với giá chỉ 4 triệu đồng/3ha. Trường hợp nào khó khăn, chỉ cần đưa trước cho ông Bá 2 triệu đồng và 1 bản photo CMND, hộ khẩu. Nhận tiền xong, Bá giao biên nhận viết tay có ký tên Giám đốc và đóng dấu của Công ty Lâm Hùng Tấn.

Khi nhiều người cẩn thận yêu cầu được xem đất thì ông "đại tá" sốt sắng dẫn đến, chỉ tay ra hướng đồng cỏ bàng, rộng hàng ngàn ha. Tận mắt thấy mảnh đất mà mình sắp sở hữu, nhiều người gom tiền đưa cho Bá.

Bà Lê Kim Tiến (ngụ ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang) - nạn nhân đầu tiên của "đại tá" Bá, cho biết bà đã vận động gia đình, con cháu đăng ký 5 suất và nộp cho Bá 20 triệu đồng. Khi nghe ông Bá hứa sẽ dành cho mình những miếng đất đẹp với giá ưu đãi nếu giới thiệu cho nhiều người đến mua đất, bằng mối quan hệ quen biết của mình bà đã vận động trên 60 hộ dân khác đến mua đất.

Vài tháng sau, ông Bá lại yêu cầu các hộ dân đưa thêm 20 triệu đồng để mướn người đổ đất đắp nền nhà, phân lô. Nhiều hộ dân không đủ tiền nộp và bắt đầu thấy nghi ngờ nên đã yêu cầu Bá hoàn trả tiền đặt cọc thì ông ta cứ hẹn lần, hẹn lữa...

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Bá khai nhận thực chất 300ha đất trên không hề thuộc quyền sở hữu của y mà nằm trong khu Dự án Bảo tồn đồng cỏ bàng được Chính phủ giao cho Hội Sếu quốc tế và một trường đại học làm đơn vị đầu tư và trực tiếp quản lý. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham của người dân nên y đóng giả sĩ quan quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 130 triệu đồng. Được biết, trước đây ông Bá từng tham gia quân đội nhưng đã bỏ ngũ vào năm 1990 chứ không phải là đại tá sắp về hưu như lời ông ta tự giới thiệu.

Trở lại vụ việc đang được dư luận tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm. Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết vào tối 12/7 vừa qua đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp một "CSGT" rởm tên Bùi Anh Tuấn (30 tuổi, ngụ xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo.

Khám xét nơi ở của Tuấn, Cơ quan điều tra thu giữ một bộ quân phục CSGT, kèm theo cấp hàm đại úy, 2 dây thắt lưng cùng với giày, vớ công an, một khẩu súng giả (dạng quẹt gas) và nhiều bức ảnh chụp Tuấn mặc trang phục CSGT và CSHS.

Cơ quan điều tra cho biết trước khi bị bắt, "đại úy CSGT" Bùi Anh Tuấn thường xuất hiện tại khu vực quận 9, TP HCM tự xưng là Đội trưởng Đội tuần tra số 2 thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an Tiền Giang. Để giải tỏa thắc mắc sao là cảnh sát của Tiền Giang lại hoạt động tận TP HCM, Tuấn nói mình đang tham gia một khóa học tại TP HCM.

Cùng với vỏ bọc tự tạo, khi thì mạo nhận mình là "cháu ruột của Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang", khi là "con một trung tướng, đang là thứ trưởng Bộ Công an", Tuấn đã lừa trót lọt nhiều người.

Tuấn khai nhận, để lừa lấy 120 triệu đồng của một người tên Hoàng (nhà ở huyện Cái Bè, Tiền Giang), Tuấn đã mạo xưng mình là cháu ruột Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, đang công tác tại Đội CSGT quận Bình Thạnh (TP HCM). Tuấn hứa sẽ giúp cháu của ông Hoàng được vào biên chế của ngành Công an. Khi nhận tiền, để tạo lòng tin cho ông Hoàng, Tuấn viết biên nhận hẳn hoi, nhưng sau đó, "bấm nút" biến.

Cũng với vai "cháu ruột Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang", Tuấn đã nhận 2 bộ hồ sơ xin việc cùng 25 triệu đồng của một người tên L., với lời hứa sẽ giúp cho em của người này vào làm việc trong ngành… y tế

Binh Huyền
.
.