Mối liên quan giữa buôn lậu thuốc lá và khủng bố
- Hoàn thiện cơ chế thí điểm đấu giá thuốc lá lậu trước 15-10
- Thuốc lá lậu gây thiệt hại ngân sách 10.000 tỷ mỗi năm
- Bùng nổ thuốc lá lậu ở châu Âu
Theo số liệu thống kê đáng tin cậy năm 2015, cứ 5 người trưởng thành trong khu vực thì một người nghiện thuốc lá, tức tương đương 10% thị trường toàn cầu. Ở Trung Quốc, ứng dụng WeChat đang là công cụ phổ biến để quảng bá thuốc lá buôn lậu. Thuốc lá buôn lậu không chỉ tác động xấu đến nền kinh tế quốc gia mà còn tạo gánh nặng cho lĩnh vực y tế.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia kinh tế Đông Nam Á, 1 trong 2 điếu thuốc lá bán ra tại các quốc gia trong khu vực có nguồn gốc buôn lậu. Dân nghiện thuốc lá ở Singapore tiêu thụ nguồn hàng bất hợp pháp từ Malaysia (nơi mà giá thuốc lá khá rẻ) và Indonesia (nơi mà giá bán lẻ thậm chí còn thấp hơn nữa).
Một cửa hiệu thuốc lá ở Jakarta, Indonesia. |
Theo báo cáo mới đây từ Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia của Liên Hiệp Quốc (UNODC), thuốc lá cũng được buôn lậu theo những cung đường giống như ma túy hay những mặt hàng khác. Một số chuyến hàng thuốc lá buôn lậu xâm nhập qua vùng biên giới không được kiểm soát chặt chẽ giữa Campuchia với các nước khác. Số hàng lậu khác được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc đến Thái Lan và từ đó vươn đến Malaysia, Indonesia và Singapore cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Con đường thứ 3 đi từ Trung Quốc đến Myanmar rồi sau đó tỏa đi các hướng khác nhau. Thuốc lá thường được chở trên những chiếc tàu nhỏ vượt sông từ Indonesia và Brunei để đến Thái Lan. Không chỉ có thuốc lá mà bọn tội phạm còn buôn lậu thêm xăng dầu, dược phẩm cũng như các mặt hàng khác. Một điều đáng nói là dân buôn lậu nhận được sự tiếp tay của một số quan chức chính quyền tham nhũng.
Thuốc lá buôn lậu bị bắt giữ ở Hồng Kông. |
Theo nghiên cứu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bọn buôn lậu cũng có thể vận chuyển thuốc lá qua những Khu thương mại tự do (FTZ, hay còn gọi là Vùng phi thuế quan); đặc biệt ở Singapore, Malaysia và Philippines.
Theo nhận định từ các chuyên gia châu Âu, nạn buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp khó kiểm soát nổi ở Đông Nam Á là một phần do các quốc gia trong khu vực thiếu sự hợp tác cũng như sự khác biệt về mặt luật pháp. Chính quyền Thái Lan đánh thuế đến 90% thẳng vào mỗi bao thuốc lá, trong khi Singapore là 66,2% và Brunei ở mức 62%. Còn Campuchia đánh thuế từ 25% đến 31,1% trong khi Lào từ 16% đến 17,7%.
Hiện nay không có số liệu chính thức về sự thất thu thuế do thuốc lá buôn lậu, nhưng người ta có thể ước tính các chính quyền bị mất ít nhất 50 tỷ USD thu nhập từ thuế. Philippines, một trong những thị trường lớn nhất Đông Nam Á, mất chừng 317 triệu USD mỗi năm.
Không chỉ bị thất thu thuế mà các nước còn bị thiệt hại về kinh tế do những bệnh liên quan đến thuốc lá. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Indonesia sẽ mất khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030 do những bệnh liên quan đến thuốc lá. Bọn buôn lậu thuốc lá còn liên quan đến mạng lưới buôn người, ma túy, động vật hoang dã v.v…
Hội chợ thuốc lá và rượu ở thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây miền nam Trung Quốc, tháng 3-2017. |
Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng lên tiếng cảnh báo thuốc lá buôn lậu trong khu vực Đông Nam Á có thể là nguồn tài trợ cho bọn khủng bố. Ví dụ trong vụ tấn công tòa soạn báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo năm 2015, một tên khủng bố được điều tra có liên quan đến mạng lưới buôn lậu thuốc lá.
Nhóm khủng bố Al Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) kiếm hàng triệu USD cũng nhờ buôn lậu thuốc lá. Bọn khủng bố chuộng buôn lậu thuốc lá bởi vì mặt hàng này không bị trừng phạt nặng nề như ma túy và được coi là sản phẩm hợp pháp ở mọi quốc gia. Sự chênh lệch giá cả thuốc lá khá lớn giữa các nước Đông Nam Á đem lại lợi nhuận không nhỏ cho bọn buôn lậu. Ví dụ, giá một bao thuốc lá nhãn hiệu đắt nhất ở Singapore vào khoảng 13 USD, so với 5,90 USD ở Malaysia hay chỉ 2 USD ở Indonesia. Đó là lý do khiến cho bọn khủng bố coi thuốc lá là nguồn tài trợ có giá trị.
Theo báo cáo tháng 3-2016 từ Trung tâm Phân tích khủng bố của Pháp (CAT), thuốc lá buôn lậu khó kiểm soát được do “các vùng biên giới lỏng lẻo, sự yếu kém của các chính quyền và nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền” và “trong một số trường hợp thuốc lá được buôn lậu bởi một số tổ chức đội lốt cứu trợ nhân đạo”.