Một doanh nhân Mỹ gốc Đài Loan làm gián điệp cho nước ngoài

Thứ Hai, 30/05/2011, 23:45

Thụ án 5 năm tù giam tại một trại cải tạo liên bang trong sa mạc Arizona, cựu gián điệp gốc Đài Loan (năm nay 62 tuổi) không phải lao động khổ ải như bao kẻ tội phạm phải cải tạo khác. Công việc hàng ngày của Tai Kuo là nấu ăn, dạy ngoại ngữ và dạy quần vợt cho các tù nhân khác trong trại cải tạo. Nguyên nhân vào trại của Tai Kuo là làm gián điệp, chuyển các thông tin bí mật về kỹ thuật quốc phòng của Mỹ cho phía Trung Quốc suốt nhiều năm liền.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Tai Kuo đã biết cách xây dựng quan hệ tốt đẹp với những người có quyền thế để có thể "dựa dẫm" hoặc nhờ vả. Năm 1973, Tai Kuo rời quê nhà ở Đài Loan đến Mỹ và định cư tại thành phố Thibodaux, miền Nam bang Louisiana. Tại đó, Kuo đi học Đại học Nicholls State University, tốt nghiệp lấy bằng quản trị kinh doanh và kế toán. Sau đó, Kuo được nhập quốc tịch Mỹ.

Sau khi cưới vợ, Kuo đưa gia đình về ở Houma, cùng bang Louisiana. Kuo mở một câu lạc bộ dạy quần vợt, dạy tiếng Hoa cho người Mỹ và dạy nấu ăn đồng thời quản lý một căng-tin trong câu lạc bộ đồng quê của thị trấn Houma. Sau đó, Kuo tự đứng ra mở nhà hàng ăn uống ở New Orleans, lấy tên là "Mr Tai's".

Khoảng cuối thập niên 80 thế kỷ XX, khi Trung Quốc tăng cường mở cửa mời gọi đầu tư nước ngoài, Kuo thành lập một doanh nghiệp chuyên về tiếp thị kỹ thuật và công nghệ của Mỹ vào thị trường Trung Hoa đại lục. Kuo cùng với một người bạn ở Louisiana hùn vốn buôn bán bông và làm dịch vụ khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông.

Nhờ giỏi giao tiếp, dễ tạo cảm tình, Kuo đã làm rất tốt công việc của một người trung gian, mai mối làm ăn và đã tạo được những mối quan hệ rộng rãi. Quan điểm của Kuo là "muốn làm ăn được thì phải biết tạo quan hệ với các đường dây quyền lực". Và hễ nói được là Kuo làm được ngay. Năm 1992, Kuo được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ quan Ủy thác xuất nhập khẩu Louisiana.

Nhân vật trung tâm trong đường dây quan hệ "quyền lực" mà Kuo xây dựng được ở Trung Quốc chính là Lin Hong - người mà Kuo quen biết thông qua sự giới thiệu của một người bạn. Người bạn đó còn giới thiệu với Kuo rằng, Hong có thể giúp đỡ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Bắc Mỹ vào Trung Quốc.

Theo hồ sơ tòa án tại Mỹ, nhân vật tên Hong làm việc cho Hội Hữu nghị Quảng Đông. Hong thường tỏ ra rất quan tâm đến thái độ của Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc, đến mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. Qua tiếp xúc, Hong biết được rằng Kuo có những mối quan hệ chặt chẽ với giới chính khách và quan chức chính quyền Mỹ, cho nên Hong đưa ra "đơn hàng" đầu tiên là nhờ Kuo tìm giúp một người Mỹ biết viết các "văn bản ý kiến" để giúp ông ta hiểu rõ hơn về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc.

Kuo tìm đến Trung tá không quân Jim Fondren đã nghỉ hưu và sống tại Houma, quen biết Kuo tại câu lạc bộ đồng quê. Lĩnh vực chuyên môn của Fondren là châu Á, với hàng chục năm kinh nghiệm tham gia vạch kế hoạch chiến lược cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Khoảng năm 1997, Kuo tiếp xúc Fondren và đặt vấn đề viết các "văn bản ý kiến" cho Hong. Kuo giới thiệu với Fondren là Hong làm việc trong một học viện ở Hồng Công. Fondren nhận lời. Xong một bộ tài liệu, Fondren được trả công từ vài trăm đến 1.500 USD, được bao vé đi du lịch Trung Quốc, cùng với Kuo và Hong đi chơi golf và du thuyền.

Hình ảnh chụp lén bên trong xe ôtô thuê cho thấy Tai Kuo ngồi ghế bên phải đang trao tiền cho Gregg Bergersen (người cầm lái) trong một lần giao dịch.

Tham vọng làm ăn ở Trung Quốc luôn cháy bỏng, Kuo luôn tìm cách lấy lòng Hong, với hy vọng ông ta có thể giúp mình tìm được dự án lớn ở Trung Quốc. Thế nhưng, một sự cố đã bất ngờ xảy ra khiến Kuo trở nên thất thế: Năm 2002, một số kỹ sư Trung Quốc cùng hợp tác với Kuo thực hiện một dự án ở Đài Loan đã bị bắt khi vừa quay trở về Trung Quốc với cáo buộc "làm gián điệp". Thế là Kuo lại phải cậy nhờ Hong để xin cho họ ra tù.

Sau vụ đó, Hong nắm thế thượng phong nên càng ép Kuo mạnh hơn, và nội dung tài liệu cũng ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, đòi hỏi quan hệ cấp cao hơn ở Washington. Hong càng ép Kuo thì Kuo càng ép Fondren. Năm 2001, Fondren trở lại làm việc cho Chính phủ Mỹ, ngồi bên trong Lầu Năm Góc, đảm nhiệm chức Phó giám đốc Văn phòng liên lạc Washington của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Với vị trí này, Fondren có thể tiếp cận các tài liệu đóng dấu "Tối mật".

Fondren tiếp tục cung cấp các tài liệu và "văn bản ý kiến", bây giờ còn có liên quan đến các trao đổi quân sự giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Quân đội Trung Quốc bao gồm cả các báo cáo đóng dấu "Lưu hành nội bộ". Ngoài ra, Fondren còn cung cấp nhiều ấn phẩm quốc phòng khác nhau, như báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Để buộc Fondren tiếp tục cung cấp tài liệu, theo sự chỉ đạo của Hong, Kuo đã nói dối Fondren rằng, các tài liệu mà ông ta cung cấp được chuyển đến chính quyền đảo Đài Loan chứ không đến Hong.

Sau Fondren, Kuo tiếp tục sử dụng những chiêu thức tương tự để câu móc quan chức thứ hai trong Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm cung cấp tài liệu cho mình. Theo FBI, người thứ 2 bị Kuo lôi kéo là Gregg Bergersen.

Bergersen là một chuyên gia phân tích chính sách các hệ thống vũ khí tại Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng, chuyên hỗ trợ các hợp đồng mua bán khí tài quân sự ở hải ngoại. Khi Kuo tiếp xúc và câu mối "làm ăn", Bergersen đang phụ trách hệ thống C4ISR (mạng lưới thông tin tình báo chỉ huy và kiểm soát). Một trong những đơn vị kinh doanh của Kuo lại đang theo đuổi việc mua bán có liên quan đến một phiên bản của C4ISR.

Năm 2004, Kuo và Bergersen hình thành một đường dây làm ăn chung: Bergersen muốn quảng bá C4ISR ở Đài Loan và tin rằng Kuo có thể giúp ông ta thúc đẩy việc này. Vào ngày 14/7-2007, Kuo trên đường đi nhận tài liệu của Fondren đã hẹn gặp Bergersen tại một tiệm ăn trưa. Bergersen trao cho Kuo một tập tài liệu dày cộp.

Trong khi cả hai bàn bạc chuyện làm ăn, Kuo vừa nghe vừa ghi chú, đánh dấu những chi tiết về chất lượng, giá cả và tên của các "món hàng" mà Mỹ dự định bán cho Đài Loan trong vòng 5 năm. Sau đó, cả hai bàn bạc đến tương lai khi Bergersen nghỉ hưu, và Kuo hứa hẹn sẽ giúp Bergersen một việc làm có mức lương khá cao.

Sau bữa ăn trưa đặc biệt đó, Kuo chiêu đãi Bergersen bằng những chuyến đi chơi sòng bài Las Vegas, bang Nevada, đài thọ tiền chơi bài và các khoản ăn chơi trác táng khác. Tất cả đều là tiền Kuo nhận từ đầu mối liên lạc ở Trung Quốc - Lin Hong. Đổi lại, Bergersen cung cấp cho Kuo những thông tin bí mật liên quan đến hệ thống C4ISR và cả các hệ thống công nghệ quốc phòng và thông tin khác để rồi Kuo bí mật chuyển cho Hong.

Kuo bắt đầu sử dụng phần mềm mã hóa để truyền thông tin qua đường e-mail cho Hong. Dần dà, Kuo tuyển thêm một nữ điệp viên phụ trách việc liên lạc giữa Kuo và Hong, và sau này đã trở thành bạn gái của ông ta.

Để tránh bị phát hiện, Hong khuyến cáo Kuo nên sử dụng SIM điện thoại di động trả trước và sử dụng điện thoại công cộng mỗi khi cần liên lạc, thường xuyên thay đổi địa chỉ e-mail và sử dụng dịch vụ Internet công cộng hoặc ở sân bay để gửi e-mail. Thế nhưng Kuo đã phớt lờ những lời khuyên này.

Và vận xui đã đến, khi FBI tình cờ phát hiện tên của Lin Hong trong một vụ phá án liên quan đến việc chuyển kỹ thuật công nghệ quân sự cho Trung Quốc ở bang California. Từ đầu mối này, các nhà điều tra FBI không mấy khó khăn để lần ra cái tên Kuo và bắt đầu theo dõi hoạt động truy cập Internet của Kuo, cài máy quay lén, nghe trộm trong những xe ôtô ông ta thuê sử dụng, cài thiết bị nghe lén cả trong nhà riêng của Fondren và Bergersen. Và thế là kể từ đó, FBI nắm không sót một chi tiết nào về những vụ giao dịch giữa Kuo với Fondren và Bergersen.

Ngày 11/2/2008, sau gần 20 năm cộng tác với Lin Hong, Tai Kuo bị FBI bắt với tội danh làm gián điệp cho Trung Quốc. Qua lời khai của Kuo, Fondren và Bergersen cũng lần lượt bị bắt sau đó không lâu. Ban đầu, Kuo bị tòa tuyên án gần 16 năm tù, nhưng sau khi ra làm chứng để buộc tội Fondren và Bergersen tại một phiên tòa vào tháng 9/2010, Kuo đã được giảm án xuống còn 5 năm tù giam. Người bạn gái của ông ta cũng bị tuyên án 27 tháng tù vì tội đồng lõa. 2 người cung cấp tài liệu cho Kuo, Fondren nhận mức án 3 năm tù, còn Bergersen thì tội nặng hơn nên bị tuyên án 5 năm tù

Nguyên Khang (theo Associated Press)
.
.