Một đối tượng truy nã quốc tế ra đầu thú

Thứ Tư, 14/05/2008, 10:15
Sau nhiều ngày kiên trì, thuyết phục, vận động, ngày 25/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) - Bộ Công an đã thành công khi thủ phạm của vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng tại Viêng Chăn (Lào) gần nửa năm trước đã ra đầu thú.

Cùng với việc Thắng "tài dậu" và hàng loạt tội phạm đặc biệt nguy hiểm khác tự nguyện ra đầu thú tại cơ quan công an, sự kiện này thêm một lần nữa chứng minh hiệu quả của việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghiệp vụ với cảm hóa, giáo dục, thuyết phục trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm...

Tôi có mặt tại trụ sở Phòng 3 - C14 vào sáng sớm ngày 26/4 khi Đỗ Văn Dinh vừa mới được di lý từ Thanh Hóa về Hà Nội phục vụ công tác điều tra. Dinh vừa được cán bộ chiến sĩ công an cho ăn sáng, tắm rửa nên trông mặt mũi tươi tỉnh, sáng sủa, đầu tóc gọn gàng.

Dinh bảo, sau bao ngày nằm bờ nằm bụi, trốn chui trốn lủi trong rừng, được bữa sáng mất bữa tối, thậm chí có đận mấy ngày chỉ cầm hơi bằng rau rừng, hôm nay Dinh mới được một ngày thanh thản. “Khai báo xong xuôi mọi tội lỗi chắc đêm nay em sẽ được ngủ yên”, Dinh nói, mắt ầng ậng nước.

Dinh năm nay mới 34 tuổi nhưng đã có đến 4 đứa con, đứa lớn nhất 15 tuổi. Vợ chồng Dinh làm ruộng ở quê – xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê nghèo khó. Nhà đông con nên vốn nghèo lại càng nghèo hơn.

Bỏ quê đi kiếm sống, Dinh đã lăn lộn đủ nghề, chật vật với bát cơm manh áo nên trông Dinh già hơn nhiều so với tuổi. Đã từng lặn lội vào miền Nam rồi ra miền Trung làm thuê nhưng rồi ở đâu Dinh cũng không trụ lại được lâu. Cuối cùng, vào đầu năm 2007, Dinh quyết định tìm đường sang Lào làm ăn.

Ở Lào, Dinh theo chân một số bà con người Việt đi thu gom phế liệu rồi bán kiếm lời, gọi nôm na là đi buôn đồng nát. Việc buôn bán có phần thuận lợi. Nhưng lẽ ra phải chăm chỉ làm ăn để dành dụm được nhiều giúp vợ nuôi con thì Dinh chỉ ngày đêm nung nấu khát vọng làm thế nào để có thể kiếm được thật nhiều tiền mà không phải mệt nhọc, vất vả. Khát vọng ấy luôn ám ảnh, đeo bám Dinh, để rồi có một ngày biến thành âm mưu tội lỗi.

Biết một người đồng hương là Lê Văn Niệm có nhiều vốn liếng, Dinh cùng với Dương Đức Mười rủ anh Niệm cùng sang Lào đi thu gom phế liệu. Ngày 4/12/2007, cả 3 đèo nhau bằng xe máy từ quê sang Lào.

Lần đi làm ăn này, Dinh và Mười biết anh Niệm mang theo khá nhiều tiền làm vốn. Buổi chiều muộn cùng ngày, 3 người đi đến một quãng đường vắng thuộc địa phận nước bạn. Mờ mắt trước món tiền lớn mà anh Niệm mang theo, những ý nghĩ tội ác lại lóe lên trong đầu Dinh nhưng khác với nhiều lần trước, nó chỉ thoáng đến rồi đi, lần này, Dinh có thừa cơ hội để thực hiện. Và Dinh tự bao biện, ở nơi vắng vẻ này, lại đất khách quê người, chỉ có 3 người mà Dinh và Mười đã bắt tay nhau thì có tài thánh cũng chả tìm ra sự thật.

Thế là Dinh và Mười xuống tay hành động, giết chết anh Niệm bằng những cú đánh vào đầu, vào gáy và nhiều chỗ hiểm khác. Anh Niệm chết, Dinh và Mười cướp đi toàn bộ tài sản của người đàn ông xấu số này.

Ngay sau đó, cái chết của anh Niệm được quần chúng nhân dân phát hiện. Công an Lào đã vào cuộc điều tra có sự  phối hợp chặt chẽ với Công an Việt Nam. Tung tích của nạn nhân cũng đã được tìm ra sau đó. Công an Lào đã thông báo cho gia đình nạn nhân sang đưa xác về Việt Nam mai táng.

Theo nhận định của Cơ quan điều tra, cái chết của anh Niệm có nhiều điểm bất thường, không phải do bị bệnh đột ngột hoặc do tai nạn mà nhiều khả năng là bị sát hại. Cơ quan điều tra sau đó đã tiến hành khai quật tử thi và kết quả khám nghiệm cho thấy, nhận định đó là đúng bởi các thương tích còn lưu dấu trên thi thể nạn nhân.

Thủ phạm sau đó cũng đã được Cơ quan điều tra xác định chính là Dinh và Mười. Ngày 8/1/2008, C14 Bộ Công an Việt Nam đã tiếp nhận kết quả điều tra của Công an nước bạn và ra lệnh truy nã đặc biệt đối với Đỗ Văn Dinh và Dương Đức Mười.

Nhiệm vụ truy bắt hai đối tượng đặc biệt nguy hiểm này được giao cho cán bộ, chiến sĩ Phòng 3 - C14, một đơn vị làm nhiệm vụ chuyên trách bắt truy nã.

Vốn có nhiều kinh nghiệm trong công tác này, các trinh sát Phòng 3 xác định muốn thành công thì không chỉ truy bắt đơn thuần mà phải biết khéo léo kết hợp giữa các biện pháp nghiệp vụ với vận động, giáo dục, thuyết phục để các đối tượng ra đầu thú.

Nếu vận động thành công thì lực lượng Công an vừa đạt được hiệu quả công việc mà  đỡ tốn thời gian, công sức, tránh được những nguy hiểm, bảo toàn lực lượng; đối tượng cũng được lợi khi được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi xét xử.

Chính vì vậy mà sau khi tiếp nhận lệnh truy nã đối với Dinh và Mười, song song với việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để dò tìm nơi lẩn trốn của chúng, một nhóm trinh sát của Phòng 3 - C14 đã lên đường về tận quê của hai đối tượng này để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cũng như các mối quan hệ thân thích có liên quan.

Khéo léo thuyết phục, cảm hóa, giáo dục cuối cùng, họ đã vận động được gia đình của hai đối tượng. Gia đình đồng ý sẽ thuyết phục con em ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.

Đầu tháng 3/2008, Dương Đức Mười đã làm đơn xin tự nguyện đầu thú. Hơn một tháng sau, 17h ngày 25/4, chị Hạnh, vợ Dinh đã chủ động gọi điện cho một trinh sát của Phòng 3 xin cho chồng được đầu thú tại quê nhà.

Ngay sau khi nhận được điện thoại của chị Hạnh, một tổ công tác đã lên đường. Tới bến đò Lèn, Thanh Hóa, theo quy ước với chị Hạnh, một trinh sát trong tổ công tác đã đứng bên bờ sông gọi to 3 lần: "Hạnh ơi!”. Nhận đúng tín hiệu, từ một con thuyền đậu ở bến sông, chị Hạnh đã đưa Dinh lên bờ, gặp tổ công tác. Sau khi lập biên bản, ngay trong đêm Dinh đã được đưa về trụ sở C14 tại Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra.

Trả lời câu hỏi của PV ANTG về vụ việc này, các trinh sát Phòng 3 cho hay, đây không phải là lần đầu tiên các anh vận động thành công đối tượng phạm tội nghiêm trọng ra đầu thú. Công tác này đã được đặc biệt chú trọng và thực tế đã phát huy hiệu quả tốt trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm

Đặng Huyền
.
.