Mua iPhone, máy tính xịn bằng… tin nhắn ảnh

Thứ Hai, 25/04/2016, 16:05
Giao dịch chuyển khoản bằng hình thức ngân hàng điện tử (Internet Banking) hay Mobile Banking đang ngày càng phổ biến trong thanh toán, mua bán hàng online bởi tính tiện lợi, giúp người mua có thể thực hiện giao dịch vào bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, dịch vụ tiện tích này đang bị tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội.

Bằng thủ đoạn chỉnh sửa nội dung, làm giả sao kê, phiếu chuyển khoản của ngân hàng hoặc tin nhắn chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo mua bán hàng online đã chiếm đoạt được nhiều mặt hàng có giá trị cao mà không mất một đồng nào.

Thủ phạm các vụ lừa mua iPhone 6 Plus sa lưới

Ngày 22-4, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đã bắt giữ được thủ phạm của một loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt máy tính xách tay, điện thoại iPhone 6 Plus trị giá hàng trăm triệu đồng thông qua hình thức mua bán hàng trên mạng.

Một trong số người bị hại, anh Lê Thanh Tùng ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, anh kinh doanh một số hàng điện tử thuộc dạng “xách tay” trên trang Facebook cá nhân mang tên “Lê Thanh Tùng”. Ngày 18-3, sau khi anh Tùng đăng tin rao bán 3 chiếc điện thoại iPhone 6 Plus trên tài khoản Facebook thì có 1 tài khoản có tên “Tran Ngoc” liên lạc hỏi mua. Hai bên trao đổi qua tin nhắn trên Facebook, thỏa thuận giá 3 chiếc điện thoại là 43 triệu đồng.

Người có nick “Tran Ngoc” hẹn anh Tùng 12h thứ Bảy ngày 19-3 mang điện thoại đến khu vực An Dương giao cho em trai của người này, kèm theo số điện thoại liên lạc. “Tran Ngoc” đề nghị anh Tùng cung cấp tài khoản ngân hàng để chuyển tiền trước khi giao hàng.

Đúng hẹn, trưa 19-3, anh Tùng mang 3 chiếc điện thoại iPhone 6 Plus đến khu vực An Dương thuộc phường Yên Phụ, Tây Hồ rồi gọi vào số điện thoại mà “Tran Ngoc” đã cho. Người này hẹn anh Tùng đến quán nước đầu ngõ 32/15 An Dương để giao dịch. Khi đến điểm hẹn, anh Tùng gặp một thanh niên đi xe máy Wave đã chờ sẵn.

Lúc này, “Tran Ngoc” gửi cho anh Tùng ảnh chụp màn hình máy tính thể hiện bản sao kê phiếu chuyển khoản số tiền 43 triệu đồng vào tài khoản của anh Tùng, được thực hiện thông qua dịch vụ Internet Banking của ngân hàng Vietcombank. Thấy cuối bản sao kê có dòng chữ “Giao dịch chuyển khoản thành công”, anh Tùng tin “Tran Ngoc” đã gửi tiền xong nên giao điện thoại cho người thanh niên đi xe Wave.

Về nhà, không thấy tin nhắn của ngân hàng thông báo vào điện thoại về số tiền giao dịch của “Tran Ngoc” chuyển vào tài khoản, ban đầu anh Tùng nghĩ rằng do ngày thứ Bảy, ngân hàng nghỉ nên chưa thông báo kịp. Nhưng chờ mãi vẫn không có tin báo, anh Tùng chột dạ gọi điện thoại trực tiếp tới ngân hàng xác minh, được thông báo không có giao dịch chuyển tiền nào. Anh Tùng gọi lại số điện thoại của người thanh niên vừa nhận hàng tại An Dương thì điện thoại đã tắt máy. Biết bị lừa, anh Tùng đến Công an quận Tây Hồ trình báo sự việc.

Tin nhắn giả dạng ngân hàng thông báo đã nhận được tiền dưới đầu số 190015xxx và tin nhắn ảnh chụp lệnh chuyển tiền giả được Tú chỉnh sửa rồi chụp màn hình gửi cho chủ hàng để lừa đảo.

Trong lúc Công an quận Tây Hồ tiến hành xác minh, điều tra đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Tran Ngoc” thì tối 13-4, anh Cù Huy Hoàng ở Đại Thượng, Mê Linh (Hà Nội) tới Công an phường Yên Phụ trình báo: Trước đó, anh có đăng tin rao bán chiếc máy tính nhãn hiệu Apple Macbook Air màu trắng  trên mạng Internet, kèm theo số điện thoại để khách hàng liên hệ.

Sau khi đăng tin, có một thanh niên sử dụng số điện thoại 0948503993 gọi điện hỏi mua. Vị khách thỏa thuận giá chiếc máy tính là 14 triệu đồng và hẹn sẽ chuyển tiền trước vào tài khoản ngân hàng của anh Hoàng. Chiều tối ngày 12-4, vị khách chuyển tin nhắn điện thoại của anh Hoàng 1 tin nhắn hình ảnh, nội dung đã chuyển khoản thành công số tiền 14 triệu đồng vào tài khoản của anh Hoàng thông qua dịch vụ ngân hàng Internet của ngân hàng Techcombank.

Vì tin tưởng vào tin nhắn ảnh này nên 20h cùng ngày, anh Hoàng đã mang máy tính đến đường Thanh Niên giao cho vị khách. Thấy anh Hoàng nói chưa nhận được tin nhắn điện thoại của ngân hàng báo có tiền, vị khách giải thích do chuyển tiền ngoài giờ làm việc nên hệ thống chưa kịp cập nhật khiến tin nhắn bị chậm. Nghe có lý nên anh Hoàng trao máy tính cho vị khách rồi ra về.

Tuy nhiên, cả ngày hôm sau vẫn không có tin báo từ hệ thống ngân hàng về số tiền 14 triệu đồng, anh Hoàng biết bị lừa nên tới Công an phường Yên Phụ trình báo.

Tổng hợp thông tin từ 2 vụ việc trên, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ nhận định khả năng đối tượng gây ra 2 vụ lừa đảo này là một. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát hình sự đã phát hiện, bắt giữ thủ phạm là Trần Ngọc Tú (26 tuổi, ở B1 ngõ 17 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Tổ chức cho 2 người bị hại là anh Tùng và anh Hoàng nhận diện, xác định Tú chính là người đã nhận hàng.

Sau khi Công an quận Tây Hồ bắt giữ Trần Ngọc Tú, anh Nguyễn Đức Tài ở thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, ngày 26-3, anh cũng bị đối tượng sử dụng số điện thoại 0948503993 lừa mua điện thoại iPhone 6 với thủ đoạn tương tự. Anh Tài thông tin, từ tháng 8-2015, anh lập tài khoản Facebook có tên “Đức Tài” để kinh doanh điện thoại đã qua sử dụng.

Khoảng 21h30 ngày 25-3, có tài khoản Facebook mang tên “Trần Thế Thôi” liên lạc hỏi mua 2 chiếc điện thoại iPhone 6 và thống nhất giá là 20,8 triệu đồng. Trưa hôm sau 26-3, “Trần Thế Thôi” nhắn tin trên Facebook đề nghị anh Tài cung cấp tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Khi anh Tài cấp số tài khoản mở tại Ngân hàng Agribank, “Trần Thế Thôi” cho biết anh ta chỉ có thể chuyển tiền qua dịch vụ Internet Banking của Ngân hàng Vietcombank nên yêu cầu anh Tài phải cấp 1 tài khoản mở tại Vietcombank để chuyển tiền cùng hệ thống.

Theo yêu cầu của khách, anh Tài mượn tài khoản của người khác và cung cấp cho “Trần Thế Thôi”. Khoảng 15 phút sau, anh Tài nhận được tin nhắn ảnh của “Trần Thế Thôi” chụp ảnh màn hình đã chuyển thành công số tiền 20,8 triệu đồng, giao dịch thực hiện trên trang web của ngân hàng. Tin là khách đã chuyển tiền, ngay sau đó, anh Tài gói 2 chiếc điện cẩn thận rồi gửi qua dịch vụ xe khách tuyến Bắc Giang - Hà Nội.

Theo thông tin do tài khoản “Trần Thế Thôi” cung cấp, anh Tài đề  người nhận là Hải, số điện thoại 0948503993 để nhà xe liên lạc, giao hàng khi về tới Hà Nội. Tới ngày 27-3, anh Tài đi rút tiền mới té ngửa vì thực tế tài khoản của anh chẳng nhận được đồng nào.

Tại cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ, đối tượng Trần Ngọc Tú khai nhận thường xuyên lên mạng Internet tìm kiếm thông tin của những người rao bán điện thoại di động, máy tính đắt tiền để lừa đảo. Tú lập nhiều tài khoản Facebook khác nhau để liên lạc với những người bán hàng. Sau khi thỏa thuận giá cả, Tú đề nghị trả tiền qua tài khoản rồi dùng thủ thuật “công nghệ cao”, chỉnh sửa thông tin về tên chủ tài khoản, số tài khoản người gửi và nhận tiền cùng số tiền giao dịch trên các phiếu chuyển tiền thực hiện qua dịch vụ Internet Banking, khớp với thông tin đã thỏa thuận với người bán hàng rồi chụp ảnh màn hình thể hiện hình ảnh giao dịch đã bị chỉnh sửa gửi cho bị hại, chứng minh việc chuyển tiền mua hàng.

Để hành vi lừa đảo trót lọt, Tú chọn thời gian “chuyển tiền” là buổi tối hoặc ngày nghỉ Thứ bảy, Chủ nhật, lấy lý do buổi tối hoặc ngày nghỉ, ngân hàng không làm việc nên người bán hàng sẽ không nhận được tin nhắn báo nhận được tiền của ngân hàng. Bước đầu, Cơ quan Công an đã thu hồi 1 máy tính Apple và 4 chiếc điện thoại di động iPhone 6 Plus là tang vật trong các vụ lừa đảo do Tú gây ra.

Các chiêu trò làm giả giao dịch ngân hàng

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hà Nội cho biết, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự tiện lợi của dịch vụ thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của những người bán hàng mất cảnh giác.

Trước đó, các đối tượng lừa đảo sau khi giao dịch mua hàng trên mạng đã sử dụng thủ đoạn gửi tin nhắn giả dạng ngân hàng “thông báo tiền đã về” vào điện thoại của chủ tài khoản. Thông thường, đối tượng lừa đảo sẽ vào các trang web bán hàng để đặt hàng, liên hệ với người bán cách thức giao dịch. Tiếp đó đối tượng thông báo đã chuyển tiền vào tài khoản. Liền đó, chủ hàng sẽ nhận được một tin nhắn thông báo tài khoản đã tăng thêm số tiền xxx (đúng bằng số tiền hai bên thỏa thuận mua bán hàng).

Tin nhắn giả dạng này hiển thị từ tổng đài 190015xxxx (tổng đài nhắn tin được các nhà mạng ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nội dung thuê lại). Do nhầm tưởng đây là tin báo của ngân hàng nên nhiều chủ hàng đã vội vã chuyển hàng theo yêu cầu của đối tượng. Một mánh lừa đảo khác là “thủ thuật” giấy chuyển tiền của ngân hàng. Theo đó, đối tượng lừa đảo ra ngân hàng làm dịch vụ chuyển tiền thật.

Tuy nhiên ở phần người nhận (người bán hàng), đối tượng cố tình ghi thiếu 1 số cuối cùng trong số tài khoản trên biên lai. Sau khi có được giấy biên nhận chuyển tiền có dấu của ngân hàng, đối tượng mang về điền thêm cho đủ số tài khoản của người bán và chụp hình, gửi cho người bán hàng chứng minh việc chuyển tiền để họ giao hàng. Trong khi đó, do không đúng số tài khoản, ngân hàng không chuyển được nên đối tượng chỉ việc cầm giấy biên nhận ra là nhận lại được tiền.

Đối tượng Trần Ngọc Tú và tang vật.

Cách thức các đối tượng lừa đảo làm giả sao kê, phiếu chuyển tiền trên tài khoản thực hiện trên giao dịch ngân hàng điện tử khá đơn giản nhưng tinh vi. Mỗi trình duyệt web đều có công cụ xem nguồn trang để chỉnh sửa nội dung hiển thị trên web. Người thông thạo có thể chỉnh sửa câu chữ, con số... của website sau khi đã tải về máy. Tuy nhiên thực tế những thay đổi này chỉ diễn ra trên màn hình máy tính của kẻ lừa đảo chứ không thay đổi được nội dung gốc trên hệ thống.

Ngược lại, phía người mua hàng cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo bán hàng qua mạng. Đối tượng lập trang Facebook bán hàng, sau đó yêu cầu người mua chuyển tiền trước vào tài khoản rồi ship hàng. Để thu hút đông người vào mua, đối tượng thường đưa ra chiêu trò quảng cáo hàng xịn nhưng giá rẻ. Sau khi nhận được một khoản tiền của người gửi, đối tượng xóa tài khoản Facebook không hoạt động nữa.

Tháng 10-2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an Hà Nội đã  triệt phá ổ nhóm tội phạm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn rao bán điện thoại Iphone giá rẻ trên mạng, khi có người mua, đối tượng dùng phần mềm chỉnh sửa, làm giả biên lai của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu điện nhận chuyển hàng theo tên tuổi, địa chỉ bị hại cung cấp, sau đó chụp ảnh biên lai rởm chuyển qua hộp thư cho bị hại để yêu cầu chuyển tiền mua hàng nhằm  chiếm  đoạt.

Cơ quan Công an khuyến cáo,  mọi người cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi tiến hành giao dịch. Người bán chỉ nên chuyển hàng cho người mua sau khi đã kiểm tra chắc chắn rằng tài khoản ngân hàng đã nhận được tiền. Cần chú ý với những giao dịch diễn ra vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Các đối tượng lừa đảo thường chọn những thời điểm này để lấy lý do ngân hàng nghỉ làm việc nên tiền chưa vào tài khoản. Cách tốt nhất là liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc ra cây ATM kiểm tra số dư tài khoản trước khi chuyển hàng.

H.Vũ
.
.