Trò lừa khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại tái xuất:

Mua tài khoản Facebook bị đánh cắp để lừa đảo

Thứ Tư, 17/02/2016, 16:35
Chiêu lừa khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại mang tên “ông chú ở Viettel” từng hoành hành người dùng Facebook và trở thành trò lừa đảo đình đám nhất trên mạng xã hội năm 2014. Với sự vào cuộc của Cảnh sát công nghệ cao, một loạt đối tượng “cháu ông chú Viettel” đã bắt giữ, truy tố và xét xử trước pháp luật. Thế nhưng, thủ đoạn lừa đảo này vẫn tái diễn với những chiêu thức mới.

Đặc biệt, thay vì đăng tin nhắn lừa đảo trên các trang Facebook có nhiều người theo dõi như trước đây, các đối tượng đã bỏ tiền ra mua hàng chục nghìn tài khoản Facebook cá nhân bị đánh cắp để thực hiện việc “dội bom” tin nhắn khiến không ít người tiếp tục sập bẫy…

Khuyến mãi khủng của "Bộ Viễn thông Việt Nam" (!)

Ngày 12-2, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, PC50 vừa triệt phá ổ nhóm thiết lập hàng loạt trang web lừa đảo khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại của các nhà mạng, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam kẻ cầm đầu ổ nhóm lừa đảo là Nguyễn Tùng Dương (SN 1997) ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Quá trình điều tra làm rõ, từ tháng 1 đến tháng 10-2015, Nguyễn Tùng Dương  cùng Nguyễn Viết Anh (SN 1995), Đào Thanh Hà (SN 1989) và Trần Thành Công (SN 1997), cùng ở Sóc Sơn, Hà Nội thiết lập 6 website có tên miền: www.thecaoxuan2015.com, napthexuan2015.com, sukiennapthe.com, eventnapcard.com, sukiennapcard, autoaddmem.cf có nội dung lừa đảo chương trình khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại không có thật nhằm chiếm đoạt tiền thẻ cào của những người nạp thẻ vào các website trên.

Với vai trò cầm đầu, Nguyễn Tùng Dương phân công Viết Anh, Hà và Công thực hiện spam thông báo "chương trình khuyến mãi nạp thẻ" đến các tài khoản mạng xã hội Facebook nhằm thu hút người truy cập và nạp thẻ vào các website lừa đảo. Để nhiều người biết đến spam thông báo này, Dương phải mua danh sách  80.000 tài khoản Facebook  của Đoàn Thanh Bình (SN 1993), sinh viên một trường đại học tại Hà Nội và một đối tượng khác trên mạng với giá 500 đồng/tài khoản.  Số tài khoản Facebook này được Bình đánh cắp  bằng phương pháp Fishing (tạo đường dẫn giả mạo giao diện đăng nhập Facebook để lấy trộm tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản).

Sau khi mua các tài khoản Facebook bị đánh cắp, Dương tải đoạn mã để tự động truyền tải thông tin liên tục đến người dùng Facebook (code spam facebook) trên trang www.codefacebook.com), chỉnh sửa cho phù hợp với các website lừa đảo do Dương tạo ra rồi giao cho Hà, Viết Anh và Công tiến hành việc spam. Với  80.000 tài khoản mua được trên, các đối tượng đã thực hiện "chiến dịch dội bom tin nhắn" vào danh sách bạn bè  của từng tài khoản Facebook bị đánh cắp khiến tin nhắn lừa đảo bung ra theo cấp số nhân, tràn lan trên mạng xã hội.

Tùy từng thời điểm, các đối tượng sẽ đưa ra nội dung tin nhắn lừa đảo phù hợp để giăng bẫy người dùng Facebook. Như dịp lễ 30-4-2015, nhóm lừa đảo này đã tung ra tin nhắn có nội dung: "Tin vui cho những ai đang dùng mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone. Nhân dịp 30-4-2015, tất cả 3 nhà mạng đều đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại nạp thẻ dành cho các nhân viên đang làm trong 3 nhà mạng thông qua hệ thống website thanh toán trực tuyến. Từ ngày… đến ngày… khi nạp thẻ trên hệ thống sẽ được khuyến mại x10 lần thẻ nạp. Chương trình này chỉ những người làm trong 3 nhà mạng mới biết. Ai có người nhà hay người quen làm ở đây thì sẽ rõ. Mình có bà chị làm ở Mobiphone nên bà ấy chỉ cho. Mình có mua 1 thẻ 200k Viettel nạp và đã được khuyến mại. Hiện tại tài khoản của mình đã hơn 2 triệu rồi. Mình chụp ảnh cho các bạn xem luôn nè. Đầu tiên truy cập website evennapcard.com. Khi nào website hướng dẫn nạp tiền: Bước 1- Chọn nhà mạng cần nạp, sau đó nạp chính xác số điện thoại, nhập mã thẻ, số sêri  và ấn nạp tiền là xong. Bước 2 - Chờ một phút rồi kiểm tra tài khoản… Chú ý khi nạp thẻ có mệnh giá trên 100.000 đồng sẽ được miễn phí 1 tháng dịch vụ của các nhà mạng và mỗi tháng được cộng 50.000 đồng vào tài khoản khuyến mãi và 100 sms trong 12 tháng. Mau chóng nạp và chia sẻ cho các bạn cùng hưởng khuyến mại này nhé".

Sau khi chiêu trò "ông chú Viettel", "bà chị Mobiphone", "bà cô Vinaphone" bị vạch trần, nhóm của Dương lại nghĩ ra kịch bản lừa mới. Lần này, các đối tượng đưa ra kế hoạch khuyến mãi "khủng" ở cấp… Bộ: "Bộ Viễn thông Việt Nam triển khai tặng 500% giá trị thẻ nạp. Đối tượng tham gia: Thuê bao thực hiện nạp thẻ là thuê bao di động trả trước hoặc trả sau đang có sử dụng dịch vụ Bankplus nằm trong danh sách, thuê bao thực hiện nạp thẻ là thuê bao di động trả trước đang hoạt động. Nội dung khuyến mại: Tặng 500% giá trị nạp tiền cho thuê bao nạp tiền tại eventnapcard.com, trong đó 50% giá trị cộng vào tài khoản khuyến mãi, 50% giá trị cộng vào tài khoản khuyến mãi nội mạng. Lưu ý: Mỗi thuê bao Bankplus nạp tiền và thuê bao nhận tiền chỉ được hưởng khuyến mại 1 lần đầu nạp thẻ; Giá trị khuyến mại tối đa 500.000 đồng, lưu ý: khuyến mãi 500% chỉ áp dụng cho thẻ nạp trên 50.000 đồng".

Đối tượng Đào Thanh Hà và Nguyễn Viết Anh.

Nếu tinh ý, những người đọc được nội dung tin nhắn lừa đảo trên sẽ nhận ra rằng, chẳng có cơ quan Bộ nào có tên là "Bộ Viễn thông Việt Nam" như nhóm lừa nghĩ ra. Tuy nhiên, món lợi "tặng khuyến mãi 500%" đã khiến không ít người lao vào làm theo hướng dẫn nạp thẻ mà không cần biết thông tin đó có xác thực hay không. Và những kẻ lừa đảo giống như người đi câu. Sau khi thả mồi, rắc thính, chỉ việc ngồi đợi tiền nạp thẻ cào của nạn nhân "chảy" vào tài khoản.

Để chiếm đoạt tiền của người bị lừa nạp thẻ, Dương lập 8 tài khoản trên hệ thống cổng thanh toán ngân lượng, tích hợp vào các website lừa đảo thẻ cào. Khi người dùng Facebook  nạp thẻ, thông tin thẻ nạp sẽ tự động nạp vào các tài khoản ngân lượng trên với tỷ lệ chiết khấu đối với hệ thống là 20-30%. Để chuyển đổi tiền nạp thẻ sang tiền mặt, Dương mua thẻ visa ảo nạp vào 4 tài khoản trên hệ thống cổng thanh toán Bảo Kim rồi chuyển tiền về các tài khoản mở tại ngân hàng hoặc thông qua các đối tượng làm dịch vụ đổi tiền ảo trên hệ thống cổng thanh toán Bảo Kim để rút tiền mặt.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, với phương thức trên, Nguyễn Tùng Dương cùng các đối tượng trong ổ nhóm đã chiếm đoạt  463 triệu đồng, trong đó đã rút được 312 triệu đồng tiền mặt. Dương chia cho Hà, Công và Viết Anh trên 60 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt sử dụng chi tiêu cá nhân.

Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo

Thượng tá Hà Thị Hằng,  phân tích, tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại, tin nhắn trúng thưởng xe máy, tiền mặt vẫn là những chiêu trò lừa đảo phổ biến trên các mạng xã hội. Về bản chất, các hình thức lừa đảo này là giống nhau, chỉ khác nhau về cách thức lừa đảo. Các đối tượng đã đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người dùng mạng xã hội mong muốn nhận được những phần thưởng có giá trị lớn, những món quà khuyến mãi một cách bất thường...

Trong năm 2014, thủ đoạn của các đối tượng là nhắn tin spam hoặc đăng tin nhắn lừa đảo rồi tag hoặc đăng tải lên những trang Facebook có lượng người theo dõi lớn như các trang kinh doanh online, các hội nhóm có đông thành viên, Facebook của những người nổi tiếng hoặc hack tài khoản Facebook của người khác, chiếm quyền điều khiển rồi nhắn tin lừa đảo, tag vào danh sách bạn bè của tài khoản bị hack...  Sau khi thủ đoạn này bị vạch trần, hình thức lừa đảo nạp thẻ điện thoại lại biến tướng dưới dạng tạo các website giả mạo trang nạp thẻ được thiết kế bài bản về hình ảnh, tin tức, thông tin liên hệ; nhái logo, giao diện của những trang web, cổng thanh toán nạp tiền trực tuyến, thậm chí còn đăng những dòng cảnh báo người dùng về website lừa đảo nặc danh khác khiến người dùng tin tưởng.

Năm 2015, PC50 Công an Hà Nội đã phát hiện và công bố gần 100 website lừa đảo, mạo danh các tổ chức nhắn tin trúng thưởng xe máy SH, Liberty, tiền mặt... qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin cá nhân, gửi tiền làm thủ tục nhận thưởng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Công an khuyến cáo, trước những chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay, người dùng cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo để sàng lọc trước những  thông tin quà tặng, khuyến mãi một cách bất thường. Theo quy định, khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại của các nhà mạng hiện nay đều không quá 50% giá trị thẻ nạp nên những thông tin khuyến mãi gấp 10, 20 lần hay 500% đều là lừa đảo.

Để xác minh thông tin khuyến mãi có chính xác hay không, người dùng nên gọi trực tiếp tới tổng đài của các nhà mạng để kiểm tra. Thông thường các chương trình khuyến mãi của nhà mạng được gửi qua tin nhắn tới điện thoại của người dùng chứ không thông báo qua mạng Facebook.

Khi nạp tiền, chỉ nạp trực tiếp cho số điện thoại của chính mình, không nạp vào các trang web bởi toàn bộ số tiền đó sẽ được nạp thẳng vào tài khoản game của các đối tượng lừa đảo. Không nhập các thông tin cá nhân, không nhập mật khẩu các tài khoản Facebook, Zalo lên các trang web lạ, các trang web yêu cầu người dùng đăng nhập lại tài khoản... để tránh tội phạm lợi dụng lấy cắp tài khoản sử dụng vào mục đích xấu.

Khởi tố 2 đối tượng chuyên sản xuất, bán giấy khám sức khỏe giả trên mạng xã hội

Đội 6 Phòng PC50 Công an Hà Nội vừa phối hợp Cơ quan CSĐT (PC45) khám phá 2 vụ sản xuất, bán giấy khám sức khỏe, chứng nhận sức khỏe giả mạo các bệnh viện (BV) lớn trên địa bàn Hà Nội. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tiến Sáng (SN 1992, ở Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội), nhân viên Công ty CP Hoa Sao và Trần Đức Việt (SN 1992), sinh viên một trường đại học về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo Cơ quan điều tra, tháng 12-2015, thấy nhiều người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe trên mạng, Sáng nảy ra ý định làm giả các loại giấy tờ trên để bán. Sáng lên mạng đặt mua 1 dấu trong của BV Giao thông vận tải Trung ương, 7 dấu tên chức danh bác sĩ, 5 dấu khoa khám bệnh tại các bệnh viện khác nhau, 1 dấu chứng nhận đủ sức khỏe, 1 dấu thể hiện xét nghiệm âm tính và 200 bản photo các biểu mẫu khám chức bệnh của BV Giao thông vận tải Trung ương.

Đối tượng Nguyễn Tiến Sáng và Trần Đức Việt.

Với số "đồ nghề" trên, Sáng tự ký giả tên các bác sĩ theo bộ dấu đã mua rồi rao bán trên Facebook cá nhân có nick name "caxau". Bước đầu Sáng khai nhận đã bán các loại giấy khám sức khỏe trên với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng/bản, thu về 15 triệu đồng.

Tương tự như vậy, tháng 5-2015, qua mạng xã hội Facebook,  Trần Đức Việt quen  đối tượng tên Dũng  chuyên buôn bán các loại giấy tờ khám sức khỏe trên mạng nên xin làm "cộng tác viên" môi giới, tiêu thụ giấy tờ giả cho đối tượng này.

Đến tháng 6-2015, Dũng gạ bán lại bộ dụng cụ làm giấy khám sức khỏe giả cho Việt với giá 5 triệu đồng, gồm 3 dấu tròn mang tên các BV: Giao thông vận tải, BV Bạch Mai và BV Thăng Long, 13 dấu tên chức danh bác sĩ, 3 dấu mẫu chữ ký, 1 dấu khoa khám bệnh BV Bạch Mai, 1 dấu xét nghiệm thể hiện âm tính và 4 dấu xác nhận đủ điều kiện sức khỏe. Sau khi mua số con dấu giả trên, Việt đã "sản xuất" và bán khoảng 300 tờ giấy khám sức khỏe giả các loại, hưởng lợi trên 15 triệu đồng.

Hương Vũ
.
.