Mua vé máy bay giá rẻ gặp… lừa đảo

Thứ Năm, 06/02/2014, 17:00

Giả làm nhân viên công ty du lịch chuyên làm dịch vụ mua bán vé máy bay, Lê Hoa Huyền đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua vé máy bay tập thể, gạ gẫm bán vé giá rẻ. Hàng chục người khi ra sân bay mới ngã ngửa vì mắc bẫy kẻ  lừa đảo…

Ra sân bay mới biết bị lừa

Ngày 13/1/2014, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng thông tin, truyền thông (Đội 3), PC50 Công an Hà Nội cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Hoa Huyền (28 tuổi) ở tập thể Bộ Giao thông vận tải, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ, chiếm đoạt tiền số lượng lớn.

Quá trình điều tra làm rõ tháng 3/2013, biết cán bộ nhân viên Công ty 2 thuộc Tổng công ty Vinaconex có nhu cầu mua vé máy bay tập thể đi nghỉ mát tại Nha Trang, Lê Hoa Huyền lấy tên giả là Lê Ngọc Anh  đến lừa đảo tiếp thị bán vé máy bay. Huyền tự giới thiệu là nhân viên một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành V.Đ. có trụ sở ở phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, chào bán vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Nha Trang của Tổng công ty Hàng không Việt Nam với giá 3,5 triệu đồng/vé người lớn; 2,6 triệu đồng/vé trẻ em và 200.000 đồng/vé em bé.

Huyền cho biết do công ty chuyên kinh doanh du lịch nên mới có thể đặt mua vé  giá rẻ từ 1,5-2 triệu đồng/vé khứ hồi so với giá bán ra từ đại lý của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Kiểm tra giá vé bán của các đại lý trên mạng, thấy giá vé mà Huyền đưa ra rẻ hơn rất nhiều nên chị Nguyễn Thanh H., nhân viên Công ty 2 đã đặt mua 34 vé gồm cả người lớn và trẻ em cho đoàn đi nghỉ mát Nha Trang vào ngày 7/6/2013 với tổng giá trị 109,4 triệu đồng, trong đó ứng trước cho Huyền 79,4 triệu đồng.

Huyền hứa đến ngày 28/4/2013 sẽ chuyển vé cho chị H. Khi nhận tiền, Huyền dùng phiếu thu tiền giả  con dấu của Công ty du lịch V.Đ nên chị H. không nghi ngờ gì. Tuy nhiên đến hẹn, Huyền không đưa vé và lấy lý do khất lần.

Đến đầu tháng 6/2013, chị H. vẫn chưa thấy Huyền đưa vé nên sốt ruột điện thoại liên tục. Huyền nghĩ kế đối phó bằng cách đến một đại lý bán vé máy bay của Vietnam Airlines trên phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, đặt mua 35 vé  máy bay khứ hồi Hà Nội - Nha Trang. Lấy lý do đặt mua vé hộ một người bạn đang đi công tác, Huyền đề nghị nợ tiền đặt mua vé và hứa 2 ngày trước khi đoàn bay sẽ thanh toán đầy đủ.

Mắc bẫy kẻ lừa đảo, chị Phùng Hải D., nhân viên phòng vé này đã tự bỏ tiền túi ứng trước 27 triệu đồng để đặt mua 35 vé theo yêu cầu của Huyền và được Vietnam Airlines xác nhận việc đặt mua này trên hệ thống bán vé qua mạng. Lê Hoa Huyền đã sử dụng việc xác nhận đặt chỗ trên gửi code vé máy bay vào hộp thư điện tử của chị Nguyễn Thanh H..  Kiểm tra thông tin qua tổng đài của Vietnam Airlines xác nhận đúng có việc đặt vé trên, chị H. đã chuyển nốt 30 triệu đồng cho Lê Hoa Huyền.

Ngày bay, chị Nguyễn Thanh H. dẫn đoàn nghỉ mát của công ty ra sân bay Nội Bài. Làm thủ tục cho đoàn, chị H. mới ngã ngửa khi được thông báo rằng do phía người đặt mua vé không trả tiền nên trước đó hãng hàng không đã hủy toàn bộ chuyến bay của đoàn. Mấy chục con người rồng rắn với đống hành lý trên tay đã sẵn sàng lên đường.

Không thể để mọi người về nhà, chị H. phải thu xếp thuê khách sạn cho cả đoàn nghỉ tạm rồi  bỏ tiền túi trên 140 triệu đồng mua vé cho cả đoàn đi Nha Trang theo lịch trình. Liên lạc với Huyền, cô ta vẫn leo lẻo nói rằng do sự cố nên bị hủy chuyến, hứa khi nào đoàn đi nghỉ về sẽ trả lại tiền. Sau chuyến nghỉ mát, Huyền tắt toàn bộ 2 số điện thoại, lẩn trốn.

Chị Nguyễn Thanh H. phải mất rất nhiều thời gian và công sức tìm mới bắt giữ được Lê Hoa Huyền đưa đến Cơ quan Công an tố cáo hành vi lừa đảo của cô ta.

Tại Cơ quan Công an, Huyền đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Thực tế cô ta chẳng có nghề nghiệp gì, cũng không làm việc tại công ty du lịch nào. Phiếu xuất vé máy bay do Huyền tự thảo ra. Con dấu đã thu tiền Huyền khai mua tại phố Tô Tịch, quận Hoàn Kiếm, sau đó đã vứt đi để phi tang. Hiện vụ việc đã được Đội 3 PC50 chuyển tới Cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ thêm bị hại đã bị Lê Hoa Huyền lừa đảo.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa bán vé máy bay rẻ dịp Tết

Trung tá Hà Thị Hằng, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội khuyến cáo, từ vụ việc trên, những đơn vị, cá nhân có nhu cầu mua vé máy bay cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn bán vé giá rẻ của các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong thời gian "cao điểm" về nhu cầu đi lại dịp trước  và sau Tết Nguyên đán 2014. Mới đây, Vietnam Airlines (VNA) cũng đã cảnh báo thủ đoạn  lừa đảo chào bán vé máy bay giá rẻ trên mạng Internet qua các trang mạng xã hội hoặc các website có thông tin quảng cáo hấp dẫn như "giá rẻ nhất", "lúc nào cũng có chỗ"…

Thủ đoạn của đối tượng  là mua vé VNA hạng thương gia hoặc hạng phổ thông đúng ngày giờ và tên của khách, thực hiện thanh toán như thường và gửi vé để khách kiểm tra với tổng đài. Khách hàng kiểm tra thông tin trùng khớp và yên tâm vì đã có tấm vé đi vào dịp tết rẻ hơn bình thường. Do đó, nhiều người cảm thấy đã đủ yên tâm và thực hiện việc chuyển tiền cho bên bán. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo lập tức yêu cầu làm thủ tục trả vé để được hoàn tiền. Kết quả là không ít hành khách ra đến sân bay mới biết vé đã bị hủy.

Hiện tượng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ xảy ra cả với 2 hãng hàng không VietJet Air (VJA) và Jetstar Pacific. Trước đây, ngành hàng không quy định không được sang nhượng, đổi tên trên vé, trừ trường hợp bất khả kháng. Quy định này được cho là quá chặt chẽ, đặc biệt là với hãng hàng không giá rẻ vì chính sách của họ là không hoàn, hủy vé. Do đó, VietJet Air và Jetstar Pacific đã áp dụng chính sách cho phép hành khách đổi tên. Điều kiện vừa nới ra, lập tức trên thị trường đã nảy sinh chiêu lừa đảo tương ứng.

Đại diện VJA cho biết, giá vé máy bay dịp Tết Giáp Ngọ 2014 của hãng đang có mức phổ biến là 2,975-3,173 triệu đồng/vé/lượt chặng TP HCM - Hà Nội nhưng trên mạng, có những đối tượng đang chào bán chỉ 1,2-1,5 triệu đồng/vé/lượt. Với 1 chiếc vé này, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Đó là vé thật, chỉ cần đổi tên là có thể bán được cho người khác với mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.

Hình thức lừa đảo vé máy bay giá rẻ khác là người bán vé nhận tiền, giao vé cho khách với thông tin đầy đủ về chuyến bay, code đặt chỗ, tổng số tiền thanh toán… Nhưng thực chất đó chỉ là thông tin về mã đặt chỗ, người bán vé tự copy  ra bản word rồi tự điền thêm các thông tin khác giống như một tấm vé thật. Trò lừa này xuất phát từ chính sách của các hãng giá rẻ cho phép thanh toán trong vòng 24 giờ kể từ khi đặt chỗ nên có đại lý đặt vé cho khách nhưng không trả tiền thanh toán. VJA đã khuyến cáo hành khách cần kiểm tra thông tin vé máy bay qua tổng đài 19001886 hoặc website vietjetair.com.

Ngoài ra, đối với khách bay chặng quốc tế, đã xảy ra hiện tượng lừa đảo bán vé máy bay được mua bằng "cc chùa" (thông qua việc trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của người khác). Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nga (VNMOW) cho hay, sự việc xuất phát từ việc xuất hiện một diễn đàn (forum) có địa chỉ http://forum.awd.ru/.

Trên diễn đàn này, một số thành viên quảng cáo giảm giá vé của Vietnam Airlines tới 30% và hướng dẫn khách hàng lên website của Vietnam Airlines tìm kiếm hành trình, giá vé và đăng ký mua vé qua địa chỉ vietnamairlines@hushmail.... Sau khi lựa chọn được hành trình, hành khách sẽ thanh toán qua hình thức chuyển tiền theo hướng dẫn của các thành viên trong diễn đàn mạng. Theo đó, các thành viên này sẽ mua vé cho khách qua website của Vietnam Airlines, khách hàng sẽ nhận được e-mail xác nhận xuất vé từ website của Vietnam Airlines.

Theo VNMOW, hiện đã có 15-20 khách hàng đăng ký mua vé máy bay của Vietnam Airlines qua diễn đàn này. Và qua kiểm tra một số trường hợp do VNMOW cung cấp với Vietcombank (ngân hàng thanh toán của VNA), các giao dịch này đều được thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế. Tên của chủ thẻ thực sự không phải là tên chủ thẻ ghi trên vé (được điền khi thực hiện giao dịch trên website VNA). Chủ thẻ xác nhận không thực hiện các giao dịch này. Đây là các giao dịch giả mạo. Như vậy, với hình thức lừa đảo này, thiệt hại kinh tế xảy ra cả với khách hàng và hãng hàng không.

Để phòng ngừa hiện tượng lừa đảo bán vé máy bay, Cơ quan Công an cho rằng khách hàng nên  tự đặt vé thì mới có quyền sở hữu thực sự tấm vé đó. Hiện nay vé của các chuyến bay không phải là khan hiếm như mọi người lầm tưởng. Tránh trường hợp một số khách hàng sau khi mua vé qua mạng đã bị người giả danh đại lý lừa biến mất... không dấu vết, nên  mua vé ở các đại lý chính thức của hãng. Danh sách đại lý chính thức đều có trên website của mỗi hãng.

Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức thì nên xem thông tin kỹ trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Khi mua vé cần lấy phiếu thu, hóa đơn  để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Trong trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng, khách hàng cần thực hiện xác thực thẻ (tại sân bay hoặc phòng vé nơi gần nhất) để đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ.

Đối với khách hàng mua vé điện tử qua thẻ tín dụng, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ. Do đó, khách hàng cần bảo mật về các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của mình. Để tránh rủi ro, khách hàng chỉ nên thực hiện mua vé qua mạng ở các đại lý chính hãng có uy tín và trước khi xuất tiền, hãy kiểm tra lại một lần nữa về tư cách pháp nhân cũng như độ tin cậy của các đại lý bán vé máy bay.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà nên liên hệ trực tiếp với hãng để kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo

H.V.
.
.