Mỹ: FBI tuyên bố khám phá vụ trộm tranh lớn nhất
Ngày 18/3 vừa qua, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đưa ra một tuyên bố đặc biệt, trong đó khẳng định đã khám phá ra vụ trộm bảo tàng lớn nhất trong lịch sử nước này. Theo đó, các điều tra viên đã xác định được danh tính của những tên trộm cả gan lấy đi một loạt các tác phẩm nghệ thuật trị giá tương đương khoảng 500 triệu USD…
Còn nhớ vụ trộm Bảo tàng Isabella Stewart Gardner tại Boston được đánh giá là vụ trộm tranh lớn nhất và táo tợn nhất kể từ thời vụ đánh cắp tuyệt phẩm Mona Lisa hồi đầu thế kỷ XX. Khoảng giữa đêm ngày 18/3/1990, hai tên tội phạm trong trang phục cảnh sát đã xuất hiện yêu cầu mở cửa bảo tàng. Chúng còng tay và bịt miệng hai nhân viên bảo vệ cả tin, xích họ vào các đường ống dưới tầng hầm trước khi thoải mái hành sự.
Bọn chúng sau đó đã ung dung "lựa chọn" các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong suốt 81 phút (cần nhớ là vụ trộm bảo tàng lớn gần đây nhất tại Rotterdam vào tháng 10/2012 chỉ kéo dài có 1 phút rưỡi). Những tác phẩm bị đánh cắp ước tính có tổng trị giá cả nửa tỉ USD: trong đó các tác phẩm "Concert" của Jan Vermeer (trên khắp thế giới chỉ biết đến khoảng hơn 35 bức tranh của thiên tài người Hà Lan này); 3 tác phẩm của Rembrandt (trong đó có bức tranh phong cảnh biển duy nhất của ông); một tác phẩm của Govert Flinck, một bức tranh của Edouard Manet, 5 bức của Edgar Degas cùng 1 chiếc bình cổ từ đời nhà Thương (Trung Quốc). Hai tên trộm rõ ràng là những kẻ không hiểu biết gì về nghệ thuật: hai tác phẩm của Rembrandt bị chúng làm hư hại bằng cách cắt rời khỏi khung.
Thông tin gây chấn động mới đây của FBI qua tường thuật của các hãng thông tấn gồm có 3 điểm chính. Thứ nhất, FBI biết được tên tuổi những tên tội phạm đã đột nhập lấy tranh của bảo tàng. Thứ hai, chúng là thành viên của một tổ chức tội phạm đang hoạt động ở khu vực đông bắc nước Mỹ. Cuối cùng là sau vụ trộm, các tác phẩm nghệ thuật được chuyển tới một khu vực do mafia kiểm soát ở Connecticut và vùng ngoại ô Philadelphia.
Điểm tập trung cuối cùng của tất cả các kiệt tác là Philadelphia, nơi những tên trộm tìm cách tiêu thụ chúng. Do quá trình điều tra trên thực tế vẫn đang tiếp tục, FBI đã không tiết lộ tên tuổi bọn trộm cũng như tổ chức của chúng. Đáng tiếc là nơi cất giấu những bức tranh hiện nay vẫn chưa được làm rõ.
Theo tờ The Boston Globe, cách đây không lâu các nhà điều tra bắt đầu quan tâm tới nhân viên bảo vệ đã mở cửa cho những tên cướp đột nhập vào. Một loạt câu hỏi đã được đặt ra. Chẳng hạn như vì sao các thiết bị dò chuyển động trên tầng thứ nhất của bảo tàng (là nơi bị mất bức họa của Manet) lại chỉ ghi nhận được bước chân của một người - đó là tay nhân viên bảo vệ Richard Abath? Vì sao Abath đã mở và ngay lập tức đóng lại cửa vào bên hông của bảo tàng chỉ vài phút trước khi những tên cướp bấm chuông ở cửa chính - liệu đó có phải là tín hiệu thông báo cho bọn tội phạm?
Nhưng xét cho cùng, manh mối trên vẫn chưa dẫn tới kết quả cụ thể nào. Abath đã được triệu tập thẩm vấn lại vào mùa thu năm 2012, nhưng rồi vẫn được cho phép tự do, tiếp tục làm phụ giảng tại Vermont và tham gia các cuộc phỏng vấn của báo chí.
Khung tranh tại bảo tàng Isabella Stewart Gardner sau vụ trộm. |
Theo lời kể của anh ta, vào thời điểm năm 1990 đó, anh ta chỉ là một tay chơi nhạc rock 23 tuổi, làm bảo vệ ban đêm chỉ để "kiếm tiền cho vui". Vào đêm hôm xảy ra vụ cướp, anh ta không mặc bộ đồng phục bảo vệ, mà lại đội một chiếc mũ cao bồi kiểu như một kẻ lêu lổng gây mất trật tự. Những tên trộm giả dạng cảnh sát nói rằng, họ nhận được lời phàn nàn về tiếng ồn tại đây, và thậm chí còn có cả trát bắt giữ Abath.
Cựu nhân viên bảo vệ này cũng khẳng định, anh ta đóng sập cửa vào bên hông chỉ để kiểm tra xem đã được khóa chắc hay chưa, còn chuyện máy dò không phát hiện được những tên cướp thì anh ta không thể hiểu tại sao. Cần biết là Abath đã trải qua hai lần kiểm tra qua máy phát hiện nói dối và đều vượt qua được.
Trong khi đó, buổi họp báo có tuyên bố về việc khám phá ra vụ cướp lại diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 23 năm ngày xảy ra vụ việc này - một thực tế khiến nhiều người nghi ngờ đó chỉ là một kiểu "báo cáo thường niên". Các kết quả của "việc phanh phui vụ tội phạm thế kỷ" cũng đều rất mập mờ nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo: nơi cất giấu các bức tranh chưa được biết, tên tuổi của những tên tội phạm chưa được tiết lộ và chúng cũng chưa bị bắt. Và nếu như thủ phạm thực sự bị phát hiện, chúng sẽ không bị truy tố hình sự do thời hạn đã hết theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, mặc dù FBI tỏ ra tương đối tự tin khi khẳng định đã làm rõ tên tuổi của những tên tội phạm, nhưng cơ hội để thu hồi những bức tranh lại tỏ ra rất mù mờ, khi ít nhất giới điều tra đã phải công khai kêu gọi sự giúp đỡ trực tiếp của các công dân.
Trên trang web của FBI vào đúng dịp 23 năm ngày xảy ra vụ cướp có đăng một thông báo đặc biệt với hình ảnh tất cả các bức tranh bị lấy cắp cùng với câu hỏi: "Bạn đã bao giờ nhìn thấy những bức tranh này treo ở phòng khách nhà người quen mình chưa?". FBI còn lên kế hoạch cho dán một loạt thông báo với hình ảnh các bức tranh tại Philadelphia và các vùng ngoại ô, cũng như nhờ tới sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bức tranh phong cảnh biển duy nhất của Rembrandt bị mất trong vụ trộm. |
Kèm theo những thông báo trên còn là những phần thưởng khá hậu hĩnh. Chẳng hạn như treo giải 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp lấy lại các tuyệt phẩm bị đánh cắp, trong đó người cung cấp thông tin nặc danh cũng có thể nhận giải thưởng qua luật sư của mình. Còn những kẻ đã dính líu vào vụ tội phạm trên muốn khai nhận và tiết lộ về các tòng phạm của mình sẽ được đảm bảo quyền miễn truy tố, tất nhiên với điều kiện phải hoàn trả lại các bức tranh.
Việc FBI tăng cường "công tác PR" cho vụ điều tra trên cũng không phải là điều quá mới. Cách đây 3 năm, đúng vào dịp tròn 20 năm diễn ra vụ trộm, cơ quan này cũng tuyên bố đang đẩy mạnh hoạt động điều tra nhằm khám phá vụ trộm bảo tàng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong biên chế của FBI hiện đang có một ban đặc biệt gồm 14 nhân viên chuyên điều tra về các vụ trộm cắp sản phẩm nghệ thuật, phần lớn hoạt động của bộ phận này tất nhiên chỉ tập trung cho vụ án thế kỷ tại bảo tàng Isabella Stewart Gardner