Mỹ: Hai phạm nhân được tha bổng sau 30 năm bị giam giữ

Thứ Tư, 28/01/2015, 12:45
Tòa án tiểu bang Bắc Carolina ở Mỹ vừa ra phán quyết, tuyên bố trả tự do cho 2 tù nhân bị giam giữ suốt 3 thập niên qua vì thiếu bằng chứng thuyết phục, trở thành vụ án oan sai nổi cộm trong lịch sử hơn 2 thế kỷ tồn tại của tiểu bang này.

Vào cuối tháng 9/1984, Cảnh sát thị trấn Red Springs, quận Robinson, tiểu bang Bắc Carolina, trong quá trình điều tra đã tiến hành bắt giữ 2 anh em cùng mẹ khác cha là Henry Lee McCollum, 19 tuổi và Leon Brown, 15 tuổi, khi họ mới cùng gia đình từ bang New Jersey chuyển đến đây sinh sống chưa đầy một tháng.

Cả 2 bị tình nghi là thủ phạm vụ cưỡng hiếp và sát hại bé gái 11 tuổi Sabrina Buw, rồi vứt xác nạn nhân tại một khu đất trống bên ngoài thị trấn. Thông tin mà cảnh sát có được do đám thanh thiếu niên da trắng ở địa phương cung cấp, bởi họ vốn không ưa hai anh em người da màu sống cùng khu phố.

Sau 5 tiếng đồng hồ thẩm vấn tại đồn cảnh sát mà không có sự hiện diện của luật sư, cũng như người giám hộ, cả 2 đều đặt bút ký vào bản thú tội do điều tra viên soạn sẵn, rằng đã cùng với 2 thanh niên khác trực tiếp gây ra vụ án.

Phiên tòa được mở vào đầu năm 1985, do thẩm phán Joe Freeman Britt ngồi ghế chủ tọa, người vốn nổi danh qua biệt hiệu "chánh án đao phủ" vì hầu hết các bị cáo qua tay ông này xử luôn có mức án cao nhất. Cuối cùng, cả McCollum lẫn Brown đều lĩnh án tử hình, cho dù trước vành móng ngựa họ đã khai rằng bị đe dọa và ép cung trong quá trình thẩm vấn.

Năm 1994, Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn đề nghị xem xét lại vụ án của gia đình phạm nhân, chỉ ân giảm cho L. Brown xuống mức án chung thân dựa theo điều luật cấm kết án tử hình đối với trẻ vị thành niên mới ban hành.
L. Brown bị kết án chung thân về một tội ác mà mình không can dự (ảnh trái) và tử tù H. McCollum bật khóc trong phòng xử khi hay tin được trả tự do.

Năm 2004 và năm 2014 gia đình McCollum tiếp tục gửi đơn khiếu nại, bởi theo luật Mỹ, án tử hình được xem xét lại định kỳ sau mỗi 10 năm nếu tù nhân chưa bị hành quyết. Thẩm phán cao cấp Antonin Scalia thụ lý đơn cho rằng, kẻ giết người không ghê tay McCollum cần phải được loại trừ vĩnh viễn khỏi xã hội, để làm gương cho những tên tội phạm khác. Nhưng người đồng nghiệp của A. Scalia tại Tòa án Liên bang, thẩm phán Harry Blackman, lại nhận thấy có sự khuất tất trong bản án đã tuyên nên quyết định lật lại vụ án.

Quá trình điều tra thẩm phán Blackman dựa trên những chứng cứ đầy thuyết phục, vẫn còn lưu giữ trong hồ sơ truy tố hai nghi can để đưa họ ra xét xử ở cấp sơ thẩm. Trước hết giới điều tra không tìm thấy bất cứ bằng chứng vật lý nào, chứng tỏ sự liên quan của anh em nhà McCollum dẫn đến hành vi phạm tội.

Tại hiện trường chỉ có duy nhất một mẩu đầu lọc thuốc lá, qua xét nghiệm dấu vân tay cho thấy đó là của Roscoe Artis, kẻ từng cư ngụ gần hiện trường đã bị kết tội tử hình về một vụ án hiếp dâm và giết người khác ở Red Springs. Tên này sau được ân giảm xuống án chung thân và hiện vẫn đang thụ án trong tù.

Điều đáng nói thêm là trong quá trình xét xử, viên "chánh án đao phủ" J. F. Britt không hề đả động gì đến 2 thanh niên khác, mà theo các bị cáo đã từng thực hiện tội ác cùng với họ. Còn giới nhân viên điều tra cũng không thèm "nhọc công" tìm kiếm, nhằm xác định xem 2 kẻ tòng phạm đó là ai(?!). Đặc biệt hơn nữa là lời tố cáo bị ép cung trước tòa, lại không được viên chủ tọa lưu ý để yêu cầu điều tra lại...

Bằng chứng quan trọng nhất mà thẩm phán Blackman có được, qua tiểu sử bệnh lý của McCollum cho thấy phạm nhân này bị chứng thiểu năng trí tuệ ngay từ nhỏ. Khi "gây án" lúc 19 tuổi, nhưng trong thực tế trí não của McCollum chỉ phát triển ngang với một đứa trẻ mới lên 9 tuổi.

"Bản án mà chánh án J. F. Britt tuyên là vi hiến! Do đã vi phạm nghiêm trọng điều luật miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người bị bệnh tâm thần và thiểu năng trí tuệ", thẩm phán Blackman quả quyết.

Để thực sự khách quan, Tòa án tiểu bang Bắc Carolina đã chỉ định thẩm phán Douglas Sasar đưa vụ án ra xét xử lại. Phán quyết cuối cùng tuyên bố trả tự do vô điều kiện cho 2 phạm nhân, đã được những người có mặt trong phòng xử đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Riêng ông James McCollum, cha của McCollum thổ lộ với phóng viên tờ The News & Observer rằng: "Cuối cùng công lý đã được thực thi, đáp ứng niềm mong đợi của gia đình tôi suốt 30 năm qua".

Việc minh oan cho tù nhân Brown và McCollum, đã kết thúc một trong những cuộc chiến pháp lý kéo dài nan giải ở tiểu bang Bắc Carolina, vốn tồn tại căng thẳng giữa những người ủng hộ và phản đối mức án tử hình vô nhân đạo.

Trần Hồng (theo The New York Times)
.
.