Mỹ Không khoan nhượng với các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan

Thứ Năm, 11/10/2018, 14:20
Ngày 4-10, Mỹ đã công bố chiến lược chống khủng bố mới, trong đó xác định các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa xuyên biên giới hàng đầu đối với Mỹ và các lợi ích của Washington ở nước ngoài.

Chủ nghĩa cực đoan đang gây ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng hơn

Đây là lần đầu tiên Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố kể từ năm 2011, thời điểm quan điểm chống khủng bố của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hầu hết tập trung vào mối đe dọa do al-Qaeda gây ra sau khi thủ lĩnh tổ chức khủng bố này Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Theo chiến lược mới được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton công bố, Mỹ sẽ tập trung và ngăn chặn những hoạt động hậu thuẫn và tuyển mộ các tay súng khủng bố. Ngoài ra, với ngân sách khổng lồ dành cho quân sự, nước Mỹ sẽ tiếp tục hiện đại hóa các phương tiện chống khủng bố. Bảo vệ an toàn tối đa cho các cơ sở hạ tầng của nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố, tăng cường kiểm soát biên giới, chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống khủng bố với các đồng minh.

Chưa rõ Mỹ có thêm ý đồ riêng gì với Iran khi trong chiến lược mới này cũng đề cập tới Iran. Trong đó, ngoài việc cáo buộc Iran "hậu thuẫn khủng bố", Washington cho rằng "Iran và các nhóm được Tehran bảo trợ như phong trào Hezbollah ở Liban, Hamas và lực lượng thánh chiến Hồi giáo khác tại khu vực Trung Đông đang tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ tập trung vào Iran trong thời điểm này cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với quốc gia Hồi giáo nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Sputnik International.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc Iran chỉ là cái cớ, “giương đông kích tây”. Thực chất nước Mỹ muốn thông qua chiến lược chống khủng bố mới để củng cố “hàng rào” an ninh tại chính nước Mỹ khi mà 17 năm sau vụ tấn công 11-9, chủ nghĩa khủng bố vẫn đe dọa nước Mỹ.

Ông Wayne White, cựu Phó Giám đốc Văn phòng tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chủ nghĩa khủng bố vẫn đe dọa nước Mỹ và cả người dân Mỹ, bởi lẽ các đối tượng khủng bố vốn là một phần trong xã hội Mỹ đã bị cực đoan hóa do tiếp xúc tư tưởng cực đoan của al-Qeada và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hai nhóm khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay.

Nỗi đau từ bên trong và thực tế bên ngoài nước Mỹ

Những nhận định trên không phải là không có cơ sở. Rõ ràng sau thời điểm 11/9, đã xảy ra nhiều vụ tấn công có liên quan đến phần tử cực đoan, song mức độ không nghiêm trọng. Người dân Mỹ chưa quên vụ tấn công bằng bom tự chế tại giải chạy Marathon ở Boston hồi năm 2013 khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Hồi năm 2016, Omar Mateen, một đối tượng người Mỹ bị cực đoan hóa, đã xả súng nhằm vào câu lạc bộ dành cho những người đồng tính ở bang Florida, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Những vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” trở nên phổ biến không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nước châu Âu. Những đối tượng cực đoan chỉ cần công cụ rất đơn giản như một chiếc xe tải hoặc ô tô rồi đâm vào khu vực có nhiều người nhằm gây nhiều thương vong nhất có thể.

Theo ông White, các vụ tấn công quy mô lớn như vụ 11-9 dường như khó xảy ra bởi phần lớn những kẻ cực đoan có âm mưu này dễ bị phát hiện.

Còn Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc chính sách của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống (CSCP) có trụ sở tại Mỹ đưa ra đánh giá bao quát hơn khi cho rằng "vụ tấn công 11-9 nhắc nhở chúng ta rằng không chỉ Mỹ, cả thế giới vẫn đang đối mặt với chủ nghĩa khủng bố".

Trong khi đó, thành viên cấp cao của Quỹ Heritage Robin Simcox nhận định, dù mất quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, IS vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với việc các “chân rết” của nhóm này bám trụ trên khắp Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, al-Qeada đã tăng cường sự hiện diện tại Syria, Yemen, Somalia và vẫn "khao khát" tiến hành vụ tấn công khác nhằm vào Mỹ.

Trong một báo cáo mới đây của Chính phủ Mỹ, chủ nghĩa cực đoan đang gây ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng hơn so với 17 năm trước đó bất chấp việc Washington hao tổn nhiều tiền của trong các cuộc chiến chống khủng bố ở nước ngoài. Theo báo cáo này, số đối tượng khủng bố bị tiêu diệt đã tăng kể từ năm 2001 và chủ nghĩa bạo lực khủng bố ngày càng lan rộng. Một báo cáo khác của Viện Hòa bình Mỹ nhận định sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan đối với Mỹ giờ đây lan rộng sang các nước khác.

Các chuyên gia của viện này cảnh báo nhiều quốc gia ở Trung Đông, vùng Sừng châu Phi và khu vực Sahel, vốn bất ổn, đang phải đối mặt với chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tình trạng này đã làm xói mòn sự ảnh hưởng của Mỹ, tạo điều kiện cho nhiều kẻ cực đoan tiến hành các vụ tấn công và giành quyền kiểm soát lãnh thổ.

Báo cáo nhận định: mối đe dọa khủng bố toàn cầu ngày càng phức tạp. Với thất bại cận kề tại Iraq và Syria, tổ chức khủng bố IS đã tạo ra những "chân rết" tại nhiều khu vực trên thế giới và khiến việc đối phó với nguy cơ tấn công khủng bố toàn cầu trở nên phức tạp hơn. Báo cáo mới công bố ngày 19-9 của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình khủng bố năm 2017 nêu rõ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, IS và nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Jihad đã trở nên phi tập trung và đang ứng dụng những công nghệ mới như sử dụng vũ khí hóa học đơn giản, các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ... để có thể tiến hành tấn công từ xa.

Chủ nghĩa khủng bố và các phong trào Hồi giáo cực đoan vẫn đe dọa an ninh toàn thế giới. Ảnh: YouTube.

Báo cáo chỉ rõ: "Các tổ chức này đã chia nhỏ và lui vào hoạt động bí mật, chuyển hướng hoạt động sang môi trường Internet - kêu gọi những đối tượng thánh chiến đang náu mình tấn công khủng bố. Và hệ quả là chúng trở nên ít bị tổn thương hơn so với hoạt động quân sự truyền thống. Ngoài ra, việc các phần tử khủng bố về nước sau một thời gian cầm súng ở nước ngoài cũng góp phần tạo ra những mạng lưới khủng bố được gắn kết, phức tạp và có kinh nghiệm hơn, có thể lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công khủng bố".

Không thể coi nhẹ sự nguy hiểm của các tổ chức khủng bố

Điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ về chống khủng bố, Nathan Sales cho biết, số lượng các vụ khủng bố trên toàn cầu đã giảm 23% và số người thiệt mạng do khủng bố cũng giảm 27% trong năm 2017 so với năm trước đó. Lý do là IS bị đánh bại tại chiến trường Iraq, nơi các lực lượng liên minh và chính phủ đã giành lại phần lớn lãnh thổ mà các tay súng này từng kiểm soát.

Tuy nhiên, IS đang chuyển địa bàn hoạt động khỏi Trung Đông, tái hợp lực lượng và thiết lập mạng lưới ở những nơi khác, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, các "chân rết" của IS đã tiến hành tấn công khủng bố nhằm vào Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ai Cập, Mỹ và Philippines...

IS hiện đang đe dọa nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, sau một thời gian bị IS "lấn lướt", mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đang dần trở lại là mối đe dọa tiềm tàng trên phạm vi toàn cầu. Theo các chuyên gia, nếu IS và al-Qaeda “bắt tay” nhau, sẽ thực sự là thảm họa của cả thế giới. Việc quan trọng nhất lúc này là ngăn điều đó xảy ra bằng mọi cách. Chiến lược mới của Mỹ ra đời được mô tả có cả nhiệm vụ trên.

Cho dù Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận sự hợp tác toàn cầu gia tăng trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ, Nga và các nước khác đã đạt bước tiến lớn trong cuộc chiến chống IS nói riêng và nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan nói chung, song, cuộc chiến chống những phần tử thánh chiến này sẽ bước sang một giai đoạn mới khốc liệt hơn.

Giáo sư chuyên ngành Chính trị và Chính sách công Patrick Dunleavy, làm việc tại Trường Kinh tế London, nhấn mạnh: “Điều không may là những mầm mống khủng bố còn lâu mới bị xóa sổ”. IS đã mất hầu hết các vùng lãnh thổ chúng chiếm giữ, khiến tham vọng về việc xây dựng một “caliphate” (vương quốc Hồi giáo) sụp đổ hoàn toàn. Việc tiêu diệt “caliphate” về mặt vật chất đồng nghĩa với việc mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ rẽ sang một hướng khác hoàn toàn.

Giờ đây, thay vì hoạt động tại một cơ sở nào đó, nơi chúng có thể lợi dụng người dân địa phương, truyền bá chủ nghĩa khủng bố sang các nước láng giềng và lên kế hoạch cho các vụ tấn công trên toàn cầu, IS sẽ trở thành một đế chế “ảo”. Chúng sẽ phát triển và tìm cách truyền bá chủ nghĩa khủng bố của mình trong không gian mạng, thông qua các mạng xã hội, hay các phương tiện liên lạc của thời đại số. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS và al-Qaeda sẽ bắt đầu tìm những phương cách mới để tiến hành mục tiêu thánh chiến và tiếp tục cuộc chiến của chúng.

Theo giáo sư Dunleavy, nếu các lực lượng chống khủng bố lơi lỏng hay đánh giá thấp nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, số lượng người dân vô tội thiệt mạng sẽ lại tăng lên. Để điều này không xảy ra các quốc gia có tiềm lực như Mỹ, Nga cần có sự điều chỉnh chiến lược chống khủng bố cho phù hợp.

Có thể nhìn vào thực tế tại Afghanistan để hiểu tại sao chiến lược chống khủng bố cần liên tục được điều chỉnh. Ngoài Afghanistan, những địa điểm “màu mỡ” cho các phần tử cực đoan ở Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania, Niger, Algeria, Morocco, Tunisia và vùng Tây Sahara tại châu Phi, hay Indonesia và Philippines ở Đông Nam Á sẽ là những nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan tìm cách thiết lập mạng lưới mới.

Trong khi đó, thực tế về làn sóng người di cư tới châu Âu đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ trở thành “miền đất hứa” cho các cuộc tấn công Hồi giáo cực đoan. Thất bại của Liên minh châu Âu trong việc đưa ra một giải pháp thống nhất để đối phó với các tay súng IS trở về quê hương càng khiến mối đe dọa này gia tăng. Với sự sụp đổ của “caliphate”, các nhóm cực đoan chắc chắn sẽ tìm cách mới để hiệu triệu và khích lệ thành viên của mình.

Không để đống tro bùng lên thành ngọn lửa

Khi thế giới đang ăn mừng vì đống tro tàn “Vương quốc Hồi giáo” của những kẻ khủng bố sụp đổ thì hệ tư tưởng khủng bố vẫn tồn tại và vẫn sẽ tiếp tục kích động những kẻ khủng bố thực hiện các hành vi diệt chủng dưới cái mác thánh chiến. Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trong không gian mạng với cái gọi là một Vương quốc Hồi giáo ảo đang xuất hiện. Đây là điều mà chúng ta không thể đánh giá thấp. IS hay bất kỳ tổ chức khủng bố nào đang hoạt động vẫn là mối đe dọa mang tính toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, cách mà thế giới hậu IS bị chi phối trong những tháng và năm tới sẽ chứng minh tầm quan trọng của việc ngăn cộng đồng người Sunni tạo ra một phong trào thánh chiến khác dưới danh nghĩa bảo vệ lợi ích của mình. Một danh sách dài các hành động tàn bạo của các cuộc tấn công gần đây cho thấy phong trào thánh chiến toàn cầu, bao gồm cả mạng lưới al-Qaeda vẫn có khả năng phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ.

Sau chiến dịch tiêu diệt IS ở Iraq và Syria, thì al-Qaeda ở Afghanistan vẫn phát triển và khó có thể bị dập tắt. IS đã bị đánh bại nhưng mối đe dọa khủng bố còn lâu mới biến mất. Nó đang phát triển dưới nhiều hình thức. Các nhà nghiên cứu người Mỹ tin rằng mối đe dọa này sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ nữa. Do đó cần có một chiến lược chống khủng bố mới phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Đại tá Ryan Dillon, người phát ngôn của liên minh chống thánh chiến do Mỹ lãnh đạo, gần đây nói: "Mặc dù IS hiện không còn là một mối đe dọa trước mắt, chúng không có một đội quân như năm 2014, song điều đó không có nghĩa là chúng đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, theo Jean-Pierre Filiu, Giáo sư của tổ chức Sciences-Po ở Paris nhận định: Các chi nhánh của IS ở Afghanistan, Ai Cập, Libya, Yemen và Đông Nam Á... vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với toàn thế giới.

Nước Mỹ sẽ đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố mới. Chiến lược này dựa trên nền tảng chiến lược quốc phòng mới đã được Cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng H.R McMaster, chắp bút nhấn mạnh rằng, nước Mỹ phải giành được lợi thế chiến lược và ưu tiên việc sẵn sàng cho chiến tranh chống khủng bố và vượt trên các đối thủ của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi nói về Chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2018 cũng khẳng định kẻ thù của Mỹ - chủ nghĩa khủng bố cần phải hiểu rõ điều này.

Hoa Huyền
.
.