Mỹ: Lắp đặt thiết bị “nghe nhìn gián điệp” trên các phương tiện GTCC

Chủ Nhật, 08/01/2012, 20:15

Thật khó tin là các phương tiện công cộng (GTCC) được lắp đặt các thiết bị "nghe nhìn gián điệp" theo dõi người dân tham gia giao thông công cộng nhằm tăng cường an ninh, giám sát hành vi của tài xế và hành khách đang được tiến hành tại nước Mỹ. Tuy nhiên đó lại là điều có thật đang xảy ra.

Theo tờ Tiếng nói nước Nga, tại thành phố San Francisco, Mỹ, các nhà quản lý và điều hành giao thông công cộng đã cho lắp đặt hệ thống theo dõi và quan sát rất tiên tiến. Theo đó, các phương tiện trước kia chỉ được dùng tại các căn cứ quân sự thì nay được dùng trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, xe điện ngầm và các trạm dừng xe. 

Những thiết bị này sẽ theo dõi hành khách liên tục 24/24 giờ và tất nhiên nó cũng cần một chi phí lớn.

Để lập ra được hệ thống theo dõi này, khoảng 6,5 triệu USD ước tính sẽ được chi. Đầu tiên, những phương tiện "nghe nhìn gián điệp"  này được trang bị trên xe buýt và tàu điện, sau đó nó có thể được trang bị cho tất cả 850 nhà ga của thành phố.

Người dân thành phố đang có những chia rẽ về hệ thống giám sát này, một số người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối.

Những người ủng hộ hệ thống giám sát không những không cảm thấy bất tiện vì bị theo dõi mà còn thấy nó cần thiết. Chị Alice, một công dân thành phố này cho biết: "Tôi cho rằng chính phủ có quyền bảo vệ người dân, điều đó có nghĩa là đôi khi người dân phải hy sinh một chút quyền lợi riêng tư để  đảm bảo sự an toàn cho cả cộng đồng. Nói chung thì chính phủ bằng cách này hay cách khác đều có thể thu thập thông tin bất kỳ nếu họ muốn, do đó hệ thống giám sát trên các phương tiện giao thông cũng chẳng có gì ảnh hưởng nghiêm trọng cả".

Tuy nhiên, một số người khác thì không nghĩ như vậy. Anh Tomas, một công dân của thành phố tin rằng, hệ thống giám sát toàn dân này đang bắt đầu thể hiện một chế độ độc tài. Anh nói: "Một khi bạn chịu từ bỏ một phần các quyền cá nhân với lý do an ninh quốc gia thì tiếp đến bạn sẽ có thể bị tước đoạt hết quyền tự do nói chung. Quyền riêng tư là điều thiết yếu rất hệ trọng trong cuộc sống của chúng ta. Hãy nhìn xem, chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh chống khủng bố đã 12 năm nay, nhưng có bao nhiêu vụ việc đã được ngăn ngừa nhờ sự trợ giúp của những hệ thống giám sát? Thậm chí ngay bây giờ họ cũng có thể nhìn thấy và nghe thấy những gì chúng ta đang nói với nhau".

Việc lắp đặt các phương tiện "nghe nhìn gián điệp" luôn gây ra nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Chuyện theo dõi các hành khách trên tàu xe đã  từng xảy ra ở nước Mỹ. Chính ở San Francisco, từ 10 năm nay trên các phương tiện giao thông đã có các camera "vẽ bản đồ". Nhưng chỉ có thể xem được "bản đồ lưu thông" đó khi chủ thể truyền về nhà ga. Hiện nay, trong lĩnh vực giám sát đã có những bước chuyển biến nhảy vọt về chất lượng. Bất cứ lúc nào các nhà khai thác tại những trạm trung tâm cũng có thể xem và nghe mọi thứ diễn ra trên xe buýt hoặc xe điện. Những thiết bị camera đặc biệt có khả năng nhận biết những "hành vi đáng ngờ".

Trong chương trình cài đặt bao hàm những thông số hành vi được coi là "bình thường". Tất cả những gì vượt ra khỏi quy định như vậy, ngay lập tức được ghi lại, cố định và truyền tín hiệu báo động tự động về trung tâm, nhân viên bảo vệ và cảnh sát. Một camera cùng lúc duy trì tầm quan sát 150 khuôn mặt. Đại diện các cơ quan công quyền của San Francisco nói rằng hệ thống mới sẽ giúp đấu tranh với bọn tội phạm, với đe dọa khủng bố và bắt cóc. Ngoài ra nó còn giám sát kỷ luật của các tài xế và hành khách trên các phương tiện công cộng.

 Vi phạm quyền tự do dân chủ dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia vẫn đang là chủ đề nóng tại Mỹ, nhất là từ khi sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 xảy ra. Tuy nhiên, việc tăng cường các phương tiện "nghe nhìn gián điệp" tại các khu vực công cộng và các phương tiện giao thông công cộng dường như đang làm tổn hại hình ảnh của chính nước Mỹ, một nước luôn tự cho mình là tự do, dân chủ nhất.

Dù biện hộ bằng những lý do nào thì việc lắp đặt tràn lan các phương tiện như vậy đang làm ảnh hưởng tới quyền riêng tư của nhiều người dân bình thường ở Mỹ. Điều đó nói lên rằng nước Mỹ đang vi phạm những quyền cơ bản nhất của con người nhưng họ lại đi chỉ trích các quốc gia khác. Nên chăng Mỹ cần xem lại chính bản thân mình

Lương Lan (tổng hợp)
.
.