Mỹ Latinh: Triển khai hệ thống radar chống buôn bán ma túy

Thứ Năm, 06/11/2014, 13:40

Chính phủ hai nước Bolivia và Peru vừa ký kết một thỏa thuận triển khai các công nghệ hiện đại trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn lậu ma túy, bước đầu tiên trong số này là lắp đặt dọc theo biên giới giữa hai nước khoảng 10 hệ thống radar do Nga sản xuất. Dự án trên có được sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ phía Moskva một phần xuất phát từ việc Nga cũng đang phải đối đầu với nguồn cocain xuất phát từ Mỹ Latinh được tuồn từ nước này đang ngày một gia tăng.

Theo tờ Razon xuất bản tại La Paz (Bolivia), thỏa thuận liên chính phủ Bolivia - Peru đã xác định có khoảng 5 đến 6 hệ thống radar được triển khai tại biên giới Peru, tương tự như vậy sẽ là 3 đến 4 hệ thống trên đất Bolivia. Đánh giá từ phía cảnh sát chống ma túy tại Mỹ Latinh đều cho rằng, các kế hoạch của Mỹ nhằm xóa sổ hành lang buôn lậu ma túy và các khu vực trồng cây coca tại Colombia không những không đạt được mục đích mà còn khiến cho nguồn sản xuất cocain lại được các băng nhóm tội phạm dời sang Peru và Bolivia.

Cụ thể theo số liệu của Cảnh sát Peru, có tới 95% số lượng ma túy được vận chuyển từ Peru sang Bolivia bằng máy bay cỡ nhỏ. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các nhà chức trách đã bắt giữ ít nhất 16 chiếc máy bay như vậy với hơn 1,5 tấn cocain trên khoang.  

Cảnh sát Bolivia trong một chiến dịch truy quét ma túy.

Cũng cần phải đánh giá tới vai trò của nước Nga riêng trong thỏa thuận mới trên cũng như trên mặt trận chống ma túy tại Mỹ Latinh nói chung. Cách đây không lâu, Chủ tịch Ủy ban Chống ma túy quốc gia Nga, đồng thời là Giám đốc FSKN (Cơ quan liên bang về kiểm soát buôn lậu ma túy) Victor Ivanov đã có chuyến công du tới một loạt các quốc gia Mỹ Latinh. Ngay tại Uruguay, quan chức trên đã thông báo, cảnh sát chống ma túy của nước này và Nga đã vừa thành công trong một chiến dịch truy quét đặc biệt thu giữ hơn 70 kg ma túy tại Saint-Peterburg.

"Chúng tôi đã bắt giữ được một nhóm tội phạm chuyên vận chuyển cocain từ Montevideo - ông Ivanov tiết lộ - Qua đó thu giữ 12 kg cocain, 60 kg cần sa và ma túy tổng hợp. Tính ra nhóm này trung bình mỗi năm đã vận chuyển khoảng 300kg cocain từ Mỹ Latinh qua Sao Paulo và Frankfurt để tuồn vào Nga".

Việc đẩy mạnh hợp tác giữa FSKN với các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ Latinh có liên quan tới việc gia tăng đến chóng mặt số lượng cocain được tuồn vào Nga từ khu vực này. Số liệu của các cơ quan hành pháp cho thấy, mỗi năm có từ 200 đến 300 tấn cocain được âm mưu tuồn vào Nga và các nước châu Âu khác bằng đường biển và đường hàng không. Số hàng này thường được cung cấp cho những khách hàng giàu có hay các câu lạc bộ ban đêm sang trọng với giá mỗi gram có thể lên tới 150 USD.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công du mới đây tới các nước Mỹ Latinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngoài các dự án hợp tác trong lĩnh vực thương mại-kinh tế và kỹ thuật quân sự cũng đã dành thời gian đáng kể để bàn về các vấn đề đấu tranh chống nạn buôn ma túy. Nguyên nhân đơn giản là Mỹ Latinh vẫn được coi là "trung tâm toàn cầu thứ hai" về sản xuất ma túy sau Afghanistan. Cảnh sát các nước Mỹ Latinh chỉ có thể bắt giữ được khoảng 30% sản lượng ma túy của trung tâm này, trong khi có tới 70% còn lại được tuồn vào Mỹ và châu Âu, trong đó có Nga.

Để có thể cải thiện tình hình, FSKN ngay từ năm 2012 đã đầu tư mở nhiều khóa nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các đơn vị chống ma túy thuộc các nước Trung Mỹ tại Nicaragua cũng như Peru. Tính cho đến nay, các lớp trên đã giúp đào tạo được hơn 230 sĩ quan thuộc các đơn vị phòng chống ma túy tại đây. Song song đó là một loạt các chiến dịch hợp tác giữa FSKN với các cơ quan hành pháp các nước trong khu vực như Peru, Nicaragua, Salvador, Honduras, Costa-Rica và các nước vùng vịnh Caribe.

Mới đây, các dữ liệu GPS cũng đã được áp dụng để giúp cơ quan mật vụ các nước có thể dễ dàng theo dõi chính xác những kênh vận chuyển ma túy. Được biết hệ thống định vị GLONASS của Nga sắp tới sẽ được sử dụng để thay thế cho GPS, khi Nga đã lập kế hoạch triển khai một loạt các trạm mặt đất của hệ thống này tại phần lớn các quốc gia trong khu vực. 

Ông Ivanov cũng đánh giá khá cao về một sự kiện mới đây trong nhóm BRICS - nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi bao gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - khi tổ chức này quyết định thành lập một nhóm làm việc chung trong lĩnh vực chống ma túy. Bước đi đầu tiên là các nước trong nhóm BRICS sẽ nỗ lực xóa bỏ ngành công nghiệp sản xuất ma túy tại Afghanistan.

Đánh giá chung cho thấy việc xóa bỏ được nguồn sản xuất ma túy tại Afghanistan và Mỹ Latinh sẽ làm giảm hơn 50% nguồn thu nhập tài chính của giới kinh doanh ma túy. Đó là chưa kể tới ngành sản xuất cocain tại Mỹ Latinh và hêrôin tại Afghanistan được đánh giá là "sặc mùi" tội phạm nhất - quy mô sản xuất của chúng liên quan trực tiếp tới sự tăng trưởng của chủ nghĩa khủng bố, bạo lực  cực đoan và các nhóm bán vũ trang.

Hiện ước tính có tới 95% sản lượng hêrôin tập trung tại Afghanistan, trong khi diện tích trồng anh túc vẫn tăng đều hàng năm. Việc rút hoàn toàn quân đội NATO ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay được đánh giá sẽ khiến cho nguy cơ này càng trầm trọng thêm. Đó là lý do khiến Nga không còn con đường nào khác là phải nỗ lực hợp tác với các nước BRICS ngăn chặn đà gia tăng của nạn sản xuất và buôn lậu ma túy

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.