Hằn thù sắc tộc, xả súng kinh hoàng

Thứ Năm, 25/06/2015, 16:45
Khoảng 21 giờ đêm 17/6 (theo giờ địa phương), tại một nhà thờ cổ 150 năm tuổi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, miền Nam bang South Carolina đã diễn ra một vụ nổ súng kinh hoàng giết chết 9 người gồm 6 phụ nữ và 3 người đàn ông - 8 người chết tại chỗ và 1 người tử vong tại bệnh viện. Có 3 người sống sót sau vụ tấn công. Một quả bom được phát hiện gần nhà thờ ngay sau đó nhưng không còn gây nguy hiểm.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cơ quan liên bang đặc trách rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF) nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Vụ tấn công được Cảnh sát trưởng Greg Mullen ở Charleston mô tả là "tội ác thù hằn chủng tộc". Tổng thống Barack Obama gọi vụ nổ súng là chương đen tối trong lịch sử nước Mỹ.

Đức Cha Clementa Pinckney, người được cho là một trong những nạn nhân.

Ngôi nhà thờ bị tấn công là Nhà thờ Tin Lành Giám lý Emanuel người Phi (Emanuel AME Church), được đánh giá là tòa nhà tôn giáo có ý nghĩa lịch sử được xây dựng từ năm 1891, là nơi cầu nguyện của cộng đồng người da đen ở Charleston. Nhà thờ Emanuel AME Church (thường được gọi là Nhà thờ Mẹ Emanuel) là tòa nhà tôn giáo cổ nhất trong số 32 nhà thờ Tin Lành Giám lý ở miền Nam bang South Carolina và có một trong những giáo đoàn da đen lớn nhất ở phía nam thành phố cảng Baltimore bang Maryland. Ngôi nhà thờ 150 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong lịch sử bang South Carolina với phong trào nhân quyền và từng được nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King viếng thăm. 

Nhà thờ 150 tuổi Emanuel AME Church.

Cảnh sát trưởng Greg Mullen phát biểu tại cuộc họp báo: "Rõ ràng đây là đêm tồi tệ nhất trong cuộc đời làm cảnh sát của tôi. Đây là thảm kịch của thành phố Charleston". Cảnh sát cho biết Đức cha Clementa Pinckney, 41 tuổi (mục sư và là thượng nghị sĩ bang South Carolina) và em gái nằm trong số những người bị giết chết. Ngay sau vụ nổ súng, thành phố Charleston được lệnh phong tỏa để cảnh sát tiến hành truy lùng hung thủ. Người ta cho rằng vụ nổ súng được tính toán cẩn thận cho trùng khớp với hai vụ mít tinh chính trị lớn ở Charleston và xảy ra chỉ vài giờ trước khi Đức cha Pinckney gặp gỡ ứng viên Hillary Clinton theo lịch trình chiến dịch tranh cử tổng thống của bà. Ứng cử viên Jeb Bush cũng dự dịnh thăm Charleston vào đúng dịp này nhưng sau đó đã hủy bỏ.

Lực lượng cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ nổ súng.

Sau khi công bố hình ảnh và chiếc ôtô của nghi phạm do camera an ninh cung cấp, cảnh sát đã bắt giữ được hung thủ - đó là Dylann Storm Roof, 21 tuổi, người từng gặp rắc rối với cảnh sát hồi tháng 4 - tại hạt Selby bang North Carolina (cách Charleston gần 400km) khoảng 13 giờ sau vụ nổ súng. Cảnh sát cho biết Dylann Roof có mặt tại nhà thờ 1 giờ trước khi nổ súng giết người.

Tài khoản Facebook của Roof xuất hiện lá cờ của nước Cộng hòa Rhodesia (nay gọi là Zimbabwe) do người da trắng thống trị và cờ của Nam Phi thời phân biệt chủng tộc Apartheid. Carson Cowles, chú của Roof, cho biết khẩu súng lục của cháu ông là quà cha Roof tặng con trai vào dịp sinh nhật. Hồ sơ tòa án cho thấy Roof từng bị buộc tội tấn công hồi tháng 3-2015 và một tội khác sau đó một tháng.

Theo Dot Scott, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) Chi nhánh Charleston, buổi học thánh kinh đang diễn ra trong nhà thờ thì thảm kịch ập đến một cách quá bất ngờ (những buổi học thánh kinh được tổ chức vào mỗi thứ Tư hằng tuần tại Emanuel) AME Church. Sau vụ tấn công, cảnh sát vũ trang hạng nặng có mặt bên ngoài nhà thờ và một chiếc máy bay trực thăng hỗ trợ lực lượng hành pháp liên tục trên bầu trời. Có ít nhất 6 xe cứu thương có mặt tại hiện trường.

Thị trưởng Charleston Joseph P. Riley nhận định: "Lý do duy nhất khiến cho một kẻ đi vào nhà thờ và xả súng vào mọi người là thù hằn chủng tộc. Đó là hành động bỉ ổi nhất và nhiệm vụ của chúng ta là phải lôi hung thủ ra trước công lý".

Nghi phạm bị bắt giữ Dylann Roof.

Vụ nổ súng ở Emanuel AME Church xảy ra đúng 2 tháng sau vụ sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da đen không vũ trang Walter Scott tại khu lân cận Charleston, làm bùng nổ làn sóng biểu tình và đẩy vấn đề chủng tộc trở nên căng thẳng tột độ trong khu vực. Sau đó, viên sĩ quan cảnh sát bị buộc tội giết người đồng thời vụ án thúc đẩy các nhà lập pháp ở South Carolina nhanh chóng thông qua dự luật buộc các cơ quan chức năng phải trang bị camera giám sát trên người.

Trong một bài diễn văn, Trước khi bị giết chết, mục sư Clementa Pinckney đã phản đối vụ sĩ quan cảnh sát bắn chết Walter Scott và cũng là nhân vật chủ chốt thúc bách thông qua luật buộc các sĩ quan cảnh sát mang camera giám sát trên người ông. Pinckney trở thành mục sư lúc 18 tuổi và được bầu vào vị trí thượng nghị sĩ bang South Carolina lúc 23 tuổi.

Không bao lâu sau vụ nổ súng kinh hoàng, một nhóm mục sư tập hợp lại thành vòng tròn ngay trên đường phố Charleston để cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhà tổ chức cộng đồng Christopher Cason cho biết một số vụ xả súng giết người một cách điên cuồng đều xuất phát từ động cơ thù hằn chủng tộc. Ông nói: "Tôi rất mệt mỏi với những người bảo rằng tôi không có quyền giận dữ. Ngay bây giờ, tôi hết sức giận dữ".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.