Mỹ - Trung hợp tác chống tội phạm fentanyl

Thứ Ba, 31/12/2019, 07:25
Việc Trung Quốc vừa tuyên hàng loạt án đối với những kẻ buôn lậu ma túy tại một thành phố ở miền Bắc nước này đã làm hé lộ một khía cạnh quan trọng trong việc hợp tác giữa giới chức Mỹ và đồng cấp Trung Quốc: xử lý tội phạm biệt dược fentanyl trên khắp Hoa Kỳ.

Sau khi kết thúc vụ án (1 thành viên trong băng đảng đã bị tuyên án tử hình và 8 bị cáo khác bị tuyên các mức án khác nhau trong đó có 2 người bị tuyên án chung thân), một nhóm các sĩ quan thi hành pháp luật Trung Quốc và Mỹ đã nhóm họp tại Hình Đài (một thành phố công nghiệp của tình Hà Bắc) nhằm chia sẻ chi tiết về cuộc điều tra chung dẫn đến việc đánh sập tập đoàn buôn lậu fentanyl quốc tế.

9 bị cáo bị tuyên án vì các tội buôn lậu fentanyl tại một phiên tòa được tổ chức ở miền Bắc Trung Quốc. Ảnh nguồn: Handout via Reuters.

Giới chức Mỹ bắt đầu chuyển giao các thông tin về những nghi phạm cho phía Trung Quốc trong các năm 2012 và 2014, sau khi xuất hiện đà gia tăng đáng báo động nhu cầu sử dụng opioid tổng hợp, kể từ đó Mỹ thiết lập các cuộc nói chuyện thường xuyên về ma túy đối với Trung Quốc: nhà cung cấp fentanyl và các biến thể của nó lớn nhất thế giới. 

Trong khi các vấn đề như đậu nành, thuế quan và công nghệ 5G đang chi phối các cuộc đối thoại Mỹ-Trung trong những năm gần đây, thì doanh số bán các sản phẩm fentanyl cũng trở thành nhân tố trong các cuộc đối thoại thương mại. 

Tổng thống Donald Trump phàn nàn rằng Trung Quốc không đủ cương quyết để chống ma túy tuồn lậu vào Mỹ. Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh nhiều cái chết do dùng thuốc quá liều, vô gia cư, những gia đình và cộng đồng tàn phá.

Dịch opioid nghiêm trọng đến nỗi nó đã khiến các cơ quan thi hành pháp luật không thể ngồi yên và buộc phải phối hợp hành động giữa các căng thẳng giữa 2 nước. 

Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của Văn phòng chống ma túy và tội phạm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, phát biểu: “Nếu có một khu vực hợp tác toàn cầu với sự tham gia của nhiều quốc gia trong các khía cạnh như thương mại, tội phạm có tổ chức, tội phạm và buôn lậu. Hợp tác không dễ dàng nhưng cực kỳ quan trọng”. 

Một ưu tiên lớn của Hoa Kỳ là phải chặn đứng nguồn fentanyl của Trung Quốc tràn ngập “thị trường chợ đen” của nước này, gồm hình thức mua hàng trực tuyến cho các đại lý và khách hàng Mỹ cũng như vấn nạn buôn lậu qua lại biên giới của các nghiệp đoàn Mexico, cùng hoạt động chuyên chở thuốc và các thành phần hóa chất qua các hải cảng Thái Bình Dương.

Chuyên gia chính sách ma túy Bryce Pardo than thở: “Khủng hoảng dùng thuốc quá liều ở Mỹ đang tồi tệ hơn lúc nào hết, nó vượt qua những cái chết do súng ống và những cái chết do bị xe đụng”.

Ông Pardo lưu ý vai trò đang ngày càng tăng trong 6 năm qua đối với opioid tổng hợp như fentanyl (nó mạnh gấp 50 lần so với heroin). Năm 2017, fentanyl chiếm tới 40% trong số hơn 70.000 liều dùng thuốc chỉ tính riêng ở Mỹ (theo số liệu báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, CDC). Là một nhà nghiên cứu chính sách liên kết tại Tập đoàn RAND, ông Bryce Pardo giải thích: “Sẽ rất quan trọng cho 2 bên làm việc chặt chẽ với nhau, và điều này đòi hỏi một môi trường chính trị mang tính xây dựng và tích cực”. 

Vấn đề chống fentanyl cũng trở thành đề tài thảo luận trong các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 12 năm 2018, và được nhắc lại lần thứ hai vào tháng 8 năm 2019 khi ông Trump chuẩn bị đánh thuế bổ sung và tăng mức thuế hiện có. 

Khi đề cập đến các mức tăng thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, trong một dòng tweet ngày 1 tháng 8 năm 2019, ông Trump đã viết: “Ông bạn Tập của tôi nói rằng ông ấy sẽ ngừng bán Fentanyl sang Mỹ - điều này chưa từng xảy ra và nhiều người Mỹ tiếp tục chết!”. 

Một thỏa thuận tạm thời đã được đàm phán ở Argentina dẫn đến Trung Quốc phải thắt chặt các quy định về fentanyl và các biến thể của nó vào tháng 5 năm 2019. Đó là một nỗ lực nhằm thu hẹp kẽ hở trong đó các nhà sản xuất đã có những thay đổi nhỏ đối với các thành phần hóa học của fentanyl và các quy định thuốc hiện có của Trung Quốc.

Theo ông Bryce Pardo, các động thái mới đã có sự chuyển biến ít nhất là trong ngắn hạn, doanh số bán fentanyl đã sụt giảm tại thị trường Mỹ, cũng như giảm luôn việc bắt giữ các lô hàng fentanyl thông qua dịch vụ chuyển phát và bưu chính Mỹ. 

Ông Pardo không thôi trăn trở: “Vẫn còn nhiều fentanyl ngoài thị trường, chúng đến từ các hóa chất do Trung Quốc sản xuất và được chuyển sang Mexico phục vụ cho việc sản xuất, vận chuyển các kho hàng bất hợp pháp hay thậm chí là các kho thuốc ở Mỹ. Trong khi đó, các cơ quan điều tra quốc tế cần phải bắt kịp với các nghiệp đoàn tội phạm với nhiều “giang hồ cộm cán” ở Trung Quốc, Mexico và Mỹ. 

Ông Jeremy Douglas phát biểu: “Đang có sự tiến triển trong mối quan hệ, và phía Trung Quốc đã cho thấy sự thiện chí của họ, họ đang được người Mỹ tin tưởng”.  Nói đi thì phải nói lại, vai trò của Trung Quốc trong việc kiểm soát sản xuất fentanyl toàn cầu vẫn rất khó để đánh giá, về phía các nhà quan sát thì họ vẫn cho rằng Trung Quốc là chìa khóa quan trọng của chuỗi cung ứng. 

Ông Roderic Broadhurt, giáo sư về tội phạm học tại Cao đẳng Châu Á và Thái Bình Dương (Đại học quốc gia Australia, ANU) lưu ý rằng không giống như các loại ma túy heroin hay cocaine, fentanyl có thể được sản xuất tại bất kỳ đâu mà không phải đắn đo “các chuyến tàu dài ngày, khó khăn di chuyển trên các ngọn đồi ở miền Bắc Myanmar hay các tỉnh phía Tây Mexico và Colombia” cũng như các loại hóa chất luôn sẵn sàng. 

Ông Liu Yuejin, giám đốc Cục Phòng chống ma túy (Bộ An ninh Trung Quốc) nói rằng lời tuyên bố của ông Trump rằng chính quyền Trung Quốc không thể chặn đứng nạn buôn lậu fentanyl là “hoàn toàn không có căn cứ và sai sự thật”. Tại thời điểm đó, ông Liu Yuejin chắc nịch: “Không có vụ buôn lậu fentanyl nào được thực hiện giữa Trung Quốc và Mỹ kể từ khi tiến hành các biện pháp kiểm soát mới."

Phan Bình (tổng hợp)
.
.