Mỹ buộc phải triệu hồi nhiều đại sứ về nước vì vụ Wikileaks

Thứ Tư, 15/12/2010, 23:55
Bộ Ngoại giao Mỹ đã buộc phải bắt tay vào khắc phục hậu quả vụ bê bối rò rỉ thông tin ngoại giao trên WikiLeaks bằng một chiến dịch sắp xếp lại nhân lực một cách bất đắc dĩ. Theo đó, nhiều đại sứ của Mỹ tại một loạt các quốc gia sẽ bị triệu hồi về nước để thay thế bằng người khác. Những thay đổi nhân lực kiểu trên còn đụng chạm tới các bộ phận tại nước ngoài của Cục Tình báo trung ương (CIA) và các cơ quan đại diện quân sự Mỹ...

Đợt công bố tài liệu mật mới nhất của WikiLeaks vừa qua - được ví là "vụ 11/9 của ngành ngoại giao Mỹ” - có thể dẫn tới một chiến dịch bố trí lại nhân sự lớn nhất trong các cơ quan quyền lực của nước Mỹ trong suốt lịch sử tồn tại của mình.

Hôm 5/12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về quan hệ quốc tế John Kerry đã khẳng định trên kênh truyền hình NBC rằng, chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng triệu hồi một loạt đại sứ đã bị "mất uy tín" vì hậu quả vụ công bố những tài liệu ngoại giao bí mật của WikiLeaks. Điển hình trong số này là hai người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đức và Yemen. "Sau những gì đã xảy ra, chính phủ những nước này có thể tuyên bố sẽ không thể hợp tác với các nhà ngoại giao của chúng ta nữa" - Thượng nghị sĩ John Kerry giải thích.

Còn theo trang tin tức trực tuyến The Daily Beast, ngoài các quan chức ngoại giao, Washington còn có thể triệu hồi cả các nhân viên tình báo và quân sự đang làm việc tại các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài. Một nhân viên cao cấp trong chính quyền Mỹ là nguồn tin của The Daily Beast đã khẳng định, hoạt động tiếp theo của những người thuộc diện này không những là không thể mà thậm chí rất nguy hiểm. "Chúng tôi sẽ buộc phải triệu hồi những chuyên gia tốt nhất chỉ vì họ đã không sợ kể ra sự thật về những quốc gia nơi đã làm việc" - quan chức này nhấn mạnh.

Cho dù Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và Lầu Năm Góc vào thời điểm này mới bắt tay vào việc lập danh sách các quan chức sẽ bị triệu hồi, nhưng giới chuyên gia đã thống nhất về một số cái tên là "nạn nhân" hàng đầu. Trong số đó chắc chắn có Đại sứ Gene Cretz tại Libya, người đã viết trong một báo cáo hồi năm 2009 của mình rằng, lãnh tụ Muammar Gaddafi không thể rời một bước mà không có sự hộ tống của nữ y tá tóc vàng người Ukraina là Galina Kolotnitskaya.

Cựu Đại sứ Mỹ Eric Edelman đang bị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe doạ sẽ kiện ra toà.

Ngoài ra, sự bất bình về những đánh giá của các nhà ngoại giao Mỹ cũng được chính phủ các nước như Pháp, Italia, Nga, Trung Quốc và Arập Xêút công khai tuyên bố. Nghiêm trọng hơn vào tuần trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn đe dọa sẽ kiện cựu Đại sứ Mỹ Eric Edelman tại nước này ra tòa vì đã khẳng định trong một báo cáo hồi năm 2004 rằng, ông Erdogan đang che giấu nhiều khoản thu nhập của mình tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Còn theo ý kiến của các nhân viên ngoại giao, nguy cơ phản ứng mạnh mẽ hơn với những tài liệu mật được công bố còn có thể đến từ chính quyền các nước như Ajerbaidjan, Pakistan và một vài quốc gia Trung Đông khác. Cho dù giới lãnh đạo những nước này tới giờ vẫn chưa triển khai một bước đi chính thức nào chống lại các nhân viên ngoại giao Mỹ, nhưng theo The Daily Beast, Bộ Ngoại giao trong thời gian ngắn sắp tới chắc chắn sẽ phải bù đầu để trả lời các công hàm ngoại giao. "Chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi các nhân viên của chúng ta bị chính thức tuyên bố là nhân vật bị tước bỏ các đặc quyền ngoại giao" - một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Rắc rối thật ra vẫn chưa thể lường hết đối với Washington, do họ vẫn chưa thể xác định được chính xác số lượng những quốc gia sẽ "dị ứng quyết liệt" với cơ quan ngoại giao của mình. Vấn đề là ông chủ trang tin WikiLeaks - Julian Assange đã không ít lần tuyên bố, trong vài tháng tới sẽ tung ra thêm 250.000 tài liệu ngoại giao (so với có vài trăm thư tín ngoại giao đã được công bố).

Chưa hết, chính quyền Mỹ còn phải tìm cách đối phó với những tác động nội bộ từ vụ rò rỉ này. Cơ quan Quản lý và Điều hành ngân sách của Nhà Trắng vừa có văn bản nhắc nhở nhân viên tất cả các cơ quan nhà nước rằng, "dấu mật" trong các tài liệu được công bố cho tới giờ vẫn chưa được gỡ bỏ. Lãnh đạo cơ quan này là Jacob Lew còn ký một sắc lệnh hạn chế khả năng truy cập của các nhân viên vào WikiLeaks.

"Thông tin mật đã được công bố trên các trang web công khai hay báo chí vừa qua vẫn tiếp tục được quy định là bí mật - Chỉ thị có đoạn viết - Chỉ có thể truy cập chúng bằng những nguyên tắc chung đối với các nhân viên cho tới khi những thông tin kiểu trên được giải mật theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền". Theo những quy định hiện hành của Mỹ, nhân viên nhà nước muốn tiếp cận với tài liệu mật phải sử dụng các máy tính được kết nối trong mạng nội bộ an toàn.

Những lời cảnh báo tương tự cũng được gửi tới Bộ Quốc phòng và các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Chẳng hạn như trong một bức thư ngỏ gửi các sinh viên Mỹ đang nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chuẩn bị cho sự nghiệp công tác của mình tại các cơ quan nhà nước, chính quyền Mỹ đã kêu gọi không được bàn luận về các tài liệu của WikiLeaks trên các mạng xã hội công cộng, kể cả những trang nhật ký cá nhân, Twitter và Facebook

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.