6 công dân Trung Quốc bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại

Thứ Năm, 11/06/2015, 16:30
Hôm 19/5 vừa qua, một hội đồng thẩm phán Tòa án Liên bang Mỹ buộc tội 6 công dân Trung Quốc âm mưu trong thời gian dài đánh cắp công nghệ có giá trị từ 2 công ty Mỹ để chuyển giao cho chính quyền Trung Quốc. Vụ án được truy tố bởi Văn phòng Công tố Mỹ ở San Francisco phối hợp với bộ phận phản gián của Bộ Tư pháp Mỹ. Ở Mỹ, bản án cao nhất dành cho tội gián điệp kinh tế là 15 năm tù cùng với số tiền phạt là 500.000 USD.

Một trong số 6 bị cáo người Trung Quốc là Hao Zhang, 36 tuổi, bị đặc vụ FBI bắt giữ hôm 16/5 tại sân bay quốc tế Los Angeles khi người này vừa bước xuống chuyến bay đến từ Trung Quốc 5 bị cáo còn lại: Wei Pang, Jinping Chen, Huisui Zhang, Chong Zhou và Zhao Gang thì vẫn còn ở Trung Quốc.

Được biết, Huisui Zhang là bạn học của cặp đôi Wei Pang - Hao Zhang, còn 3 người khác làm việc cho Công ty ROFS Microsystems của Đại học Thiên Tân, Trung Quốc. Tại Đại học Southern California, Zhang cùng với Wei Pang (35 tuổi) tiến hành nghiên cứu công nghệ màng cộng hưởng âm thanh (FBAR, dùng trong điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính bảng và thiết bị GPS để lọc nhiễu âm) được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.

Sau khi có được học vị tiến sĩ năm 2005, Pang được Công ty Avago Technologies ở thành phố Fort Collins, bang Colorado thuê dụng trong vai trò kỹ sư phụ trách về FBAR. Còn Zhang cũng có được việc làm tương tự tại Công ty Skyworks Solutions ở thành phố Woburn, bang Massachusetts.

Công ty Skyworks Solutions ở thành phố Woburn, bang Massachusetts.

Bắt đầu từ năm 2006, Zhang và Pang cùng với 4 người đồng hương khác âm mưu vận động các khối trường đại học Trung Quốc để tìm kiếm đối tác thành lập một doanh nghiệp khai thác công nghệ FBAR.

Theo cáo trạng, vào năm 2006 Huisui Zhang gửi email cho Pang và Hao Zhang bản ghi chép từ cuộc họp bàn kế hoạch xây dựng nhà máy ở Trung Quốc. Một đoạn trong bản ghi chép có tựa đề: "Di chuyển Avago về Trung Quốc". Trong một email khác, Pang bảo với một người bạn học đại học khác (cũng là người Trung Quốc) rằng "thị trường màng lọc chỉ riêng cho ĐTDĐ được ước tính trị giá hơn 1 tỉ USD vào năm 2005". Trong một email tiếp theo, Pang tiết lộ với các bạn học của mình rằng họ có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhờ đánh cắp công nghệ FBAR của Mỹ.

Năm 2008, giới chức Đại học Thiên Tân đồng ý tài trợ cho các đối tượng này thành lập một nhà máy. Năm 2009, Pang và Hao Zhang rời bỏ công việc ở Avago và Skyworks để tiếp nhận vị trí giáo sư tại Đại học Thiên Tân nơi quê nhà.

Cũng trong năm này, theo chỉ đạo từ Đại học Thiên Tân, Pang thành lập công ty bình phong ở quần đảo Cayman Islands (thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh và Bắc Ireland) để làm cơ sở hợp pháp hóa các bí mật thương mại đánh cắp.

Trong 2 năm 2008 và 2009, Pang và Hao Zhang trao đổi email cho nhau về hàng loạt các file tài liệu chứa đựng các bí mật thương mại của công ty Avago và Skyworks.

Cuối năm 2011, ông chủ cũ của Pang là Rich Ruby bay đến Trung Quốc để tham dự một hội nghị đồng thời đến Đại học Thiên Tân để tham quan phòng thí nghiệm mới của Pang và Hao Zhang. Đến lúc này, Rich Ruby mới phát hiện công nghệ của Avago bị đánh cắp.

Sau đó, Rich Ruby gặp mặt Pang và Jinping Chen để tố cáo họ đánh cắp và sử dụng các bí mật thương mại của Avago. Nhưng Pang phủ nhận việc sở hữu bất cứ công ty nào để bán công nghệ FBAR.

Còn Jinping Chen sau đó gửi email đến Ruby nói rằng Trường đại học Thiên Tân không sử dụng các công nghệ mà ông ta đề cập đến.

Diên San (tổng hợp)
.
.