Mỹ đã che giấu việc bỏ lại một quả bom hạt nhân tại Greenland (Đan Mạch)?

Thứ Sáu, 21/11/2008, 11:00
Một điều tra mới đây của hãng tin BBC cho thấy, quân đội Mỹ đã bỏ lại một quả bom hạt nhân nằm dưới lớp băng dày ở phía bắc đảo Greenland sau một vụ tai nạn máy bay vào năm 1968, mà không hề thông tin về chuyện này cho chính quyền Đan Mạch.

Trên thực tế, vụ tai nạn của chiếc máy bay B-52 mang bom hạt nhân của Mỹ tại căn cứ không quân Thule trên đảo Greeland của Đan mạch đã được công chúng biết đến từ lâu. Căn cứ Thule (được xây dựng từ đầu những năm 50 thế kỷ trước) được coi là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quân đội Mỹ, nhất là khi các radar tại đây có thể giúp giám sát mọi máy bay cũng như tên lửa bay qua vùng trời của Bắc Cực.

Lầu Năm Góc khi đó cho rằng, Liên Xô có thể sẽ xóa sổ căn cứ này như một màn mở đầu của đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Chính vì vậy từ năm 1960, Mỹ đã cho triển khai các sứ mạng có tên “Chrome Dome”, theo đó các máy bay ném bom B-52 trang bị vũ khí hạt nhân sẽ liên tục bay lượn trên bầu trời của Thule, nhờ đó có thể bay thẳng tới tấn công Moskva nếu như căn cứ này bị tiêu diệt.

Hòn đảo Greenland là một tỉnh tự trị của Đan Mạch, nhưng Washington ngay từ đầu đã che giấu thông tin về việc các máy bay của họ có mang vũ khí hạt nhân khi tuần tiễu trên không phận đảo này.

Chuyện này có lẽ đã không bị lộ tẩy, nếu không có một chuyến bay gặp tai nạn vào ngày 21/1/1968. Chiếc B-52 của 2 phi công John Haug và Joe D’Amario đã lao xuống, cày nát một vỉa băng dày nằm cách căn cứ Thule có vài dặm. Ngay sau đó, các quân nhân Mỹ và người dân địa phương đã có mặt để giúp đỡ giải quyết vụ việc.

Chiến dịch giải quyết hậu quả đã phải mất vài tháng để thu thập hàng ngàn những mảnh vỡ rải rác khắp vùng vịnh gần căn cứ, cũng như hàng triệu tấn tuyết và nước đá có chứa nhiều mảnh vỡ nhiễm phóng xạ. Sau khi đặt rất nhiều thuốc nổ phá hủy những vũ khí rơi từ máy bay, Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng, tất cả 4 quả bom hạt nhân mang trên chiếc máy bay này đều đã được “phá hủy”.

Nhưng nhiều tài liệu mới được giải mật gần đây tại Mỹ mà Hãng tin BBC khai thác được lại cho thấy một sự thật đáng lo ngại khác. Cụ thể là các tài liệu cho thấy, các điều tra viên của Mỹ chỉ vài tuần sau vụ tai nạn đã kết luận rằng, chỉ mới có 3 quả bom được phá hủy. Một tài liệu đề cuối tháng 1/1968 còn nói về một khu vực băng đá đáng ngờ bị sẫm màu hơn vì những mảnh dù đi theo quả bom. “Rất có thể có cái gì đó đã tan chảy trong băng ở khu vực này, chẳng hạn như phần chính và phần phụ” – tài liệu đã viết như vậy, trong đó “phần chính và phần phụ” ý nói tới các bộ phận của quả bom hạt nhân.

Đến tháng 4/1968, Mỹ còn quyết định điều chiếc tàu ngầm Star III tới căn cứ Thule để tìm kiếm quả bom thất lạc có số hiệu 78252 (2 năm trước đó, Mỹ cũng từng cử một tàu ngầm tới tìm kiếm một vũ khí hạt nhân tương tự tại bờ biển Tây Ban Nha). Vấn đề là mục tiêu chính của chiến dịch tìm kiếm này đã được Lầu Năm Góc cố tình che giấu các nhà chức trách Đan Mạch.

Một tài liệu đề tháng 6/2008 có viết: “Thực chất của chiến dịch tìm kiếm vũ khí thất lạc này đã được xếp vào loại đặc biệt bí mật (có nghĩa là không tiết lộ với bất kỳ một quốc gia nào khác). Khi bàn bạc với phía Đan Mạch, chiến dịch được giải thích đơn giản là một công trình nghiên cứu thăm dò đáy biển”. 

Nhưng hoạt động tìm kiếm dưới đáy biển của quân đội Mỹ cuối cùng vẫn bị trì hoãn vì một số vấn đề kỹ thuật, trong lúc băng đã bắt đầu đóng dày khi mùa đông tới gần. Nội dung các tài liệu cho thấy, Mỹ đã không thể triển khai tìm kiếm toàn bộ khu vực, do các mảnh vỡ từ vụ tai nạn máy bay đã vung vãi trên một diện tích quá rộng. Kết quả là người Mỹ đã quyết định từ bỏ hoàn toàn dự định tìm kiếm quả bom hạt nhân trên.

Với những tài liệu mới thu thập được, các phóng viên BBC đã lần tìm ra nhiều nhân chứng đã từng tham gia giải quyết hậu quả của vụ tai nạn trên. Một trong số này là William Chambers, một cựu chuyên gia thiết kế vũ khí hạt nhân tại Phòng thí nghiệm hạt nhân Los Alamos, người từng điều hành một nhóm chuyên viên xử lý nhiều vụ tai nạn liên quan đến hạt nhân, trong đó có cả vụ máy bay rơi tại Thule.

“Quả là một thất vọng thực sự khi thất bại trong việc thu hồi lại tất cả các thành phần của vũ khí – Chambers đã giải thích như vậy với các phóng viên BBC về quyết định từ bỏ tìm kiếm khi đó – Sẽ rất khó khăn đối với bất cứ một ai muốn thu hồi lại những bộ phận vũ khí nói trên, khi mà ngay cả chúng tôi cũng không thể tìm ra chúng”.

Lầu Năm Góc được biết là đã từ chối bình luận về những kết quả điều tra trên của BBC. Tuy nhiên, vụ tai nạn cùng với những bí ẩn liên quan tới quả bom bị thất lạc vẫn thu hút mối quan tâm thực sự của những người từng dính dáng tới sự kiện trên.

Đặc biệt là những cư dân địa phương đang sống trên hòn đảo Greenland vẫn tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về những ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của họ từ vụ tai nạn xảy ra 40 năm về trước.

Cần biết là, trong khi các cựu binh sĩ và nhân viên người Mỹ từng tham gia chiến dịch khắc phục hậu quả tại Thule trước đây vẫn được hưởng những chế độ kiểm tra và chăm sóc y tế đặc biệt, những cư dân Đan Mạch sống tại đây lại không hề được hưởng những quyền lợi tương tự như vậy.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, có không ít người dân sống quanh Thule từ nhiều năm qua đã chết vì những căn bệnh liên quan tới phóng xạ, nguyên nhân là họ không có được một chế độ kiểm tra và chăm sóc y tế cần thiết

Linh Nga (tổng hợp)
.
.