Mỹ điều thêm 4.000 quân tới Afghanistan: Cú đấm vào khoảng không?

Thứ Tư, 23/08/2017, 16:07
Afghanistan hiện vẫn là một trong những thách thức lớn đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và theo giới quan sát, ông Trump sẽ phải xem xét lại chiến lược chống khủng bố ở Afghanistan để kết thúc một cách thành công cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua quyết định gửi thêm 4.000 binh sĩ tới Afghanistan.

Những vòng xoáy dần nhấn chìm Afghanistan

Tình hình an ninh ở Afghanistan đang trở nên bất ổn khi thời gian gần đây, quốc gia Nam Á này liên tiếp phải hứng chịu những vụ đánh bom khủng bố của phiến quân. Thực tế này cho thấy các lực lượng an ninh tại Afghanistan vẫn đang loay hoay và bế tắc trước khoảng trống an ninh mà Mỹ để lại kể từ khi quân đội Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan vào cuối năm 2014. Afghanistan đang rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại đây.

Theo số liệu thống kê từ Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có tổng cộng 2.531 thành viên trong lực lượng an ninh Afghanistan thiệt mạng, 4.238 người bị thương. Trước đó, trong báo cáo được Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 2/2017, SIGAR cho biết, ít nhất 6.785 binh lính và cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng trong 10 tháng đầu năm 2016.

Cũng theo báo cáo của SIGAR, các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban hiện vẫn đang ở thế "giằng co", trong đó quân chính phủ kiểm soát 59,7% trong số 407 quận huyện ở nước này, còn Taliban kiểm soát 11 quận huyện và chi phối 34 quận huyện khác (lần lượt tương đương 11,1% và 29,2%).

Những ngôi nhà tan hoang sau nhiều năm chiến tranh. Ảnh: AP.

Các trung tâm chính mà quân nổi dậy chiếm giữ là các tỉnh Helmand, Kandahar, Uruzgan và Zabul, Kunduz... Khoảng 3 triệu người, tương đương 1/10 dân số, đang sống trong những khu vực bị quân nổi dậy kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng, và khoảng 21 triệu người sống ở những khu vực do chính phủ kiểm soát hoặc chi phối.

Điều phối viên nhân đạo của LHQ Mark Bowden cho rằng bạo lực kéo dài tại Afghanistan đã tạo nên những khó khăn đối với người dân như nền kinh tế suy giảm, tiếp cận hạn chế đối với chăm sóc y tế và giáo dục, suy dinh dưỡng. Hiện vẫn còn khoảng 1/3 dân số ở Afghanistan sống trong nghèo khổ, 2/3 dân số không thể tiếp cận dịch vụ y tế quốc gia, 1,57 triệu người bị thiếu lương thực trầm trọng, trong khi nạn tham nhũng vẫn hoành hành ở nước này.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của sự yếu kém trong việc bảo đảm an ninh của Afghanistan chính là sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ bất ổn trong chính phủ, ảnh hưởng từ nhân tố bên ngoài, sự gia tăng của các nhóm khủng bố, cho đến nạn tham nhũng, buôn ma túy...

Trong muôn vàn khó khăn, Afghanistan còn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Sự thiếu tin tưởng giữa Tổng thống Ashraf Ghani và Thủ thướng Abdullah Abdullah đã dẫn đến tình trạng chính phủ và dịch vụ xã hội bị tê liệt.

Nước Mỹ không thể do dự

Trước tình hình trên, Mỹ và các đồng minh buộc phải xem xét đưa ra một chiến lược mới. Có ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, Mỹ dồn sự quan tâm vào cuộc xung đột Syria và đối phó những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên nên thiếu quan tâm đến cuộc chiến tại Afghanistan. Lỗ hổng an ninh "phình" to đã đẩy số người bị chết và bị thương tăng cao.

Tướng Atiqullah Omarkhil, một nhà phân tích nói rằng: “Cuộc chiến chống khủng bố lần đầu tiên được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush tại Afghanistan, và sau đó được ông B.Obama tiếp tục tiến hành, cũng có thể sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, Mỹ cũng quyết định cắt giảm lực lượng tại đây xuống còn 9.800 người trên tổng số 13.000 binh sĩ NATO vào tháng 5-2014 và dưới 5.000 người trong năm 2016 và đa số binh sĩ ở lại Afghanistan đóng với vai trò tư vấn, huấn luyện.

Phải đến giai đoạn 2015-2016 khi tình hình có vẻ xấu đi bởi sự “trở lại” của Taliban, Mỹ mới quyết định triển khai 8.400 quân, ưu tiên cho thủ đô Kabul và các thành phố quan trọng như Kandahar, Bagram và Jalalabad cũng như triển khai một lực lượng thủy quân lục chiến ở Helmand.

Với chính quyền mới, Tổng thống Donald Trump đã cho phép Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis triển khai thêm 4.000 quân tới quốc gia Tây Nam Á này với chiến lược mang bản sắc của Tổng thống D.Trump. Các chuyên gia nhận định, với việc Mỹ thể hiện quyết tâm và hành động nhiều hơn, bằng việc làm cụ thể như hỗ trợ tương xứng về không quân, tiếp tục hỗ trợ và đào tạo binh lính, tình hình đang trên đà xấu đi này sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy Taliban và các phiến quân khó có thể giành các “ưu thế” trong cuộc xung đột với các lực lượng chính phủ tại quốc gia này nếu có sự yểm trợ tốt hơn của Mỹ.

Chiến lược mới của một “người cũ”

Với việc cho phép tăng thêm 4.000 binh sĩ tới Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành vị tổng thống thứ ba tăng quân ở Afghanistan trong vòng 16 năm qua. Tuy nhiên, ông cũng sẽ là người đầu tiên trao quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng ấn định số binh lính Mỹ sẽ được triển khai ở Afghanistan cũng như mục tiêu chiến lược cần đạt được khi gửi quân tới đó.

Đầu năm nay, tướng John Nicholson - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan - khẳng định trong một phiên điều trần rằng ông cần có thêm vài nghìn binh sĩ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo cho lực lượng quân đội Afghanistan. Sự hiện diện của quân lực Mỹ gần tiền tuyến cho phép họ dễ dàng kêu gọi điều động máy bay ném bom, máy bay phản lực và pháo binh hỗ trợ lực lượng trên thực địa.

Đây đều là những phương tiện chiến đấu mà quân đội Afghanistan rất thiếu thốn. Tuy nhiên, bất kỳ sự mở rộng hoạt động nào trong cuộc chiến đều đi kèm với tốn kém chi phí không hề nhỏ. Washington có kế hoạch chi 45 tỉ USD vào năm 2018. Con số này chắc hẳn sẽ còn tăng thêm. Số tiền được chuyển trực tiếp cho các lực lượng vũ trang Afghanistan sẽ là gần 5 tỷ USD.

Vào tháng 3-2013,với tư cách Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, ông Mattis đã khiến Nhà Trắng phẫn nộ khi tuyên bố rằng ông ủng hộ việc duy trì 13.600 lính Mỹ tại Afghanistan vô thời hạn. Đề xuất này của ông hoàn toàn đi ngược lại với kế hoạch của Tổng thống B.Obama là cam kết duy trì dưới 10.000 lính Mỹ ở lại đây vào năm 2014, và sau đó giảm dần chỉ còn đủ quân số để bảo vệ đại sứ quán.

Lính Mỹ đi tuần ở khu vực phía Bắc Afghanistan. Ảnh: Khaama Press.

Đề xuất của ông J.Mattis đã không được thông qua và ông cũng nghỉ hưu vài tháng sau đó. Trớ trêu thay, bằng cách tăng vài nghìn quân đến Afghanistan trong những tuần sắp tới, ông Mattis cuối cùng cũng có thể đưa lực lượng Mỹ hiện diện ở đó lên đến con số mà ông vẫn luôn mong muốn từ 4 năm trước.

Quyết định tăng quân và đường hướng mới về tương lai tại Afghanistan được ông Trump đưa ra sau khi kết thúc kỳ nghỉ kết hợp công việc tại câu lạc bộ golf của ông ở Bedminster, New Jersey. Tổng thống cũng đã có các cuộc bàn thảo dài với những trợ lý an ninh quốc gia và quan chức quân sự hàng đầu ở Trại David, Maryland hôm 18-8.

Ngày 20-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis xác nhận, để thông qua chiến lược mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã trải qua cuộc tranh luận “nảy lửa”. Ông Mattis tỏ ra hài lòng sau các cuộc thảo luận kỹ lưỡng giữa các quan chức cấp cao Mỹ về tình hình Afghanistan và chiến lược an ninh với quốc gia Tây Nam Á này.

Điểm nhấn của chiến lược mới bao trùm nhiều hơn Afghanistan và là một chiến lược "Nam Á đầy đủ". Hiện, Mỹ cũng duy trì một lực lượng ở Afghanistan có nhiệm vụ chiến đấu chống các nhóm khủng bố, kể cả IS và al-Qaeda.

Song song với kế hoạch tìm ra chiến lược mới ở Afghanistan, chính quyền Mỹ cũng đưa ra lời cam kết sẽ duy trì sự bảo trợ cho Afghanistan dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, đồng thời sẽ hỗ trợ quốc gia này tiến tới hòa bình, thịnh vượng và an ninh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ cam kết tiếp tục gắn bó chặt chẽ với đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và dốc thêm sức lực cho cuộc chiến cam go và khốc liệt này là điều dễ hiểu, nhưng tuyên bố đó lại đang đi ngược lại với những lời cam kết “Nước Mỹ trên hết” do Tổng thống Trump chủ xướng.

Nước Mỹ có lãng phí sức mạnh quân sự?

Phân tích về chiến lượng mới của Mỹ đối với Afghanistan, các chuyên gia nhận định, rõ ràng, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự mệt mỏi đối với cuộc chiến tranh dài hơi tại Afghanistan do cựu Tổng thống George W.Bush phát động sau sự kiện 11-9-2001. Ông Trump cũng từng đặt câu hỏi về việc liệu gửi thêm binh lính Mỹ tới Afghanistan có phải là việc làm khôn ngoan.

“Chúng ta không giành chiến thắng”, ông Trump khẳng định với các cố vấn trong cuộc họp hồi giữa tháng 7. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng hoài nghi về sự cần thiết phải điều thêm lực lượng Mỹ đến Afghanistan không phải là điều gây ngạc nhiên.

Trước cuộc gặp hồi tháng trước với các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Afghanistan, ông đã nói với các phóng viên: “Tính đến nay, lực lượng Mỹ đã có mặt tại Afghanistan gần 17 năm và tôi muốn tìm hiểu xem tại sao chúng ta lại ở đó lâu đến vậy, điều đó đang diễn ra như thế nào và chúng ta nên làm gì với những sáng kiến bổ sung”.

Trả lời câu hỏi được đưa ra trong một chuyến thăm sau đó đến Lầu Năm Góc về việc liệu ông có muốn gửi thêm quân đến Afghanistan hay không, ông Donald Trump cho biết: “Chúng ta sẽ xem xét điều đó”.

Tổng thống Donald Trump cuối cùng sẽ phải trả lời một câu hỏi: Liệu việc duy trì các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan có phải là lợi ích quốc gia của Mỹ trong dài hạn hay không? Từ đó sẽ nảy sinh thêm hàng loạt câu hỏi khác, chẳng hạn như liệu Taliban hay các nhóm phiến quân khác, trong đó có IS, đang hiện diện trong khu vực, có trực tiếp đe dọa Mỹ tới mức buộc Mỹ phải tiêu tốn thêm tiền của để tiếp tục cuộc chiến ở đây hay không?

Trong bối cảnh triển vọng về một cuộc hòa giải chính trị tại Afghanistan vẫn rất mịt mờ và hầu như không có cơ hội nào cho một chiến thắng tuyệt đối của chính quyền Afghanistan, thì quyết định về vai trò của Mỹ tại quốc gia này có thể sẽ khó có thể chấm dứt. Ngày càng có nhiều người Mỹ đồng tình với phân tích của các chuyên gia rằng, nước Mỹ đang lãng phí sức mạnh quân sự khi không đạt được kết quả gì trong những cuộc chiến không thấy hồi kết...

Có thể thấy, hiện nay, trong nhiều trường hợp, quân đội Mỹ đang được triển khai không nhằm mục đích này, mà là để thi hành một danh sách dài các nhiệm vụ chiến thuật mà chẳng mấy liên quan tới việc bảo vệ những lợi ích quốc gia thiết yếu của Mỹ. Thực tế gần đây, khi 200.000 quân nhân Mỹ đang được triển khai tại 177 nước trên khắp thế giới, các lực lượng không quân, hải quân và đặc nhiệm đã được gửi đến chiến đấu tại Yemen, Pakistan, Libya, Somalia và các nước khác ở châu Phi...

Điều đáng nói, chẳng có chiến dịch nào trong số đó tăng cường cho an ninh của Mỹ, không có một mốc chiến lược nào để có thể báo hiệu sự kết thúc thành công sứ mệnh của Mỹ.

Sự sai lệch mục đích quân sự này đã làm tiêu hao các nguồn lực quốc gia, tạo nên xu hướng luôn luôn có kẻ thù xuất hiện để chống lại các lợi ích của Mỹ, và có lẽ tồi tệ nhất là khiến các công dân Mỹ phải đổ máu vì những lợi ích mơ hồ, hoặc không phải của Mỹ.

Trong khi đó, với Afghnistan, một câu chuyện quá cũ, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lại cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây là cần thiết, chỉ bởi một lý do chung chung của các quan chức tình báo và quân sự Mỹ rằng chiến thắng của Taliban sẽ giúp al Qaeda và các nhánh IS trong khu vực thiết lập được căn cứ tại Afghanistan, từ đó tiến hành các âm mưu tấn công nhằm vào Mỹ và đồng minh.

Hoa Huyền
.
.