Mỹ muốn “chạy đua” trở thành cường quốc số 1 về vũ khí hạt nhân

Thứ Sáu, 03/03/2017, 16:45
Ngày 23-2, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ mâu thuẫn và tham vọng của mình về vũ khí hạt nhân khi nói rằng, ông muốn thấy một thế giới không vũ khí hạt nhân, trong khi kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ phải “được lấp đầy”, "đứng hàng đầu".

Với “lý luận” nước Mỹ đang bị tụt hậu về năng lực hạt nhân, ông Trump muốn phải mở rộng thêm kho vũ khí hạt nhân. “Mơ ước” của ông Trump đang khiến nước Nga và thế giới lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân mới.

Thêm vũ khí hạt nhân, thêm bất ổn

Ngay từ khi mới nhậm chức, trong cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 28-1, ông Trump gọi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) là "thỏa thuận của một bên"; hiệp ước nói trên là một "thỏa thuận tồi" đối với Mỹ và có lợi cho phía Nga.

Ông nói rằng, việc START mới quy định đến tháng 2-2018, mỗi nước phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn không quá 1.550 đầu đạn, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, cũng như việc giới hạn số tên lửa triển khai trên đất liền, tàu ngầm, máy bay ném bom có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân... đang khiến sức mạnh Mỹ bị giảm sút.

Ông Obama và Ông Medvedev ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới tháng 4-2010. Ảnh: Financial Times.

Ông Trump cho rằng nước Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân “cho tới khi thế giới đạt được những nhận thức về hạt nhân”. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 23-2, ông cho biết ông không muốn thấy nước Mỹ tụt hậu về sức mạnh hạt nhân. Ông nói tiếp: “Sẽ là một giấc mơ tuyệt vời rằng không có nước nào có vũ khí hạt nhân, song nếu các nước có vũ khí hạt nhân thì chúng ta sẽ phải ở hàng đầu trong nhóm”.

Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí - một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, nói: “Nga và Mỹ có lượng vũ khí nhiều hơn rất nhiều mức cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân do nước kia hay một nước nào khác có vũ khí hạt nhân tiến hành”. Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới, được gọi là START mới, giữa Mỹ và Nga yêu cầu tới ngày 5-2-2018 cả hai nước phải giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình ở mức ngang bằng nhau trong 10 năm.

Hiệp ước cho phép cả hai nước có không quá 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được triển khai và không được triển khai, bao gồm cả các bệ phóng và máy bay ném bom hạng nặng có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Giới phân tích đặt câu hỏi liệu ông Trump muốn bãi bỏ START mới hay sẽ bắt đầu triển khai các đầu đạn hạt nhân khác.

Ông Trump cho rằng, dưới thời ông Obama, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cũ kỹ hơn bao giờ hết. Cả các phương tiện phóng và đầu đạn đều cần được thay thế vì các thành phần và công nghệ của hệ thống đã lỗi thời. Hiện tại, tên lửa hành trình đối trọng tầm xa (LRSO), máy bay ném bom tàng hình B-21 và Chương trình răn đe chiến lược trên mặt đất (GBSD) được lên kế hoạch như những sự thay thế cho các hệ thống phóng hiện hành, nhưng những hệ thống mới này đã lỗi thời ít nhất 1 thập niên.

Trong khi Mỹ đang ở những giai đoạn đầu hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình, bất cứ thảo luận nào về việc hiện đại hóa hạt nhân toàn diện cần được diễn ra có lưu ý đến các đối thủ. Muốn vượt trội đối thủ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng cần có đủ khả năng dành 6% ngân sách quốc phòng cho một sự răn đe hạt nhân để thể hiện sự vượt trội với nhiều nước khác. Ngân sách đầu tư sẽ giúp nhanh chóng có những tiến bộ về năng lực hạt nhân, từ đó giúp tăng khả năng răn đe của Mỹ.

Đối thủ lớn

Ông Trump lo ngại Nga có kho vũ khí hạt nhân đa dạng và ghê gớm nhất trong số các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngoài một bộ ba chiến lược máy bay ném bom tầm xa được trang bị các tên lửa hành trình hạt nhân mới, các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm, cũng như các tên lửa đạn đạo liên lục địa trong hầm chứa, cơ động trên đường bộ và cơ động trên đường sắt, Nga còn sở hữu một kho vũ khí hạt nhân “chiến thuật” ước tính ít nhất là 2.000 vũ khí.

Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ưu việt hơn kho vũ khí hạt nhân của NATO về cả quy mô lẫn các lựa chọn phóng. Một vài trong số các nỗ lực hiện đại hóa của Nga là đáng lưu ý trong thời gian gần đây như việc các lực lượng tên lửa chiến lược, mà điều hành lực lượng tên lửa đạn đạo của Nga, đã triển khai một số tên lửa đạn đạo liên lục địa mới khi nó tìm cách thay thế các vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tên lửa hạt nhân Titan II của Mỹ trên bệ phóng.

Nga hiện đang thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-18 và SS-19 Mod 3 còn lại của mình - mà đã được thiết kế và triển khai gần như đồng thời với các ICBM Minuteman III của Mỹ - bằng các ICBM SS-27 Topol-M và SS-29 Yars-M, mà đã được thiết kế vào những năm 1990 và 2000. Những ICBM này có thể được phóng từ các hầm chứa và các xe mang bệ phóng tự hành (TEL) cơ động trên đường bộ hoặc đường sắt. Định vị và xác định mục tiêu các ICBM cơ động là đặc biệt khó khăn và mang lại cho người Nga một cuộc tấn công thứ hai được đảm bảo.

Năm 2020, Nga sẽ triển khai tên lửa Sarmat RS-28 mà được gọi là “kẻ hủy diệt đất nước” bởi vì nó có thể chứa 15 phương tiện tái nhập nhiệt hạch và được trang bị các hệ thống đối phó phòng thủ được thiết kế nhằm đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nga cũng đang triển khai một lớp mới tàu ngầm tên lửa đạn đạo để thay thế hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Delfin (Delta IV) của mình, mà được hạ thủy trong giai đoạn 1984-1992.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei mới, mà là tàu ngầm êm nhất Nga từng sản xuất, có thể chở được tới 16 trong số các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava SS-NX-30 mới - một vũ khí có tính chính xác và hủy diệt hơn. Với tàu ngầm lớp Borei đầu tiên đi vào hoạt động năm 2009, lớp tàu ngầm mới nhất này vẫn đang gia nhập hạm đội. 8 chiếc dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động năm 2020.

Nga cũng đang hiện đại hóa đội máy bay ném bom Bear-H Tu-95 và Blackjack Tu-160 trong khi nước này thiết kế và triển khai một máy bay ném bom tàng hình mới. Người Nga cũng đã bắt đầu triển khai một tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) hạt nhân mới. Được triển khai đầu tiên vào năm 2014, Kh-102 có thể được phóng bởi cả hai loại máy bay ném bom của Nga trong khi vẫn ở trong không phận của Nga và đến được nước Mỹ lục địa. Do độ cao mà chúng bay và tiết diện radar của chúng, Mỹ thậm chí không thể nhìn thấy những vũ khí này trước khi chúng vào được không phận của Mỹ.

Thời gian gần đây Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thiết kế đầu đạn, điều này quan trọng vì cả Mỹ và Nga đều đang trở nên ngày càng quan ngại rằng đối phương có thể phá hủy các đầu đạn đang bay tới thông qua các hệ thống phòng thủ. Các nhà thiết kế vũ khí hạt nhân của Nga đã tập trung các nỗ lực của mình vào việc đảm bảo các đầu đạn phát nổ với năng suất mong đợi và chính xác tại thời gian và địa điểm đã định.

Không chỉ Nga, ông Trump cũng cho rằng một đối thủ khiến ông lo ngại khi ông chỉ ra rằng, mặc dù Trung Quốc được cho là duy trì một kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và Nga, nhưng Trung Quốc đang duy trì một năng lực thực hiện tấn công hạt nhân ngày càng hiện đại với một bộ ba hạt nhân thích hợp với các đầu đạn hạt nhân tiên tiến. “Trái tim” của sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc được tìm thấy trong các tên lửa đạn đạo của nước này.

DF-5 (CSS-4) là một tên lửa nhiên liệu lỏng được triển khai lần đầu tiên vào giữa những năm 1980. ICBM đẩy hạng nặng này được thiết kế để sử dụng cùng một đầu đạn hiệu suất cao đơn lẻ với tầm bắn khoảng 7.000 dặm (tương đương khoảng 11.265 km) và độ chính xác khoảng ¼ dặm (tương đương 0,4 km). Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc, DF-5 dự định sẽ được thay thế bởi DF-41, một ICBM đẩy hạng nặng, sử dụng nhiên liệu đặc, mà có độ chính xác và thời gian phản ứng được cải thiện một cách đáng kể.

Tên lửa RT-2PM2 Topol-M của Nga.

Trung Quốc cũng triển khai DF-31 (CSS-9), một ICBM sử dụng nhiên liệu đặc được triển khai lần đầu tiên vào năm 2006. Trung Quốc mới đây đã nâng cấp lên một phiên bản DF-31A, mà có thể đến được Mỹ với 3 đầu đạn. Một phiên bản nữa là DF-31B, một vũ khí cơ động trên đường bộ.

Ước tính có 20 tên lửa DF-5 và 15 tên lửa DF-31 trong tình trạng sẵn sàng hoạt động ở Trung Quốc. Nếu được nạp đủ số lượng đầu đạn, Trung Quốc có khả năng phóng các vũ khí loại đương lượng nổ khoảng 105 megaton.

Ông Trump cho rằng Trung Quốc hiện đang gia tăng số lượng vũ khí trong kho dự trữ của mình từ con số ước tính khoảng 200-300 đến một con số chưa biết. Vì Trung Quốc không được cho là đang tích cực tạo thêm urani làm giàu cao hay plutoni cấp độ vũ khí, nên quy mô cuối cùng của kho vũ khí nước này có thể bị giới hạn chặt chẽ ở mức thấp hơn quy mô kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, chương trình vũ khí hạt nhân và chiến lược hạt nhân của Trung Quốc luôn là bí mật gây khó khăn cho các nhà phân tích phương Tây. Từ những cái nhìn thoáng qua có giới hạn vào chương trình này, sự tương tác với các nhà khoa học Trung Quốc và những ấn phẩm của các nhà khoa học Trung Quốc, người ta cho rằng Trung Quốc có một chương trình phát triển vũ khí sắp ngang tầm với Mỹ và Nga.

Nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang mới

Sau khi đưa ra phân tích, ông Trump cho rằng các đối thủ của Mỹ chưa bao giờ ngừng phát triển và triển khai các vũ khí hạt nhân và phương tiện phóng mới, nước Mỹ cần cân nhắc việc chi từ 6-7% ngân sách quốc phòng cho việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân, người Mỹ cần hiểu rằng các đối thủ của họ không bao giờ ngừng hiện đại hóa.

Điều này làm gia tăng mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Và theo ông Trump, cách làm của nước Mỹ là muốn ngăn chặn hiệu quả những mối đe dọa này, đòi hỏi Mỹ phải thay thế các vũ khí hạt nhân của mình, nhằm chống lại mối đe dọa.

Tổng thống Mỹ tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý cả trong và ngoài nước Mỹ khi ông tuyên bố sẽ tăng cường một khoản ngân sách khổng lồ để thực hiện chiến dịch “củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ”.

Theo Reuters, phát biểu trước Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) ở ngoại ô Washington ngày 24-2, ông Trump cho rằng, quân đội Mỹ cần tăng cường hơn nữa cả khả năng phòng thủ lẫn khả năng tấn công. Chính vì vậy, ông sẽ đưa ra một đề xuất chi tiêu lớn chưa từng có để có thể đưa nền quốc phòng của nước này trở nên "lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Đây sẽ là sự tăng cường quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 1,3 triệu quân, đồng thời duy trì gần 1.000 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với ngân sách quốc phòng hằng năm lên tới hơn 600 tỷ USD.

Trước các tuyên bố và chiến lược mới của Mỹ, các chính trị gia Nga và nhiều nước khác đã bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch và tuyên bố của Tổng thống Trump muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân, vì điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ; Mỹ và các nước khác.

Ngày 24-2, trong thông điệp gửi tới truyền thông, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga khẳng định khẩu hiệu tranh cử của ông Trump “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” nếu mang hàm ý để nước này giành quyền tối thượng về hạt nhân thì có thể đưa thế giới trở lại thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc chạy đua vũ trang những năm 50 và 60.

Theo ông Konstantin Kosachev, sau thời kì Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã nhận ra rằng, sự tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực quân sự là vô cùng nguy hiểm và việc duy trì trạng thái cân bằng là cách tốt nhất để đạt được hòa bình. 

Còn ông Alexei Pushkov, thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Thượng viện Nga nhận định, Mỹ không thể đạt được quyền tối thượng về hạt nhân. Ông Alexei Pushkov cho rằng thay vì cố gắng vượt Nga về số lượng hạt nhân, Mỹ nên tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hoặc giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác trên thế giới.

Điện Kremlin mới đây lên tiếng cảnh báo kế hoạch hạt nhân của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang. Những lo ngại của phía Nga là có cơ sở khi ngày 27-2, Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng để nâng cấp phi đội máy bay quân sự, đóng tàu, cũng như tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các tuyến hàng hải then chốt hoặc các "điểm nóng" quốc tế.

Nguyễn Hòa
.
.